Những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới sống lập dị để sáng tạo

Thứ Ba, 10/05/2016, 08:32
Lao động văn chương hay nghệ thuật nói chung là một hoạt động đòi hỏi những nỗ lực, tài quan sát, kiên nhẫn, bền bỉ cao độ. Có nhà văn dùng lý trí trong tác phẩm, có người lại nghiêng về con tim, cảm hứng, sự bay bổng, những chi tiết đắt giá... Nhưng ở họ có chung một đặc điểm: nhiệt huyết đến ám ảnh về đề tài, nhân vật và rèn mình trong khuôn khổ để "đi cày trên cánh đồng chữ, nốt nhạc". 


Những văn hào nổi tiếng thế giới: Victor Hugo, Voltaire (Pháp), Lev Tolstoy (Nga), Mark Twain, Ernest Hemingway (Mỹ)... đã lao động không biết mệt mỏi và sung sức trong sự nghiệp để cho ra đời những tác phẩm bất hủ, những "đứa con tinh thần" vượt thời gian. Vậy họ có bí mật gì để kích thích sự sáng tạo và giữ "lửa" trong nghề?

Honoré de Balzac (1799-1850) là nhà văn hiện thực Pháp nổi tiếng thế kỷ 19 và bậc thầy của tiểu thuyết văn học hiện thực. Ông là tác giả của bộ tiểu thuyết "Tấn trò đời" với 97 tác phẩm. Balzac có thói quen làm việc nghiêm ngặt: Ông viết gần 14 tiếng và uống tới 50 cốc cà phê mỗi ngày để duy trì sức sáng tạo khủng khiếp.

Tiểu thuyết gia người Anh Charles Dickens (1812 - 1870) được xem là văn hào nổi tiếng nhất thời đại Nữ hoàng Victoria và tác giả hiện thực lớn nhất của xứ sương mù trong thế kỷ 19. Mỗi khi sáng tác, ông cần yên tĩnh tuyệt đối để không bị xao nhãng tâm trí và dòng cảm hứng không bị ngắt bởi tiếng ồn. Chưa hết, Charles Dickens không thể viết được nếu trên bàn làm việc không có năm bức tượng động vật bằng đồng, bình hoa màu xanh, lịch để bàn, mực màu xanh và bút lông.

Văn hào Mỹ Mark Twain.

Mark Twain (1835 - 1910) là nhà văn trào phúng bậc nhất của Mỹ thế kỷ 19. Ông nổi tiếng với 2 tác phẩm "Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn" và "Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer". Ông có thói quen làm việc sau khi ăn sáng, ông viết một mạch đến bữa tối mà không ăn trưa và lúc ông đang viết, tất cả các thành viên trong gia đình không ai được quấy rầy.

Voltaire (1694 - 1778) là đại văn hào, bình luận gia, nhà thần luận và triết gia người Pháp nổi tiếng. Ông để lại một di sản đồ sộ bao gồm tiểu thuyết, kịch, thơ, luận văn, các công trình nghiên cứu khoa học, sử học và nhiều cuốn sách giá trị. Ông có đặc điểm là: không ăn trưa và ăn sôcôla tới đã miệng thì thôi. Ngoài ra, để có năng lượng sáng tác dồi dào và nhiều cảm hứng sáng tạo, nhà văn thời Khai sáng uống đến 40 cốc cà phê một ngày.

Đại văn hào nổi tiếng của Pháp Victor Hugo (1802 - 1885) để lại cho đời nhiều tác phẩm kinh điển, nổi bật là hai kiệt tác từng được chuyển thể sang kịch, phim: "Những người khốn khổ", "Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà". Ông có thói quen đứng viết ở một chiếc bàn nhỏ trước gương vào mỗi buổi sáng. Quái dị hơn, ông còn cởi cả quần áo đưa cho đầy tớ cất đi để không thể ra ngoài khi chưa viết xong. Tất nhiên là ông không khỏa thân mà choàng một chiếc khăn trên thân thể khi sáng tác.

Ernest Hemingway (1899 - 1961) là nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Mỹ, từng giành được giải văn học uy tín Pulitzer của báo New York Times và giải Nobel văn học danh giá nhất hành tinh. Bạn đọc biết đến ông qua những tác phẩm nổi tiếng như "Chuông nguyện hồn ai", "Giã từ vũ khí", "Ông già và biển cả". Hemingway buộc bản thân phải viết 500 từ một ngày và dậy thật sớm viết để tận dụng không gian yên tĩnh và tránh cái nóng. Ngoài giàu sức lao động văn chương ông còn nổi tiếng dành nhiều năng lượng cho các cuộc tình. "Chuyện các bà, các cô" trong cuộc đời ông vẫn là đề tài ăn khách để các báo hiện nay khai thác.

Tác phẩm "Ba chàng lính ngự lâm" đã giúp Alexandre Dumas (1802 - 1870) trở thành huyền thoại văn học Pháp. Ông cũng là nhà văn cực kỳ sung sức với hơn 100 cuốn tiểu thuyết và gần 20 vở kịch trong cuộc đời 68 năm của mình. Bí quyết làm việc của Dumas, đó là dùng giấy màu để phân biệt các bản thảo. Ông dùng giấy màu xanh cho tiểu thuyết, màu vàng cho thơ và màu hồng cho những thứ khác và trên bàn làm việc của ông lúc nào cũng có đầy đủ các loại giấy này.

John Milton (1608 - 1674) là nhà thơ, nhà bình luận văn học, soạn giả nổi tiếng người Anh. 20 năm cuối đời, ông phải sống trong cảnh mù lòa nhưng đây cũng là thời kỳ mà tài năng của ông nở rộ nhất, để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như "Thiên đường đã mất", "Thiên đường trở lại", "Areopagitica". Ông thường làm thơ từ lúc 5 giờ sáng, phụ tá của ông sẽ đến vào lúc 7 giờ giúp ông chỉnh sửa chính tả, ghi lại bản thảo và ông duy trì thói quen này trong suốt 20 năm.

Stephen King, sinh năm 1947, là bậc thầy về truyện trinh thám, kinh dị của Mỹ và là một trong những nhà văn có sức viết sung mãn nhất thế kỷ 20. Ông ép mình phải viết 10 giờ/ ngày, kể cả những ngày lễ. Stephen làm việc từ 8 giờ sáng. Buổi tối  ông dành để đọc sách, xem ti vi, nghỉ ngơi.

Góc khuất "không ai muốn biết" về cuộc đời Lev Tolstoy

Lev Tolstoy (1828 - 1910) được biết đến là một trong các tiểu thuyết gia vĩ đại nhất trong lịch sử văn chương thế giới và hai kiệt tác nổi danh nhất của ông: "Chiến tranh và hoà bình", "Anna Karenina". Thói quen sáng tác của đại văn hào đó là mỗi khi ông làm việc, tất cả các cửa ra vào đều khóa trái để không ai làm phiền hay bị phân tán tư tưởng. Nhà biên kịch Anh Andrew Davies, người vừa chuyển thể cuốn tiểu thuyết "Chiến tranh & Hòa bình" cho loạt phim truyền hình trên kênh BBC1 đã hé lộ những sự thật kinh hoàng về văn hào Nga.

Văn hào Nga Lev Tolstoy.

Theo Andrew Davies, thời trai trẻ phóng túng, Tolstoy đã có thiên hướng tình dục với những người hầu phòng và gái quê ở vùng đất của gia tộc mà ông được thừa hưởng từ năm 19 tuổi. Ngoài sở thích chinh phục phụ nữ, Tolstoy còn là kẻ bài bạc "khét tiếng". Ông đã "đốt" rất nhiều tài sản của mình vào cờ bạc và thậm chí cả ngôi nhà nơi ông cất tiếng khóc chào đời.

Mặc dù là người có lối sống phóng đãng, song Tolstoy vẫn quyết định "an cư" và năm 34 tuổi, khi đã là một nhà văn nổi tiếng, ông quyết định kết hôn. Song ông không đếm xỉa đến người phụ nữ nông dân, mù chữ Aksinya mà Tolstoy quan hệ đã lâu, nhà văn "để mắt" tới chị em nhà Ber đang ở tuổi vị thành niên, con gái của một bác sĩ ở Moskva mà ông quen biết. Thực ra Tanya, cô gái 16 tuổi, là người mà ông mê nhất bởi cô bé rất hồn nhiên, vui tính. Song ông lại quyết định cưới Sofia.

Theo A. N. Wilson, nhà viết tiểu sử về Tolstoy, "đây là một trong những cuộc hôn nhân đau khổ nhất trong lịch sử". Trước khi kết hôn, ông đã có một hành động kỳ lạ là cho Sofia đọc hết các cuốn nhật ký của mình, trong đó ghi lại chi tiết 20 năm ăn chơi, rượu chè, cờ bạc của mình. Ông làm như vậy để cô biết mọi bí mật về ông. Sofia sốc vô cùng. Khi nhà văn đề nghị cô tha thứ cho quá khứ của ông, bà miễn cưỡng chấp nhận song thực sự không bao giờ làm được như vậy. Nhiều năm sau này, Sofia thừa nhận bà không bao giờ có thể tĩnh tâm trở lại sau khi đọc các cuốn nhật ký của chồng.

Trong tâm trí nhà văn, việc làm Sofia sinh con càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, ông muốn bà trông nom nhà cửa, tránh xa ông, ngoại trừ những lúc ông cần quan hệ tình dục. Bà bị coi là một "công dân hạng hai", bị cấm cùng chồng tới các hội khiêu vũ. Còn Tolstoy thì lại tán tỉnh và đưa cô em gái chưa chồng của Sofia là Tanya tới các lễ hội đó.

Trong một trang nhật ký khác, Sofia viết: "Nếu Tolstoy có chút thấu hiểu tâm lý mà ông ấy thể hiện trong các cuốn sách của mình, ông sẽ hiểu được nỗi đau buồn và sự tuyệt vọng của tôi". Tuy nhiên, thời gian sau này, Tolstoy phải chống chọi với những "con quỷ tâm linh", ông trở nên trầm cảm, nghi ngờ và ngày càng sống ẩn dật như người tu hành. Văn sĩ từ chối mọi sự sở hữu vật chất, chỉ mặc quần áo của người làm nông và thậm chí còn tự làm giày để đi và chẳng còn quan tâm nhiều tới việc trông nom tài sản gia đình.

Minh Trường (tổng hợp)
.
.