Những "lỗ hổng" trong công tác tổ chức cán bộ

Thứ Năm, 12/04/2018, 08:27
Việc ký hợp đồng lao động ồ ạt đối với các giáo viên tại huyện Krông Pắk dẫn đến huyện này dư thừa giáo viên rõ ràng cái sai thuộc về lãnh đạo huyện. Từ những sai sót mà bất đắc dĩ hàng trăm người đã phải lâm cảnh thất nghiệp, gây ra bi kịch cho nhiều gia đình...


Dư luận cả nước chưa lắng xuống về vụ hơn 500 giáo viên ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk rơi nước mắt khi nhận được tin bị cho thôi việc thì tuần qua lại "nóng" lên vụ 137 nhân viên y tế trực thuộc Sở Y tế tỉnh Lai Châu bị chấm dứt hợp đồng lao động với lý do sắp xếp lại tổ chức, tinh gọn bộ máy. Những con người bình thường bỗng dưng được cả nước biết đến, trở thành nổi tiếng một cách cay đắng!

Việc ký hợp đồng lao động ồ ạt đối với các giáo viên tại huyện Krông Pắk dẫn đến huyện này dư thừa giáo viên rõ ràng cái sai thuộc về lãnh đạo huyện. Từ những sai sót mà bất đắc dĩ hàng trăm người đã phải lâm cảnh thất nghiệp, gây ra bi kịch cho nhiều gia đình.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng việc bổ nhiệm thần tốc, tuyển dụng tràn lan trong thời gian qua đã lộ ra những "lỗ hổng" lớn trong công tác tổ chức cán bộ, trong hoạt động quản lý nhà nước ở ngành và lĩnh vực hiện nay và cần được lấp kín ngay để lấy lại lòng tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Từ những vụ việc sai trái cần phải công khai xin lỗi, đền bù thiệt hại cho các nạn nhân, chúng ta cũng cần nhìn một cách toàn diện để thấy ở một khía cạnh khác về trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân trong quá trình bổ nhiệm, tuyển dụng.

Những giọt nước mắt ngậm ngùi rơi trên gương mặt các cô giáo ở huyện Krông Pắk khi nghe tin bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Rõ ràng, trong việc thừa giáo viên tại huyện Krông Pắk, lỗi không phải xuất phát từ các giáo viên mà do lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện qua các thời kỳ, mặc dù họ biết rõ là thừa biên chế, nhưng vẫn "nhắm mắt để ký". Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu có việc lợi dụng chức vụ xét tuyển, ký hợp đồng để kiếm tiền, trục lợi?

Nghi ngờ đó đã không oan khi vào ngày 2-4 vừa qua, Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk đã quyết định cách các chức vụ trong Đảng, cách chức hiệu trưởng đối với ông Phan Xuân Hạnh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở xã Êa Phê vì hành vi nhận 210 triệu đồng để lo cho cô Bùi Thị Thùy Lê vào làm hợp đồng và chạy vào biên chế.

Trước đó, vào ngày 30-3, Cơ quan Điều tra - Công an huyện Krông Pắk đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Huỳnh Bê - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Mây, xã Vụ Bổn để điều tra về việc nhận 300 triệu đồng chạy việc làm. Tới đây, những vụ việc này sẽ được làm sáng tỏ. Những vị hiệu trưởng này cùng các cô giáo đưa tiền chạy việc sẽ đều đóng cả hai vai, vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân trong cùng một bi kịch.

Còn đối với 137 nhân viên y tế ở Lai Châu bị chấm dứt hợp đồng lao động là do không đạt yêu cầu trong đợt xét tuyển vào viên chức ngành y tế do tỉnh này tổ chức hồi cuối năm 2017. Họ đều thuộc diện hợp đồng lao động theo quyết định của Sở Nội vụ và Sở Y tế Lai Châu từ giai đoạn năm 2011 - 2017.

Có những người đã làm việc từ 6 tới 8 năm, được bổ nhiệm giữ các vị trí quan trọng tại các cơ quan y tế trong tỉnh Lai Châu như điều dưỡng trưởng, phụ trách trạm y tế... mà buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động. Điều đáng nói là trong quá trình làm việc, những lao động này vẫn được nâng lương theo định kỳ và bổ nhiệm vào các chức vụ của cơ quan sử dụng lao động. 

Đáng lý ra, họ phải được ưu tiên, vì từng công tác nhiều năm tại vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số phải được xét đặc cách khi tuyển dụng mà không phải tham gia thi tuyển, sát hạch như những người mới. Người phát ngôn UBND tỉnh Lai Châu cho biết: 2 sở Y tế và Nội vụ đã thực hiện trái quy định trong việc ký hợp đồng lao động thời gian qua.

Có thể nói đây là vụ việc rất nghiêm trọng, không phải chỉ ở con số 500 giáo viên, 137 nhân viên y tế sắp mất việc, mà quan trọng là cách hành xử của lãnh đạo, chính  quyền một số địa phương đang rất thiếu sự tôn sư và không coi trọng y đức. Đây là một sự tổn thương rất lớn cho cả nền giáo dục, y tế nước nhà. Đây mới chỉ là chuyện ở một huyện, một tỉnh, vậy thì trên cả đất nước này sẽ ra sao? Khi muốn cho người ta thôi việc, trước hết phải có lý do chính đáng.

Nghề y và nghề giáo là những nghề đặc thù, cao quý liên quan đến sự nghiệp trồng người và liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của tất cả chúng ta. Xin đừng để tiếng kêu cứu thống thiết của hàng trăm giáo viên, nhân viên y tế không có hồi đáp. Đừng để dư luận tiếp tục thất vọng và điều quan trọng nhất là đừng bao giờ để người dân mất niềm tin vào người lãnh đạo, vào chính quyền khi mà tiếng kêu của họ không thấu được đến ai.

Cù Tất Dũng
.
.