Đại sứ Du lịch Việt Nam:

Nhiều điều cần làm hơn là một danh hiệu

Thứ Hai, 12/05/2014, 08:00

Theo lịch thì trong tháng 5 này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phải đưa ra quyết định cuối cùng về việc có hay không Đại sứ Du lịch Việt Nam 2014 và ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc "chạy đua" giành ngôi vị đã và vẫn đang gây nhiều tranh cãi này? Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, Việt Nam đang quá chú trọng vào việc tìm kiếm, quảng bá Đại sứ hơn là quảng bá du lịch Việt Nam, bởi lẽ, du lịch Việt Nam hiện nay cần nhiều thứ hơn là một Đại sứ du lịch.

Đại sứ Du lịch Việt Nam đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này là Lý Nhã Kỳ đã kết thúc nhiệm kỳ của mình vào năm 2012 và năm 2013 chúng ta không có Đại sứ du lịch. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là, dù không có gương mặt đại diện để quảng bá hình ảnh đất nước thì ngành Du lịch vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.

Theo thống kê thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2013 tăng 10,6% so với năm 2012, đạt 7,57 triệu lượt; tổng khách du lịch nội địa đạt 35 triệu lượt, tăng 7,7%; doanh thu từ khách du lịch ước tính đạt 200 nghìn tỷ đồng, tăng 25 % so với năm 2012.

Các chuyên gia nhận định, để đánh giá hiệu quả hoạt động của một Đại sứ thì phải chứng minh được doanh thu từ du lịch tăng hay giảm trước và sau khi có Đại sứ Du lịch. Diễn viên Lý Nhã Kỳ được đánh giá là có một nhiệm kỳ thành công trên cương vị Đại sứ Du lịch, tiêu biểu là hoạt động bình chọn để Vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Tuy nhiên, vai trò của Lý Nhã Kỳ trong việc thúc đẩy tăng trưởng du lịch Việt ra sao thì đến nay, chưa có con số nào được công bố.

Hoa hậu Đông Nam Á Lê Thị Diệu Hân, ứng viên Đại sứ Du lịch Việt Nam 2014 giao lưu với khán giả tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM HaNoi 2014.

Sau hơn một năm quảng bá, vận động và nhiều thay đổi, hiện nay, bốn ứng viên cuối cùng của danh hiệu Đại sứ Du lịch Việt Nam đã lộ diện, bao gồm: Diễn viên Nguyễn Thị Lan Phương; Hoa hậu Đông Nam Á Lê Thị Diệu Hân; Người đẹp du lịch Ngọc Hân và cô giáo Đỗ Thị Hồng Thuận. Trong buổi giao lưu với công chúng tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM HaNoi 2014 vào tháng 4 vừa qua, các ứng viên đã có dịp thể hiện khả năng, thế mạnh của mình.

Mỗi người một vẻ, họ đều là những gương mặt xứng đáng cho danh hiệu Đại sứ Du lịch. Tuy nhiên, điều đáng bàn là, mỗi người một thế mạnh, đều có ưu và khuyết riêng thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chọn ai vào vị trí đang rất "nóng" này. Sự xuất hiện của diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng (diễn viên đóng vai Tôn Ngộ Không trong phim "Tây Du Ký" rất được yêu thích) với nguyện vọng muốn được trở thành Đại sứ Du lịch Việt Nam tại thị trường Trung Quốc cũng gây tranh cãi.

Có ý kiến cho rằng, với hình ảnh nhân vật Tôn Ngộ Không quen thuộc, được nhiều tầng lớp yêu thích thì Lục Tiểu Linh Đồng sẽ là "lựa chọn thông minh" để quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường tiềm năng Trung Quốc. Ý kiến khác lại khẳng định, Đại sứ Du lịch Việt Nam phải là người Việt Nam và sẽ rất "trớ trêu" nếu Lục Tiểu Linh Đồng nắm giữ vị trí này.

Có người gợi ý, Việt Nam nên có nhiều Đại sứ Du lịch ở những thị trường trọng điểm khác nhau vì chỉ có "phân vùng hoạt động" thì các Đại sứ mới có thời gian để hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Nếu "ý tưởng" này được chấp nhận thì có thể, tất cả các ứng viên đều có cơ hội trở thành Đại sứ Du lịch Việt Nam 2014.

Theo kết quả khảo sát về xu hướng du lịch toàn cầu được công bố tại Hội chợ Du lịch quốc tế diễn ra tại Thủ đô London (Anh) năm 2013, Việt Nam được xếp thứ hai châu Á về tiềm năng phát triển du lịch (sau Trung Quốc) nhưng danh sách "top" các quốc gia tăng doanh thu du lịch không có Việt Nam. Trong khi đó, một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á không có tiềm năng du lịch như Việt Nam lại được xếp hạng cao: Thái Lan (số 1), Philippines (số 4), Indonesia (số 11).

Phải chăng, công tác quảng bá du lịch của Việt Nam còn hạn chế? Hay vì Việt Nam chưa chọn được Đại sứ Du lịch? Câu trả lời là đúng nhưng chưa đủ. Du lịch Việt Nam đang rất cần được đầu tư vào chiều sâu, qua những cơ chế, chính sách hiệu quả của Nhà nước. Hình ảnh người Việt đang bị "méo mó" trong mắt bạn bè quốc tế khi những vụ hôi của từ những chiếc xe gặp nạn, chen lấn giành sushi miễn phí, những lời cảnh báo về nạn ăn cắp vặt, ăn thừa thức ăn bằng tiếng Việt tại nước ngoài… đã "tô đậm" hình ảnh mà nhiều người gọi với thuật ngữ "người Việt Nam xấu xí".

Tôi luôn băn khoăn tự hỏi, Đại sứ du lịch có thực sự cần thiết để quảng bá du lịch? Họ có thể trở thành cầu nối đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế hay chỉ là "có mợ thì chợ thêm đông?". Ai trong số bốn ứng cử viên sẽ trở thành Đại sứ Du lịch Việt Nam năm 2014? Có thể một trong số họ sẽ "đăng quang", có thể cả bốn người đều được gọi tên nhưng cũng có thể không có ai được chọn. Sự rình rang của "cuộc đua" Đại sứ Du lịch sẽ rơi vào quên lãng như cuộc bình chọn quốc phục, quốc hoa đang diễn ra. Thiết nghĩ, trước hết, mỗi người dân hãy là một Đại sứ Du lịch, chiến dịch quảng bá "toàn dân" chắc chắn sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn do một cá nhân thực hiện

Phạm Mạnh Tường
.
.