Những câu hỏi dành cho người lớn

Thứ Hai, 13/04/2015, 08:00
Bạo lực học đường đã chiếm một tỷ lệ quá lớn trong các bản tin truyền thông.. Không còn dừng lại ở những xích mích, cãi lộn giữa cá nhân, bạo lực học đường  đã và đang trở thành bạo hành, ngày càng nguy hiểm hơn. Suy thoái đạo đức, gia tặng bạo lực trong lời nói, thái độ ứng xử, hành vi chốn học đường đã đến lúc cần phải được coi là mối đe dọa cho sự ổn định và phát triển của tương lai nước nhà. "Người lớn" ở đâu trước thực trạng đáng báo động đó?

Người lớn đáng trách hơn?

Chưa cần tiến hành các điều tra xã hội, chỉ bằng quan sát thực tế cũng không khó để thấy rằng nhiều bậc phụ huynh đã và đang "tiếp tay" cho việc biến con mình trở thành những con người ích kỉ, thiếu tôn trọng pháp luật thượng tôn, bạo lực trong hành xử.

Chẳng khó gì để thấy cảnh cha mẹ đèo con đến trường mà không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, vứt rác bừa bãi. Không ít vị "hồn nhiên" khoe quyền lực của mình khi "chạy" cho con vào trường điểm hay vị trí "thơm" ở ban này ngành nọ. Không phải ngẫu nhiên mà "hậu duệ", "quan hệ" lại được đồn thổi là 2 "tiêu chí" quan trọng trong chuỗi phát triển tương lai của cá nhân...

Mỗi kì thi, công luận cũng "mòn mắt", thừa mứa tiếng thở dài khi chứng kiến bao bậc phụ huynh khuyến khích con mình đem "phao" vào phòng thi, tranh với thiên hạ bằng mọi giá cho được một chỗ ngồi nơi giảng đường đại học. Cũng không ít vị trước khi về hưu, cố "quy hoạch" con cái mình vào một chỗ nào vững chắc dẫu họ thừa hiểu chiếc ghế ấy không vừa vặn với tài, trí, đức của con mình.

Hình ảnh những vụ học sinh đánh nhau bị cộng đồng quay clip và đưa lên mạng.

Cũng chẳng hiếm vị hồn nhiên văng tục chửi bậy trước mặt con trẻ. Không ít cặp vợ chồng giấy hôn thú chưa khô mực đã giao tiếp với nhau bằng chân tay, oán thù vùi lấp chữ ân tình. Để rồi một ngày giông bão, họ thảng thốt, sững sờ đến đáng thương khi được thông báo "thành tích" bất hảo của con mình. Ai cũng biện minh "ở nhà cháu ngoan ngoãn lắm, có ai ngờ…". Sao mà họ "ngờ" cho được khi cả tháng có khi không trò chuyện theo đúng nghĩa với con được một lần.

Cha mẹ là tấm gương. Gương như thế, trách chi biết bao cái bóng -  "tương lai" của nước nhà giỏi đánh lộn, chửi thề, gian dối hơn việc đèn sách, trách chi đạo đức là cái gì đó ngày càng xa vời, nằm ở vùng tối trong tâm can chúng?

Người lớn ở trường

Sau gia đình, nhà trường là môi trường thân thiết thứ hai. Chẳng có lí do gì để hoài nghi thầy cô là những người có ảnh hưởng quan trọng đến suy nghĩ và hành xử của trẻ em.

Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc đặt câu hỏi liệu có hay không "một bộ phận không nhỏ" giáo viên vẫn tự coi mình là "chân lí", coi học sinh (hay phụ huynh) là những con "bò sữa" để họ tha hồ "vắt". Công luận gần đây đã thừa mứa, ngán ngẩm trước bao chuyện "gạ tình lấy điểm", "đổi tiền lấy điểm" hay "học thêm hoặc là điểm thấp". Không ít vị đã vướng vòng lao lí khi để dục vọng che mờ đạo đức của người thầy.

Không ít cô giáo mầm non, tiểu học đã bị báo chí "phơi bày" những kĩ năng thuộc hàng "cao thủ" mà họ áp dụng với con trẻ của mình. Ấy là những tuyệt chiêu "đút", "nhét", "giật tóc", "đạp chân", "dìm nước" được minh họa kèm theo với bao nhiêu từ "hoa mĩ" khiến mới xem qua, người ta dễ lầm tưởng đang xem một bộ phim hành động xã hội đen của phim trường Hollywood.

Cũng nào hiếm giáo viên điềm nhiên "truyền thụ" cho học sinh của mình căn bệnh "thành tích" qua những "danh hiệu ảo", ngõ hầu mưu kiếm chút danh phận hay chí ít cũng là việc lên lương. Không ít vị "dạy" cho học trò của mình kĩ năng "ganh, đua" và tôn chỉ phải "chiến thắng" bằng mọi giá, dù cho đó chỉ là một cuộc thi hát hay thi thể thao cấp…trường!

Hình mẫu cứ "phiêu" rồi "siêu" như thế, trông mong gì hoa trái ngọt bùi?

Đừng phạt kẻ mắc lỗi bằng việc phạm lỗi

Với học sinh phổ thông, đuổi học không phải là biện pháp tối ưu và tiên quyết. Hình phạt nghiêm khắc là cần thiết bởi chúng vừa mang tính giáo dục vừa đảm bảo sự công bằng. Có điều, tôi hoài nghi về tính hiệu quả nếu những hình phạt ấy được đưa ra không đúng cách.

Tôi tự hỏi việc cấm học sinh mắc lỗi đến trường trong 1 tuần sẽ  đem lại hiệu quả gì? Liệu nó có giúp chúng thực sự sám hối hay trái lại là sự bất cần xen lẫn thù hận? Một tuần đó chúng sẽ làm gì? Chúng sẽ làm thế nào để bắt kịp bạn học khi được quay lại học?

Vấn đề ở đây là người lớn đã phạt con trẻ theo cách mà họ cho là đúng thay vì lắng nghe, thấu hiểu để có thể "kê đơn" cho đúng bệnh. Học sinh đánh bạn, chúng xứng đáng nhận một hình thức kỉ luật nhưng việc cấm chúng đến trường lại là một việc khác. Nếu cứ làm như thế, không khác gì chúng ta cho bệnh nhân đau đầu uống thuốc xơ gan.

Tôi kì vọng những học sinh đó sẽ được tham gia các lớp giáo dục tâm lí, kĩ năng sống, giá trị cộng đồng để rồi mong muốn được nghe chúng đứng trước toàn trường biện giải,  bày tỏ sự ân hận, xấu hổ cho hành động của chúng. Dù đau xót, tôi muốn nghe tiếng khóc nức nở bật ra từ con tim chúng. Tôi muốn nhìn thấy những dòng nước mắt mặn mòi chảy trên những khuôn mặt măng tơ.

Chỉ khi ấy, ta mới chạm vào sâu thẳm những khoảng tối nơi con trẻ, nơi chúng ta chưa từng chạm tới.

Trong lúc ấy, hãy cứ để chúng đến trường. Một tuần có thể là rất ngắn những cũng có thể là cả một cuộc đời.

Nguyễn Công Thảo
.
.