Những xu hướng “chuyển mình” của nhạc trẻ Việt
- Sự trỗi dậy của những nhà sản xuất âm nhạc trẻ
- Nhạc trẻ phản ánh đời sống
- Nhạc trẻ 2018: Đón chờ làng sóng thứ tư
Những ngày gần đây, ca khúc "Anh thanh niên", sáng tác và biểu diễn HuyR gây bão trên các các trang nghe nhạc trực tuyến. Hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ của ca khúc này khiến HuyR trở thành một trong những cái tên được tìm kiếm nhiều trên mạng internet. Một lần nữa, nhạc Việt chứng kiến sự bứt phá của những "chiến binh" trẻ thuộc dòng nhạc underground. Theo nhận định của nhiều người, trong thời gian tới đây, "từ dưới lòng đất", nhiều gương mặt mới tài năng sẽ xuất hiện.
Các chiến binh mới của dòng nhạc underground sẽ chiếm lĩnh thị trường nhạc trẻ?
HuyR từng bị coi là "hiện tượng một bài", tức là chỉ tỏa sáng nhờ một bài hát rồi tắt, giống như một vài hiện tượng âm nhạc trong showbiz thời gian qua. Sau bài hát "Cô gái m52" gây được tiếng vang, HuyR dường như "lặn mất tăm". Chính vì vậy, sự trở lại của HuyR với "Anh thanh niên" lần này được nhiều fan hâm mộ chờ đón.
Một cảnh trong MV "Anh thanh niên" của HuyR đang gây được sự chú ý trong cộng đồng. |
Tuy nhiên, cũng giống như rất nhiều ca khúc của dòng nhạc underground, "Anh thanh niên" là tâm điểm của những luồng dư luận trái chiều, người khen nhiều, người chê cũng không ít. Nét nổi bật của "Anh thanh niên" là nội dung gần gũi, ca từ giản dị, đời thường, đánh trúng tâm lý của nhiều chàng trai U30 nhưng vẫn thấy mình là đứa trẻ to xác cho đến khi "bắt sóng" được cô gái xinh đẹp, khiến cuộc sống thay đổi hoàn toàn.
Giai điệu âm nhạc của "Anh thanh niên" vui vẻ, dí dỏm, dễ thương, dễ nghe nên được nhiều bạn trẻ yêu thích cũng là điều dễ hiểu. "Anh thanh niên" không phải là ca khúc xuất sắc, thậm chí là hạn chế trong cấu trúc âm nhạc nhưng thú vị và ít nhiều có màu sắc riêng.
Quan điểm trái chiều cho rằng, với "Anh thanh niên", HuyR không vượt qua được cái bóng mà chính anh tạo ra từ "Cô gái m52". Ngoài giai điệu bắt tai, dí dóm, ca khúc không mang nhiều yếu tố nghệ thuật mà thiên về thị trường, chiều thị hiếu khán giả. Nhiều người dự đoán rằng, sức sống "Anh thanh niên" sẽ không lâu bền, chỉ là hiện tượng nhất thời rồi nhanh chóng chìm nghỉm khi xuất hiện ca khúc thời thượng hơn.
Tôi cho rằng, sự trở lại của HuyR và "Anh thanh niên" một lần nữa cho thấy, dòng nhạc underground vẫn là nhân tố tiềm ẩn tạo nên những hiện tượng đáng chú ý của thị trường âm nhạc Việt. Lý giải về sức hút của các ca khúc thuộc dòng nhạc underground, có thể thấy rất rõ rằng, chủ đề ca khúc "hợp trend", tức bắt đúng gu của giới trẻ. Lời ca khúc đơn giản, không khoa trương, hoa mỹ, kết cấu ca khúc giống như kể câu chuyện. Cùng với đó là giai điệu âm nhạc đơn giản, dễ nghe, không đòi hỏi người hát phải sử dụng quá nhiều kỹ thuật thanh nhạc. Một số người cho rằng, đây cũng là xu thế của nhạc trẻ quốc tế khi ca từ ca khúc ngày càng được đơn giản hóa.
Cộng hưởng sức mạnh từ internet và các phương tiện truyền thông số, các "chiến binh" của dòng nhạc underground tiếp tục bứt phá, chiếm lĩnh thị trường nhạc trẻ. Thời gian tới, hứa hẹn sẽ xuất hiện thêm những gương mặt mới tài năng và sáng tạo. Thực tế cho thấy, dòng nhạc underground đã và đang là nơi phát hiện cho nhạc Việt những gương mặt nghệ sĩ mới. Những cái tên như Vũ, Ngọt, Đạt G, Du Uyên, Đen Vâu, Jack, K-ICM… đã mang đến làn gió mới, góp phần kiến tạo nên diện mạo mới cho nhạc trẻ Việt.
Ở một góc độ nào đó, có thể thấy rằng, sự phát triển rầm rộ của dòng nhạc underground có phần lấn át dòng nhạc chính thống. Ngay cả trong năm 2019, không nhiều ca khúc của nghệ sĩ trẻ tạo nên hiện tượng, trào lưu có sức lan tỏa trong cộng đồng. Điều này có thể sẽ mang đến cái nhìn phiến diện về thị trường âm nhạc Việt.
Dù phát triển nhưng underground không phải là dòng nhạc duy nhất và không thể đại diện cho thị trường âm nhạc Việt. Không phải nghệ sĩ nào bước ra từ dòng nhạc underground cũng thành công và có được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả.
Quá nhiều ca khúc hiện tượng, "hợp thời trang", không có nhiều giá trị nghệ thuật, quá nhiều nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật tự do, theo "bản năng" thì nền âm nhạc khó có thể phát triển. Sẽ rất đáng lo ngại nếu phần đông công chúng tung hô, tôn vinh những ca khúc "hợp thời thượng" mà "bỏ rơi" ca khúc có chất lượng nghệ thuật được đầu tư bài bản và nghiêm túc. Phải chăng, thị hiếu thưởng thức âm nhạc của cộng đồng "có vấn đề" và cần phải xem lại?
MV có ý tưởng độc, lạ sẽ lên ngôi?
Video ca nhạc (MV) tiếp tục được các nghệ sĩ lựa chọn để khẳng định tên tuổi, đánh dấu mốc trên con đường hoạt động nghệ thuật của mình. Điều này bắt nguồn từ ưu thế nổi bật của MV: đơn giản, nhanh chóng, dễ thực hiện, ít tốn thời gian, đầu tư tiền bạc ít hơn so với ra mắt album hay liveshow. Bên cạnh đó, hiện nay, gần như các nghệ sĩ đều có kênh YouTube, trang mạng xã hội riêng nên việc quảng bá sản phẩm âm nhạc ngắn như MV thuận tiện và tạo hiệu ứng tốt hơn.
Tối 6-2 vừa qua, ca sĩ Hương Giang Idol chính thức cho ra mắt MV "Tặng anh cho cô ấy", sản phẩm khép lại series MV drama (MV có câu chuyện, nội dung tình tiết dài) #ADODDA (Anh đang ở đâu đấy anh) gây sốt Vpop trong suốt 2 năm qua.
"Tặng anh cho cô ấy" tiếp nối câu chuyện của những MV trước, giải quyết toàn bộ tình tiết gây cấn còn bỏ ngỏ trong suốt series #ADODDA. Chỉ sau 5 tiếng phát hành với số view đạt đến con số gần 2 triệu, "Tặng anh cho cô ấy" chính thức là MV đạt No.1 Trending YoutTube Việt Nam nhanh nhất.
Theo dự đoán, "Tặng anh cho cô ấy" chấm dứt series MV drama của Hoa hậu chuyển giới Hương Giang đồng thời cũng có thể là "dấu chấm" cho thể loại MV này trong thời gian tới. Thể loại MV drama được ưa chuộng trong một vài năm trở lại đây. Các nghệ sĩ thường xây dựng MV như phim ngắn, có cốt chuyện và nhân vật cụ thể để minh họa, tăng thêm hiệu ứng cho ca khúc. Tuy nhiên, qua "thời kỳ đỉnh cao", theo xu thế mới, thể loại MV này sẽ giảm nhiệt.
"Đơn giản nhưng hiệu quả" sẽ là phương châm chủ đạo xây dựng MV trong thời gian tới. Trong ảnh: một cảnh trong MV "Một triệu like" của Đen Vâu và Thành Đồng. |
Đầu tư "khủng", tìm bối cảnh ở nước ngoài, sử dụng diễn viên minh họa "hot"…. không còn là yếu tố đảm bảo sức hút cho MV. Cuộc chạy đua tìm ý tưởng mới lạ, độc đáo sẽ diễn ra khốc liệt. Tất nhiên, để tìm được ý tưởng "chất" cho MV là bài toán khó, đòi hỏi nghệ sĩ phải đầu tư tâm sức, trí tuệ và cả tiền bạc.
MV "Một triệu like" của Đen Vâu với Thành Đồng, ra mắt trung tuần tháng 1/2020 là một ví dụ. MV không cầu kỳ, không có cốt truyện, chỉ là những hình ảnh theo bước chân của chàng trai lang thang một mình giữa núi rừng nhưng lại "làm nên chuyện”. Sau gần 2 ngày phát hành, MV chính thức đạt vị trí Top 1 Trending trên YouTube Việt Nam cùng 4,2 triệu lượt xem, 412 nghìn lượt thích.
"Một triệu like" được quay ở Đà Lạt với gam màu cổ điển đã mang đến cho khán giả sự chân thực cùng nhiều cung bậc cảm xúc. Chia sẻ với báo giới, Đen Vâu cho rằng, ý tưởng thực hiện MV còn đắt giá hơn nhiều số tiền đầu tư cho một sản phẩm.
Trong năm 2019, MV "Sáng mắt chưa" của Trúc Nhân được đánh giá cao nhờ sự đa sắc màu, ý tưởng độc đáo. Cũng khai thác câu chuyện về tình yêu đồng tính nhưng Trúc Nhân và ekip thực hiện đã tìm hướng đi mới hấp dẫn, lôi cuốn khán giả.
Thay vì những MV có nội dung yêu đương ướt át, bi lụy, những mối tình tay ba bế tắc không có lối thoát, "Sáng mắt chưa" kể câu chuyện đầy hài hước, mới lạ cùng lời ca khúc, giai điệu vui tươi, rộn ràng, màn vũ đạo sôi động. Điều này lý giải tại sao, "Sáng mắt chưa" thu hút tới gần 70 triệu lượt view trên YouTube cùng với nhiều lời nhận xét tích cực từ khán giả.
"Đơn giản nhưng hiệu quả" sẽ là phương châm chủ đạo xây dựng MV. Xu thế này cũng được cho là "tiệm cận" với cách làm MV ở Hollywood trong thời kỳ hiện nay. Sự đơn giản, chân thực sẽ là cách dễ nhất để "bắt sóng" cảm xúc khán giả. Hy vọng, khán giả Việt sẽ được thưởng thức những MV đầy màu sắc, có ý tưởng độc, lạ trong thời gian tới đây.