Những bất ngờ từ dự án "cà phê nhạc kịch"

Thứ Hai, 28/04/2014, 08:15
Ở thành phố, tìm một quán cà phê để vừa nhâm nhi giọt đắng vừa xem ca nhạc, hoặc khóc cười với các vở kịch thì quá đơn giản. Nhưng thử tìm một quán cà phê để thưởng thức nhạc kịch thì lại là điều vẫn còn xa lạ với công chúng. Đầu tư vào nhạc kịch chẳng khác gì "chơi với lửa". Vậy mà NSƯT Cao Minh cùng những đồng nghiệp tâm huyết sẵn sàng "chơi với lửa" để dự án "cà phê nhạc kịch" của anh chính thức "hẹn hò" khán giả vào mỗi đêm thứ sáu hằng tuần, bắt đầu từ giữa tháng 4 này.

"Phá" quán làm sân khấu

Giấc mơ xây dựng dự án nhạc kịch đã được NSƯT Cao Minh ấp ủ từ lâu, từ thuở ông còn là sinh viên của Nhạc viện Tp HCM mấy chục năm trước. Thế nhưng, với hai bàn tay trắng và sự éo le của đời sống nhạc kịch buộc ông phải gác tạm giấc mơ của mình để làm kinh tế. Trong khi đó, phải tốn nhiều tỉ bạc, vở nhạc kịch "Thằng gù nhà thờ Đức Bà" Việt hóa dựa theo tiểu thuyết kinh điển "Nhà thờ Đức Bà Paris" của đại văn hào Pháp Victor Hugo mà nhạc sĩ Vũ Huy Tiến phải mất 30 năm ròng để hoàn thiện cả phần nhạc, mới có dịp ra mắt khán giả. Cách đây hai năm, nghệ sĩ Cao Minh được mời đóng vai linh mục Frollo trong vở nhạc kịch này. Nhưng vở chỉ diễn được một đêm tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và hai đêm ở Nhạc Viện Tp HCM rồi thôi.

Đau đáu cho số phận lay lắt của tác phẩm mà nhạc sĩ Vũ Huy Tiến dày công gây dựng,  giấc mơ năm nào của NSƯT Cao Minh lại bùng cháy. "Tôi có đóng phim và đóng kịch rồi nên tôi nghĩ việc làm nhạc kịch không khó lắm. Mình cứ thử xem sao. Dù gì tôi cũng là nghệ sĩ còn bám trụ vở nhạc kịch này, các nghệ sĩ khác tham gia giữa chừng thì bỏ vì không có tiền. Điểm biểu diễn cho nhạc kịch lại không phải lúc nào cũng có vì nó vẫn chưa được công chúng ưa chuộng, nhà hát sợ không bán được vé. Nhiều đêm liền tôi không ngủ được và quyết định chọn quán cà phê của mình là nơi để nhạc kịch sáng đèn hằng đêm. Thông qua đó, các nghệ sĩ và khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức,  giao lưu, bàn luận định hướng về sân khấu nhạc kịch Việt Nam" - Nghệ sĩ Cao Minh giãi bày.

Cả khuôn viên cà phê sân vườn Cao Minh trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, Tp HCM rộng gần 1000 mét vuông đang ăn nên làm ra bị chủ nhân của nó sẵn sàng đập và tu sửa lại. Ông dành hẳn 600 mét vuông để xây dựng cảnh trí như bức tường lâu đài, cây cối, nhà thờ, gác chuông, con suối... Không có nhân lực, tự tay ông thiết kế âm thanh, ánh sáng. Mọi vật dụng, chi phí đều do nghệ sĩ Cao Minh bỏ tiền túi trang trải.

Không gian sân vườn cà phê ấm cúng giúp khán giả tiếp cận gần hơn với thể loại nhạc kịch.

Không có tiền thuê đạo diễn, bất đắc dĩ ông đảm nhiệm luôn vai trò nặng nề này. Đáp lại nhiệt huyết của ông, từ các nghệ sĩ lão làng như NSND Trần Hiếu, NSƯT Duy Tân, nhạc sĩ Vũ Huy Tiến đến diễn viên của Nhạc viện thành phố đều tham gia đóng góp tài năng với tinh thần tự nguyện, không nhận cát xê. Mọi khâu điều khiển âm thanh, ánh sáng, soát vé... đều do cộng tác viên của một trường đại học hỗ trợ.

Vở nhạc kịch "Thằng gù nhà thờ Đức Bà" được coi là vở mở màn dự án “cà phê nhạc kịch”. NSND Trần Hiếu vào vai người dẫn chuyện, NSƯT Duy Tân vào vai thằng gù Quasimodo, NSƯT Cao Minh tiếp tục đảm nhiệm vai linh mục Frollo. Các vai còn lại đều do sinh viên, giảng viên của Nhạc viện thành phố biểu diễn. Điều thú vị của dự án này là các diễn viên trẻ, mới, sẽ không được được giới thiệu tên tuổi. Nếu họ biểu diễn hay, được ái mộ thì chính khán giả sẽ chủ động tìm đến họ. Do vậy, các sinh viên Nhạc viện coi đây như một sân chơi để thể hiện tài năng, học hỏi thêm kinh nghiệm trước khi bước vào con đường biểu diễn, ca hát chuyên nghiệp.

Để nhạc kịch thành món quen với công chúng

Vở nhạc kịch "Thằng gù nhà thờ Đức Bà" đã thu hút đông đảo khán giả. Khuôn viên quán chỉ có sức chứa 200 người, nhưng với một số khán giả không mua được vé, ban tổ chức cũng tạo điều kiện để họ vào xem. Tận dụng không gian sân vườn thoáng đãng, sân khấu được trang trí sống động gần gũi. Sân khấu thực chất là khoảng sân gần ngay khán giả. Nhạc đệm piano, violin do nhạc sĩ Huy Tiến chơi trực tiếp trên sân khấu. Nghệ sĩ xuất hiện từ phía sau hay ngay bên cạnh khán giả khiến họ có thể thưởng thức trọn vẹn khả năng diễn xuất và xướng thanh của nghệ sĩ.

Là thể loại vốn quen thuộc với không gian trang trọng như nhà hát, việc biểu diễn nhạc kịch tại quán cà phê lần đầu tiên đã tạo ra sự tương tác, giao thoa thú vị giữa người xem và nghệ sĩ. Khán giả Nguyễn Thùy Trang hào hứng: "So với lần biểu diễn ở nhà hát hay nhạc viện, em thấy vở diễn lần này rất thú vị vì có cảnh thật, diễn viên cũng gần khán giả hơn. Không gian rất ấm áp".

Nhắc tới nhạc kịch "Thằng gù nhà thờ Đức Bà", nghệ sĩ Cao Minh từng chua chát kể rằng nhiều người không khỏi nhăn nhó chặc lưỡi: Chắc vở này khó xem lắm! Nhưng giờ đây vở nhạc kịch đã gây nên sự bất ngờ. Đó là sắc màu đương đại vừa uyên bác vừa dân dã. Sự phối hợp táo bạo các phong cách âm nhạc từ opera, blue, jazz… đến pop đã tạo nên các giai điệu mượt mà, sáng tạo, trữ tình… "Tôi quan niệm khi viết nhạc kịch thì phải làm sao để khán giả hiểu được lời diễn viên hát, từ đó hiểu được tâm trạng của diễn viên. Nếu hát nhạc kịch theo kiểu cổ điển, theo phong cách thanh nhạc Châu Âu thì sẽ hạn chế vì khán giả rất khó nghe lời" - Nhạc sĩ Huy Tiến nói.

Xây dựng vở nhạc kịch bằng cách kết hợp nhạc cổ điển với tân nhạc như trên chính là hướng đi của dự án cà phê nhạc kịch. Qua đó, các nghệ sĩ còn mong muốn khán giả cảm thụ được cái hay cái đẹp của lời ca đầy tính triết lý, mượt mà thay vì giai điệu đinh tai nhức óc hay màn nhảy múa rối mắt của các sân khấu ca nhạc bây giờ.

Sau  "Thằng gù nhà thờ Đức Bà", quán cà phê Cao Minh sẽ tiếp tục giới thiệu đến khán giả những vở ca nhạc kịch thuần Việt như: "Chùa Đàn" (dựa theo tác phẩm "Chùa Đàn" của Nguyễn Tuân), "Gã ăn mày trong hẻm phố Sài Gòn"...  Khoảng bốn tháng, quán lại giới thiệu đến khán giả một vở mới. Đồng hành cùng dự án, nhạc sĩ Huy Tiến sẽ là người viết kịch bản, soạn nhạc. NSND Trần Hiếu và NSƯT Duy Tân sẽ tiếp tục đảm nhiệm những vai diễn nặng ký.

Nhạc kịch Việt được ví như một cô gái đẹp nhưng cơ hội để phô bày vẻ đẹp của mình quá ít ỏi. Gắn bó với nền nhạc kịch Việt Nam từ ngày đầu hình thành và phát triển, NSND Trần Hiếu trăn trở: "Nhạc kịch Việt Nam hình thành từ những thập niên 60 của thế kỉ trước bởi các nhạc sĩ lão làng như nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Nếu so với số lượng các vở nhạc kịch Châu Âu gia nhập vào Việt Nam thì số lượng vở nhạc kịch của nước ta khi ấy nhiều hơn và không hề thua kém về nội dung. Nhưng đến thập niên 70, nhạc kịch liên tiếp dựng đi dựng lại các vở cũ. Về sau có nhiều nhạc sĩ viết vở mới nhưng  chỉ dừng lại ở dạng ca cảnh.

Điều kiện làm nhạc kịch ở Việt Nam bây giờ rất gắt gao. Vì không đủ tiền, không đủ lực lượng và nơi biểu diễn. Hơn nữa nhạc kịch đòi hỏi cần có dàn diễn viên chuyên nghiệp, sân khấu và âm thanh riêng chứ không thể phát triển ra phong trào quần chúng như các thể loại khác. Do vậy mà nhạc kịch xa lạ với công chúng. Nhưng khi nó tiếp cận được với họ, chắc chắn họ sẽ yêu nó". Tình cảm của khán giả đối với vở diễn mở màn như chứng minh phần nào lời nói của NSND Trần Hiếu. Vở kết thúc đã lâu nhưng rất nhiều khán giả vẫn nán lại để chụp hình và giao lưu với các nghệ sĩ.

Thiếu kinh phí, nhưng các nghệ sĩ trong dự án luôn nói không với việc tìm kiếm nhà tài trợ. Họ không nỡ để phông màn sân khấu, đèn điện, ghế ngồi có logo của nhà tài trợ. Họ không muốn nghệ thuật bỗng đem ra làm tiền. Và liệu thời gian tới, quán cà phê lọt thỏm trong con hẻm nhỏ này có thu hút khán giả như mong đợi? Kịch bản có đủ để quán diễn hằng đêm?.... Rất nhiều câu hỏi, rất nhiều khó khăn phía trước nhưng NSƯT Cao Minh vẫn quả quyết như đinh đóng cột: "Khi nào  tôi còn sức và các nghệ sĩ còn ủng hộ, khi đó quán “cà phê nhạc kịch” vẫn sáng đèn"

P.T.U.
.
.