Những tự hào không đáng có

Thứ Sáu, 26/03/2021, 17:56
Sau một thời gian gián đoạn vì dịch COVID -19, giải vô địch bóng đá quốc gia 2021 (V-League) đã được tổ chức trở lại. Các sân vận động lại mở cửa, với phương châm hạn chế số lượng khán giả trong mức độ cho phép.


Và hình ảnh các khán đài của Việt Nam rợp bóng cờ đã khiến không ít người tự hào khi so sánh với các khán đài trống trơn ở các nền bóng đá hàng đầu thế giới hiện nay.

Song, có lẽ, cái tự hào ấy là thứ tự hào không đáng có. Nhìn vào cách các Ban tổ chức sân ở V-League hiện đang vận hành, không ít người cảm thấy lo ngại thực sự về nguy cơ bùng lây nhiễm ở chính các điểm nóng này.

Thực tế, ở giai đoạn cuối của V-League 2020, các sân đều mở cửa cho khán giả (số lượng hạn chế) và đã không có sự cố dịch tễ đáng tiếc nào xảy ra. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng các sân bóng an toàn với dịch bệnh và khả năng bùng phát dịch từ các khán đài không hề tồn tại.

Ở các trận đấu gần đây, việc các Ban tổ chức bán vé tại sân đã khiến một số nơi có tình trạng tụ tập rất đông người chen chúc xếp hàng mua vé. Một phóng sự ngắn của một kênh truyền hình còn cho thấy có những cá nhân đi mua vé thậm chí còn không đeo khẩu trang. Chưa hết, khán giả trên sân cũng có những người không chấp hành quy định khẩu trang một cách nghiêm túc và việc sắp xếp chỗ ngồi không đủ khoảng cách an toàn để tránh lây nhiễm.

Một câu hỏi cần được đặt ra là, tại sao sau một năm trời trải qua dịch, các CLB bóng đá vẫn chưa tiến hành triển khai bán vé qua mạng để tránh việc chen chúc xếp hàng tại sân? Thêm vào đó, tại sao việc quy hoạch chỗ ngồi lại không tiến hành theo phương pháp xen kẽ lô khán đài. 

Ví dụ, nếu lô khán đài A1 có khán giả ngồi thì lô kế bên là A2 sẽ bỏ trống. Cùng với xen kẽ lô khán đài là xen kẽ hàng ghế, dãy ghế để đảm bảo khoảng cách tối thiểu. Cách làm này không hề khó, nhưng thật khó hiểu là không một sân vận động nào chịu thực hiện.

Chúng ta có quyền tự hào khi Việt Nam đã và đang chống dịch rất tốt. Chúng ta cũng có quyền tự hào khi Việt Nam trở lại với trạng thái bình thường mới cũng rất nhanh. Nhưng trong sự tự hào đó, tinh thần đề cao cảnh giác là rất quan trọng và không nên từ tự hào mà trở nên chủ quan. Tự hào vì giải bóng đá của ta đón khán giả vào sân trong khi các giải chuyên nghiệp hàng đầu vẫn chưa thể là xứng đáng, nhưng nó chỉ xứng đáng khi chúng ta thực hiện một cách khoa học, đề cao việc phòng tránh dịch bệnh.

Ta có thể dễ dàng chỉ trích việc 5 vạn người chen chúc ở chùa Tam Chúc, nhưng ta cũng rất dễ sa vào cái bẫy như thế ở các lĩnh vực khác, mà cụ thể ở đây là bóng đá. Không ai mong điều rủi ro sẽ xảy ra, nhưng hãy tưởng tượng, nếu vô tình trong dòng người xếp hàng mua vé hoặc trên khán đài đông người có một bệnh nhân dương tính thì sao? Hậu quả sẽ lớn vô cùng và nhiều ngành sẽ phải trực tiếp giải quyết hậu quả ấy. Nói gì thì nói, các cán bộ ngành Y tế, Công an, Quân đội đã quá mệt mỏi vì 1 năm dịch bệnh rồi, xin đừng bắt họ phải thêm mỏi mệt nữa. 

Văn Đoàn
.
.