Những dấu hỏi quanh giấc mơ "biệt phủ"

Thứ Năm, 06/07/2017, 08:23
Sống trong những căn nhà nguy nga tráng lệ như "biệt phủ" có tội không? Chắc chắn là không, vì ai trong chúng ta mà chẳng mơ một cuộc sống đầy đủ với nhà cao cửa rộng. Nhìn rộng ra, một xã hội phát triển là một xã hội có càng nhiều những công trình xây dựng nguy nga tráng lệ càng tốt. Vấn đề là những công trình nguy nga tráng lệ ấy được xây dựng như thế nào?


Thời phong kiến xa xưa, nhiều lầu son gác tía từng được xây dựng trên sự bóc lột tàn bạo sức lao động của những người dân lao khổ. Cái nhu cầu mĩ cảm của một bộ phận tầng lớp vua quan được "vắt" ra từ xương máu của chính nhân dân mình đã gây ra một sự oán hờn to lớn. Đến khi sự oán hờn lên tới đỉnh điểm, đến khi không thể chịu đựng được nữa thì nhân dân, bằng cách này hay cách khác đã vùng lên, lật đổ những kẻ thống trị vốn không còn "coi dân như con" theo đúng lý tưởng lãnh đạo thời phong kiến.

Ở thời hiện đại, cái khái niệm "coi dân như con", như những đối tượng cần được chăm bẵm đã bị khai tử. Thời hiện đại, lý luận lãnh đạo của bất cứ thể chế chính trị nào cũng đặt nhân dân ở tư thế của những người làm chủ. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì những cán bộ công quyền phải là "người đầy tớ", phải là những "công bộc" của dân. Từ tư thế là cha mẹ của dân, có cái quyền ban phát tình thương cho dân đến chỗ là công bộc của dân, phải phục vụ dân là cả một quá trình vận động mang tính cách mạng của lịch sử.

Minh họa của Lê Tâm.

Nếu là công bộc, là người đầy tớ của dân thì hẳn nhiên quan chức càng không có lý do để sống "cô đơn" trong những biệt phủ nguy nga tráng lệ, khi bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau cái "biệt phủ" ấy lại là bạt ngàn những người dân nghèo khó. Quan chức chỉ nên xây cho mình những biệt phủ to lớn và thoải mái, ung dung ngự trong đó khi hội tụ hai điều kiện sau:

Điều kiện thứ nhất: cái xã hội mà quan chức ấy đang cai quản và kiến tạo là một xã hội phồn thịnh, nơi mà người dân có thu nhập bình quân đầu người ở mức khá trở lên. Điều kiện thứ hai: biệt phủ ấy phải được xây dựng bằng những đồng tiền liêm chính, chứ không phải bằng tiền ăn hối lộ. Thời gian qua, dư luận rộ lên chuyện một vài quan chức ở tỉnh này tỉnh nọ trong các "biệt phủ" được xây dựng tại những vị trí đắc địa, ai đi qua cũng thấy.

Vậy thì hãy đặt những "biệt phủ" này vào cả hai điều kiện nói trên để cùng nhìn nhận. Ai cũng biết có những  tỉnh nghèo, thu không đủ chi, hằng năm vẫn phải ngửa tay xin tiền ngân sách của Trung ương để đầu tư phát triển, vậy mà, khi nói về tiền xây "biệt phủ", một quan chức tỉnh này bảo đấy là tiền mình tích cóp từ thời thanh niên cùng với tiền vay ngân hàng. Vị này còn tiết lộ khoản vay ấy lên tới 20 tỷ đồng. Trời ơi, 20 tỷ - vay như thế thì mỗi tháng phải trả lãi bao nhiêu? Và vị này rồi sẽ lấy tiền ở đâu để có thể trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng? Nếu các cơ quan nhà nước vào cuộc một cách quyết liệt, đi đến tận cùng của vấn đề thì không khó trả lời những câu hỏi như thế.

Vẫn liên quan đến chuyện nguồn tiền xây "biệt phủ", trước đây từng có một quan chức bảo đấy là do tiền mình "chạy xe ôm" ngoài giờ làm từ thời còn trai trẻ. Một người khác thì bảo "tôi đã lao động đến thối cả móng tay".

Có thể đúng là những cái "biệt phủ" này được xây dựng nhờ những đồng tiền lao động đến "thối cả móng tay" hay nhờ việc "bán rượu", "chạy xe ôm" thật. Nhưng vấn đề là khi những lý do này được trưng lên thì dư luận không khỏi nghi ngờ, bàn tán. Vì sao họ nghi ngờ, bàn tán? Vì có thể họ đã bị phai lạt niềm tin mất rồi. Thế cho nên, hơn lúc nào hết, những dấu hỏi về những "biệt phủ" nguy nga tráng lệ mọc lên ở những tỉnh nghèo của đất nước ta cần phải được những cơ quan có trách nhiệm điều tra, trả lời chính xác.

Để hoặc là minh oan cho những người đã bị nghi oan, hoặc là để lấy lại niềm tin của của người dân đối với một bộ phận những "công bộc" mà ngày ngày vẫn một bước lên xe, một bước về "biệt phủ".

Phan Đăng
.
.