"Nô lệ" lượt xem

Thứ Sáu, 30/10/2020, 09:48
Trong khoảng thời gian này, nếu bạn mở một kênh thuộc hệ thống truyền hình K+, bạn sẽ khá ngạc nhiên khi gặp quảng cáo cho một bộ phim mà kênh ấy sẽ chiếu. Bộ phim ấy có tên là "Yêu miêu truyện". Tất nhiên, sự ngạc nhiên sẽ chỉ tồn tại nếu bạn thực sự quan tâm đến tiếng Việt và sự trong sáng của tiếng Việt.


"Yêu miêu truyện" là gì? Sẽ có người hiểu, sẽ có người không nhưng chắc chắn nó không phải là một thứ tiếng thuần Việt. Nôm na, đó là bộ phim nói về một con mèo thành tinh, và tên phim hoàn toàn có thể dịch thành "Chuyện yêu tinh mèo", giống như cái tên tiếng Anh của nó "Legendary of the Demon Cat" (Huyền thoại về con mèo thành tinh). Nhưng ở trường hợp này, có vẻ như ba tiếng "Yêu miêu truyện" có vẻ hấp dẫn hơn thì phải nên đơn vị phát hành và phát sóng quyết định sử dụng một cái tên rất Hán như thế.

Quay lại với quá khứ, chúng ta sẽ nhận ra rằng đã, đang và vẫn tồn tại một loạt phim ảnh được dịch tên tiếng Việt nghe rất Tàu như vậy. Điển hình như "Diên hy công lược" đình đám một thời. Đa số người Việt sẽ chẳng hiểu. Chẳng hiểu nhưng vẫn xem vì nội dung phim phù hợp với khẩu vị của họ. Thế thôi. 

Còn họ không quan tâm đến tên phim là Tàu hay Việt. Nhưng với cách nhà phát hành cứ nhồi nhét hàng loạt cái tên mĩ miều kiểu Tàu như thế vào cộng đồng, dần dần cộng đồng sẽ quen với thứ ngôn ngữ lạ tai này và cảm thấy nó trở nên bình thường. Và đó mới chính là điều đáng ngại.

Nếu mở bất kỳ một nền tảng cung cấp phim trực tuyến nào hiện nay, chúng ta sẽ thấy rõ tình trạng Hán hoá tên phim trong khi hoàn toàn có thể dịch ngay ngắn và rõ ràng ra tiếng Việt. Tại sao lại xảy ra tình trạng này? 

Nó không chỉ là sự dễ dãi của kiểm duyệt, phát hành và phát sóng, mà nó là một chủ đích của đơn vị phát hành. Họ cần lượt xem nên họ hướng tới cộng đồng khán giả vốn dĩ bị thấm đẫm trong tiểu thuyết ngôn tình, trong tiên hiệp của Trung Quốc và đã quá quen với thứ ngôn ngữ lạ tai, rổn rảng nhưng thực tế xa lạ với tiếng nói thuần thành của người Việt. Chính vì bị nô lệ của lượt xem một cách ngoan ngoãn như thế, nhà phát hành mới bơm  một loạt cái tên phim đầy chất Tàu như vậy vào thị trường như thể đó là chuyện vô cùng bình thường.

Từ sự nô lệ cho lượt xem một cách vô thức như vậy, ít ai nhận thấy rằng mình đã trở thành công cụ trong một công cuộc xâm lược văn hoá vô cùng mạnh mẽ của các lực lượng ngoại lai ngay trên quê hương xứ sở của mình. 

Và có thể, ở một không gian khác, thời gian khác, mỗi chúng ta cảm thấy lo lắng trên cương vị phụ huynh khi thấy con mình ngày càng kém trong sử dụng tiếng Việt nhưng lại khá nhuần nhuyễn với những ngôn ngữ xa lạ nhưng khi quay lại với công việc có liên quan đến chuyện phát tán các nội dung kiểu này, chúng ta lại quên ngay nỗi lo ấy chỉ để phục vụ một thứ duy nhất: số lượt xem đảm bảo doanh thu kỳ vọng.

Từ nô lệ lượt xem cho tới thất thủ và nô lệ văn hoá thực tế không có khoảng cách quá xa. Khi mà những thứ ngoại lai vốn dĩ hoàn toàn có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ để thay thế lại nghiễm nhiên chiếm "diễn đàn", nó sẽ làm thay đổi dần dần từng thế hệ. Đây cũng chính là một mặt trận rất cần đảm bảo an ninh bởi một khi đã mất đi văn hoá, chúng ta có thể mất tất.

Văn Đoàn
.
.