Nối dài tình yêu với áo dài

Thứ Sáu, 11/03/2016, 07:40
Những ngày tháng 3 này, không khí của "Lễ hội áo dài" đã tràn ngập 2 miền Nam - Bắc, thu hút sự quan tâm của người dân cũng như nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam. Cùng với việc trình diễn áo dài, những cuộc hội thảo, tọa đàm, các cuộc thi liên quan tới áo dài đã được tổ chức với mong muốn giữ gìn và đưa vẻ đẹp chiếc áo dài truyền thống đi vào cuộc sống hiện đại. Và câu chuyện về cách tân áo dài thế nào không chạm ngưỡng phản cảm cũng được đưa vào bàn luận.


1.Có lẽ chưa khi nào "Lễ hội áo dài" được tổ chức với quy mô rộng và có nhiều hoạt động rộn rã như năm nay. Tại TP Hồ Chí Minh, sau "Lễ hội áo dài" lần 1 và lần 2 được tổ chức trong thời gian ngắn (3 ngày) và địa điểm chỉ gói gọn trong khu vực Công viên Đầm Sen thì năm nay, "Lễ hội áo dài" lần 3 với chủ đề "Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố áo dài" được mở rộng về quy mô toàn thành phố và kéo dài tới 2 tuần.

Phía Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, qua mỗi năm, các hoạt động sẽ được rút gọn phần lễ và tăng phần hội. Quan trọng nhất là thu hút và kêu gọi được người dân tham gia nhằm tôn vinh nét đẹp của tà áo dài Việt Nam, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Trong dịp này, thành phố vận động người dân mặc áo dài trong các sinh hoạt đời thường như đi làm, dạo phố, dự lễ, tiệc...Cùng với đó, nhiều hoạt động theo chủ đề về áo dài như nói chuyện chuyên đề về áo dài, triển lãm ảnh "Áo dài qua các thời kỳ", "Hội chợ áo dài", cuộc thi "Duyên dáng áo dài", trình diễn nghệ thuật "Áo dài - vẻ đẹp bất tận"...cũng đã được tổ chức.

Có lẽ, đây là lần đầu tiên, những người dân tại thành phố năng động này lại được đắm chìm vào một không gian ngập tràn sự duyên dáng, nền nã của những tà áo dài. Diễn ra trong suốt tháng 3, lễ hội hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách đến thành phố, là một trong những hoạt động tạo môi trường giao lưu văn hóa và đa dạng hơn sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch đến với TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.

“Lễ hội áo dài” tại Văn Miếu thực sự là chương trình tôn vinh vẻ đẹp của những tà áo dài Việt Nam.

Khác với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội ghi dấu ấn trong "Lễ hội áo dài" bằng đêm trình diễn đặc sắc với tên gọi "Áo dài của chúng ta" tại sân Bái đường (Văn Miếu, Quốc Tử Giám). Lấy ý tưởng từ 19 loài hoa tiêu biểu như hoa đào, hoa cúc, hoa sen, hoa phăng, hoa phù dung, hoa hồng...19 nhà thiết kế Việt Nam đã mang đến buổi trình diễn 19 bộ sưu tập áo dài độc đáo.

Với sự đa dạng về chất liệu, họa tiết của các bộ sưu tập thực sự là những tác phẩm nghệ thuật chứa đầy sự sáng tạo bay bổng của người thiết kế nhưng không làm mất đi vẻ đẹp nền nã truyền thống của những tà áo dài. Với hình thức là những câu chuyện trong mỗi gia đình Việt Nam qua các thời kỳ, "Lễ hội áo dài" 2016 gây ấn tượng bởi vẻ đẹp truyền thống xen lẫn hiện đại trong từng sản phẩm, thể hiện mong muốn giữ gìn những giá trị cốt lõi trong mỗi gia đình người Việt.

Không chỉ quy tụ dàn người mẫu chuyên nghiệp, chương trình biểu diễn còn có sự góp mặt của những em nhỏ, những người lớn tuổi và cả những người khuyết tật. Đặc biệt, mỗi bộ sưu tập đều có sự tham gia trình diễn của một số nghệ sĩ - những nhan sắc một thời như NSND Trà Giang, NSND Như Quỳnh, NSND Ngọc Lan, NSND Minh Châu... và những vị đại sứ, phu nhân đại sứ một số nước tại Việt Nam. Sự có mặt của những người mẫu không chuyên ấy cho thấy thực sự áo dài không dành riêng cho đối tượng nào mà của tất cả chúng ta. Những người phụ nữ có quyền kiêu hãnh, tự hào khi mặc trên người chiếc áo nền nã, thanh tú ấy.

2. Không thể phủ nhận, những hoạt động ấy có sức lan tỏa khá lớn trong đời sống. Chưa bao giờ phong trào mặc áo dài lại phổ biến như hiện nay. So với một số trang phục truyền thống của các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...chiếc áo dài Việt Nam ngoài nét đẹp riêng còn có lợi thế là khá tiện dụng, giá thành vừa phải nên những cô gái hoàn toàn có thể sở hữu một hay một số bộ áo dài trong tủ quần áo của mình.

Phát biểu tại lễ hội áo dài, nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng, bà rất hạnh phúc khi thấy trong dịp Tết Bính Thân vừa qua, khá nhiều người đã chọn trang phục áo dài là trang phục chính cho dịp lễ đặc biệt này.

Trang phục áo dài sẽ mãi mãi nhận được sự quan tâm của công chúng bởi nó không đơn thuần chỉ là trang phục. Đó là nét truyền thống, là văn hóa và thậm chí là tâm hồn, là tiếng nói đại diện của văn hóa dân tộc khi ra với bạn bè quốc tế. Ngay tại cuộc họp báo giới thiệu "Lễ hội áo dài" tại Văn Miếu, có khá nhiều câu hỏi xung quanh việc áo dài nên cách tân thế nào để phù hợp với cuộc sống hiện đại mà không mất đi nét truyền thống đáng tự hào?

Nhà thiết kế Minh Hạnh - đại diện cho lớp nhà thiết kế thế hệ trước thì cho rằng: "Điều quan trọng nhất là giữ được linh hồn của áo dài. Nó phụ thuộc vào tài năng, tâm hồn của những nhà thiết kế". Còn Hoa hậu Ngọc Hân - đại diện cho thế hệ nhà thiết kế trẻ thì tâm niệm: "Y phục xứng kỳ đức", việc bạn mặc chiếc áo dài thế nào sẽ bộc lộ rõ con người, tính cách, thẩm mỹ của mình".

Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện cách tân áo dài luôn là sự loay hoay của không ít nhà thiết kế. Ai cũng biết áo dài phải hội tụ những nét cơ bản như mềm mại, dịu dàng, bay bổng, kín đáo và e lệ. Tuy nhiên, vì ham cách tân, nhiều chiếc áo đã mất đi những nét đẹp cơ bản này. Thực tế cho thấy các kiểu trang trí, cắt cúp không phù hợp khiến cho tà áo truyền thống mất đi vẻ đẹp vốn có, thậm chí trở nên phản cảm trong mắt công chúng.

Chiếc áo dài nằm trong bộ sưu tập của nhà thiết kế Thủy Nguyễn trình diễn tại Italy vào đầu tháng 6 khiến dư luận xôn xao. Mặc dù là đại diện của Việt Nam nhưng các nhà chuyên môn đều cho rằng, loại vải gấm thêu họa tiết làm trang phục ấy là hàng dệt công nghiệp sản xuất đại trà của Trung Quốc. Bên cạnh đó, họa tiết rồng phượng trên vải cũng không đúng kiểu hoa văn truyền thống của Việt Nam. Chưa kể, cách tân một cách thái quá khi "cắt phéng" cổ và vai áo khiến sản phẩm trở nên lai căng, kệch cỡm.

Thậm chí nhà thiết kế Đức Hùng còn mạnh dạn cho rằng: "Đó không phải là áo dài". Đây thực sự là một bài học cho các nhà thiết kế thời trang, những người làm văn hóa khi đưa lên áo dài những hoa văn, họa tiết mang tính truyền thống hay những biểu tượng của văn hóa tâm linh của dân tộc trong những lần "đem chuông đi đấm nước người".

Thật khó có thể gọi tên trang phục này là áo dài.

Không chỉ các nhà thiết thế, một số nghệ sĩ biểu diễn - những người được ví như "đại sứ văn hóa" đã chưa thật sự ý thức khi khoác lên mình trang phục văn hóa truyền thống lâu đời và đẹp đẽ để có những lựa chọn phù hợp. Ca sĩ Hiền Thục đã bị khán giả chỉ trích khi kết hợp áo dài tà ngắn với quần short và tất lưới.

Ca sĩ Đồng Lan tự làm xấu hình ảnh của mình khi kết hợp áo dài với chân váy hoa rộng, thắt tà trước của áo dài theo kiểu váy hight - low (cao thấp) để khoe eo. Ca sĩ Mai Khôi hơn một lần khiến dư luận dậy sóng từ những phá cách vô tội vạ với áo dài của mình. Khi thì Mai Khôi mặc áo dài với quần jeans đi bốt, khi thì vạt trước được túm vào chiếc thắt lưng. Không ít nghệ sĩ khác lại khiến áo dài thở thành thảm họa khi khoét ngực áo quá sâu, vải may áo kiểu xuyên thấu để khoe da thịt...Hay những cách phối chất liệu kém tinh tế để lộ những phần nhạy cảm của cơ thể cũng là nguyên nhân khiến áo dài phá cách của các nghệ sĩ trở nên phản cảm.

Sự thiếu khéo léo, tinh tế của nhà thiết kế, tâm lý "chơi trội" của người nổi tiếng đã khiến áo dài trở thành vật tế thần cho những gì phản cảm nhất. Yêu áo dài, mặc áo dài, làm mới áo dài chứ đừng phá hoại hình ảnh áo dài đó là thông điệp mà "Lễ hội áo dài" mang đến.

Như nhà thiết kế áo dài Thuận Việt cho rằng: "Tôi luôn ủng hộ sự sáng tạo, phá cách để nét truyền thống ngày càng thích ứng hơn với xu hướng phát triển và áo dài càng được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, bản chất của áo dài là sự giản dị, mộc mạc. Không cần phải cách điệu quá mức bởi bản thân những gì thuộc về truyền thống luôn có giá trị theo thời gian".

Khánh Thảo
.
.