Những hi vọng từ bên trong

Thứ Năm, 22/12/2016, 09:09
Cuối tuần trước, có một thông tin mà có lẽ ít người trong số chúng ta lưu tâm đến, nhưng lại là một thông tin quan trọng, và lạc quan, tích cực. Đó là việc 2.000 chú vịt biển giống vịt 15-Đại Xuyên đã được trao tặng cho quân dân huyện đảo Trường Sa. 


Giống vịt 15-Đại Xuyên này đã chính thức được công nhận là giống bản địa thuần hoá sau hơn 10 năm được nghiên cứu, cải tiến và nuôi thí điểm ở nhiều địa phương. Vậy là ở đảo, từ nay đã có thể ít nhất chủ động được nguồn thực phẩm từ gia cầm, thứ mà ai đã từng ở đảo đều hiểu rằng còn quý hơn vàng.

Nhận thông tin trao tặng 2.000 chú vịt biển giống này cho Trường Sa, tôi lập tức tìm cách để liên lạc với Nguyễn Hồng, chàng trai sinh năm 1981, người đã bỏ việc ở một ngân hàng sau 8 năm gắn bó để mang giống vịt biển Đại Xuyên này ra Phú Quốc nuôi thử nghiệm.

30 tháng ở Phú Quốc là 30 tháng vất vả và vất vả càng nhân lên nhiều lần khi Hồng không phải người "trong nghề". Hồng học công nghệ thông tin. Vậy mà Hồng vẫn lao đầu vào dự án mà nhiều người sẵn sàng nhận xét là "điên rồ" ngay cả khi người thực hiện là một kỹ sư nông nghiệp.

Ở Phú Quốc, cám rất đắt, theo Hồng nói, vào khoảng 12 ngàn đồng/kg. Đã thế lại còn nạn cám giả. Những bà con đầu tiên theo đuổi dự án cùng Hồng thậm chí còn trả lại con giống, và Hồng đã phải suy nghĩ cách để duy trì và phát triển, như một ước mơ để đời. Cậu nghĩ đến những nguồn thức ăn có sẵn, như rau muống biển, hải sản tự nhiên như cá vụn, ốc vụn, vốn dĩ chỉ có giá cỡ 6-7 ngàn đồng/ kg. Để rồi vịt biển đã sinh sôi nảy nở ở Phú Quốc, không những đạt yêu cầu ban đầu mà còn vượt quá mong đợi khi chúng được nuôi dưỡng bằng thức ăn tự nhiên và có thể được coi là thực phẩm sạch hoàn toàn.

2.000 chú vịt biển giống vịt 15-Đại Xuyên đã được Viện Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT trao tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.

Nhưng cái được của Hồng không phải chỉ là việc nuôi thành công vịt biển Đại Xuyên ở môi trường tự nhiên ngoài đảo Phú Quốc, hay mang nó hướng dẫn cho nông dân nhiều địa phương, từ Cà Mau, Đồng Tháp cho tới Hải Phòng… mà còn nằm ở chỗ, 3 năm gắn bó với dự án vịt biển ở Phú Quốc, Hồng ghi chép tỉ mỉ nhật ký chăn nuôi, đóng gói nó thành quy trình.

Quy trình đó, như một cẩm nang quý báu, Hồng không giữ rịt lấy cho mình. Cậu thanh niên 35 tuổi gửi lại cho Trung tâm Đại Xuyên, nơi mang giống vịt biển về Việt Nam thí điểm và cũng là nơi chuyển những con giống đầu tiên cho Hồng vào Phú Quốc, với lời nhắn nhủ: "Hãy truyền lại cho bà con nông dân và nhất thiết phải gửi ra Trường Sa".

Với những gì Hồng cặm cụi làm 3 năm qua, chúng ta phải khẳng định rằng họ đã vượt xa cái ngưỡng của thứ khái niệm thời thượng là "khởi nghiệp" để đạt đến cảnh giới của "kiến tạo sự nghiệp" cho rất nhiều người.

Tự làm, tự nghiên cứu, đầu tư vất vả và khổ sở, khi thành công lại không giấu bí quyết để làm giàu mà sẵn sàng sẻ chia cho đồng bào với một điều kiện "khi thành công, phải cam kết chia sẻ cho bà con xung quanh mình cùng làm và chủ động giảm sản lượng của mình lại ở mức kiểm soát để tránh tình trạng mất giá.

Và hơn nữa, khi nuôi phải kiểm soát số lượng, không được nuôi mật độ lớn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước, mất cân bằng sinh thái". Những điều kiện cam kết mà Hồng giao hẹn cho bà con ấy cho thấy, cậu dù không được công nhận bằng giấy tờ là một nhà khoa học, nhưng cậu đang thực hành đúng theo phương pháp của nhà khoa học hiện đại, phương pháp trân trọng và yêu quý môi trường sống xung quanh mình.

Nhắc đến Hồng, không thể không nhắc đến những cán bộ khoa học ở Trung tâm Đại Xuyên, những người mà 10 năm trước nghĩ đến việc nhập giống vịt biển vốn dĩ quen sống ở khí hậu ôn đới để thuần hoá nó ở Việt Nam. Họ là những tiến sỹ, kỹ sư thực sự, những nhà khoa học lao vào nghiên cứu chứ không phải bằng những công trình vô bổ trên các tập giấy A4 vô hồn.

Họ là Tiến sỹ Nguyễn Văn Duy; là chị Nghĩa, những người mà Hồng nói là "rất yêu con vịt biển". Và ai nhắc đến tên họ đây? Họ không cần điều đó. Họ chỉ cần giống vịt biển ấy phát triển được, cân bằng và được nuôi với ý thức kiểm soát tốt, như cách Nguyễn Hồng nói "giữ sạch môi trường nước, nuôi vịt còn được cả tôm cá anh ạ".

Tổ quốc chúng ta luôn cần những người thầm lặng như họ, những người hành động, với khát vọng và hoài bão lớn, bỏ qua tất cả những thị phi bên ngoài, bỏ qua những âu lo phù phiếm, những bất mãn được bi kịch hoá đã trở nên phổ biến trong một xã hội biếng lười.

Và để kết bài, tôi muốn dùng chính điều mà Nguyễn Hồng chia sẻ trên Facebook, khi một người quen của anh thành công trong việc cho ra đời lứa vịt biển đầu tiên ở trang trại của mình, rằng "Những rạn nứt bên ngoài để có một hi vọng từ bên trong". Vâng, hãy sống với những hi vọng từ bên trong chứ đừng bị ám ảnh bởi những rạn nứt bên ngoài.

Hà Quang Minh
.
.