Những nhà văn duyên nợ với đề tài Công an

Thứ Sáu, 28/08/2015, 08:00
"Đề tài Vì an ninh Tổ quốc là một đề tài lớn và rất nhân văn. Chúng ta đừng nhìn Công an như những police- chỉ biết dùi cui và súng lục. Họ cũng là những nhân vật trí tuệ, nhân văn. Sự hy sinh của họ rất lặng lẽ, nhưng họ đã có những đóng góp không nhỏ để giữ gìn cuộc sống bình yên hôm nay".-Nhà văn Hồ Phương.

Tròn 70 năm ngày thành lập Lực lượng CAND, Bộ Công an đã tôn vinh 18 nhà văn có nhiều đóng góp cho văn học về đề tài Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Đó là các nhà văn: Triệu Huấn, Nguyên Hùng, Lê Tri Kỷ, Hữu Mai, Đặng Thanh, Lương Sỹ Cầm, Trần Diễn, Xuân Đức, Mai Thanh Hải, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Ma Văn Kháng, Văn Phan, Hồ Phương, Hữu Ước, Ngôn Vĩnh, Phùng Thiên Tân, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trần Thiết.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng bằng khen trong lễ kỷ niệm 70 năm - những trang sách vàng của Công an nhân dân tôn vinh những nhà văn viết về đề tài người lính và bình yên cuộc sống.

Bằng ngòi bút của mình, các nhà văn đã cống hiến nhiều trang viết quý, thể hiện sâu sắc chân dung người chiến sĩ Công an trên mặt trận đấu tranh gian khổ và thầm lặng của mình. VNCA mời độc giả cùng gặp gỡ một số nhà văn được vinh danh.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải: 10 năm đi tìm sự thật

Những truyện ký của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải luôn mang vẻ đẹp về con người, về cuộc sống. Dù chị viết về những nhân vật bí hiểm như các vị tướng tình báo, thì câu chuyện của chị, vẫn là những câu chuyện đời thường rất gần gụi.

Chị viết không nhiều, nhưng những tập ký của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải vượt qua khỏi câu chuyện của một thể tài tưởng chừng như hạn hẹp để sống trong lòng bạn đọc. Chị là tác giả của "Trần Quốc Hương, người chỉ huy tình báo", "Đời người xuyên thế kỷ, nhà tình báo Hoàng Đạo", và cuốn "Phạm Xuân Ẩn - tên  người như cuộc đời" từng đoạt giải A cuộc vận động viết về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Đây là một cuốn sách hấp dẫn và lôi cuốn từ trang đầu đến trang cuối, không chỉ bởi nhân vật Phạm Xuân Ẩn - một vị tướng tình báo, cuộc đời ông quá đủ để thu hút bạn đọc. Mà còn bởi, chị có một lối viết tinh tế, kỹ lưỡng trong từng chi tiết của chị đã dựng lên một tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, đến với đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống cũng rất ngẫu nhiên, bởi chị quan niệm "Nhà văn như cái nam châm, ở đâu có chuyện hay, là nó bị hút về đó. Trong cuộc chiến tranh khốc liệt giành độc lập, dân tộc ta đã hy sinh lớn lao, đã làm những việc quá sức và đã chiến thắng. Những người tình báo có mặt trong những trận "giáp lá cà" hiểm nguy. Họ có những câu chuyện hay nhất để kể.  Tôi chọn dòng văn học hư cấu trong hành trình đi tìm kiếm sự thật của mình".

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải.

Có thể nói, với tác phẩm "Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời" nhà văn Ngọc Hải đã đưa nhà tình báo tài hoa Phạm Xuân Ẩn ra "ánh sáng". Chị kể: "Điều quan trọng là thuyết phục nhân vật mở miệng nói câu chuyện về cuộc đời họ. Người thường đã khó, đây ông là nhà tình báo, một nhà báo bậc thầy, không dùng thủ thuật nghiệp vụ nào được. Đó chính là khó khăn lớn nhất khiến cho cuốn sách mỏng phải long đong 10 năm trời mới xong". Hơn nữa, chị không có nhiều tư liệu về ông (điều này chị không thể cạnh tranh được với các nhà báo phương Tây), mà quan trọng là chị có một ông Ẩn sống động hơn. Nhưng có lẽ, điều làm nên cuốn ký của nhà văn Ngọc Hải, trở thành gia tài của những trang viết về bình yên cuộc sống, đó là: "Trong số những người viết về Phạm Xuân Ẩn, bà là người hiểu rõ chủ nghĩa nhân văn của ông ấy hơn ai hết" (Lary Berman- tác giả cuốn ''Điệp viên hoàn hảo'' viết về Phạm Xuân Ẩn); "Bà là tác giả quan trọng hàng đầu về  Phạm Xuân Ẩn- cuốn sách của bà là chỉ dẫn quan trọng cho chúng tôi, những người theo bước chân bà viết về ông" (Giáo sư Thomas Bass).

Cuốn sách thu hút người đọc, bởi với nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, chị không chú trọng khai thác thành tích đơn thuần hay sự vụ giật gân, chị cũng không viết theo lối liệt kê như khai lý lịch. "Tôi rất kinh ngạc, con người thế nào mà làm được, mà sống được trong hoàn cảnh như thế? Hoàn thành được những công việc như thế". Và chị luôn chủ đích vẽ chân dung thật giống, nên chị quan tâm đến chất liệu, ngôn ngữ, suy nghĩ, lối sống. Những chi tiết đời thường, mà thông qua sự quan sát tinh tế của chị, đã làm nên một câu chuyện thú vị.

Chị kể cho tôi nghe nhiều kỷ niệm xúc động khi viết cuốn sách về vị tình báo này: "Hình ảnh cuối cùng khi tôi gặp ông ở bệnh viện trước lúc ông mất là buồn thương hơn cả. Tôi có hỏi, bây giờ, nhìn lại, còn điều gì làm anh buồn không. Ông ấy kể cho tôi chuyện đời những người phụ nữ làm nghề nuôi người bệnh để kiếm tiền nuôi gia đình. Ông bảo, còn khổ quá. Tôi nghĩ, ông có điều gì cay đắng, cả dân tộc xương máu chịu bao hiểm nguy, mà giờ vẫn còn chưa được sung sướng".

Với nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, mỗi lần viết về các vị tướng tình báo là một lần chị khám phá ra những bí mật. Những bí mật không phải ở những điều cao siêu to tát. Mà đôi khi, bí mật lại nằm ở những điều giản dị nhất. Với nhân vật Phạm Xuân Ẩn cũng vậy, điều bí ẩn nhất đối với chị nằm ngoài chuyện gián điệp. Đó là chất Nam Bộ, chất Việt Nam nằm chung chất "rất Mỹ" trong con người này. Giàu tình thương nhưng lại làm nghề... giời đày: "tình báo". Chị kể cho tôi nghe một chi tiết, khi ông Phạm Xuân Ẩn cứu trùm mật vụ Trần Kim Tuyến, nhiều người tỏ ý nghi ngờ đó là một thủ thuật nghiệp vụ, ông Ẩn làm thế để gây cơ sở sang Mỹ hoạt động tiếp. Còn Nguyễn Thị Ngọc Hải, chị tin, ông cứu vì tình thương, ở họ có một tình bạn đẹp, cứu giúp nhau nhiều trong đời rồi. Chị tin ở trực cảm của mình, một người đã nhiều năm trò chuyện, làm việc cùng ông.

Chị nói, mỗi nhân vật là một cuộc trò chuyện bất tận về cuộc đời, về đời sống. Và chị vẫn miệt mài trong hành trình tìm kiếm sự thật của mình. Chị mong rằng sẽ tiếp cận với những sự thật, những con người mang các vấn đề nóng của xã hội, của thời cuộc. Và có như thế, những trang viết về đề tài Vì An ninh Tổ quốc mới đến gần hơn nữa với bạn đọc.

Nhà văn Hồ Phương: Viết về người lính Công an từ những ẩn ức

Trong buổi lễ vinh danh 70 năm Những trang sách vàng CAND, nhà văn Hồ Phương dù đã ngoài 85 tuổi, chân bước đi khó nhọc vẫn hào hứng đến dự. Bởi với ông, những trang viết về CAND luôn có một vị trí riêng trong tâm hồn ông. Những trang viết bắt đầu từ những ẩn ức riêng.

Nhà văn Hồ Phương.

Nhà văn Hồ Phương kể rằng, ông đến với đề tài Vì An ninh Tổ quốc từ ám ảnh về cái chết của anh trai - liệt sĩ Nguyễn Văn Côn - sỹ quan tình báo trong kháng chiến chống Pháp. Ông Côn là sinh viên đại học, gia nhập Lực lượng Công an ngay từ ngày đầu Hà Nội nổ súng. Còn nhà văn Hồ Phương vào bộ đội và lên Việt Bắc. Ông Côn bị địch phục kích, bắn chết trên đường Hà Đông - Hà Nội. Lúc đó ông mới 25 tuổi, còn nhà văn Hồ Phương 20 tuổi. Phải 2 tháng sau, nhà văn Hồ Phương mới biết anh trai mình hy sinh. Cái chết của anh trai ám ảnh ông, và trong suốt những năm tháng tham gia cách mạng đó, nhà văn Hồ Phương cầm bút và viết, nhưng trong tâm hồn ông, tư tưởng ông luôn có hình bóng những chiến sĩ Công an - anh trai mình. Anh trai ông trở thành một nhân vật chủ yếu, sau hình tượng bộ đội trong các tác phẩm của nhà văn Hồ Phương.

Ông quan niệm: "Đề tài Vì an ninh Tổ quốc là một đề tài lớn và rất nhân văn. Chúng ta đừng nhìn Công an như những police- chỉ biết dùi cui và súng lục. Họ cũng là những nhân vật trí tuệ, nhân văn. Sự hy sinh của họ rất lặng lẽ, nhưng họ đã có những đóng góp không nhỏ để giữ gìn cuộc sống bình yên hôm nay".

Đỉnh cao trong các tác phẩm viết về đề tài Vì an ninh Tổ quốc của nhà văn Hồ Phương là tiểu thuyết "Yêu tinh". Bằng tâm huyết và lao động nghệ thuật, Hồ Phương một lần nữa trên hành trình sáng tạo của mình đã thành công với tiểu thuyết "Yêu tinh". "Yêu tinh" cũng vẫn tiếp mạch đề tài chống Mỹ, đề tài chiến tranh và người lính - là cảm hứng xuyên suốt trong các tác phẩm trước đó đã làm nên tên tuổi của nhà văn.

Cuốn tiểu thuyết đưa người đọc trở về bối cảnh những năm 60 của thế kỷ XX. Khi miền Bắc đang sống trong không khí xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước thì ở bên kia vĩ tuyến 17, chính quyền Mỹ - ngụy lại rắp tâm chuẩn bị kế hoạch "Bắc tiến", mà khâu quan trọng nhất là tiến hành chiến tranh gián điệp, biệt kích với mục tiêu cắm sâu trong lòng miền Bắc gián điệp, biệt kích đường dài. Trước hết, Mỹ muốn cả vùng Tây Bắc Việt Nam sẽ dần dần bị "phủ sóng CIA".

Trong cuộc chiến tranh đặc biệt ở miền Nam lúc bấy giờ, âm mưu tung gián điệp biệt kích ra miền Bắc của Mỹ - ngụy thể hiện dấu hiệu của một giai đoạn mới: từ làm tình báo, âm thầm bí mật xây dựng cơ sở tiến đến các hoạt động mang tính vũ trang. Vào đầu thập niên 60, tính quyết liệt của cuộc chiến tranh gián điệp biệt kích của kẻ địch đã có chuyển biến về chất. Hơn thế nữa, đối với người đọc, cuốn tiểu thuyết đã thực sự gieo lòng tin và sự yêu mến cảm phục trước những cống hiến, hy sinh của Lực lượng An ninh trên trận tuyến thầm lặng mà quyết liệt bảo vệ sự bình yên cho nhân dân.

Nhà văn Hồ Phương quan niệm, ông viết về Công an, trên từng trang viết là nỗi day dứt, là sự hy sinh thầm lặng của họ. Đó là những góc nhìn nhân văn về thế giới tưởng như chỉ biết đến súng đạn và chết chóc. Điều ông hướng tới trong những trang viết của mình vẫn là một cuộc sống tốt đẹp, bình yên đang chờ đợi ở phía trước.

Với "Yêu tinh", hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân đa diện, có chiều sâu, chấp nhận cống hiến và hy sinh vì "an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" đã thêm một lần khẳng định sức viết của nhà văn Hồ Phương trước một đối tượng sáng tạo đầy tiềm ẩn và lôi cuốn.

Ông nói, ông viết “Yêu tinh” để tưởng nhớ người anh của mình, viết với tất cả những thiện cảm yêu mến và trân trọng ông dành cho lực lượng Công an. Bởi dưới góc nhìn của ông, đó là một thế giới nhân văn, trí tuệ và nhiều ẩn ức. Sự hy sinh thầm lặng của họ rất đáng được tôn vinh. "Tôi mong sẽ có nhiều nhà văn đương thời viết về đề tài này, đề cập đến những vấn đề nóng hổi của đời sống hơn nữa".

Nhà văn Ma Văn Kháng: Viết về Công an như mối duyên lành

Trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, nhà văn Ma Văn Kháng đã viết hơn 20 cuốn sách, ở nhiều đề tài khác nhau. Riêng mảng đề tài Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, ông có một mối quan tâm đặc biệt. Ông là tác giả giành giải thưởng Cây bút vàng lần đầu tiên do Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an tổ chức. Ông cũng là người chịu khó đi thực tế ở các đơn vị chiến đấu trong Lực lượng Công an, tìm hiểu về cuộc chiến đấu gian khổ chống tội phạm của các chiến sĩ an ninh, các chiến sĩ Cảnh sát. Nhiều truyện ngắn hay, và sau này là tiểu thuyết hay về đề tài Vì Bình yên cuộc sống được ông thai nghén từ những chuyến đi như vậy.

Nhà văn Ma Văn Kháng.

Còn nhớ, khi hai cuốn tiểu thuyết về đề tài an ninh ra đời, gồm "Bóng đêm" và "Bến bờ", có nghiên cứu sinh đã làm luận án tốt nghiệp về yếu tố trinh thám trong 2 cuốn sách này của nhà văn Ma Văn Kháng. Một số nhà phê bình đánh giá, Ma Văn Kháng là nhà văn đầu tiên khai mở một hướng đi mới cho văn học về đề tài an ninh, một đề tài tưởng chừng như khô cứng và chật hẹp, đưa nó về với đời sống. Nhà văn bậc thầy về ngôn ngữ đã đưa đến cho bạn đọc những câu chuyện vụ án ly kỳ hấp dẫn, nhưng vượt lên trên đó là sự tái hiện đa dạng những ẩn ức sâu bên trong con người, ý chí và bản năng, tâm lý và sinh lý, cao đẹp và thấp hèn. Ông kiến giải sâu sắc về một cuộc chiến đấu khác phía bên trong mỗi người làm công tác an ninh, họ phải vượt qua những lằn ranh mong manh, những "bóng đêm" u uẩn của tâm trí mình để giữ được cốt cách của một người đứng về lẽ phải, về cái thiện.

Trong cuộc chiến với chính mình ấy, không phải lúc nào người làm công tác an ninh cũng chiến thắng. Họ có lúc đã bị khuất phục trước tiền, trước đàn bà và những ham muốn khác. Những nhà văn trẻ buổi đầu quan tâm đến đề tài Vì An ninh Tổ quốc rất cần học những bài học từ nhà văn lão làng Ma Văn Kháng. Ông tiếp cận những vụ án trên hồ sơ hay trên truyền thông, nhưng ông không bao giờ lệ thuộc vào những vụ án đó một cách máy móc. Ông sử dụng nó như một chất liệu để kể những câu chuyện về cuộc đời, về con người. Ông viết về đề tài an ninh nhưng không bao giờ bó hẹp mình trong câu chuyện đề tài, mà luôn là viết một tác phẩm văn học. Trái tim nhà văn luôn trăn trở với từng trang viết, từng số phận nhân vật, dù đó là người sĩ quan an ninh, hay kẻ phạm tội. Ông lý giải tâm lý của từng nhân vật một cách tinh tế, thấu đáo, từ đó thấy được cuộc sống phía sau của mỗi con người.

Bên cạnh sự sâu sắc uyên thâm của người cầm bút giàu kinh nghiệm, cùng với  những yếu tố đặc trưng của đề tài vốn đã hấp dẫn khiến cho tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng có một sức thu hút lớn với bạn đọc. Dù cho giai đoạn ông viết những cuốn tiểu thuyết có phong vị trinh thám này là giai đoạn sức khỏe nhà văn không được tốt, ông phải sống với căn bệnh tim và mỗi ngày phải sử dụng nhiều loại thuốc hỗ trợ, nhưng sức tưởng tượng, khả năng sử dụng ngôn ngữ, sự khéo léo tài tình trong nghệ thuật kể chuyện của ông vẫn khiến các nhà văn đồng nghiệp và công chúng ngưỡng mộ.

Nhà văn Ma Văn Kháng nói rằng, ông vẫn đặc biệt say mê đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Ở đó, thông qua những cuộc chiến khốc liệt giữa người tốt và người xấu, cái ác và cái thiện, cái cao cả và cái thấp hèn, cái phía ngoài ánh sáng và cái bên trong bóng tối, chân dung con người, chân dung cuộc đời được phản ảnh rõ nét hơn bao giờ hết. Ông vẫn luôn chắt chiu tìm kiếm tư liệu, tích lũy những hiểu biết từ những vụ án mà ông gặp trong cuộc đời, trên báo chí, hay trong lời kể của những người làm công tác an ninh, phản gián, đấu tranh chống các loại tội phạm… để  chuẩn bị cho những tác phẩm mới về đề tài này. Ông cho rằng, hiện nay số lượng nhà văn và số lượng tác phẩm viết về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống vẫn còn chưa xứng với tiềm năng và sức hấp dẫn của nó.

Các nhà văn thế hệ sau ông, nếu bỏ công sức tìm hiểu khám phá, họ sẽ nhận ra họ có thể nhặt được rất nhiều vàng, rất nhiều quặng quý trên mảnh đất này. Nhà văn Ma Văn Kháng nói, chỉ cần sức khỏe cho phép, ông sẽ lại tiếp tục cầm bút, tiếp tục đề tài mà ông say mê. Ông xứng đáng là nhà văn được tôn vinh trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập lực lượng Công an nhân dân.

Việt Hà - Quỳnh Trang
.
.