Niềm hy vọng từ những đạo diễn trẻ

Chủ Nhật, 03/12/2017, 08:33
Một điều chắc chắn rằng, muốn biết tương lai của một ngành, một lĩnh vực nào đó, hãy nhìn vào những người trẻ. Nỗi lo lắng "tre già măng mọc" với điện ảnh không phải không có nhưng đã ngay lập tức được xoa dịu bởi số lượng phim sản xuất mỗi năm ngày một nhiều. Và trong đó vẫn thường xuyên xuất hiện những tên tuổi mới...


Khi ta 20

Thật ngẫu nhiên khi Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 20 - con số gợi nhớ đến thời thanh xuân, trẻ trung, tràn đầy sức sống - lại được tổ chức ở Đà Nẵng - thành phố năng động, đáng sống nhất Việt Nam. Mặc dù thiếu vắng một sắc màu - đó là dòng phim nhà nước - nhưng 16 bộ phim truyện nhựa tham gia LHP năm nay đã mang đến sự tươi mới của một thế hệ đạo diễn trẻ, trong đó có nhiều đạo diễn trình làng tác phẩm đầu tay.

Bên cạnh 6 phim thuộc dòng phim nghệ thuật, 10 phim thuộc thể loại giải trí cũng đều được đánh giá cao về thẩm mỹ, nội dung và công nghệ làm phim. Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, Trưởng ban giám khảo thể loại phim truyện đã chia sẻ với báo chí cảm nhận về 16 bộ phim truyện tranh giải. Ông cho rằng, các phim được lựa chọn rất đa dạng, thể hiện bước chuyển biến mới của điện ảnh Việt Nam. Không chỉ có vậy, đó còn thể hiện nét tươi mới của một thế hệ đạo diễn trẻ trong việc khai thác các mảng đề tài đời sống xã hội hiện đại với cái nhìn đa chiều và khả năng tiếp cận, quan sát đa dạng.

Có thể nói, LHP là sự kiện phản ánh rõ nhất thực trạng của nền điện ảnh qua từng giai đoạn. Sự có mặt của những bộ phim được sản xuất bởi những đạo diễn trẻ, những đạo diễn lần đầu ra mắt công chúng tại LHP năm nay mang đến những tin vui về một thế hệ trẻ của điện ảnh Việt Nam. Hầu hết những đạo diễn này đều ở lứa tuổi 7x, 8x, thậm chí có cả 9x. Một thống kê cho thấy, số lượng các đạo diễn đang "làm mưa làm gió" hiện nay tại các phòng chiếu đều thuộc lứa tuổi 8x.

LHP Việt Nam lần thứ 20 hứa hẹn bước phát triển mới của Điện ảnh Việt Nam.

Khác với các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, điện ảnh là lĩnh vực gần như thoát ra khỏi tình trạng giải thưởng chỉ quanh quẩn thuộc về những gương mặt thân quen, những "cây đa cây đề" có tiếng trong nghề. Cũng bởi, điện ảnh có được sự thích ứng nhanh với cơ chế thị trường. Chỉ cần có kinh phí, có kịch bản được duyệt, hoàn toàn có thể sản xuất phim. Tuy nhiên, phim ảnh cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Nếu không có tài thu hút khán giả thì số tiền khổng lồ bỏ ra làm phim hoàn toàn có thể đổ xuống sông xuống bể.

Một điều chắc chắn rằng, muốn biết tương lai của một ngành, một lĩnh vực nào đó, hãy nhìn vào những người trẻ. Nỗi lo lắng "tre già măng mọc" với điện ảnh không phải không có nhưng đã ngay lập tức được xoa dịu bởi số lượng phim sản xuất mỗi năm ngày một nhiều. Và trong đó vẫn thường xuyên xuất hiện những tên tuổi mới.

Những đạo diễn trẻ hiện nay có trong tay máy móc hiện đại, cơ hội giao lưu, học hỏi với các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới và một cơ chế làm phim tương đối cởi mở. Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình khẳng định mình. Sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí trong và ngoài lĩnh vực, nhu cầu ngày càng cao và sự thay đổi trong gu thưởng thức của khán giả...

Mặc dù vậy, nhìn vào thành công của một số bộ phim gần đây đã cho thấy các đạo diễn trẻ đã rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu khán giả tạo nên những cơn sốt phòng vé. Hoặc, có những đạo diễn trẻ vẫn cần mẫn và không ngừng tìm tòi với dòng phim nghệ thuật, được giới chuyên môn đánh giá cao.

Danh sách những đạo diễn trẻ hiện nay phải kể tới những cái tên như Phan Gia Nhật Linh, Đinh Tuấn Vũ, Vũ Ngọc Phượng, Đức Thịnh, Nhất Trung, Việt Max... Một niềm vui nữa là trong khi nữ đạo diễn luôn luôn là của hiếm ở bất kỳ giai đoạn nào giờ đây chúng ta có Nguyễn Hoàng Điệp, Đặng Thái Huyền, Ngô Thanh Vân... Họ đều là những đạo diễn trẻ và có tài. Dù mỗi người một phong cách và theo đuổi niềm đam mê điện ảnh theo cách riêng của mình nhưng điểm chung là họ đã mang đến cho điện ảnh Việt Nam những tác phẩm thực sự ấn tượng.

Có người đi theo con đường của một nhà làm phim tự do, người vẫn đang công tác cho các hãng phim Nhà nước, người lại đang tập trung cho công ty riêng của mình thì với họ, khán giả luôn là đích đến cuối cùng. Có người chinh phục dòng phim thương mại, có người lại chứng minh nếu biết cách thì phim "cúng cụ" cũng có thể hút khách...

Họ đã làm nên một bức tranh điện ảnh tương đối đa sắc màu. Không quá lạc quan nhưng chúng ta có quyền hy vọng về một thế hệ những người làm điện ảnh trẻ tài năng và yêu nghề. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, họ đã thổi một làn gió mới cho nền điện ảnh nước nhà và mang đến không ít kỳ vọng về một thế hệ đạo diễn kế cận tài năng, đầy nhiệt huyết...

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: Người trẻ cần những góp ý thẳng thắn

- LHP Việt Nam lần thứ 20 năm nay có sự tham gia của khá nhiều gương mặt đạo diễn trẻ. Với Đinh Tuấn Vũ thì LHP mang lại ý nghĩa gì?

+ Tôi nghĩ LHP năm nay rất thú vị ở chỗ có rất nhiều bộ phim đầu tay của các đạo diễn (cả trẻ lẫn không trẻ). Tôi thích xem những bộ phim đầu tay bởi đó là sự cảm nhận rõ nhất khát khao của một đạo diễn cũng như hơi hướng kể chuyện mà họ sẽ theo đuổi. Năm nay các phim rất đa dạng về đề tài và thể loại. Đặc biệt, mỗi đạo diễn mang đến những cách kể chuyện khác nhau, thậm chí phải nói là rất khác nhau. Điều này tạo nên màu sắc vô cùng phong phú cho LHP.

Đối với tôi, đây đã là kỳ LHPVN thứ 3 mà mình tham dự. Bởi vậy, tôi không còn bỡ ngỡ nữa. Thay vào đó là cảm giác thân quen và thực sự cảm thấy đây là cơ hội rất tuyệt vời để được gặp các đồng nghiệp đi trước và những đồng nghiệp trẻ.

- Là đạo diễn bước đầu đã có thành công trong sự nghiệp, khi bắt đầu làm nghề, Vũ đã gặp phải những khó khăn gì để khẳng định mình?

 + Khó khăn nhất luôn là phải chứng tỏ mình, mỗi bộ phim phải tạo được dấu ấn riêng. Tôi nghĩ mỗi đạo diễn khi bắt đầu làm nghề đều sẽ tự nhận ra được mình nên theo đuổi phong cách nào và phát huy những điểm mạnh của bản thân. Chỉ có điều phát huy đến đâu và có được công chúng cũng như giới chuyên môn công nhận hay không thì lại tuỳ vào khả năng và bản năng của mỗi người. Những kiến thức trong trường luôn là nền tảng nhưng nếu chỉ có mỗi cái nền mà không tự bản thân bồi đắp nữa thì rồi chính cái nền cũng sẽ bị mòn luôn. Bởi vậy, làm phim là một quá trình phát triển dài vô tận. Với cá nhân tôi, tôi đang tận hưởng quá trình đó.

- Vũ có tự nhận thấy, thế hệ trẻ của mình có được những thuận lợi gì so với các bậc cha anh đi trước?

+ Tôi nghĩ thuận lợi lớn nhất là chúng tôi có rất nhiều kho tư liệu về phim ảnh, sách vở để tham khảo và để tự học, tự rút kinh nghiệm. Ngoài ra, công nghệ giờ đây cũng phát triển hơn rất nhiều và giúp cho trí tưởng tượng của người làm phim không còn bị bó hẹp trong khuôn khổ nào nữa. Tuy nhiên, chính sự không giới hạn của những điều đó đôi khi lại khiến người ta cảm thấy được giới hạn của bản thân mình. Rút cuộc, điều cốt yếu vẫn là phải vượt qua chính mình.

- Bản thân Vũ hay nhận được thái độ bao dung: "Trẻ mà làm được như vậy là tốt rồi" hay cái nhìn khắt khe kiểu: "Có rất nhiều thuận lợi mà chưa làm được cha anh đi trước"... Và theo Vũ, đâu là thái độ mà những người trẻ cần?

+ Thực ra những người trẻ có khát khao làm nghề mạnh lắm. Nên dù nhận được thái độ như thế nào, họ cũng sẽ đứng lên và tiếp tục thể hiện mình. Điều quan trọng nhất, theo tôi là những góp ý thẳng thắn và giúp người trẻ nhận ra được họ đã làm được gì cũng như còn thiếu sót gì. 

- Có ý kiến cho rằng, những đạo diễn trẻ hiện nay ít liên kết, chia sẻ với nhau dẫn đến ít công nhận nhau hơn, bản thân Vũ có thấy như vậy không?

+ Không. Ít ra thì tôi không như vậy. Tôi vẫn đến xem phim của các đạo diễn khác, chia sẻ sau khi xem xong và nói chuyện về phim với họ. Tính tôi khi xem được một bộ phim hay, có bắt tôi chê dở tôi cũng không thể làm được. Bởi vậy, nếu bạn thấy các đạo diễn ít công nhận nhau, chắc là do các phim chúng tôi làm chưa đủ hay để đồng nghiệp công nhận thôi.

- Đâu là cơ chế làm việc lý tưởng mà thế hệ đạo diễn trẻ đang hướng tới?

+ Thực sự những đạo diễn trẻ như tôi vẫn luôn phải tìm kiếm những nhà sản xuất phù hợp với mình. Trong một thị trường điện ảnh đang phát triển chóng mặt như Việt Nam, các nhà sản xuất cũng đang bị cuốn vào vòng xoáy phải làm phim rồi phát hành rồi lại làm phim.

Nhiều người quên rằng đầu tư cho kịch bản và quá trình tiền kỳ càng chu đáo thì phim càng dễ thành công hơn. Mà đầu tư cho những cái này lại chiếm chi phí vô cùng “rẻ” nếu so với việc “nướng tiền” vào sản xuất hay quay bổ sung vì không được chuẩn bị tiền kỳ tốt. Tôi hy vọng, trong tương lai gần, công việc tiền kỳ cho một bộ phim sẽ được đặt ở đúng vị trí của nó. Và các phim Việt ra rạp cũng sẽ được hỗ trợ tối đa để nền điện ảnh của chúng ta ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

- Cảm ơn đạo diễn Đinh Tuấn Vũ!

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: Mong mọi người hãy làm phim bình tĩnh hơn

Đạo diễn trẻ thường đối mặt với một khó khăn lớn nhất: niềm tin của nhà sản xuất và khán giả dành cho họ cơ hội đầu tiên. Không ai biết họ là ai trước đó, không có gì đảm bảo họ sẽ làm được phim - chưa nói đến việc làm được phim hay, và vì thế, họ sẽ ít có cơ hội được giao bộ phim đầu tiên. Họ cũng sẽ gặp sức ép "kinh nghiệm", khó có được sự tự do trong việc đưa ra những quyết định quan trọng cho bộ phim đầu tiên mà phải chịu sự kiểm soát từ những người có nhiều kinh nghiệm hơn.

Thế nhưng, đạo diễn trẻ có một lợi thế: họ có một tiếng nói mới, một trong những điều mà công chúng luôn luôn mong muốn tìm kiếm trong những bộ phim. Sự tươi mới của họ sẽ có thể đem đến cho khán giả sự bất ngờ trong những trải nghiệm mới. Họ cũng không bị sức ép bởi thành công hay thất bại trước đó nếu đó là phim đầu tay của họ. Và họ có thể có nhiều thời gian để ấp ủ cho tác phẩm đầu tay của mình.

Có người hỏi tôi về thành công của "Em là bà nội của anh". Tôi nghĩ thành công về doanh thu của một bộ phim luôn có yếu tố may mắn trong đó, nhưng thành công về mặt cảm xúc của một bộ phim đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng của cả một êkip làm phim. Tôi có thể tự tin nói rằng, "Em là bà nội của anh" có cả hai yếu tố đó.

Mỗi người có một định nghĩa về sự thành công của một bộ phim khác nhau. Nếu bạn đang hỏi về bí quyết làm nên thành công của một bộ phim dựa vào những con số doanh thu thì thật sự, tôi không biết bí quyết nào cả, và tôi cũng không nghĩ có một bí quyết nào cả, vì nếu có, đã không có ai làm phim thất bại phòng vé.

Về môi trường làm phim ở Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ đây là một giai đoạn sôi động của thị trường điện ảnh Việt Nam, nhưng đồng thời, sự phát triển quá nhanh trong khi nền tảng chưa vững vàng đã khiến cho ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh tệ hại gây mất niềm tin ở khán giả. Sự chụp giựt, làm vội vàng không tạo ra một môi trường lành mạnh. Tôi ước gì mọi người làm phim bình tĩnh hơn và tôi cũng cố gắng bình tĩnh hơn khi bắt tay vào mỗi dự án. Và tôi cũng mong chúng ta sớm có Luật Điện ảnh với những cập nhật mới đi kịp với thời đại, cũng như bảo vệ được người làm phim trước nạn ăn cắp bản quyền gây ra nhiều thất thoát cho việc phát triển điện ảnh.

Trở thành đạo diễn sau khi đã trải qua khá nhiều công việc khác nhau, điện ảnh quan trọng với cá nhân tôi, bởi thông qua nó, tôi tìm thấy một cách để kể câu chuyện của mình và chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ của mình với mọi người. Tuy vậy, tôi không muốn đặt ra cho mình một trách nhiệm nào, tôi muốn mọi thứ mình làm đều xảy đến một cách tự nhiên như nó vốn thế.

Kịch bản luôn luôn là điều quan trọng nhất với một dự án phim của tôi. Tôi dành nhiều thời gian để làm việc với kịch bản phim của mình cho đến khi tôi cảm thấy tự tin với nó. Đó cũng là lý do dự án phim hoạt hình dài: "Dưới bóng cây: Hành trình trở về" mà tôi đang làm đã hơn bốn năm nay vẫn trong giai đoạn làm kịch bản, để khi bộ phim ra mắt, nó phải chinh phục không chỉ khán giả trong nước, mà cả khán giả thế giới.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Thế hệ trẻ giàu đam mê

- Thưa đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, không chỉ là một đạo diễn nhiều tìm tòi, sáng tạo trong nghề, anh còn được biết tới với vai trò là người thủ lĩnh của Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển tài năng Điện ảnh Việt Nam (TPD) suốt 15 năm qua. Cơ duyên nào khiến anh gắn bó với công việc này?

+ Cách đây 15 năm, tôi hoàn thành bộ phim ngắn đầu tiên có tên là "Cuốc xe đêm". Bộ phim đã rất thành công, nó giúp tôi đến được với LHP Cannes năm 2000. Để thực hiện được bộ phim này, tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp ở như Hãng phim truyện 1, Đại sứ quán Pháp... Tôi đã nghĩ rằng cần làm cái gì đó để giúp đỡ những người làm phim trẻ vì khi đó Việt Nam chưa có một tổ chức nào làm công việc này. Trong khi những người làm phim trẻ là những người cần giúp đỡ nhất về phương pháp, tài chính, nhân lực... Mất 2 năm chuẩn bị, đến năm 2002, tôi trình bày ý tưởng này với Hội Điện ảnh. Chủ tịch Hội Điện ảnh khi ấy là thầy Trần Thế Dân rất ủng hộ. Và, TPD được ra đời. Dự án đầu tiên của TPD là "10 tháng 10 phim ngắn" với sự hỗ trợ của Quỹ Ford đã giúp đỡ các bạn trẻ làm ra những bộ phim ngắn rất thành công. Một số phim sau đó đã được trình chiếu tại các LHP lớn trên thế giới.

- Để TPD tồn tại và phát triển không ít khó khăn, ngay cả bây giờ vẫn đang đối mặt với rất nhiều trở ngại nữa, tại sao anh vẫn tiếp tục công việc chông gai của mình?

+ Ngay từ lúc TPD có sự thuận lợi nhất về mặt tài chính, sự ủng hộ của Hội Điện ảnh thì trong những hoạt động của TPD chúng tôi đã gặp không ít khó khăn. Không được học về công tác quản lý nên trong điều hành, tôi không tránh khỏi những vấp váp.

Năm 2009, khi Quỹ Ford rời khỏi Việt Nam, chúng tôi không còn nguồn tại trợ nào. Tôi cùng các đồng nghiệp quyết tâm không thể vì đó mà dừng lại. Được sự ủng hộ của Hội Điện ảnh, chúng tôi thành lập công ty để tìm kiếm nguồn tài trợ duy trì hoạt động của Trung tâm. Trong hoàn cảnh, những những quỹ văn hóa ngày càng thu hẹp lại thì TPD thực sự lẻ loi trong việc hỗ trợ phát triển điện ảnh trẻ. Nhưng chính những bộ phim của các bạn khiến chúng tôi phấn chấn bước qua những trở ngại này. Giờ đây, TPD rất tự hào khi có khá nhiều phim hay được làm bởi các bạn trẻ.

- Trong 15 năm đồng hành cùng các nhà làm phim trẻ, anh có nhận xét gì về họ?

+ Những bạn trẻ khi đến TPD đã mang đến sự trong trẻo, hồn nhiên, đam mê với điện ảnh và chính sự ngây thơ của các bạn là khối nguyên liệu quý báu để làm nên tài năng điện ảnh trong tương lai. Tôi luôn hy vọng sự thay đổi với Điện ảnh Việt Nam khi ngày càng có nhiều bạn làm phim trẻ đến và trụ lại với công việc làm phim chuyên nghiệp. Tôi tin những bạn được TPD công nhận và khuyến khích thì đều có tố chất. Còn thành công hay không còn là cả quá trình phấn đấu, thậm chí chấp nhận sự trả giá.

- Những học trò của anh có thường xuyên chia sẻ những vấn đề mà họ gặp phải trong quá trình làm nghề không?

+ Tôi vẫn thường nói với các bạn học viên ở TPD rằng tôi không muốn là một người thầy, mà chúng ta chơi trò chơi làm phim, cùng chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng. Không ít lần tôi cảm thấy vô cùng bất ngờ trước những ý tưởng của các bạn ấy. Tuy nhiên, TPD đang ngày càng hướng đến việc hỗ trợ điện ảnh chuyên nghiệp hơn, ví dụ như tăng cường các lớp chuyên ngành quay phim, biên kịch, diễn viên, những chương trình hỗ trợ làm phim tài liệu hoặc phim truyện. Các bạn trẻ hiện nay may mắn sống trong 1 kỷ nguyên mà các phương tiện nghe nhìn trở nên phổ biến tuy nhiên thành công ở làm phim không phải là có 1 cái camera tốt mà quan trọng là suy nghĩ và trải nghiệm. Chúng tôi luôn ủng hộ hết lòng và vô tư cho công việc sáng tạo của các bạn.

- Vậy theo anh, khó khăn của những người trẻ hiện nay là gì?

+ Cái khó khăn của các bạn trẻ hiện nay so với thời tôi làm phim ngắn là khó tìm nguồn tài trợ. Ngoài ra, sự dễ dãi của các phương tiện nghe nhìn cũng khiến các bạn ấy rối trí. Có bạn đến với TPD chỉ để làm vlog hoặc dựng một clip gì đó thôi. Chính các hoạt động nghe nhìn quá phổ biến khiến các bạn chơi chơi thì thích thú nhưng chuyên nghiệp, đi sâu thì nhiễu tâm, không biết mình nên làm gì khi cái gì mọi người cũng làm rồi, dễ bị ảnh hưởng của người đi trước.

- Điện ảnh Việt hiện đang có một thế hệ trẻ giàu đam mê, được học hành bài bản, cũng như có điều kiện tiếp cận với các nền điện ảnh trên thế giới, vậy theo anh, tại sao chúng ta chưa có những tác phẩm điện ảnh xứng tầm?

+ Chúng ta chưa có nền công nghiệp điện ảnh. Đáng mừng là gần đây thị trường điện ảnh Việt Nam khá phát triển, số rạp chiếu ngày càng nhiều. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Nhà nước những năm gần đây vẫn còn chưa đúng mức. Chúng ta vẫn loay hoay với câu hỏi điện ảnh Nhà nước, điện ảnh tư nhân và chưa có được sự hỗ trợ tốt nhất cho việc sản xuất phim. Nhất Để có được những bộ phim hay, xứng tầm, được công nhận tại các LHP lớn với tốc độ phát triển như hiện nay, theo tôi cần vài chục năm nữa.

- Để thế hệ trẻ có thể phát huy hết tài năng, tâm huyết của mình, theo anh cần phải có thêm những sự hỗ trợ nào nữa ạ?

+ Các bạn trẻ hiện nay hoàn toàn làm phim bởi nỗ lực cá nhân. Một loạt quỹ phát triển văn hóa nghệ thuật dừng lại nên đây thực sự là câu hỏi không biết trả lời thế nào. Theo tôi, Nhà nước nên tạo điều kiện để các bạn trẻ thuận lợi hơn trong việc làm phim. Đơn cử như các bạn trẻ sản xuất ra những bộ phim ngắn với kinh phí rất ít. Tuy nhiên, khi muốn phát hành thì kinh phí trình duyệt cũng khá đáng kể so với các bạn trẻ. Mong rằng, có sự ưu tiên nào đấy để giảm bớt chi phí cho các nhà làm phim trẻ khi mới vào nghề.

- Xin cảm ơn anh!

Thảo Duyên - Tuấn Phong (thực hiện)
.
.