Những "nỗi sợ" cần thiết
Hằng ngày, chúng ta sợ đủ thứ: sợ chết, sợ khổ, sợ bị chê bai chỉ trích, và trên tất cả, hình như chúng ta còn sợ... sự thật. Một đứa bé sợ xa mẹ, người ra khơi sợ biển động, người phơi thóc sợ trời mưa thóc mọc mầm, người đi đường sợ nắng gắt…Đấy là chưa kể hằng ngày, các loại thực phẩm nhiễm độc, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm kém chất lượng...tới kẹo mềm, kẹo sữa chua có nguồn gốc Trung Quốc nhiễm melamine; nem, xúc xích và bánh phở có chứa formol… luôn nhan nhản ở khắp nơi, tất tần tật đều tiềm ẩn nguy cơ có hại cho sức khỏe. Thực tế ta đã ăn vô khối thực phẩm bẩn vào trong người mà không hề hay biết, nó đang hằng ngày, hằng giờ gặm nhấm huỷ hoại cơ thể ta. Bởi ta "không biết sợ" để mà tránh.
Nhiều người lại "không biết sợ" luật pháp ngay cả khi làm ăn gian dối, trục lợi: "Ngập tràn một tinh thần không biết sợ, không sợ gì và không sợ ai. Ráo riết chạy chọt vận động xin xỏ để được đề bạt, lên lương, xin bằng cấp, xin bằng khen, giấy khen, giải thưởng. Xin không được thì mua. Mua không được bằng tiền thì mua bằng nhiều tiền. Mua nhiều tiền không được thì nguyền rủa, chửi bới, bôi nhọ"("Hà Nội hướng nào cũng sông"- Hồ Anh Thái, NXB Văn nghệ, 2009).
Cuộc sống dạy chúng ta phải "biết sợ" đúng lúc, đúng chỗ. Trong ảnh: Một cảnh đua xe trái phép với những pha "biểu diễn" quá nguy hiểm. |
Đã có "không biết sợ" thì lại cũng có "biết sợ". Cuộc sống luôn ẩn chứa những khó lường, những thay đổi mà con người không thể biết hết, sợ những hiểm nguy đó cũng giống như một người đi trong rừng rậm sợ thú dữ vậy. Để từ nỗi sợ đó, ta sẽ tính toán cẩn thận và có những bước đi đúng đắn. Sợ bệnh tật, ta sẽ phải biết sợ thực phẩm bẩn mà tránh xa nó, tẩy chay nó. Sợ thất bại, ta sẽ cẩn trọng để không phải mắc sai lầm, để đi đến thành công nhanh chóng hơn. Sợ pháp luật, ta không thể nhắm mắt làm liều, làm bậy. Bởi thế mà cái sợ không phải lúc nào cũng là vô ích, vô nghĩa. Sợ để biết sống đúng mực, sợ để biết trân trọng những gì đáng quý trong cuộc đời, sợ để biết cẩn trọng hơn. Đó là cái sợ nên có trong cuộc đời.
Câu ca hài mà đúng về nỗi sợ của người đàn ông: "Ra đường sợ nhất công nông. Về nhà sợ nhất... vợ không nói gì!". Công nông là loại xe tự chế, lại chắp vá, là loại xe gây nhiều tai nạn nhất. Chưa kể gần như tất cả người lái công nông đều không có bằng lái xe nên chẳng ai hiểu gì về luật lệ. Còn đi nhậu nhẹt về nhà sợ nhất là khuôn mặt lạnh lùng của vợ, bị cắt cơm là cái chắc!
Dân gian vẫn lưu truyền câu ca: "Thứ nhất sợ kẻ anh hùng/ Thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân". Đây là một ứng xử đầy khôn ngoan. Bởi, kẻ anh hùng, với những phẩm chất cá nhân vượt ngưỡng, với chí lớn và những hành động mang kích cỡ khác thường, hoàn toàn có thể khiến cho người ta phải nể phục, phải cảm thấy mình trở nên bé nhỏ trước anh ta, thậm chí chỉ dám chiêm ngưỡng chứ không dám tới gần. Còn kẻ cố cùng, tức là kẻ không có gì, không còn gì để mất, thì có thể còn đáng sợ hơn. Đâu là cái phanh hãm cho sự điên cuồng của anh ta khi bị đẩy đến thế chân tường?
Đứng trước bàn thờ tổ tiên , ta kính cẩn chắp tay vái lạy, dường như có một nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó vẫn nằm trong tiềm thức của con người trước linh hồn của người đã khuất. Có lẽ, nỗi sợ tâm linh này có một nét gì đó tựa như đức tin tôn giáo: người ta biết sợ những thế lực vô hình và thiêng liêng. Trong chừng mực nào đó thì điều này là cần thiết, nỗi sợ ấy sẽ là cái barie, là lời cảnh báo văng vẳng trong đầu bất cứ khi nào con người đứng bấp bênh bên bờ vực của sự phạm tội.
"Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên". Đó là lời Bác Hồ trong bài nói ngày 29/12 tại kỳ họp Hội đồng Chính phủ cuối năm 1966. Lời của Bác không chỉ có ý nghĩa trong công tác lưu thông phân phối mà nhìn rộng ra, Người luôn quan tâm tới hạnh phúc của nhân dân, luôn lo lắng phấn đấu cho một tương lai được xây dựng trên nền tảng của sự công bằng, bình đẳng, hướng tới sự phát triển bền vững, một khía cạnh của văn hóa chính trị.
Kỷ niệm Quốc khánh năm nay, ngoài việc nêu lên những thành tựu, Chủ tịch Trương Tấn Sang còn bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại về tình trạng mất niềm tin. Chủ tịch viết: "Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta". Ngạn ngữ có câu: "Mất niềm tin là mất tất cả". Dù một cá nhân hay một thể chế, không có nỗi sợ nào bằng nỗi sợ mất niềm tin.
Vì thế, chính cuộc sống dạy chúng ta phải "không biết sợ" và cũng dạy chúng ta phải "biết sợ", có điều "không biết sợ" và "biết sợ" phải đúng lúc, đúng chỗ, theo hướng tích cực.
Vậy nên ta phải "học sợ" là vậy!