Nhìn thẳng vào “tâm bão” của ngành Giáo dục

Thứ Bảy, 28/07/2018, 07:55
Hà Giang sẽ không tạo hiệu ứng nếu như không có việc một thí sinh chuyên Sử lại đỗ thủ khoa khối A01 (Tuyên Quang) với tổng điểm 27,65; cũng học chuyên Sử nhưng thí sinh ở Sơn La lại đạt 9,8 điểm môn tiếng Anh (thi thử 1,2 điểm)…


“Hiệu ứng" Hà Giang

Cao Hồng

“Hiệu ứng Hà Giang” còn vượt dãy Trường Sơn để lan rộng ra các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Niềm tin về nền giáo dục nước nhà vốn đã chênh vênh, “hiệu ứng" Hà Giang chính là cơ hội để làm sáng rõ những tồn tại chất chứa bao năm nay trong việc dạy, việc học, việc thi cử ở nước ta. Và đây cũng là dịp dẫu đau đớn nhưng cần phải nhổ bỏ đi những mục ruỗng, sâu mọt để chấn hưng nên giáo dục ở một quốc gia luôn đặt việc học lên hàng đầu.

1. Choáng váng. Rúng động. Đổ vỡ… là những trạng thái cảm xúc  khi vụ việc chỉ mất 6 giây để phù phép một bài thi điểm dốt thành điểm giỏi ở Hà Giang được công bố. Nếu như không được phát hiện, một thí sinh có điểm đủ để… trượt tốt nghiệp THPT sẽ trở thành thủ khoa đại học. Điều gì khiến mọi giá trị bị đảo lộn như vậy? Công bằng ở đâu cho những em học sinh say mê học tập với những trang sách? Công bằng đâu cho những phụ huynh đặt trọn niềm tin về sự ngay ngắn trong thi cử? Cơ sở nào để cả xã hội tin rằng, nền giáo dục nước nhà đang tiệm cận với các nước trong khu vực và quốc tế sau những miệt mài cải cách, đổi mới?

Khi trò "ảo thuật" ở Hà Giang được phơi bày, rất nhiều người đã chỉ ra những bất cập của kỳ thi THPT quốc gia vốn ra đời với mục đích vô cùng tốt đẹp là tiện ích, tiết kiệm, hiệu quả. Nhưng sự thật lại chỉ ra rằng, tại kỳ thi “2 trong 1” này đã bộc lộ nhiều sơ hở, nhất là khâu chấm điểm.

Gian lận trong thi cử là một lỗ hổng của ngành Giáo dục.

Một kỳ thi cấp quốc gia, quan trọng bậc nhất trong năm nhưng lại có thể can thiệp để làm thay đổi kết quả không thể chấp nhận được. Bởi, hậu quả của nó gây ra cho xã hội quá lớn. Đó không chỉ là việc đánh giá sai kết quả thi, gây bất công bằng cho thí sinh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tuyển chọn đào tạo đội ngũ trí thức.

Một thí sinh có điểm thi trượt tốt nghiệp THPT nhưng nghiễm nhiên bước chân vào một trường đại học danh giá - nơi đào tạo những cán bộ cho bộ máy nhà nước, sẽ là sự phỉ báng vào giá trị văn minh, công bằng xã hội mà chúng ta đang xây dựng và hướng tới. Hàng vạn phụ huynh vốn dành một phần không nhỏ thu nhập hàng tháng để đầu tư cho việc học của con sẽ khó mà khuyên con chăm chỉ học hành để đỗ đạt khi mà chúng thấy những bạn vốn học kém hơn mình nhưng đi thi thì điểm cao chót vót. Rồi những cán bộ công chức, họ sẽ tin vào đâu khi con các sếp đi thi lại được “tặng”… điểm.

Rõ ràng, một kỳ thi tồn tại nhiều sơ hở, bất cập và gây ra những hệ lụy quá xấu như vậy cần phải xem xét để thay đổi.

2. Trước khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có 13 năm duy trì kỳ thi tuyển sinh đại học 3 chung (2002 – 2014) (chung đợt thi, chung đề thi, dùng chung kết quả để xét tuyển đại học, cao đẳng).

Ngay năm đầu tiên tổ chức kỳ thi “2 trong 1” đã tạo nên sự biến động lớn trong xã hội khi thí sinh, phụ huynh bị biến thành đèn cù khi phải chạy theo các trường để thay đổi nguyện vọng bởi điểm xét tuyển lên xuống như sàn chứng khoán. Cứ nghĩ, sau lần đầu còn nhiều bỡ ngỡ ấy, những năm tiếp theo, việc thi cử sẽ dần ổn định và đạt chất lượng cao thì kỳ thi năm 2017 lại “mưa” điểm 10. Căn bệnh thành tích vốn mãn tính trong nền giáo dục ở nước ta nên kết quả này khiến nhiều người nghi ngại.

Rồi đến kỳ thi THPT quốc gia 2018 vốn được Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá là nghiêm túc và thành công nhưng lại xảy ra sự cố ở Hà Giang và bất thường ở một số tỉnh đang được kiểm tra, làm rõ. Có lẽ, chính vị tư lệnh của ngành Giáo dục cũng bất ngờ và choáng váng trước vụ Watergate trong nền giáo dục của nước nhà chăng?

Sẽ làm nghiêm và không có vùng cấm. Đó là thông điệp được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chuyển đến trong cuộc họp mà truyền thông được tin vào tối 19-7, sau nhiều ngày mà “sự cố” Hà Giang được công bố. Vâng! Sẽ làm nghiêm và không có vùng cấm để mọi bất thường trong kỳ thi này được làm rõ. Để đòi sự công bằng cho mọi thí sinh; để trong năm học tới, các trường đại học, cao đẳng yên tâm cho việc dựa trên kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2018 để tuyển sinh.

Và cái quan trọng nhất là sau khi công khai kết quả kiểm tra kỳ thi này, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ thẳng thắn nhìn nhận về việc: Có hay không nên duy trì kỳ thi “2 trong 1”; xem xét lại việc ra đề, hình thức thi trắc nghiệm; xem xét việc để trường đại học, cao đẳng tự quyền tổ chức thi tuyển; đồng thời cũng xem xét đến việc dạy, học, thi ở các cấp học Tiểu học, THCS, THPT, nhất là đối với việc xác định lại mục tiêu giảm tải khi từng bước thực hiện việc thi tổ hợp ở cấp THPT và cấp THCS (trong năm 2019) có thực giảm hay ngược lại!

Luật sư Hoàng Văn Hướng: Minh bạch trong thi cử

Hồng Tấn (thực hiện)

- Thưa luật sư, những ngày qua, giáo dục là chủ đề nóng được cả xã hội quan tâm, đặc biệt là việc phát hiện gian lận thi cử ở Hà Giang. Ông nhìn nhận việc này như thế nào?

+ Hiện nay, trong tất cả các lĩnh vực, hệ thống pháp luật ở Việt Nam đều đang trong quá trình hoàn thiện. Vì thế, lĩnh vực giáo dục nói chung và thi cử nói riêng, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia cũng nằm trong tình trạng này.

Sự việc xảy ra ở Hà Giang một phần do hệ thống văn bản pháp lý quản lý về thi cử chưa chặt chẽ; việc kiểm tra, giám sát, chỉ đạo chưa thực sự đảm bảo theo yêu cầu; tư cách, đạo đức, trách nhiệm của những người cán bộ được giao làm công tác thi không tốt.

Ở vụ việc này, chỉ trách ông Vũ Trọng Lương một phần, bởi đây là một tổ chức và vụ việc xảy ra đặc biệt nghiêm trọng đối với tư cách của ngành Giáo dục địa phương, của thí sinh. Gây ra sự bất công bằng trong xã hội, ảnh hưởng đến việc học, thi cử của quốc gia ngàn năm văn hiến.

-  Là một luật sư, ông nhìn nhận thế nào về hành vi nâng điểm 330 bài thi của ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm soát chất lượng, Sở Giáo dục & Đào tạo kiêm Thư ký Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang?

+ Hành vi của một công chức có công việc được phân công trong Hội đồng thi do những tác động như: vị nể, mua chuộc… để thực hiện việc nâng điểm các bài thi là trái pháp luật. Việc nâng điểm với số lượng lớn lên đến hàng trăm bài thi ở một kỳ thi quốc gia là đặc biệt nghiêm trọng. Việc này được nhân dân, cử tri cả nước quan tâm, tác động xã hội rất lớn.

Đảng, Nhà nước ta hiện đang kêu gọi và thực hiện chống tham nhũng với mục đích là lấy lại lòng tin trong nhân dân, thế mà ở đây người ta đã thực hiện những việc làm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đào tạo vốn được coi là vô cùng quan trọng đối với sự trường tồn và phát triển của quốc gia, dân tộc với những biểu hiện  vi phạm hình sự rất rõ.

- Chỉ ít ngày sau khi kết quả gian lận được phát hiện và công bố, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Vũ Trọng Lương. Đây cũng là động thái cho thấy sự quyết liệt trong xử lý phải không thưa ông?

+ Cơ quan điều tra đã có quá trình xác minh để làm rõ dấu hiệu phạm tội và tiến hành các biện pháp tố tụng theo quy định pháp luật. Việc làm rõ vai trò của Lương và cá nhân, tổ chức khác có liên quan là cần thiết. Không chỉ dừng lại ở Hà Giang mà Bộ Giáo dục & Đào tạo phải mở rộng kiểm tra sang nhiều địa phương để đảm bảo tính minh bạch trong kỳ thi này. Nhưng trước hết, phải xử lý vụ Hà Giang nhanh chóng và nghiêm minh để đảm bảo tính răn đe.

- Xin cảm ơn luật sư Hoàng Văn Hướng!

TS Trương Minh Đức - Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội: Những trí thức lương thiện bị tổn thương

B. Yên (thực hiện)

- Thưa ông, là một nhà giáo, ông cho biết cảm giác thế nào khi nhìn thẳng vào sự kiện "tâm bão" của ngành Giáo dục vừa qua.

+ Theo cá nhân tôi, sự kiện gian lận điểm thi trong Kỳ thi Quốc gia vừa qua là một sự xúc phạm to lớn đến nền giáo dục nước nhà và sự kiện này đã làm tổn thương đến những nhà trí thức lương thiện cũng như tất cả những người làm nghề giáo trong các trường đại học.

- Ông có đánh giá gì về tính ưu việt cũng như nhược điểm của Kỳ thi chung Quốc gia?

+ Theo quan điểm của tôi, kỳ thi 2 chung có những ưu điểm và nhược điểm nhất định: Về ưu điểm: Tiết kiệm được chi phí cho xã hội và chi phí cho gia đình các thí sinh tham gia kỳ thi. Đặc biệt là tạo điều kiện cho mọi thí sinh đều có cơ hội tham gia kỳ thi. Về nhược điểm: Tôi không đồng tình với ý kiến của một số người cho rằng kỳ thi chung bộc lộ những kẽ hở và lỗ hổng ngoài tầm kiểm soát để những người có ý định gian lận tận dụng và làm những việc sai trái như sự vụ ở Hà Giang vừa qua. Vì bản thân kỳ thi chung không sai, vấn đề là ý thức và cách làm của những người có trách nhiệm trong kỳ thi. Việc gian lận điểm ở Hà Giang cũng là do ý thức và thái độ của con người gây ra.

- Có nhiều ý kiến đang đặt ra sau sự kiện gian lận điểm thi ở Hà Giang là đề xuất Bộ Giáo dục & Đào tạo để các trường đại học tự tuyển sinh riêng? Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?

+ Thực tế thì hiện nay các trường đại học cũng đã và đang được Bộ GD&ĐT cho phép chủ động quyết định phương án tuyển sinh. Bộ yêu cầu các trường chủ động đổi mới phương thức tuyển sinh đại học theo lộ trình theo hướng tiếp cận phương thức tuyển sinh tiên tiến trên thế giới. Công bố phương án tuyển sinh cho toàn xã hội biết và chịu trách nhiệm về phương án đó. Nhiều trường hiện đã có những cách tuyển sinh rất hiện đại, tiếp cận với cách tuyển sinh đại học trên thế giới.

- Có nhiều ý kiến cho rằng học sinh hiện nay đang quá tải bởi lượng kiến thức trên lớp? Theo ông có nên giảm tải trong thi cử, dạy và học cho học sinh để việc học không còn là gánh nặng khủng khiếp gây áp lực căng thẳng cho học sinh, cho gia đình và toàn xã hội như hiện nay?

+ Trong thời đại hội nhập, thế hệ trẻ Việt Nam cần cập nhật rất nhiều kiến thức, kỹ năng và rèn luyện những phẩm chất của công dân toàn cầu. Tôi không cho rằng kiến thức trên lớp của học sinh là quá tải. Vấn đề ở chỗ cách dạy, cách học và cách thi thôi. Nếu cách dạy là để học sinh biết cần học gì, học như thế nào?

Học để làm gì và trở thành ai (có mục tiêu rõ ràng) thì chắc chắn sẽ không là gánh nặng vì mỗi học sinh sẽ biết xác định rõ mục tiêu, biết làm gì để đạt được mục tiêu. Nhà trường chỉ cần giúp các em biết cách lựa chọn học gì, cập nhật kiến thức và rèn kỹ năng như thế nào mà thôi. Lúc đó ta sẽ đào tạo được những công dân phù hợp.

- Giáo dục muốn cải cách, thay đổi thì phải xuất phát từ bản chất của nền giáo dục ấy chứ không phải cải cách hình thức như hiện nay, mà cụ thể là việc liên tục thay đổi phương án tuyển sinh gây khủng hoảng cho con em phụ huynh học sinh. Ông nghĩ sao về ý kiến đó.

+ Tôi cho rằng đổi mới, cải cách giáo dục là cần thiết. Tuy nhiên, cần làm rõ mục tiêu đổi mới, biết chọn đúng cách thức đổi mới để đạt mục tiêu đó.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Gian lận thi cử -Lỗi hệ thống?                     

Lưu Chí Thiện

Chuyện gian lận thi cử ở Hà Giang đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra. Có kẻ đã bị bắt, có kẻ chức cao hơn đã lộ diện. Chuyện Hà Giang chưa xong đã lan sang Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình, Tây Nguyên…Thực ra Hà Giang chỉ là cái ung nhọt đầu tiên bục vỡ của nền giáo dục. Ông Vũ Trọng Lương và cấp trên trực tiếp của ông chỉ là “con tốt đen” trong dây chuyền gian lận. Còn nhiều kẻ như hai ông và cấp trên chưa bị lộ, sắp bị lộ không riêng chỉ Hà Giang.

Nhìn trực tiếp xem ra là lỗi của nền giáo dục: “chạy” từ khi mới sinh đến khi “xuống lỗ”. Bắt đầu đến trường thì chạy vào lớp đầu cấp, chạy trường, chạy tốt nghiệp, chạy đại học, chạy bằng cấp, chạy vào cơ quan nhà nước, chạy chức tước học vị… cho đến khi xuống lỗ chạy hố huyệt, chạy nghĩa trang – không thể kể hết. Học thì học giả, nhưng bằng thật, tiền thật.

Về phía giáo viên thì dạy “không hết chữ”, dành những phần khó mà đề thi các cấp, đại học hay “gài bẫy” để phụ đạo kiếm tiền. Phụ huynh thì can thiệp quá sâu vào quá trình học tập của con em, chạy đủ thứ làm chúng lười biếng, dựa dẫm vì đã có người lo. Chúng học không phải cho mình, cho sự đam mê của mình mà là học cho bố mẹ. Thay vì có tuổi thơ vô tư, trong sáng, chúng bị nhốt trong các lò luyện thi.

Như đồng chí Tổng Bí thư đã nói khâu nào cũng chạy. Thật đáng buồn cho nền giáo dục lạc hậu, chết cứng bởi cách dạy, cách học suốt giai đoạn dài. Đó là nền giáo dục nặng tính hàn lâm, nhẹ tính thực tiễn. Tại sao cứ bắt học sinh phải thuộc tổng các góc trong tam giác bằng 180 độ, phải thuộc và vận dụng những công thức lượng giác loằng ngoằng mà cả đời họ không bao giờ dùng tới? Thừa những kiến thức vô ích, lại thiếu những kiến thức cần cho công việc tương lai của họ? Mãi tới năm 2013, giáo dục nước ta mới chuyển biến theo các nước thì lại rơi vào vấn đề mới. Tưởng rằng phương pháp thi trắc nghiệm sẽ không còn kẽ hở cho tiêu cực.

Thực tế gian lận điểm ở một loạt tỉnh cho thấy phương pháp này càng thúc đẩy tiêu cực, càng dễ gian lận. Không chỉ  số ít mà càng nhiều, càng dễ. Dù có máy móc nào cũng vô ích vì con người làm ra và sử dụng máy móc. Càng hiện đại càng nguy hại khi có kẻ lợi dụng chức quyền, lợi dụng công nghệ mức độ phá hoại càng lớn.

Nhìn vào các nước có nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ, họ không phải tốn công, tốn của và làm khổ học sinh, phụ huynh. Họ không thi tuyển mà xét tuyển nhưng vẫn chọn được những học sinh ưu tú nhất. Xu hướng thế giới là giảm thời gian học đại học xuống 3 năm. Học sinh của họ ra trường làm việc, ứng dụng ngay được kiến thức vào thực tiễn rất hiệu quả. Trong khi nước ta đào tạo 4-5 năm tốn kém hơn, chậm hơn họ 1-2 năm ra trường vẫn “ú ớ” phải đào tạo lại?

Đừng vội đổ lỗi cho cá nhân nào, bởi vì lỗi ở đây thuộc về hệ thống. Một nền giáo dục chạy theo thành tích, coi điểm số là quan trọng nhất, ít chú ý học làm người trước tiên đã để lọt những kẻ học giả, dối trá. Từ đó khi tuyển dụng nặng về bằng cấp lại đưa những kẻ không trung thực vào các cơ quan công quyền. Khi họ có vị trí, quyền lực thì sự gian lận, dối trá mới “phát huy tác dụng” phá hoại con người, xã hội. Hậu quả như đã thấy là tất nhiên. Suy cho cùng tất cả là do con người, bởi con người.

Tâm thư gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ của nhà giáo Trần Độ   

Nhà giáo Trần Độ, Hải Phòng có 10 năm làm Chánh Thanh tra Sở Giáo dục & Đào tạo – Hải Phòng (6/2008 - 4/2018); 5 năm làm Phó Trưởng phòng THPT của Sở và nhiều năm là giáo viên dạy chuyên Toán. Ngay sau tiêu cực động trời về kỳ thi THPT quốc gia 2018 được phát hiện tại Hà Giang, thầy Độ đã viết tâm thư gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Những dòng chữ đầy tâm huyết chỉ ra những kẽ hở trong thi cử, những tồn tại trong công tác giáo dục và cả giải pháp tình thế để “cứu” kỳ thi năm nay của một nhà giáo, một người nhiều năm làm công tác thanh tra giáo dục đã gây chú ý dư luận. Trao đổi với phóng viên chuyên đề Văn nghệ Công an sau khi những bất thường ở kỳ thi này được phát hiện không chỉ xảy ra ở Hà Giang, thầy Độ cho biết: Hiện nay, Bộ Giáo dục & Đào tạo đang tiến hành kiểm tra tại một số địa phương khác. Nếu kết quả kiểm tra cũng giống Hà Giang, liệu người ta có dám công bố công khai như ở Hà Giang không? Tôi có lo lắng này vì đây là một bê bối quá lớn của ngành Giáo dục.

Trong khi hàng vạn thí sinh cùng phụ huynh đang nín thở chờ các trường đại học công bố điểm xét tuyển; trong khi cả xã hội đang chờ những diễn tiến tiếp theo của sự cố đặc biệt trong ngành Giáo dục, bức tâm thư của thầy Trần Độ rất đáng để chúng ta đọc và suy ngẫm. Xin trích một số đoạn trong bức tâm thư:

Kính gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

.....

Để xảy ra sự việc ở Hà Giang, theo tôi có một số nguyên nhân sau:

Về phía Bộ Giáo dục & Đào tạo: Việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1”, Bộ giao cho địa phương tổ chức mà không tráo đổi lãnh đạo Hội đồng thi, đặc biệt lãnh đạo Ban chấm thi. Quy trình chấm trắc nghiệm tưởng chặt nhưng lại không chặt, rất dễ thỏa thuận thông đồng. Việc kiểm tra file ảnh gốc của Cục Khảo thí với kết quả chấm của các địa phương chưa được coi trọng nên các địa phương mới dám làm liều như ở Hà Giang. Sự việc Hà Giang, Cục Khảo thí không cần về Hà Giang, chỉ cần lấy file ảnh gốc mà Hà Giang đã gửi Bộ là có thể so sánh được. Theo tôi nếu còn làm thi theo kiểu này, mỗi năm Cục Khảo thí nên chấm lại ít nhất 25% số địa phương và công bố kết quả công khai.

Về phía địa phương (việc thường ngày ở huyện): Lãnh đạo gửi gắm con cháu cho lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo (hoặc không thì lãnh đạo Sở Giáo dục  & Đào tạo tự thấy trách nhiệm của mình mà phải làm). Lãnh đạo Sở gửi gắm cho lãnh đạo Hội đồng thi. Để rồi Hội đồng thi chỉ đạo cho cán bộ làm thi (như đồng chí Vũ Trọng Lương). Hà Giang có lẽ là như vậy và tôi tin rằng không ở đấy chỉ có năm nay mà cả các năm trước đã xảy ra hiện tượng này. Và Hà Giang chắc chắn cũng không phải là địa phương duy nhất làm chuyện đó!

Về phía Thanh tra... và lãnh đạo Hội đồng thi: Đã không làm hết trách nhiệm hoặc không hiểu hết quy trình hoặc có sự thông đồng.

Về phía cán bộ làm thi: Họ làm thay đổi kết quả thi cho con lãnh đạo địa phương hoặc lãnh đạo ngành theo chỉ đạo, nhân thể họ làm cho con em mình, con em đồng nghiệp và “làm tiền” (vì một trường hợp “chạy” đỗ vào đại học không phải ít tiền).

Ước muốn của người viết: Nhân việc này, Bộ trưởng chỉ đạo cho chấm lại toàn bộ bài thi Trắc nghiệm trong toàn quốc từ file ảnh gốc và công bố công khai kết quả để đánh giá trung thực kỳ thi. Nếu không được vậy, Bộ trưởng kêu gọi địa phương nào xung phong để Bộ chấm lại. Con số này liệu có đếm trên đầu ngón tay? Hoặc theo ý kiến anh Lê Thống Nhất, Bộ nên gửi file ảnh gốc cho các trường đại học kiểm tra khi tuyển sinh.

Cuối cùng anh Vũ Trọng Lương chính là người đáng xấu hổ nhưng không phải chỉ có anh Lương đáng xấu hổ. Đây cũng là người châm ngòi để Bộ Giáo dục điều chỉnh các quyết định quản lý về kỳ thi nói riêng và các vấn đề khác của ngành nói chung".
PV
.
.