Những thử thách trước vận hội mới

Thứ Năm, 29/10/2015, 15:59
"Mọi lý thuyết đều là màu xám/ Chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi". Nhiều người thuộc hai câu thơ ấy của đại thi hào Goethe, và nhiều khi vẫn vận dụng chúng trong đời sống. Đúng là nhắc đến lý thuyết, triết thuyết…, con người ta luôn cảm giác thấy sự khô khan của lý luận và họ cảm thấy những sức sống của đời mới quan trọng hơn cả, cuốn hút hơn cả, hấp dẫn hơn cả. Nhưng để sống, chúng ta vĩnh viễn không thể nào thiếu những lý thuyết, hoặc triết thuyết.

Việt Nam đang đứng trước những thử thách rất lớn. Thế giới hôm nay dường như đang đi theo một định hướng rõ rệt rằng nó sẽ vươn tới định dạng của những quốc gia vô hình chồng lấp trên những quốc gia hữu hình. Đó là những đế chế kinh tế, sẽ tồn tại như những quốc gia riêng của nó, mà lãnh thổ chính là tầm ảnh hưởng của nó trên thị trường quốc tế.

Trong khi đó, những quốc gia hữu hình lại đang trong một cuộc vặn mình chuyển đổi rất mạnh mẽ, khi dường như các nước lớn đang có những động thái ngõ hầu phân chia lại trật tự dựa trên những mâu thuẫn ở các điểm nóng khác nhau. Hoàn cảnh của Việt Nam thì ai cũng hiểu. Chúng ta không giàu tiềm lực; chúng ta không có sức mạnh kinh tế; chúng ta vẫn còn lạc hậu ở nhiều điểm. Vậy mà áp lực cạnh tranh thì mỗi ngày mỗi khốc liệt hơn, đặt các doanh nghiệp Việt vào vị thế khó khăn hơn.

Lễ tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa (ảnh chỉ có tính minh họa).

Nếu phải nhìn thẳng vào sự thật, có thể nhận thấy rằng, chúng ta vẫn có một vài doanh nghiệp có tài lực mạnh mẽ, dồi dào, đủ sức để cạnh tranh với đối thủ nước ngoài. Nhưng vấn đề không nằm ở vốn có bao nhiêu, nhân sự như thế nào mà nó nằm ở chính cái tầm vóc của bộ máy doanh nghiệp có ở tiêu chuẩn thế giới (world class) hay không? Và rất buồn khi phải thừa nhận rằng, chúng ta không có những doanh nghiệp ở đẳng cấp tiêu chuẩn thế giới ấy. Còn trong công cuộc xây dựng, hoàn thiện mình để đạt tiêu chuẩn ấy, trong số các doanh nghiệp có khả năng, bao nhiêu doanh nghiệp sẽ đạt được mục đích đây? Con số ấy, chắc cũng không nhiều.

Một trong những điều cản trở các doanh nghiệp Việt Nam lớn nhất hiện nay chính là vấn đề xây dựng một triết lý chung của cả doanh nghiệp. Trong lịch sử loài người, ta từng chứng kiến mỗi thể chế, đảng phái chính trị, tôn giáo… đều phải có một chủ thuyết riêng của mình. Nó sẽ là xương sống, là bản ngã để cộng đồng trong nó xây dựng nên nền tảng văn hóa đặc thù riêng. Và mỗi doanh nghiệp cũng cần một chủ thuyết, hay một triết lý riêng là vậy. Đơn giản, từ chủ thuyết đó, doanh nghiệp sẽ tạo ra môi trường hoạt động của nó, kiến tạo ra một nền văn hoá đặc trưng, một nền văn hóa mà khách hàng của doanh nghiệp cũng sẽ cảm thấy tự hào khi mình chính là một phần của nó.

Một câu chuyện rất hay, nhưng không nhiều người chú ý tới, dù nhân vật của câu chuyện là thần tượng của rất nhiều tín đồ trên thế giới. Đó là câu chuyện giữa Steve Jobs và Apple, doanh nghiệp mà ông khởi lập. Steve Jobs là một người yêu cái đẹp, thích mỹ thuật nói riêng và nghệ thuật nói chung. Ông khởi sự với Apple dựa trên quan điểm vững chắc của mình là công nghệ đi từ vẻ đẹp, và đi từ trái tim. Ông muốn kiến tạo ra một thế giới riêng của Apple, một thế giới công nghệ mẫn cảm và hấp dẫn. Nhưng đã có những đồng sự không thấu hiểu được triết lý ấy của ông, họ chỉ nghĩ công nghệ đơn thuần chỉ cần tân tiến là đủ. Và đã có một thời gian Steve Jobs buộc phải rời Apple, để khởi tạo hai doanh nghiệp khác mà một trong số đó là hãng phim hoạt hình nổi tiếng Pixar. Nhưng không có Jobs, Apple đã mất hẳn triết lý xương sống của mình, để rồi họ rơi vào cảnh lép vế trên thị trường và phải tìm cách để đưa Jobs trở lại năm 1997. Từ đó, Jobs, với lý thuyết không hề màu xám của mình, lý thuyết cho rằng ngoài sự tiên tiến bên trong, sản phẩm còn phải nắm bắt được xu hướng xã hội là ưa thích sự khẳng định về tính thời thượng dựa trên mỹ quan mà sản phẩm bạn sử dụng sẽ mang lại, ông đã đưa Apple đến với kỷ nguyên vàng: thống trị thị trường công nghệ thông tin.

Câu chuyện của Steve Jobs nêu bật bản chất của vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam đang mắc phải. Đó chính là một triết lý đủ thuyết phục, một triết lý được chắt lọc, một triết lý tinh tuyền của riêng mỗi doanh nghiệp. Nó mới chính là nguồn vốn dồi dào nhất, bởi nó không phải là "màu xám", nó chính là "cây đời", nó chính là vẻ đẹp, là văn hóa và thể hiện tầm văn hóa của những người sở hữu doanh nghiệp. Và vượt trên hết, nó là vũ khí không chỉ để tấn công, mà còn để phòng vệ cho doanh nghiệp trên thương trường.

Nhưng để tạo ra những triết lý đủ tầm vóc xây dựng nên văn hóa đặc trưng cho doanh nghiệp, rất cần những người chủ phải thực sự có văn hóa chứ không chỉ có trình độ đơn thuần. Mà văn hoá, nó thể hiện từ trong chính những hành vi của ta mỗi ngày, từ thái độ của ta với đời sống, với những di sản của dòng chảy lịch sử và cả những tài nguyên sẵn có hôm nay…

Hà Quang Minh
.
.