Những tín hiệu vui từ làng múa Việt Nam 2013
Làng múa có lẽ vẫn là "ngôi làng" trầm lắng nhất trong "thánh đường" nghệ thuật ở Việt Nam. Người ta nói đến múa, biết đến múa chủ yếu thông qua múa minh họa mà thời gian gần đây, múa minh họa đôi khi bị coi là "thảm họa". Tuy nhiên, trong năm 2013 đã có tín hiệu vui từ làng múa, dù còn lẻ loi và chưa sáng rõ...
Khẳng định "thương hiệu" của đội ngũ biên đạo trẻ
Đã lâu lắm rồi, kể từ khi diễn ra cuộc thi tác phẩm múa ít người không mấy thành công vào năm 2008, đến năm 2013, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam mới có được một cuộc thi "ra ngô, ra khoai" như thế. Còn nhớ, khi diễn ra cuộc thi tác phẩm múa ít người năm 2008, có những bài báo đã giật "tít" khá kêu, kiểu như "Ít người nhưng nhiều chuyện" để "nhặt sạn" trong cuộc thi. Cuộc thi Tài năng biên đạo múa trẻ 2013 được tổ chức tại hai khu vực, phía Nam tại Tp HCM và phía Bắc tại Tp Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. 61 tác giả trẻ với 67 tác phẩm dự thi cho thấy sự hùng hậu của đội ngũ biên đạo trẻ - những người thuộc thế hệ 8X, thậm chí 9X.
Những cái tên như: Hữu Từ, Thu Hà, Quỳnh Như, Ánh Tuyết, Hồng Phong, Hiền Trang, Kiều Lê, Bích Lan, Quỳnh Lan, Tuyết Minh, Chiến Thắng, Hải Tiến, Xuân Hùng, Ngọc Hiền, Lan Hương, Tấn Lộc, Như Quỳnh, Lê Hoàng Phi Long, Ngô Thanh Phương… thực sự đã góp phần tạo dựng nên diện mạo của lớp biên đạo múa trẻ tài năng, thông minh, nhanh nhạy với cái mới.
Sáng tác của đội ngũ biên đạo trẻ đã thổi làn gió mới vào sân khấu múa chuyên nghiệp. Thế mạnh của họ là sự nhanh nhạy, cái "tôi" cá nhân khá đậm nét, biết vận dụng, sáng tạo ngôn ngữ múa nước ngoài, hòa trộn với múa dân gian dân tộc để bồi đắp, làm phong phú thêm vốn múa dân gian dân tộc. Những show truyền hình thực tế về nhảy múa đã góp phần quảng bá, tạo cơ hội cho biên đạo trẻ thử sức và khẳng định tài năng của mình. Mặc dù vẫn còn nhiều điều để nói nếu so sánh biên đạo Việt với biên đạo nước ngoài nhưng có những tác phẩm của Trần Ly Ly, Tuyết Minh, Kiều Lê… đã chạm đến trái tim người yêu nghệ thuật múa.
Quảng bá múa qua truyền hình thực tế
Năm 2013 là năm nở rộ những show truyền hình thực tế về nhảy múa. Tiêu biểu nhất là "Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance", "Vũ điệu đam mê - Got to dance", "Bước nhảy hoàn vũ - Dancing with the star", "Vũ điệu xanh"… Sự xuất hiện những show truyền hình về nhảy múa đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá nghệ thuật múa với công chúng. Trong tiềm thức của nhiều người, nghệ thuật múa là một thứ gì đó rất xa vời, trừu tượng, khó hiểu nhưng qua lăng kính của truyền hình thực tế, nghệ thuật múa đã trở nên gần gũi và dễ hiểu hơn. Cây cầu nối giữa nghệ thuật múa với khán giả đang ngày được rút ngắn. "Thử thách cùng bước nhảy" vẫn là chương trình tạo được dấu ấn mạnh mẽ nhất về sự chân thật và kịch tính.
"Chuyến xe tình người" - một trong những tác phẩm đoạt giải A tại cuộc thi "Tài năng biên đạo múa trẻ" 2013. |
Mặc dù những tiết mục được trình diễn trong chương trình truyền hình thực tế không hoàn toàn là múa theo nguyên nghĩa nhưng rõ ràng, với cách tiếp cận ấy, nghệ thuật múa đang dần đến được với công chúng và được công chúng nhiệt thành đón nhận. Thông qua những chương trình truyền hình thực tế về nhảy múa như thế, cũng có thể "đo được" sự nhận thức, hiểu biết của khán giả Việt với nghệ thuật múa. Đã nhiều người phải thốt lên rằng, "phải đào tạo khán giả" bởi sự cảm tính của họ đôi khi "giết chết" những tài năng thực sự. Yêu mến nghệ thuật múa cũng như vũ công tham gia chương trình phải bắt đầu từ sự hiểu biết về nghệ thuật múa, sự trân trọng tài năng chứ không phải ở gương mặt đẹp, nụ cười duyên của "hotboy" hay "hotgirl" nào đó.
Dấu ấn múa đương đại
Mặc dù mới du nhập vào Việt Nam những năm 90 của thế kỷ trước nhưng múa hiện đại phương Tây nhanh chóng tìm được chỗ đứng và ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Hầu hết tác phẩm múa của tác giả trẻ đều sử dụng ngôn ngữ múa hiện đại phương Tây làm chất liệu để sáng tác. Điều đó đã chứng tỏ sự tiếp thu và hội nhập khá nhanh chóng của múa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Mặc dù chưa tạo nên một diện mạo rõ nét, mang phong cách riêng của múa hiện đại Việt Nam nhưng rõ ràng, những ưu điểm từ múa hiện đại phương Tây đã giúp biên đạo, nhất là biên đạo trẻ thể hiện tốt ý tưởng của mình.
Liên hoan múa với chủ đề "Châu Âu gặp châu Á trên sân khấu múa đương đại" - một sáng kiến của mạng lưới Viện Văn hóa và Đại sứ quán Châu Âu ở Hà Nội (EUNIC) phối hợp với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam tổ chức là một minh chứng đậm nét cho sự phát triển múa đương đại ở Việt Nam. Đây là lần thứ ba liên hoan được tổ chức và lần này, các tiết mục tham gia dự thi đa dạng, phong phú hơn. Nghệ sĩ múa đương đại đến từ nhiều quốc gia như Bỉ, Pháp, Anh, Israel, Nhật Bản và Việt Nam đã cống hiến cho công chúng yêu nghệ thuật bức tranh sinh động về múa đương đại. Hai sản phẩm là "Underground" (hợp tác giữa biên đạo Pháp John Bateman và biên đạo Nguyễn Anh Đức của Việt Nam), "Thắp sáng" (sản phẩm phối hợp giữa biên đạo Đức và Việt Nam) đã khẳng định, múa đương đại Việt Nam có thể theo kịp những quốc gia có nền múa đương đại tiên tiến.
Vở múa đương đại "Chạm tay vào quá khứ" của biên đạo Phúc Hải, Phúc Hùng ra mắt khán giả lần đầu tiên vào ngày 9/7/2013 tạo được ấn tượng mạnh mẽ. Với thông điệp hãy sống để không bao giờ phải hối hận về quá khứ, bằng cách sử dụng ngôn ngữ múa đương đại nhuần nhuyễn, những nghệ sĩ của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Tp HCM đã đem đến những khoảnh khắc xúc động, sâu lắng khiến khán giả phải trăn trở, suy nghĩ về giá trị đích thực của cuộc sống
Liveshow múa
Một tín hiệu đáng mừng khác trong năm nay là sự xuất hiện liveshow múa cá nhân của những tài năng trẻ. Với ca sĩ, việc làm liveshow hay minishow không phải chuyện gì quá đặc biệt, nhưng với diễn viên múa, ngay cả diễn viên tài năng nhất cũng là thứ "quá xa xỉ". Sau liveshow "Vũ" năm 2009, "Sen" năm 2011 của diễn viên Linh Nga thì đến năm 2013 mới có thêm "Ta đã ở đó" của Tạ Thùy Chi và Ngọc Anh.
Với những tác phẩm "Vượt qua giới hạn", "Ta đã ở đó", "Cố hương", Tạ Thùy Chi và Ngọc Anh đã đem đến cho khán giả yêu nghệ thuật múa một đêm diễn "mãn nhãn" về kỹ thuật, khả năng biểu diễn. "Ta đã ở đó" đưa người xem trở về với những ký ức yêu thương mà dường như đã lẩn khuất đâu đó giữa bộn bề lo toan cuộc sống thường ngày. Mặc dù còn có những điều "hơi tiếc" như các tiết mục rề rà, chưa tạo được sự "bùng nổ" cảm xúc như kỳ vọng, thiên về hoạt cảnh thiếu "chất múa"… nhưng rõ ràng, "Ta đã ở đó" là một nỗ lực đáng ghi nhận của những người trẻ dám đương đầu với thử thách để khẳng định mình, tìm chỗ đứng xứng đáng cho nghệ thuật múa.
Vươn ra thị trường quốc tế
Múa Việt Nam đang cố gắng vươn mình ra thị trường quốc tế. Sự kiện tác phẩm "Ký ức thở dài" của Đoàn múa khiếm thính "Nơi đến" do nghệ sĩ Lê Vũ Long thành lập được Nhà hát Pfalzbau (Đức) mời biểu diễn tại thành phố Ludwigshafen hồi trung tuần tháng 5 là ví dụ. Đây là tín hiệu vui cho làng múa bởi rất hiếm đoàn múa được mời sang nước ngoài biểu diễn nếu không rơi vào dịp festival hay sự kiện nào. Trước đó vào năm 2007, tác phẩm múa "Chuyện của chúng mình" do những diễn viên múa không chuyên của "Nơi đến" thể hiện cũng có chuyến lưu diễn dài ngày trên 4 bang của nước Mỹ. Liên hoan múa đương đại quốc tế - Tp HCM 2013 được tổ chức vào cuối tháng 11 có sự tham gia của 4 quốc gia Italia, Hàn Quốc, Nhật và Việt Nam. Tác phẩm múa "Sương sớm" của vũ đoàn Arabesque (Việt Nam), "Brainstorming - studio - N2" của Italia, "Áo choàng tiên nữ" của biên đạo Kaiji Moriyama (Nhật Bản), "Quay lại để trở về" của Hàn Quốc cùng những hội thảo về múa đương đại trong khuôn khổ liên hoan đã mang đến cái nhìn đa chiều về sự phát triển của nghệ thuật múa đương đại cũng như vị trí của múa đương đại Việt Nam trong dòng chảy thế giới.
Thông tin mới nhất thì "Liên hoan múa quốc tế" 2014 lần đầu tiên tổ chức sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 6 tại Huế với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật múa chuyên nghiệp trong nước và quốc tế. Đây sẽ là cơ hội để múa Việt Nam tiếp thu tinh hoa nghệ thuật múa thế giới, quảng bá nét đặc sắc của vốn múa dân tộc, hướng đến xây dựng nền nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc