Những kỷ lục phù phiếm

Thứ Ba, 28/04/2015, 08:00
Trên tờ The Time số ra tuần trước có một bài viết giới thiệu về 10 bức tượng cao nhất thế giới, mà trong đó điển hình là một số bức tượng tiêu biểu như bức Christ the King ở Swiebodzin-Ba lan (cao 36m); bức Christ Blessing ở Indonesia (cao 30m); bức tượng Phật tổ ở Ang Thong - Thái Lan (92m). 

Vẫn biết sự lựa chọn đó chỉ là cảm tính về 10 bức tượng cao nhất mang tính tiêu biểu theo quan điểm của người viết bài, cũng như quan điểm của tòa soạn một tờ báo, nhưng nó khiến ta có thể bắt đầu một suy nghĩ khá thú vị khởi nguồn từ câu hỏi: "Những bức tượng đó có phải là cao nhất thế giới hay chưa?".

Xin thưa là chưa, nếu chỉ cần so hai bức tượng Christ the King và Christ Blessing ở trên. Tại Việt Nam ta, ở Vũng Tàu có một bức tượng Đức Jesus Cristo có chiều cao lên tới 32m (thân tượng) và 36m (gồm cả chân đế tượng). Bức Jesus Cristo ở Vũng Tàu, nếu xét về chiều cao thân tượng, còn cao hơn bức Cristo Redentor lừng danh ở Rio de Janiero-Brazil (30m thân tượng cộng với 8m chân đế tượng). Và cả bốn bức tượng kể trên, chiều cao đều khiêm tốn so với chiều cao 67m của tượng Phật bà ở chùa Linh Ứng - Đà Nẵng. Nhưng tại sao hai bức tượng có chiều cao kỷ lục Việt Nam ấy lại không được lọt vào danh sách bình chọn của nhiều nhà tuyển lựa thắng cảnh trên thế giới?

Câu hỏi này thực sự quá thú vị, và nó công kích thẳng vào một thói quen xấu hiện nay của người Việt ta, thói quen mà dân dã hay nói nôm na là "Việt Nam tham to".

Đơn giản, trước khi muốn to, hay cao, hay vĩ đại, hay kỷ lục, hay gì gì đi nữa, bức tượng phải được ghi nhận là một bức-tượng-đúng-nghĩa đi đã. Điều đó có nghĩa là nó phải là một tác-phẩm-điêu-khắc theo đúng các tiêu chuẩn về phong cách học, mỹ học và vô số các tiêu chuẩn khắc nghiệt khác nữa.

Ngày xưa, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từng có một câu nói nổi tiếng "qúy hồ tinh bất qúy hồ đa".

Tại sao chúng ta không cố gắng làm những thứ nhỏ thôi, càng nhỏ càng tốt, nhưng độ tinh xảo thì có thể thuyết phục bất kỳ những đối tượng nào dù khó tính nhất mà cứ dồn công của làm cái thứ vĩ đại bề ngoài để làm gì? Phải chăng, càng to, càng lớn, càng nhiều thì càng dễ đập vào mắt người ta, khiến người ta choáng ngợp, còn càng nhỏ, càng tinh xảo thì càng khiến người ta khó chiêm ngưỡng, khó cảm nhận. Cũng có thể đó là tâm thức chung của những người 'tham to', tâm thức đúng kiểu tiểu nông chém to kho mặn. Nhưng hãy nhớ rằng cái gì dù lớn nhất cũng phải được hình thành từ thứ nhỏ nhất, vi diệu nhất. Và một dân tộc, một quốc gia muốn hùng cường thì phải biết chỉn chu từ những thứ nhỏ nhất.

Làm thứ to lớn, cồng kềnh thì dễ, chứ làm thứ nhỏ nhoi, và lại tinh xảo, thì mới là điều khó. Đơn giản, như con chip điện tử, hay cái ốc vít siêu nhỏ đòi hỏi độ chính xác cao chẳng hạn, đó là những thứ chúng ta chưa làm được. Cũng như trong văn chương, âm nhạc, hay hội hoạ  vậy thôi.

Chúng ta không cần mỗi năm có cả trăm bản giao hưởng, trăm cuốn tiểu thuyết, chục bức bích họa hoành tráng mà chúng ta cần hơn một bài thơ ngắn, một mẩu truyện ngắn vài trăm chữ, một ca khúc đơn giản nhưng đủ sức phổ biến tầm vóc quốc tế, như người Hàn Quốc, người Thái Lan đã và đang làm được. Những cái nhỏ nhoi ấy (theo quan điểm của chúng ta) sẽ khiến người Việt được kính trọng hơn là những vĩ đại ồn ào mà thực tế chẳng đọng lại dấu ấn nào…

Đan Anh
.
.