Những cái cầu thang không tay vịn

Thứ Sáu, 23/10/2020, 16:00
Dù bắt nguồn từ sự thiếu đồng cảm, sự trễ nải hay vị kỉ đều vẫn sẽ là nguyên nhân sâu xa để vấp ngã. Có những cú vấp ngã có thể chỉ mình ta biết nhưng hậu quả của nó thì không hề nhỏ. Thế nên hay để cuộc sống này thật bình yên thì đừng bao giờ để tồn tại những cầu thang không tay vịn.

Một lần, tôi đến ăn cơm nhà bạn, thấy ngôi nhà đã được hoàn thiện, nhưng trên cái cầu thang được làm khá điệu đà lại chưa có tay vịn. Hỏi ra thì được bà chủ bảo: "Đấy, anh chú kĩ tính lắm, đến cái chốt cửa sổ cũng phải thửa, lan can cầu thang đặt thợ làm lâu rồi chắc phải tuần nữa mới xong". 

Bẵng đi mấy hôm sau, một tối lướt face book, tôi giật mình khi thấy chị ấy up ảnh cái cầu thang vẫn chưa có tay vịn với những dòng chia sẻ rất lâm li… thấp thỏm đọc đến dòng cuối mới thở phào: Hóa ra là chú mèo của con bé con bị rớt xuống. Đấy là mèo chứ nếu là người thì… nhưng chẳng phải chị chủ nhà đã bảo: "Người ngoài cứ lo vậy thôi, các cháu nhà tôi quen rồi, không cần tay vịn chúng nó lại phải chú ý hơn".

Khi cha mẹ không còn hòa thuận, những đứa trẻ trở nên đơn độc - nguồn Báo Đầu tư.

Sau này, tôi được biết một con số: trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 7.300 trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Bởi thế, dẫu không còn gặp lại ngôi nhà nào có cái cầu thang thiếu tay vịn ngoài đời thực nữa nhưng trong lòng vẫn thấy âu lo bởi những hiểm nguy vô hình. 

Có lần, tôi hỏi một người đồng nghiệp: Tại sao thằng K em cậu là người có học vấn nhưng rồi cuối cùng vẫn vướng vào lao lý vì hết lừa đảo chạy việc đến tổ chức đánh bạc? Người đồng nghiệp kể rất thật: Mỗi lần nó mắc lỗi, cha tôi thay vì khuyên bảo thì chỉ biết dùng đòn roi, bởi… từ lúc nó lên ba tuổi đã theo ông đến chiếu bạc, biết nói thế nào? 

Câu chuyện đó làm tôi sực nhớ đến những đứa trẻ sinh ra trong gia đình bố mẹ tổ chức mại dâm, đòi nợ thuê hay nhận hối lộ… trong khi chúng ta đang lo âu "gần mực thì đen" thì biết đâu, họ lại đang dẫn dắt con mình để làm thế nào kiếm lợi trong "nước đục".

Những cái "cầu thang không tay vịn" đến từ sự thiếu trách nhiệm của bất kì ai nếu như có phút lơ là. Các em đã quen với những cái cây lâu năm trong trường, những bờ tường cũ, những cánh cổng sắt sinh ra không phải để trở thành hạng mục trong khu vui chơi nhưng trong cuộc đời này, còn biết bao thứ bờ vực vô hình nữa. 

Trong xã hội ngày nay, tiêu chí để đánh giá một người đàn ông thành đạt là biết lo toan, biết sử dụng những mối quan hệ để có thu nhập cao. Thay vì trở về nhà sau 17 giờ, họ sẽ phải về muộn hơn bởi các cuộc nhậu. Gia đình với họ đơn giản là nơi trở về để nhường chiếc điện thoại đắt tiền cho con cái, nhưng lại không hề mảy may liệu điều gì đang rình rập con mình ở những kênh you tube. 

Cái xấu và cái tốt, sự tử tế và mưu mẹo, thủ đoạn nhiều khi hiện lên rất mù mờ trong đầu lứa tuổi mới lớn. Khi người lớn đã không theo được cuộc chơi của con trẻ bởi chính họ cũng lơ mơ không rõ con mình chỉ là nghịch hay đã hư, chúng ham mê công nghệ là bước vào một chân trời mới hay đang đứng trên bờ vực sa ngã để trở thành tội phạm công nghệ. 

Chúng ta không đủ sức để tìm hiểu về những vấn đề mới của đời sống, chúng ta bận mưu sinh, hay nói như cổ nhân là "đời cua cua máy, đời cáy cáy đào" -ta không thể mãi chạy theo lo cho con trẻ?

Sự vô trách nhiệm như chiếc cầu thang không tay vịn đến từ sự rạn nứt đang hình thành trong mỗi gia đình. Những cuộc hôn nhân chóng vánh được tạo ra, đôi khi chưa hẳn vì vụ lợi mà đơn giản, người ta chán nhau hay thích  nhau đều vì những lý do rất đơn giản. Những đứa trẻ đang sống trong một gia đình mà bố mẹ không hề ly hôn, thậm chí cũng không hề ly thân nhưng cha mẹ chúng đều không chịu hy sinh những tham vọng của mình. 

Họ chạy theo sự ảo tưởng về một cuộc sống với đầy các thái cực: tiền phải nhiều, được đi chơi nhiều, các mối quan hệ bạn bè không giới hạn nhưng người bạn đời của mình phải luôn đảm đang, con cái ngoan ngoãn… thứ hào quang đó làm họ quên rằng con cái đang sống những ngày đối mặt với hiểm nguy ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Chúng ta cũng đang mạo hiểm với chính từng bước đi trong cuộc sống của mình. Thói quen chạy theo xu thế, bất chấp tiềm lực kinh tế, năng lực của bản thân. Chúng ta đang lo xây dựng một mặt tiền đẹp nặng về hình thức trong khi sức khỏe, tương lai của con cái, nỗi niềm của cha mẹ dường như bị lãng quên. 

Có rất nhiều người từ nghèo khó đi lên để trở thành nhà khoa học, nhà giáo, viên chức… thành đạt, được xã hội tôn trọng. Nhưng để theo kịp nhịp sống của giới thượng lưu, bỗng một ngày họ sa ngã vào tội lỗi, tên tuổi trở thành một đề tài để bàn tán trên mạng. Hẳn là, trước đó chưa lâu, chính họ cũng từng lên mạng xã hội bình luận về người này, người khác, phải sống thế này, thế kia… Những vực thẳm có thể té ngã bất cứ lúc nào ai cũng nhìn thấy cơ sao rất nhiều người vẫn không thể thoát nổi.

Trẻ nhầm kẹo với thuốc diệt chuột - nguồn plo.vn

Nhưng đằng sau tất cả các hiện tượng đó, dẫu chúng ta dành sự quan tâm với trẻ nhưng vẫn có những nguy hiểm rình rập trẻ. Vậy đâu là những nguyên nhân?

1.Đã bao giờ chúng ta thử đặt mình vào suy nghĩ của trẻ. Một em bé mới 15 tháng tuổi uống phải thuốc sâu trong chai trà xanh C2 ở Bến Lức, Long An; Bé 3 tuổi ở Bình Phước ăn thuốc diệt chuột vì ngỡ là kẹo và rất nhiều tai nạn đáng tiếc nữa. Chúng ta đang bắt những đứa trẻ thơ dại phải tự duy theo những bậc thang đầy hóc búa của chúng ta. 

Bé đâu nghĩ chiếc dây sạc điện thoại của chính cha mẹ, hóa chất trong các lọ trang trí và muôn vàn thứ núp trong lớp vỏ tiện nghi ấy lại là kẻ thù của mình. Chính trong căn nhà, trong thế giới này vẫn có những nơi cha mẹ sẽ không bảo vệ, không hề hay biết bởi họ mặc định một suy nghĩ: con trẻ phải lọc lõi như mình.

2. Chúng ta thường hay nhắc nhiều đến giá trị "nhân văn" trong thời đại của kinh tế và công nghệ phát triển. Nhưng thử hỏi có mấy ai vận dụng nó theo kiểu từ nhà ra ngõ, từ những gì thiết thực, cụ thể nhất. Giờ đây, vẫn không ít người còn ngỡ ngàng khi thấy một tòa nhà mới xây có đường đi xe lăn cho người khuyết tật. Nhân văn ở một góc độ nào đó chính là sự quan tâm đến nhóm người gặp khó khăn trước những vấn đề thông dụng. 

Chúng ta đã có bao nhiêu tiết học về giao thông theo kiểu dẫn các em ra thực tế trên đường? Nhà trường và hội phụ huynh đã nghĩ gì về nơi cha mẹ đỗ xe đón con cái vừa đảm bảo không gây ùn tắc giao thông, không nguy hiểm cho các bé. Các bệnh viện có tính đến không gian sinh hoạt của người nhà bệnh nhân? Người già sẽ tiếp cận thế nào trước thay đổi các dịch vụ trong xã hội? Trong vô vàn những điều đó, trẻ em cũng không phải một ngoại lệ, trẻ em cần được đồng cảm, thấu hiểu.

Chúng ta sẽ chẳng có gì nếu mạo hiểm với những gì thuộc về tương lai của mình. Khi các bậc cha mẹ đang miệt mài với mưu sinh để sắm được xe hơi, nhà cửa và những vật dụng có giá trị thì con trẻ đã đi hết tuổi thơ của mình. Chúng ta tạo ra vật chất nhưng đã đánh mất tương lai bởi sự quan tâm đó. 

Có thể nhiều người nghĩ rằng thật may mắn vì hôm nay con tôi vẫn ổn khi bước lên những bậc thang không tay vịn thì mai này nó sẽ dạn dày. Nhưng thực ra, sẽ có những "cú ngã" vô hình mà chúng ta không nhìn thấy nhưng lại để lại vết thương cho những người trẻ. Nó chính là sự bất cẩn cả trong suy nghĩ, trong tư duy công việc. Sự mạo hiểm thiếu phân tích, liều lĩnh của những người trẻ phạm tội thường xuất hiện từ những tuổi thơ như thế. 

Biết đâu, từ lúc thiếu một lời khuyên dăn, một cái tay vịn, một lan can trong nếp sống khiến con người ta nay mai sẽ sa ngã trong cuộc đời. Trước một cuộc sống mới mẻ mà những kinh nghiệm của cha ông đã ít nhiều không còn phù hợp thì mỗi chúng ta thiết nghĩ cần có những được đi vững vàng cho bản thân mình cho những người thân của mình. 

Bởi, dù bắt nguồn từ sự thiếu đồng cảm, sự trễ nải hay vị kỉ đều vẫn sẽ là nguyên nhân sâu xa để vấp ngã. Có những cú vấp ngã có thể chỉ mình ta biết nhưng hậu quả của nó thì không hề nhỏ. Thế nên hay để cuộc sống này thật bình yên thì đừng bao giờ để tồn tại những cầu thang không tay vịn.

Lâm Việt
.
.