Giới trẻ với trào lưu “hoài cổ”:

Nhu cầu tìm về cội nguồn hay hiện tượng nhất thời?

Thứ Hai, 10/09/2018, 07:45
Không chỉ chọn những “sân chơi” vốn mặc định dễ gây sự chú ý nhưng tốn kém về mặt kinh phí như Điện ảnh, hay quen thuộc hơn nữa là nghệ thuật sân khấu truyền thống, hàng loạt các dự án, chương trình nhằm khai thác, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống hướng về cộng đồng, dành cho cộng đồng, thậm chí phi lợi nhuận liên tục được các bạn trẻ “trình làng”.


Khi người trẻ “ồn ào” hoài cổ

Ngọc Nguyễn

Thay vì tâm lý dè dặt khi công khai sở thích khám phá nghệ thuật truyền thống, văn hóa xưa vì e ngại sẽ bị bạn bè chê “nhà quê”, lạc hậu, không ít bạn trẻ chọn văn hóa truyền thống như một vốn quý để tự hào quảng bá với bạn bè trong và ngoài nước.

Đây là những tín hiệu tích cực cần tiếp tục khích lệ trong giới trẻ, dù rằng phần lớn các hoạt động này vẫn mang tính tự phát và để họ thực sự tiến xa hơn nữa thì còn cần nhiều vấn đề phải bàn.

Những ngày cuối tháng 8, Ngày trò chơi dân gian Việt Nam (18-8 hằng năm) chính thức ra mắt tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Hà Nội. Cùng với lễ công bố và đón chứng nhận từ UNESCO là một hoạt động sôi động hơn gấp nhiều lần: Ngày hội Olympic trò chơi dân gian.

Thu hút sự tham gia của hơn 1.000 người, đặc biệt trong đó có rất nhiều bạn trẻ và gia đình trẻ, sự kiện là hoạt động trọng tâm của Sân Đình - một dự án cộng đồng, hoạt động phi lợi nhuận, nhằm mục đích duy trì, bảo tồn, và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc. Dự án được kỳ vọng sẽ mang những giá trị văn hóa đang bị mai một trở về với cuộc sống đương đại, đem đến hơi thở mới cho những giá trị cũ và giúp văn hóa dân gian có thể hòa hợp với cuộc sống đô thị. Trong đó, giai đoạn đầu sẽ tập trung cho kho tàng trò chơi dân gian Việt Nam.

Trò chơi ăn ô quan do các thành viên dự án Sân Đình tổ chức thực hiện thu hút sự tham gia của đông đảo thanh thiếu niên và du khách đến Hà Nội.

Không chỉ mang các trò chơi cổ truyền nguyên bản quay trở lại sân đình, trường học và các không gian công cộng, các thành viên của dự án còn mong muốn truyền cảm hứng cho thanh thiếu niên và các thế hệ trong gia đình thông qua việc tham gia các trò chơi dân gian của người Việt, hiểu về ý nghĩa và giá trị văn hóa của các trò chơi, đồng thời ứng dụng được tiềm năng của các trò chơi dân gian trong các hoạt động giáo dục kỹ năng cho trẻ.

Đây cũng là dự án hứa hẹn mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, hoạt động bài bản khi được bảo trợ và đồng hành của Trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững (CSDS), Tổ chức Eye Opener Works tại Việt Nam và các thành viên trẻ của 3 dự án: Tôi cam kết, Tôi xê dịch và MyHanoi.

Trong buổi lễ ra mắt Ngày trò chơi dân gian Việt Nam và Ngày hội Olympic trò chơi dân gian, người tham dự không chỉ được trải nghiệm hàng chục trò chơi dân gian nguyên bản mà còn được hướng dẫn cách chơi và biết cách tự tạo ra trò chơi dân gian kiểu hiện đại thích hợp chơi tại gia đình, trường học, cơ quan mà vẫn giữ đúng tinh thần và giá trị của trò chơi dân gian nguyên bản, tìm hiểu các câu chuyện lịch sử, văn hóa xoay quanh các trò chơi dân gian cùng với những kiến thức thú vị và các giá trị của chúng thông qua hoạt động triển lãm và tương tác khác…

Trước đó, “Tôi xê dịch” - Một dự án truyền thông xã hội nhằm mục đích đưa văn hóa Việt đến gần với người trẻ đã được thành lập tháng 6-2012. Sau 6 năm, đến nay, dự án đã thu hút được đông đảo các thành viên và tổ chức khá đều đặn các tour du lịch tìm hiểu các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trò chuyện với các chuyên gia văn hoá, khám phá nhiều câu chuyện văn hoá thú vị tại mỗi điểm đến.

Rất nhiều chuyến đi được tổ chức thành công, không chỉ góp phần đánh thức lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước mà còn góp phần bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc: hành trình “Tham quan Hoàng thành Thăng Long và tìm hiểu văn hóa Hà Nội”, “Tìm hiểu Văn miếu Quốc Tử Giám và nền Nho học”, “Kiến trúc và trang phục của người Hà Nội xưa”, “Tham quan phủ Tây Hồ và tìm hiểu về đạo Mẫu”, “Ca trù – Vang bóng một thời”, “Cầu Rồng kể chuyện” , về làng tranh Đông Hồ…

Trong khi đó, Câu lạc bộ MyHanoi cũng trở thành nơi hội tụ của người trẻ với nhiều hoạt động thú vị chuyên sâu về lịch sử, văn hóa Hà Nội. Mục đích góp phần gìn giữ và lan tỏa những giá trị, nét đẹp văn hóa của Hà Nội trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ của các thành viên trong câu lạc bộ đã được hiện thực hóa bằng nhiều chương trình.

Dự án không gian trải nghiệm trò chơi – đồ chơi dân gian là một điển hình. Đến nay, Bờ Hồ Hoàn Kiếm đã trở thành “điểm hẹn” để cùng vui chơi, khám phá các trò chơi dân gian: ô ăn quan, nhảy dây, kéo co, chuyền chắt, cướp cờ, mèo đuổi chuột, vẽ mặt nạ giấy bồi, nặn tò he, làm cào cào… mỗi buổi chiều cuối tuần. Các thành viên trong câu lạc bộ còn cho biết, họ đang cố gắng nhân rộng mô hình hoạt động này ra nhiều địa điểm khác của Hà Nội.

Tuy nhiên, có một khó khăn không dễ vượt qua là kinh phí hiện tại của câu lạc bộ do các thành viên tự đóng góp hoặc thông qua việc bán các đồ thủ công mỹ nghệ. Để duy trì hoạt động lâu dài, chắc chắn họ cần nguồn tài chính hỗ trợ từ cộng đồng mà việc này thì không dễ.

Không hẳn vướng mắc về mặt tài chính nhưng nhóm Vietnam Center gồm 3 người trẻ gốc Việt, sống ở Sydney (Australia) Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Ngọc Phương Đông và Tô Lê Ngọc Linh trở về Việt từng “liêu xiêu” khi phục dựng và công bố các bộ trang phục triều Lê Sơ.

Nhóm bạn trẻ này cũng phải tự bỏ tiền túi để thực hiện dự án, đồng thời khẳng định Vietnam Center là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam ra với bạn bè thế giới. Nhưng, các bộ trang phục được công bố bị cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng mạng lan truyền nhanh đến “chóng mặt” cùng các nghi hoặc trang phục triều Lê Sơ của Việt Nam mang dáng dấp của Hàn Quốc. Mọi chuyện tạm lắng dịu khi một trong số các nhà nghiên cứu kiêm người “đỡ đầu” cho dự án – Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức lên tiếng phân tích thiệt hơn, sai – đúng.

Mới đây nhất, nửa đầu tháng 8, người quan tâm đến vốn văn hóa cổ xưa, đặc biệt là trang phục truyền thống của cha anh thêm một lần ngạc nhiên khi chàng trai trẻ Nguyễn Đức Lộc thành lập và đưa Ỷ Vân Hiên đi vào hoạt động. Đây là đơn vị tập hợp các bạn trẻ đam mê văn hóa, tiếc vốn quý của cha ông bị mai một và có cùng mong muốn khôi phục lại những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc, phát triển trong đời sống đương đại, phục vụ rộng rãi trong cộng đồng.

Cùng với lễ ra mắt trang trọng tại phố cổ Hà Nội với sự hỗ trợ của khá nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, họa sĩ, nghệ nhân chuyên về mỹ thuật cổ, Ỷ Vân Hiên còn củng cố niềm tin cho số đông khi tuyên bố, đơn vị này đã tập hợp được khá nhiều nghệ nhân của các làng nghề nổi tiếng trên cả nước để mời tham gia vào các dự án của mình.

Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động đến đâu và các bạn trẻ giàu nhiệt huyết đi được bao xa so với mong muốn của chính họ thì ngay cả các thành viên trong đội ngũ “đỡ đầu” về mặt chuyên môn lẫn tài chính vẫn chỉ dám thừa nhận rằng họ tham gia với tính chất hỗ trợ, động viên, khuyến khích các bạn trẻ tìm về với “vốn cổ” là chính.

Họa sĩ, nhà nghiên cứu Mỹ thuật cổ Nguyễn Mạnh Đức: Văn hóa xưa cần được chuyển tải, phục vụ đời sống đương đại

Minh Hà (ghi)

Thời gian gần đây tôi được nhiều bạn trẻ đam mê văn hóa truyền thống mời cố vấn cho các dự án của họ. Người trẻ quan tâm đến văn hóa truyền thống, hơn nữa còn mong muốn cho nó một đời sống thực trong xã hội hiện đại là chuyện rất đáng mừng.

Vì công việc bận rộn, tôi ít có thời gian đi với các bạn ấy trong các chuyến đi thực địa, tìm kiếm tư liệu nhưng bất kể lúc nào họ cần đóng góp ý kiến, lý giải về vấn đề nào đó thì tôi đều sẵn sàng. Tôi luôn muốn để hình ảnh có họ, công trình của họ, tác phẩm của họ hoàn chỉnh, nhiều ý nghĩa nhất khi đưa đến với công chúng.

Theo tôi, việc các bạn trẻ hiện nay tìm về văn hóa truyền thống là xu hướng tất yếu. Nếu các bạn nhìn ra các nước xung quanh chúng ta sẽ thấy rất rõ điều đó, đặc biệt là Hàn Quốc, Trung Quốc… Tìm về văn hóa truyền thống là việc cần thiết. Vấn đề là chúng ta bước đi đến đâu, như thế nào? Nếu chúng ta ít tiền thì làm theo kiểu riêng, đừng bao giờ giới hạn trong cái truyền thống cũ. Với tôi, truyền thống không đồng nghĩa với sự cũ kỹ.

Chúng ta tìm về với văn hóa truyền thống nhưng phải là truyền thống của chúng ta chứ không phải truyền thống của các cụ xưa. Và, để cho văn hóa ấy được phát huy thì phải có môi trường phù hợp. Ví dụ như các bạn trẻ phục dựng, đưa vào đời sống chiếc gối vân mây nhưng chiếc gối này thì không thể phù hợp như một ngôi nhà hiện đại với những bóng đèn led thường thấy, tivi, tủ lạnh. Nó cần một không gian riêng và phải được cần đến như một nhu cầu thì lúc đó nó sẽ có tính phổ cập. Văn hóa truyền thống, nghệ thuật truyền thống cũng thế thôi.

Tất nhiên, tôi cũng không kỳ vọng vào các bạn trẻ hôm nay vào việc phục dựng y nguyên cái truyền thống cũ mà kỳ vọng các bạn ấy sẽ chuyển tải lại văn hóa xưa một cách sáng tạo và phù hợp để phục vụ đời sống xã hội, thích nghi với đời sống hiện đại. Ví dụ cũng là chiếc áo dài nhưng bây giờ chúng ta làm cái áo ngắn hơn xưa, làm áo hè. Hoặc áo mùa đông thì chần bông mặc cho ấm mà vẫn đẹp. Nói chung là tùy theo chất liệu nhưng nó phải đẹp. Kể cả tranh vẽ rất hiện đại cũng thế. Người xem tranh vẫn nói cái này rất truyền thống còn cái kia không truyền thống. Như thế, tức là chỉ khác nhau về mặt ngôn ngữ chuyển tải thôi.

Có thể ngôn ngữ chuyển tải hiện đại hay không hiện đại còn tinh thần trong nó là truyền thống, trong thái độ của chúng ta khi tiếp nhận và chuyển tải vào tác phẩm. Vấn đề là chúng ta có đủ khả năng, điều kiện bộc lộ điều ấy cùng với những giá trị mới hay không. Thế giới họ cũng thế cả. Nước láng giềng của chúng ta là Trung Quốc đang làm rất tốt điều này.

Ví dụ trong điện ảnh, cái nền tảng văn hóa cũ xưa của họ rất khác với phim cổ trang bây giờ, thậm chí hoàn toàn khác hẳn. Các bạn trẻ Việt Nam hiện nay tìm về văn hóa truyền thống, phục dựng, phản ánh chúng nhưng không phải chỉ phản ánh kiểu hiện thực chủ nghĩa, nghệ thuật hiện thực, mà phải hòa nhập với quốc tế. Chúng ta không thể từ chối trừu tượng, không thể từ chối lập thể, không thể từ chối những cái thuộc về nghệ thuật thị giác nhưng vẫn phải phù hợp với nền tảng văn hóa của mình, xây dựng trên nền tảng văn hóa đó.

Với nền văn hóa của người Việt, xác định đâu là đúng đâu là sai là cả một vấn đề và vấn đề này vẫn luôn được các nhà nghiên cứu quan tâm. Cho đến nay, chúng ta vẫn đi tìm giá trị đích thực, giá trị gốc của văn hóa truyền thống. Những nghiên cứu đầy đủ để chúng ta đọc nó là có thể hiểu hết được rất ít và vẫn rất thiếu những công trình để lớp trẻ nghiên cứu đầy đủ, không mất thời gian để nghiên cứu, chỉ việc nhận lấy nó, phát triển lên.

Trong quá trình vận động quá lớn, quá nhanh của xã hội hiện tại, có khi người trẻ mong muốn tiếp nhận văn hóa truyền thống nhưng lại đưa ra những hình ảnh rất khác biệt. Chúng ta đưa ra những yêu cầu về truyền thống một cách đầy đủ thì rất khó khăn. Nếu chúng ta còn loay hoay giữa cái đúng cái sai thì chúng ta không phát triển được. Cái chúng ta cần là cốt lõi của giá trị của văn hóa truyền thống chứ không chỉ là nhận biết chúng.

Chúng ta cần tiếp thu chúng để tạo ra những cái gì đó khác biệt. Chữ cổ xưa không bao hàm tất cả văn hóa người Việt. Văn hóa người Việt, theo tôi là phải gắn liền với quá trình vận động, là những cái tinh túy nhất, còn tồn tại, phát triển trong các thời đại văn minh của xã hội. Đấy mới là văn hóa của người Việt. Tôi biết một số nhóm bạn trẻ tâm huyết với văn hóa truyền thống và thấy họ đã bắt đầu ý thức  chắt lọc những gì tinh túy nhất để chuyển tải lại, vừa tạo nên sự khác biệt mà vẫn đậm bản sắc văn hóa người Việt.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: Cần tâm thế bao dung khi đến với người trẻ

Minh Hải (thực hiện)

- Sau cuốn sách “Ngàn năm áo mũ”, Trần Quang Đức đã trở nên rất “hot” trong giới cổ phục. Bây giờ các dự án sân khấu, điện ảnh, chương trình sử dụng cổ trang ngày càng nhiều, chắc là anh nhận được nhiều lời mời tham vấn?

+ Tôi nhận được nhiều lời mời nhưng lâu nay vẫn tránh, không muốn đứng tên nhiều. Đôi khi tôi nghĩ, họ chỉ mượn cổ trang để gây chú ý, tạo tiếng vang thôi, nên họ không quan tâm tham vấn ý kiến của nhà nghiên cứu. Mà nếu tôi có nói, chưa chắc họ đã làm được đúng như thế. Có những đoàn, họ muốn có cái tên của mình trong thành phần để giới thiệu cho đẹp. Họ hỏi ý kiến mình rồi, lúc về họ không làm, họ không muốn làm một cách chuẩn chỉ.

Thực ra mà nói, Trung Quốc, Hàn Quốc nổi tiếng về phim cổ trang nhưng họ có làm chuẩn chỉ đâu? Họ dựa vào cái cũ, phóng tác ra. Với Việt Nam, tôi nghĩ, nếu chúng ta còn loay hoay xác định đâu là bản gốc thì không phát triển ra được đâu. Chúng ta phải xác định văn hóa truyền thống là cốt lõi nhưng không phải 100% là cái cũ mà phải là cái nền để chúng ta nâng lên, tiếp thu và phát triển.

Có nhiều nhóm bạn trẻ tìm về vốn cổ đến tìm tôi với mong muốn được tham vấn thực sự. Họ rất cởi mở, chịu nhìn, học, đọc mở rộng ra, biết cái nào là cái truyền thống, cái nào là thời Lê, cái nào là Nguyễn. Nhưng đa số người bình thường lại bị “ám thị” bởi cái truyền thống, tức là dựa vào Chèo, vào Tuồng. Những trang phục trong đấy nhìn quen rồi.

Khi đưa một cái khác lạ hơn, họ dễ bảo cái này sao giống Trung Quốc thế. Nhưng thực ra cái Trung Quốc ấy phải đặt trong ngoặc kép. Có những cái chúng ta du nhập từ Trung Quốc, khi sang Việt Nam nó có kiểu của người Việt, vẫn còn nét tương đồng nhất định. Đây là cả một “kho” kiến thức mà muốn nhận biết được, phổ biến được cần phải có thời gian.

-  Theo anh, việc các nhóm bạn trẻ đam mê văn hóa cổ xưa, tìm cách phục dựng, phổ biến trong cộng đồng là xu hướng tất yếu hay chỉ là hiện tượng nhất thời?

+ Tôi cho rằng đây là xu thế chung, không chỉ ở Việt Nam mà còn là xu hướng ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, cộng đồng Hoa Kiều ở các nước cũng có phong trào khôi phục lại trang phục truyền thống. Trước cải cách mở cửa, còn bao cấp, còn sang chấn tinh thần bởi chiến tranh nhưng mấy chục năm trở lại đây, bối cảnh thay đổi rất nhiều.

Trong bối cảnh sốc văn hóa, sốc trong xung đột văn hóa với Phương Tây, trong quá trình giằng co trong việc tái định vị lại văn hóa của mình sẽ có những quan điểm chống lại, cho rằng cái này giống Hàn Quốc, cái kia giống Trung Quốc. Nhưng sau khi trải qua những cơn sang chấn, những sự xung đột đấy, người ta sẽ định vị lại, cái này là của Việt Nam.

Việt Nam lúc này có điểm giống Hàn Quốc là vì nguyên nhân này, giống Trung Quốc ở điểm này vì nguyên nhân kia. Khi người ta đã hiểu được nguyên nhân như thế thì sẽ ổn định lại, cung cấp lại cho người ta kiến thức đúng đắn nhất. Còn bây giờ mình vẫn đang trong xu thế tái định vị lại bản sắc, tái định vị lại văn hóa cũ.

Tôi rất mừng là bây giờ có rất nhiều nhóm bạn trẻ Việt Nam tìm về với văn hóa cổ xưa của cha ông như Ỷ Vân Hiên, Vietnam Center, Đại Việt cổ phong… Trong đó, có nhiều nhóm có học sinh của tôi nên mỗi lần ra mắt dự án, các bạn ấy lại mời tôi đến nói chuyện.

-  Ngày càng nhiều bạn trẻ say mê tìm lại vốn văn hóa cổ, phục dựng và phổ biến trong cộng đồng nhưng không ít ý kiến e ngại, nếu không cẩn thận, họ sẽ làm biến dạng, lệch lạc văn hóa truyền thống.

+  Khi trao đổi về cổ phục, chúng tôi hay nói đùa là vẽ chó vẽ mèo thì khó, vẽ ma vẽ quỷ thì dễ vì những thứ mình không nhìn thấy thì mình tự do sáng tạo, thỏa sức để tưởng tượng còn vẽ những gì đã có, nhiều khi chỉ chệch một chút thôi là đã có thể bị lên án ngay. Các dự án hiện nay cũng thường loanh quanh ở thời Nguyễn.

Thời Nguyễn khá gần với chúng ta. Còn nhiều nghệ nhân, tư liệu còn, nếu sai sót dễ nhìn thấy. Với các dự án như thế của các bạn trẻ, chúng ta nên bao dung hơn. Nếu 10 năm trước, chúng ta có ước cũng không có xu hướng như thế, các dự án như thế. Đây sẽ là những bước chân ban đầu. Nếu nhìn với con mắt khắt khe thì khó làm được.

Hơn nữa, họ là các bạn trẻ dấn thân với văn hóa cổ, là thế hệ 9X, sự nhiệt tâm của các bạn ấy rất đáng trân trọng. Họ giống như những viên gạch nền. Tôi nghĩ, các thế hệ sau có thể còn làm tốt hơn nữa. Tất nhiên là họ cũng vẫn cần những tiếng nói phản tỉnh nhưng tôi thì luôn bảo lưu quan điểm là phải đến với các bạn ấy bằng tâm thế bao dung. Khi các bạn ấy làm quá sai tôi vẫn góp ý kiến nhưng về tinh thần là ủng hộ.

-  Anh là nhà nghiên cứu trẻ và là một trong số rất ít người nghiên cứu về cổ phục Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, anh có hài lòng với sự đón nhận của độc giả với cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” không?

+  Hiện nay, sách “Ngàn năm áo mũ” xuất bản khoảng 15.000 cuốn. Với một cuốn sách nghiên cứu, bình thường chỉ in 1.000 bản đến 2.000 bản đã là tốt rồi. Nên nếu “đo đếm” sự hài lòng bằng số lượng sách phát hành, tôi rất vui. Tôi vẫn nói đùa là một cuốn sách toàn chữ với chữ thì sẽ rất kén người đọc. Nếu là chữ Hán thì còn kén nữa. Sách của tôi nghiên cứu về trang phục mà trang phục thì người ta dễ xem, dễ hiểu hơn. Sách của tôi được đón nhận có thể còn vì lý do đấy nữa.

- Xin cảm ơn anh!
PV
.
.