Những ký họa đậm tình người trong khu cách ly

Thứ Sáu, 22/05/2020, 07:42
Ngày 25-5, sách tranh ký họa "Con đã về nhà - I'm home" của kiến trúc sư Nguyễn Tăng Quang chính thức ra mắt công chúng. Đây là những tác phẩm được anh thực hiện trong thời gian cách ly tập trung 14 ngày tại Trường Quân sự Quân khu 7, TP Hồ Chí Minh.


Bắt nguồn từ bộ tranh "Kỳ cách ly nghỉ dưỡng" đầy hóm hỉnh, hài hước gây bão trên mạng xã hội, kiến trúc sư Nguyễn Tăng Quang bắt tay cùng Nhà xuất bản Phụ nữ thực hiện sách tranh mang tên "Con đã về nhà - I'm home". Cuốn sách góp thêm một thông điệp yêu thương, lan tỏa tinh thần đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi của dân tộc Việt Nam trong những ngày đại dịch.

Ngày 25-5, sách tranh ký họa "Con đã về nhà - I'm home" của kiến trúc sư Nguyễn Tăng Quang chính thức ra mắt công chúng. Đây là những tác phẩm được anh thực hiện trong thời gian cách ly tập trung 14 ngày tại Trường Quân sự Quân khu 7, TP Hồ Chí Minh.

Bức ký họa trong bộ sách "Con đã về nhà - I'm home".

Tăng Quang là kiến trúc sư làm việc tại London, Anh. Làn sóng đại dịch Covid buộc anh phải gác lại công việc, từ giã xứ người để trở về quê hương hồi cao điểm dịch giữa tháng 3. "Những ngày đó tôi thực sự lo sợ vì vé máy bay rất khó mua, người mua được thì lại bị hủy chuyến. Đặt chân lên máy bay rồi thì lại lo, không biết mình có bị nhiễm bệnh chéo không, mình có về nước an toàn không" - anh tâm sự. Chỉ đến khi phi trường Tân Sơn Nhất dần hiện ra, họ - những Việt kiều, du học sinh, vỡ òa sung sướng, nghẹn ngào như những đứa con xa nhà nay trở về lòng mẹ.

Khi còn ở Anh, biết Quang quyết định trở về, nhiều bạn bè của anh hù dọa: "Về là bị cách ly tập trung 14 ngày đó. Không sung sướng gì đâu nhen". Tăng Quang cũng hơi ớn. Thế nên anh rất bất ngờ khi cuộc sống trong khu cách ly không ngột ngạt, gò bó như mình tưởng. Những người con xa xứ như anh được đón tiếp nồng hậu. Công tác chống dịch của Việt Nam rất bài bản, nghiêm túc.

Khu cách ly là hai tòa nhà năm tầng thoáng mát, cây cối xanh um. Trong khuôn viên còn có khu chơi thể thao, tập thể dục. Đội ngũ các y bác sĩ, chiến sĩ, tình nguyện viên tại khu cách ly hỗ trợ mọi người nhiệt tình. Nụ cười bị che lấp sau chiếc khẩu trang nhưng ai cũng cảm nhận nó hiển hiện rõ rệt trên ánh mắt, câu chào. Mọi người thương sự vất vả, tận tâm của những người nơi tuyến đầu chống dịch nên ai cũng nghiêm túc chấp hành nội quy, công tác phòng bệnh. Tăng Quang bảo đợt cách ly ấy không khác gì kỳ nghỉ dưỡng đầy thoải mái.

Học tập từ nhỏ tại Anh nên Tăng Quang thừa nhận mình sớm bị ảnh hưởng phong cách sống nhanh, sống gấp của phương Tây. Người ta không mấy quan tâm đến nhau mà chỉ lo tiến về phía trước. Hai tuần ở trại cách ly, ngày ngày không phải lo nghĩ, Quang được một lần sống chậm để chứng kiến những điều bình dị của tình người.

Anh thư thái ngắm nhìn mọi người sinh hoạt, vui chơi, học tập. Tại khu cách ly, có khoảng 1.000 người trở về từ các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ… Anh cảm động khi sáng tối, các chiến sĩ vất vả leo lên, leo xuống 5 tầng lầu để đến từng phòng phát đồ ăn, nhu yếu phẩm. Thậm chí nếu thiếu đồ ăn, họ sẵn sàng nhường cho người cách ly mà không hề than phiền.

Quang cũng chứng kiến cảnh các chiến sĩ lót tạm bìa carton làm chiếu để ngủ. Mỗi lần ai nhận được kết quả âm tính và chuẩn bị rời trại, họ đều được y bác sĩ, chiến sĩ đến phòng chúc mừng và phát quà chia tay. Trong số đó, Tăng Quang nhớ mãi anh chiến sĩ tên là Huỳnh Dương tặng móc khóa 12 con giáp xinh xinh cho mọi người. Anh cũng chứng kiến những cuộc gọi vội vã của người lính trẻ cho vợ con, của cô bác sĩ cho mẹ già giữa phút nghỉ ngơi. Những hình ảnh ấy in đậm trong tâm trí Tăng Quang để anh vẽ nên những bức ký họa đầu tiên.

Ở trong trại, rảnh rỗi, Quang vẽ tranh tặng các thiên thần chống dịch và chọc cười những người bạn cùng phòng. Anh ký họa lại cuộc sống thường nhật, khoảnh khắc hài hước, vui tươi, ánh lên tinh thần lạc quan của mỗi người Việt Nam. Trong đó, hình ảnh đội ngũ y tế, chiến sĩ là điểm nhấn của loạt ký họa. Đó là cảnh chiến sĩ đi phát nhu yếu phẩm, đo thân nhiệt cho mọi người. Đó là cảnh chiến sĩ gom rác, dọn dẹp vệ sinh dưới trời phương Nam nắng như đổ lửa. Đó là cảnh những người cách ly tập thể dục, chạy bộ vào sớm mai. Đó là thời khắc chia tay với những món quà, lá thư cảm ơn đến đội ngũ chống dịch. Giọt nước mắt rơi ướt khẩu trang bởi sự cảm kích, biết ơn.

Kiến trúc sư Tăng Quang.

Không ngờ tranh của Tăng Quang được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Họ nài anh vẽ thêm cho đến ngày ra trại. Mỗi ngày Quang vẽ khoảng 5 bức, một bức một tiếng đồng hồ. Ngoài số tranh đem tặng, Quang còn đưa tranh lên Facebook cá nhân nhằm giúp người Việt xa xứ hiểu đúng về công tác phòng chống dịch tại quê hương để không hoang mang, lo lắng khi quyết định về nước tránh dịch.

Chỉ trong một thời gian ngắn, bộ ký họa "Kỳ cách ly nghỉ dưỡng" gây bão mạng, thu hút hơn 40 ngàn lượt thích và chia sẻ.  Không ít trong số đó còn vinh dự được lên báo chí quốc tế. Bộ tranh lay động, cuốn hút bởi nét vẽ sinh động, nội dung nhân văn, chân thật, lời dẫn hồn nhiên, dí dỏm gửi gắm tinh thần lạc quan chiến thắng.

Từ sức cuốn hút của bộ ký họa, cuối tháng 4, đại diện NXB Phụ nữ đã liên hệ hợp tác với Tăng Quang để in thành sách. Anh cho biết: "Lúc ở trong khu cách ly, vì vẽ giải khuây nên tôi thấy gì vẽ đó, không chủ ý sắp xếp tranh theo mạch câu chuyện nào. Vì vậy để cuốn sách dày dặn 120 trang, có ý tứ hẳn hoi, tôi phải gấp rút vẽ thêm 20 bức nữa. Do đã rời khu cách ly nên để vẽ được những bức này, tôi phải cố gắng hình dung lại cảnh tượng, những kỷ niệm trong thời gian đó".

Cuốn sách tranh được đặt tên "Con đã về nhà - I'm home" - cái tên mang nặng nỗi niềm của những đứa con viễn xứ như Tăng Quang. Giữa nguy nan, phong ba thì quê hương chính là nhà. Ở đó luôn sẵn lòng đón đợi với tấm lòng bao dung chan chứa. "Sau bao nhiêu khát vọng bay nhảy của tuổi trẻ, những biến cố cuộc sống giúp chúng con càng thêm yêu và trân quý sự thiêng liêng, ấm áp của hai tiếng "gia đình", "Tổ quốc" và sự biết ơn dành cho những người đã yêu thương chúng con vô điều kiện. Hồi trước, khi nghĩ về "về nhà", con chỉ hình dung đến việc trở về bên gia đình, cha mẹ. Sau trải nghiệm lần này, với con, "nhà" có thể bao quát hơn rất nhiều, đó là nơi có tình yêu, sự chia sẻ và quan tâm vô điều kiện giữa người với người" - Tăng Quang chia sẻ trong sách.

Bên cạnh các bức ký họa là phần chú giải song ngữ Việt - Anh tỉ mỉ, dí dỏm do các du học sinh đã từng sống tại khu cách ly cùng Tăng Quang thực hiện. Đây là một tác phẩm ghi dấu ấn khó quên, khắc họa tinh thần đoàn kết, nhân hậu của người Việt Nam trong những ngày thế giới oằn mình chống chọi đại dịch COVID. Tác phẩm này cũng là món quà tri ân dành tặng các chiến sĩ, bộ đội, y bác sĩ đã tham gia vào tuyến đầu chống dịch. Sau khi ra mắt, sách sẽ được Quỹ Tình Thương (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) phát hành rộng rãi nhằm gây quỹ hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID -19.


Phan Thi Uyên
.
.