Những cuốn sách bất ngờ bị cấm ở Mỹ

Thứ Sáu, 03/07/2015, 08:15
Thật khó hình dung rằng ở một nước như nước Mỹ lại có chuyện cấm sách, thế nhưng điều đó đã và đang diễn ra. Năm 2012, Hiệp hội Thư viện Mỹ nhận được 464 lá đơn đề nghị cấm các cuốn sách khác nhau, và theo người đại diện của cơ quan này, từ năm 1990 đến nay, số lượng đơn đã vượt 17.700 lá. Tuy nhiên, không phải cuốn sách nào bị phản đối cũng trở thành sách cấm, mà nếu bị cấm thì cũng không lâu. 

Các nhà phê bình văn học và những người yêu văn chương coi cuốn tiểu thuyết của Ralph Ellison "Invisible Man" (Người vô hình) là một kiệt tác mô tả  nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ trong thế kỷ 20. Nhưng do có lệnh cấm của một cơ quan quản lý giáo dục địa phương nên các em học sinh ở vùng Randolph, bang North Carolina không thể mượn được cuốn sách này ở thư viện.

Tiểu thuyết "Người vô hình" đoạt giải thưởng văn học quốc gia National Book Award năm 1953, bị một phụ huynh nào đó giận dữ mang tới phòng giáo dục kèm theo một lá thư góp ý dài 12 trang. Bà ta không thích cuốn sách vì trong đó có nhiều yếu tố không lành mạnh. Tại phòng giáo dục, người ta cũng nhất trí với bà, đồng thời có 5/7 cán bộ bỏ phiếu ủng hộ việc cấm cuốn sách. Một cán bộ của phòng, Gary Mason, thậm chí đã phát biểu rằng "không phát hiện bất cứ giá trị văn học nào của cuốn sách".

 Kiệt tác của Ralph Ellison hiện nay bổ sung danh sách dài và nổi tiếng các cuốn sách bị cấm trong các trường phổ thông và thư viện Mỹ. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu 11 cuốn sách bất ngờ bị cấm hoặc bị coi là không đáng đọc ở Mỹ.

1. Cuốn "Tarzan" của Edgar Rice Burroughs:

Tác phẩm cổ điển của Edgar Rice Burroughs kể về một người sống trong rừng rậm nhiệt đới, bị rút ra khỏi các giá sách của thư viện công cộng thị trấn cùng tên Tarzana, thuộc bang California. Các quan chức cho rằng thanh niên không nên đọc những câu chuyện phiêu lưu này vì thiếu các bằng chứng về việc Tarzan và Jane kết hôn, và sau đó sống với nhau trên cành cây.

Ông Ralph Rothmund, người quản lý thái ấp Burroughs đã phản đối ý kiến đó và phát biểu rằng cặp đôi này đã kết hôn trong rừng rậm trước sự chứng kiến của bố Jane với tư cách linh mục: "Có thể ông không phải là một linh mục chuyên nghiệp - Rothmund giải thích - nhưng thời bấy giờ trong rừng rậm mọi việc đều đơn giản".

Nhà văn Ralph Ellison, tác giả tiểu thuyết "Người vô hình" bị cấm ở Mỹ).

2. Từ điển:

Có thể, bạn nghĩ rằng đã là từ điển thì có gì để cấm và đáng chê trách, nhưng những người lãnh đạo nhà trường phổ thông ở bang Alyaska lại nghĩ khác. Trong các thư viện và trường học khác nhau, các cuốn từ điển như "American Heritage è Merriam Webster" lọt vào danh mục sách cấm. Ví dụ, năm 1987, Sở Giáo dục thành phố Anchorage cấm cuốn từ điển tiếng Anh "American Heritage Dictionary" vì những mục từ "bất tiện", trong đó có các từ như "bed" (giường), "knocker" (người gõ cửa), "balls" (quả bóng) với các ẩn ngữ của chúng.

3. Cuốn "Sylvester và Tinh thể Huyền diệu" của William Steig:

Cuốn "Sylvester and the Magic Pebble" do William Steig sáng tác và minh họa kể về chú lừa con Sylvester đã tìm ra tinh thể huyền hiệu và biến thành tảng đá, Sylvester là một sinh vật dễ thương, hiền lành chỉ mơ ước về điều không thể. Thế nhưng, một số độc giả cho rằng không nên trao giải thưởng văn học cho những cuốn sách mô tả loài vật giống con người và cư xử như người. Năm 1977, các hiệp hội cảnh sát ở 12 bang yêu cầu các thư viện loại bỏ cuốn sách này vì trong đó có những tình tiết phản cảm.

4. "Nhật ký Anne Frank":

"Nhật ký Anne Frank" kể về cuộc sống của một gia đình Do Thái trong thời gian Đức quốc xã chiếm đóng Hà Lan. Cô gái Anne Frank 13 tuổi và gia đình buộc phải trốn bọn quốc xã, nhưng vào tháng 8 năm 1944, họ bị bắt và đưa vào trại tập trung. Giá trị của cuốn sách nhiều lần bị hoài nghi, cụ thể việc mô tả quá lộ liễu những cảnh làm tình khiến nhiều người tức giận. Và năm 1983, Ủy ban Kiểm tra nội dung  sách giáo khoa của bang Alabama (Textbook Committee) đề nghị loại bỏ cuốn sách ra khỏi thư viện các trường phổ thông vì nó "gây trầm cảm".

5. Truyện cổ tích "Cô bé quàng khăn đỏ" do Trina Schart Hyman kể lại:

Chủ đề chính của truyện cổ tích "Cô bé quàng khăn đỏ" dành cho thiếu nhi là không nên nói chuyện với những kẻ lạ mặt - đặc biệt nếu chúng có những chiếc răng to trắng bóng. Nhưng khi nhìn thấy cuốn sách với minh họa của Trina Hyman, các quan chức Sở Giáo dục thành phố Culver City, bang California, lại hoàn toàn nghĩ khác. Họ tức giận khi họa sĩ vẽ cô bé quàng khăn đỏ xách chiếc giỏ đựng một chai rượu vang. "Việc mô tả bà ngoại với chiếc mũi đỏ vì đã uống hết nửa chai rượu vang không phải là điều chúng ta muốn giáo dục các em nhỏ" -  một đại diện của Sở phát biểu.

6.  Cuốn "Waldo bây giờ ở đâu?"  của Martin Handford:

Cuốn "Waldo bây giờ ở đâu?" trở nên nổi tiếng vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, nhờ nó nhiều độc giả nhỏ tuổi đổ xô đi tìm người đeo kính cao ngồng Waldo khắp nơi trong đám đông. Và tai họa không phải ở chỗ nhân vật chính thường xuyên biến mất. Các nhà kiểm duyệt bất an vì trong một minh họa của Martin Handford có vẽ một phụ nữ đang phơi nắng để hở ngực. Vì thế cuốn sách bị cấm ở các bang  Michigan và New York.

7. Kịch "Đêm thứ mười hai" của William Shakespeare:

Các quan chức của Sở Giáo dục thành phố Merrimack, New Hampshire không tìm thấy điều gì tốt đẹp trong vở kịch "Đêm thứ 12" của Shakespeare, kể về một cô gái được đưa lên bờ sau vụ đắm tàu, cô được mặc tạm quần áo của một chàng trai và phải lòng anh ta. Việc thay quần áo một cách tự nhiên và mối tình giữa hai nhân vật "dường như đồng giới" ấy được coi là vi phạm quy định của địa phương "cấm thảo luận trên giờ học về lối sống khác". Vì vậy, tất cả các cuốn sách bị tịch thu khỏi thư viện nhà trường.

8. Cuốn "Con nhện Charlotte" của E.B. White:

Thậm chí những kẻ sợ nhện cũng thích cuốn "Con nhện Charlotte" - một câu chuyện cổ tích dễ thương về tình bạn giữa chú lợn Wilbur và con nhện Charlotte sống trong kho chứa và biết nói tiếng người. Nhưng một nhóm phụ huynh ở bang Kansas cho rằng bất kỳ cuốn sách nào trong đó hai con vật biết nói chuyện với nhau đều là trò ma quỷ, và vì vậy cuốn sách của White xuất bản năm 1952 cũng phải bị loại ra khỏi các thư viện nhà trường. Các bậc phụ huynh lập luận rằng con người là một tạo vật cao cấp của Chúa, và sự vĩ đại của con người ở chỗ "chỉ có họ mới được giao tiếp bằng ngôn ngữ". Còn việc gán những khả năng của con người cho loài vật phát triển thấp là sự bất kính đối với Thượng đế.

9. Bộ sách "Harry Potter" của J.K. Rowling:

Năm 2007, hầu như đứa bé nào cũng đọc ngốn ngấu cuốn sách cuối cùng về Harry Potter, vì vậy, tại một trường phổ thông, người ta quyết định loại bỏ tất cả 7 cuốn sách về Harry Potter ra khỏi thư viện nhà trường. Mục sư của trường phổ thông Thánh Joseph ở thành phố Wakefield, bang Massachusetts cho rằng, cốt truyện của chúng có quá nhiều trò ma thuật và phù thủy là không thể chấp nhận đối với nhà trường cơ đốc giáo. Theo các bậc phụ huynh, vị mục sư đã bày tỏ niềm tin tưởng rằng trẻ em "đã đủ mạnh mẽ về tinh thần để có thể đứng vững trước sự cám dỗ", còn nhiệm vụ của ông là "bảo vệ cả những kẻ yếu đuối lẫn mạnh mẽ".

10. Cuốn "Gấu Misha, gấu Misha, mày thấy gì?" của Bill Martin:

Tháng 1 năm 2010, cuốn truyện tranh thiếu nhi về chú gấu Misha bất ngờ rơi vào danh mục những cuốn sách cấm bởi cơ quan giáo dục bang Texas. Hóa ra, tác giả của nó, Bill Martin, trùng tên với một nhà lý luận Mác-xít Mỹ, nhưng không ai quan tâm tới việc giải thích rằng đó là hai người khác nhau.

11. "Điều gì xảy ra với cơ thể tôi? Sách dành cho các bạn trai" của Lynda Madaras:

"Điều gì xảy ra với cơ thể tôi?" là cuốn sách kinh điển dành cho các bạn trai lứa tuổi vị thành niên bị coi là không nghiêm túc và bị cấm tại thư viện trường phổ thông 21, bang Texas. Tháng 12 năm 2010, bố của một học sinh làm đơn góp ý rằng cuốn sách có thể rơi vào tay cậu con trai 8 tuổi của mình. Theo thông tin của Hiệp hội Thư viện Mỹ, trong thập niên gần đây, cuốn sách này rơi vào danh mục những cuốn sách bị cấm nhiều nhất.

Trần Hậu (giới thiệu và dịch)
.
.