Những bộ phim kinh điển về đề tài ấu dâm

Thứ Ba, 03/05/2016, 08:35
Ấu dâm là một trong những đề tài "khó gặm" của nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng. Cái khó của loại đề tài này ấy là ranh giới vô cùng nhạy cảm giữa đạo đức và sự vi phạm đạo đức khi các nhà sáng tạo nghệ thuật muốn chạm vào, khai thác.


Thế nhưng, những tác phẩm văn chương, điện ảnh về đề tài ấu dâm vẫn ra đời bằng những tác phẩm vượt qua mọi ranh giới không gian và tồn tại xuyên thời gian.

Spotlight (2015) và cuộc chiến của các nhà báo

Trước tiên có thể kể đến bộ phim Spotlight (2015). Đây là bộ phim dựa trên loạt phóng sự điều tra có thật về các linh mục phạm tội ấu dâm hơn 80 trẻ em. Phim đã giành giải "phim hay nhất" tại Oscar 2016 diễn ra hôm 29-2 vừa qua. Spotlight do đạo diễn Tom McCarthy chấp bút cùng biên kịch Josh Singer. Phim lấy bối cảnh năm 2001, tờ "Boston Globe" thuê biên tập viên hàng đầu Marty Baron (Liev Schreiber) làm trưởng nhóm phóng viên nhỏ "Spotlight", viết những bài báo gây tiếng vang tại địa phương.

Lần theo các manh mối do Geoghan cung cấp, nhóm đã phát hiện ra sự thật kinh hoàng: trong nhiều năm qua, một nhóm gồm 13 linh mục đã lạm dụng tình dục gần 90 trẻ em, tuy nhiên những linh mục này chỉ bị giáo huấn và chuyển đến một xứ đạo khác thay vì chịu trừng phạt của pháp luật.

Sau khi nắm giữ các bằng chứng quan trọng, "Spotlight" đã sắp xếp lại các tình tiết và đăng tải loạt phóng sự điều tra trên "Boston Globe", gây chấn động khắp nước Mỹ.

Theo đạo diễn Tom McCarthy, các vụ bê bối, lạm dụng tình dục trẻ em là một vấn đề rất nhạy cảm nhưng không nên trốn tránh mà phải đối mặt: "Đây là một vấn nạn toàn cầu, chúng ta phải đương đầu với nó. Điện ảnh cũng không thể đứng ngoài cuộc".

Phim được giới phê bình điện ảnh Mỹ bình chọn là phim hay nhất năm 2015 và được người xem đánh giá là câu chuyện gai góc, khắc họa chân dung của người làm báo. Trong loạt phim đề tài xâm hại tình dục trẻ em của trang tư liệu phim IMDb, "Spotlight" được chấm điểm cao thứ nhì (8,2).

The Hunt (2012) - Ám ảnh về sự mất mát

Nếu như "Spotlight" (2015) là cuộc chiến của những nhà báo, những người đã dấn thân trong cuộc điều tra độc lập để phanh phui ra ánh sáng pháp luật về những con quỷ bệnh hoạn khoác áo thầy tu thì tác phẩm điện ảnh đình đám "The Hunt" (2012) đã mang lại cho người xem một nỗi ám ảnh khôn cùng của sự mất mát.

Một cảnh trong phim “The Hunt”.

Đây là một tác phẩm điện ảnh của Đan Mạch có tựa đề tiếng Việt là "Cuộc săn đuổi", do đạo diễn Thomas Vinterberg dàn dựng, tài tử Mads Mikkelsen thủ vai diễn chính. Chuyện phim lấy bối cảnh ở một ngôi làng nhỏ của Đan Mạch trong thời khắc trước dịp Giáng sinh. Tại đây, Lucas - một thầy giáo giữ trẻ của làng - một người đàn ông rất yêu thương trẻ em và yêu công việc giữ trẻ của mình đã bị cô bé Klara trong một phút giận dữ trẻ con kể với bà hiệu trưởng rằng em ghét thầy Lucas vì thầy Lucas cho cô bé xem bộ phận nhạy cảm của thầy.

Câu chuyện tưởng tượng của bé gái đã tác động mạnh tới bà hiệu trưởng. Bà cho người đến tra hỏi cô bé, và chính những người lớn đã vô tình biến câu chuyện nói dối trẻ con của cô bé thành một thực tế nghiêm trọng. Chính bà đã triệu tập họp tất cả các thầy cô giáo trong trường và tất cả các bậc phụ huynh để nói về vấn đề kinh khủng này và tìm cách giải quyết.

Câu chuyện đã lan truyền tới tất cả mọi người. Thầy Lucas bị hàng xóm, đồng nghiệp kinh tởm, cô lập. Nhưng đau đớn nhất là những người bạn thân trong đó người bạn thân nhất lại chính là Theo, bố của cô bé Klara đã hiểu lầm rằng, Lucas đã xâm hại tình dục cô bé Klara, con gái của anh.

Lucas bị người đời kết tội như một kẻ bệnh hoạn, bị xa lánh, khinh bỉ. Ông chia tay người yêu và không được gặp con trai. Đau đớn nhất là kết thúc tình bạn với Theo. Lucas thậm chí không được mua đồ ăn tại siêu thị, anh bị đánh khi cố gắng đi mua đồ ăn cho buổi tối Giáng sinh. Cuộc sống trước đó còn rất tươi đẹp của Lucas bỗng chốc bị tước đoạt bởi một câu chuyện trẻ con. Anh rơi vào tận cùng vực thẳm đen tối khi mọi người trong làng cấm cửa anh, bỏ rơi anh.

Dù phiên tòa xử Lucas trắng án vì không tìm được chứng cớ có sức thuyết phục. Và câu chuyện ấy được kết luận là do những đứa trẻ giàu trí tưởng tượng nghĩ ra thì dư chấn của những gì mà Lucas bị trả giá đã theo anh đến hết cả cuộc đời.

Một năm sau khi mọi chuyện lắng xuống, bé Klara cũng đã thú nhận với cha của em rằng Lucas không có lỗi và em đã nói dối. Những người bạn của Lucas đã quay trở lại với anh. Lucas cũng đã tìm lại được tình yêu cho mình. Nhưng cái kết phim ấn tượng với tiếng súng của con trai anh trong lễ đi săn đánh dấu sự trưởng thành, khiến Lucas tưởng như thể một phát đạn của ai đó nã vào đầu mình. Tiếng nổ làm cho cả thân hình Lucas choáng váng đổ sập xuống.

Âm thanh, hiệu ứng hình ảnh của đạo diễn đã tạo nên một pha gay cấn đầy ám ảnh khiến cho người xem như hụt hơi bàng hoàng khi tưởng rằng ai đó nhân chuyến đi săn trong lễ trưởng thành của con trai Lucas vẫn thù nhớ chuyện cũ đã nhân tiện bắn chết anh.

Nhưng đó chỉ là ảo giác của Lucas. Cái kết của bộ phim đã muốn nói với Lucas và tất cả chúng ta rằng, dù mọi thứ của anh đã có vẻ trở về như cũ, cuộc sống của Lucas đã trở lại bình thường, những nỗi ám ảnh trong quá khứ, phần đời khốn nạn nhất mà Lucas đã phải trải qua thì sẽ khó để quên đi. Ai sẽ giúp anh xóa đi ký ức đen tối ấy. Lucass sẽ chẵng bao giờ chứng minh được mình vô tội và vết nhơ này sẽ theo ông suốt phần đời còn lại.

"The Hunt" được trình chiếu tại LHP Toronto 2012 và là ứng viên giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2012 , trong khi Mads Mikkelsen giành giải "Nam diễn viên chính xuất sắc". Ngoài ra phim còn được đề cử giải Oscar lần thứ 86 hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất" và giải "Quả cầu vàng" lần thứ 71. Phim được IMDb chấm điểm 8,3 trong loạt phim đề tài ấu dâm.

Nàng Lolita - ranh giới của tình yêu- và tội ác

Khác với "Spotlight" và "The Hunt", kiệt tác "Nàng Lolita" khi lên phim cũng gây nhiều tranh cãi như tiểu thuyết của nó lúc ra đời của văn hào Vladimir Nabokov khi ông mạnh dạn khai thác đề tài ấu dâm vô cùng phức tạp ở khía cạnh dục tính, tâm thần, tình yêu và tội ác.

Một cảnh trong bộ phim “Nàng Lolita”.

Nói về tác phẩm này, tác giả Vân Sam đã viết: "Đó là sự nguy hiểm của ngôn ngữ với lời lẽ mướt mát và nhiều ẩn dụ có thể làm lu mờ bản chất. Đó là sự nguy hiểm của phân tâm học và tâm thần học khi nhân vật chính vật lộn với ham muốn tột cùng nằm sâu trong bản ngã của mình - mà không thể thoát ra - trong một cơn nghiện biết chắc là tội lỗi..". 

 Trong lời bạt từ bản gốc của tác phẩm gây chú ý, tiến sĩ John Ray. Jr. đã cảnh báo cho những trang bản thảo đầy rẫy sự biến hóa của ngôn từ và sự quyện chặt của ý thức này như sau: "... Với tư cách là một hồ sơ bệnh án, "Lolita" chắc sẽ trở thành một tư liệu kinh điển trong giới y học tâm thần. Với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật, nó siêu vượt trên khía cạnh chuộc tội của nó; và đối với chúng tôi, điều còn quan trọng hơn cả ý nghĩa khoa học và giá trị văn học, là tác động đạo lí mà cuốn sách sẽ tạo nên đối với độc giả nghiêm túc; vì trong nghiên cứu cá nhân xót xa này, ẩn chứa một bài học phổ quát; đứa trẻ ngang ngạnh, người mẹ ích kỉ, gã quỷ ám hổn hển, không phải chỉ là những nhân vật sống động trong một câu chuyện duy nhất; họ cảnh báo ta về các khuynh hướng nguy hiểm; họ chỉ ra những cái xấu đầy cường lực. "Lolita" khiến tất cả chúng ta - những người làm cha mẹ, những nhà hoạt động xã hội, những nhà giáo dục - phải dốc sức, với tinh thần cảnh giác cao hơn nữa và sáng suốt hơn nữa, vào nhiệm vụ nuôi dạy một thế hệ tốt hơn trong một thế giới an toàn hơn".

Đã có nhiều phiên bản điện ảnh khác nhau từ bộ tiểu thuyết "Lolita" nhưng có lẽ tác phẩm điện ảnh của Adrian Lyne năm 1997 đã được đông đảo người xem chú ý và quan tâm nhất. Cho dù, có nhiều ý kiến tranh cãi rằng khi "Nàng Lolita" từ tiểu thuyết lên phim không lột tả hết được nỗi giày vò, sự ám ảnh nội tâm tội lỗi của nhân vật chính trong phim là nhà văn Humbert, song những gì mà bộ phim này để lại cho công chúng qua nhiều thế hệ cũng đủ đưa nó lên hàng những bộ phim kinh điển của đề tài ấu dâm.

Dương Thục Anh (tổng hợp)
.
.