Nhiếp ảnh nghệ thuật và những tồn tại xung quanh các cuộc thi
Nhốn nháo sinh hệ lụy
Hằng năm, ngoài Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh các tỉnh thành phố, các CLB nhiếp ảnh, các bộ, ngành... có hàng trăm cuộc thi và triển lãm ảnh. Đó là một nhu cầu cần thiết và rất tự nhiên. Nhìn từ góc độ xã hội, rõ ràng nhiếp ảnh đóng vai trò không nhỏ trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, giáo dục nhận thức cho người dân, ca ngợi biểu dương cái tốt, phê phán bài trừ cái xấu.
Có thi cử ắt phải có chấm giải, nảy sinh nhu cầu cần phải có Hội đồng giám khảo hay Ban giám khảo (BGK) để thẩm định, chấm ảnh xét giải. Thẩm định, chấm ảnh xét giải là yếu tố rất quan trọng trong các cuộc thi ảnh. Cuộc thi có thành công hay không, ngoài công tác tổ chức sẽ tùy thuộc rất nhiều vào BGK. Một BGK đủ năng lực và trình độ chuyên môn sẽ chọn ra một bộ giải cùng bộ ảnh trưng bày triển lãm tốt, đáp ứng được yêu cầu nội dung và các tiêu chí do cuộc thi đề ra.
Các thành viên BGK chính là các "chuyên gia" có tri thức và trình độ chuyên môn cao về nhiếp ảnh mới có thể thẩm định, đánh giá các tác phẩm ảnh. Ngoài yếu tố trên, các thành viên BGK còn phải là những người công tâm, khách quan, không vụ lợi. Đó là đạo đức và cũng là trách nhiệm của người làm công việc giám khảo.
Thế nhưng thực tế hiện nay, các cuộc thi ảnh thường để lại những dư luận không tốt về BGK và kết quả cuộc thi. Trường hợp nghiêm trọng hơn, Ban tổ chức (BTC) phải hủy kết quả, thu hồi giải hoặc tác giả phải xin tự rút giải. Để tránh những điều tiếng thị phi và những hệ lụy xảy ra sau đó nhằm để các cuộc thi và triển lãm ảnh đạt kết quả ngày càng tốt hơn, nên chăng chúng ta cần thay đổi các quy định và cách chọn lựa người vào BGK.
Thứ nhất, thành phần tham gia BGK: BGK không phải là "mặt trận tổ quốc" cho nên không nên đặt ra vấn đề phải "cơ cấu" thế nào cho đủ thành phần để giữ gìn sự "đoàn kết", mà phải chọn những chuyên gia, những người thực sự hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh.
Không thể mời các nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu xã hội học, nhà quản lý vào BGK. Những người làm công tác quản lý (có chức sắc) chỉ nên tham gia BTC hoặc Ban Chỉ đạo cuộc thi. Họ không phải tham gia BGK để "ôm rơm rặm bụng" rồi để xảy ra những chuyện lùm xùm đáng tiếc, mang tiếng là "vừa đá bóng vừa thổi còi" như đã từng xảy ra.
Trước mỗi cuộc thi, nên công bố danh sách BGK, trước hết là ông Chủ tịch Hội đồng giám khảo, tức Trưởng BGK, danh tính các thành viên BGK... bởi việc này không hề khó khăn. Vì để có một cuộc thi và triển lãm, các đơn vị và BTC đã phải chuẩn bị hàng tháng, thậm chí vài tháng, không lý gì lại không thể lựa chọn để đưa ra công khai danh sách một BGK ngay khi công bố thể lệ cuộc thi. Tránh để tình trạng tới ngày phát động cuộc thi, BTC công bố một câu rất thiếu thông tin như cuộc thi "Tự hào Hà Nội" do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa phát động: "BGK cuộc thi là những nghệ sỹ nhiếp ảnh, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật có uy tín, trách nhiệm và chuyên môn cao".
Thật là "tù mù" và rất chung chung, không đủ nội dung và tư cách cho một cuộc thi mang tầm quốc tế mà từ lâu nay, cuộc thi nào cũng lặp đi lặp lại câu thể lệ về BGK như vậy. Nên nhớ, để mỗi nghệ sĩ nhiếp ảnh, hoặc tác giả tham dự cuộc thi, người ta đều cần xem danh sách các thành viên BGK để có nên tham gia hoặc không tham gia cuộc thi đó.
Tác phẩm “Cắt tóc đường phố” của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Bình đạt giải nhất cuộc thi EyeTime 2014. |
Có người e rằng công bố danh tính thành phần BGK sẽ phát sinh hiện tượng tiêu cực, như "chạy giải, chạy giám khảo"... Chuyện đó đã từng xảy ra nhưng chỉ là trường hợp cá biệt và đã bị xử lý kỷ luật... Một tổ chức làm việc có kỷ luật, có quy định, công khai minh bạch và có những "chế tài" kèm theo ắt không bao giờ sợ những hiện tượng tiêu cực đó. Người nghệ sỹ chân chính có sự kiêu hãnh và lòng tự trọng chắc chắn không lo ngại các hiện tương tiêu cực đó nữa.
Thứ hai, lựa chọn người vào BGK: Thông thường thành viên BGK thường do Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Nhiếp ảnh đề cử giới thiệu đề Trưởng BTC (thường là Chủ tịch Hội) và Ban Chỉ đạo thông qua. Một "quy trình" như vậy tưởng đã là chặt chẽ, ấy vậy mà vẫn có trường hợp trong BGK đã lọt vào một vị lính mới "tò te" vừa được kết nạp Hội mấy tháng đã chễm chệ ngồi vào ghế BGK.
Thật là nực cười, làm cho những nghệ sỹ chân chính có lòng tự trọng phải ngán ngẩm ngậm ngùi. Nếu là người nghệ sỹ đích thực có tự trọng cao, trong trường hợp đó dù có được đề cử cũng nên xin "rút lui" vô điều kiện. Bởi lẽ những người được đề cử vào BGK phải là những chuyên gia giỏi về lĩnh vực nhiếp ảnh. Giỏi ở đây bao gồm tất cả "nội hàm" của nó, họ thực sự là những người vừa tinh thông nghiệp vụ, giỏi về nghề lẫn lý luận phê bình, vừa am hiểu thực tế đời sống xã hội...
Trong thời đại công nghệ 4.0, các thành viên BGK ít nhất cũng phải biết sử dụng máy vi tính để có thể chấm "ảnh Online" hoặc ít nhất cũng thoát "mù" về Photoshop. Người viết bài đã từng chấm ảnh cùng với một vị giám khảo không hề biết gì về Photoshop nên khi thẩm định ảnh, có tác phẩm ảnh người ta không hề làm Photoshop, không hề chắp ghép lại bảo ảnh này "shop"; có tác phẩm ảnh làm Photoshop lè lè ra… vừa vụng về vừa thô thiển lại bảo không. Chính sự "gà mờ" của những vị giám khảo như thế đã xảy ra tình trạng: Ảnh đoạt giải Nhất cuộc thi bị hội viên soi xét, phát hiện phê phán; BTC cuộc thi buộc phải ra quyết định hủy bỏ kết quả chấm giải.
Hoặc một trường hợp khác: Trong một cuộc thi và triển lãm ảnh tầm cỡ toàn quốc, có một tác phẩm về ruộng bậc thang vùng cao đoạt giải Nhất. Khi phóng ảnh mới chỉ to bằng hai trang tạp chí nhiếp ảnh đã phát hiện 3 người làm ruộng đi lộn đầu xuống đất, chân ở trên trời.
Tác giả đã cố chắp ghép ruộng bậc thang lộn ngược để phù hợp với bố cục toàn bức ảnh, nhưng do thiếu hiểu biết về kiến thức nhiếp ảnh, hội họa cùng quy luật "viễn cận" (luật xa gần của thị giác) nên khi ghép vào đã làm ruộng bậc thang ở gần thì hẹp sít lại, ở xa thì bờ ruộng lại rộng roãng ra, trái với quy luật xa gần trong nhiếp ảnh.
Ấy vậy mà tác phẩm vẫn vào giải và đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh toàn quốc, dù thể lệ cuộc thi lúc đó quy định cấm chắp ghép. BTC và BGK cuộc thi không dám "dũng cảm" nhận sai lầm khuyết điểm để hủy giải của tác phẩm đó. Vì vậy, khi khai mạc triển lãm, tác phẩm đoạt giải Nhất BTC chỉ dám khiêm tốn cho phóng cỡ 24x30cm và treo tít tận trên cao gian tiền sảnh triển lãm.
Việc tác giả làm gì với ảnh của họ không đáng trách, điều đáng trách là BGK, những người cầm cân nảy mực, thẩm định và xét giải. Không biết do thiếu sự tinh tường, do vô tình hay hữu ý của BGK, của BTC nhưng đã để lọt một tác phẩm vừa phạm quy, vừa mắc những lỗi cơ bản một cách ngớ ngẩn vào giải Nhất của cuộc thi. Vì vậy "chuyện giải Nhất" mới trở thành chuyện đàm tiếu hài hước làm xôn xao dư luận một thời, gây điều tiếng xấu trong giới nhiếp ảnh. Một cuộc thi như vậy được coi là thành công hay thất bại chúng ta đều rõ.
Thứ ba, đối với nhà tài trợ: Thực sự dù họ có là Giám đốc, Tổng Giám đốc, là CEO của các tập đoàn lớn này nọ thì họ vẫn không phải là các chuyên gia về lĩnh vực nhiếp ảnh, bởi vậy họ không thể là thành viên chính thức của Hội đồng Giám khảo. Hiện nay, đối với nhiều cuộc thi và triển lãm, nhà tài trợ "gánh" phần lớn kinh phí cuộc thi và toàn bộ giải thưởng nên có thể quyết định cả "vận mệnh" cuộc thi.
Vì vậy, vai trò nhà tài trợ rất quan trọng. Vậy BTC nên có có giải pháp cân bằng hoặc cách giải quyết hợp tình hợp lý là để họ được quyền trao một vài giải "Đặc biệt" của nhà tài trợ. Không thể như một nghệ sĩ nhiếp ảnh lâu năm và có chức sắc ở Hội Trung ương từng tuyên bố "xanh rờn" với anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh: "Bà bán rau nếu có tiền tài trợ cũng có thể tham gia BGK". Suy nghĩ như vậy… thật không còn gì để nói!
Chính với lối nghĩ như thế nên nhiều cuộc thi, BGK đã để lọt nhiều hạt "sạn" mà những sạn này đôi khi to như những hòn đá tảng. Rất nhiều tác phẩm thực sự kém cả về nội dung tư tưởng và hàm lượng nghệ thuật lại được vào giải, mà còn đoạt giải cao. Nếu là ảnh treo triển lãm thì bình thường chẳng có gì để nói, nhưng vì vào giải cao buộc người ta phải "soi xét". Rõ ràng để xảy ra những trường hợp như thế là điều rất đáng tiếc.
Vì vậy, vai trò vị trí người làm giám khảo cực kỳ quan trọng, có thể quyết định thành bại của cuộc thi nên họ phải là người tài giỏi tinh tường nghiệp vụ, biết đọc ảnh, phân tích ảnh, vừa phải là người công tâm, khách quan, trung thực, không vụ lợi và điều quan trọng hơn cả là giữ được đạo đức của người làm nghề. Nên đề ra những tiêu chí "khắt khe" hơn để chọn các thành viên vào Ban giám khảo.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tiến Dũng, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh: Nhiếp ảnh nghệ thuật phải là khoảnh khắc chân thực của cuộc sống
Khoảnh khắc là đặc tính riêng chỉ có ở trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Bởi đối tượng của nhiếp ảnh chính là hiện thực cuộc sống. Người cầm máy bằng tất cả kiến thức, tài năng, sự nhanh nhạy của mình, phát hiện nhanh trong dòng chảy cuộc sống những lát cắt điển hình, những khoảnh khắc đắt giá của cuộc sống, của thiên nhiên để kịp thời bấm máy, biến khoảnh khắc đó thành lịch sử.
Ảnh nghệ thuật Việt Nam hiện nay vẫn mùa nào thức ấy. Ví dụ mùa hoa thì đua nhau lên Mộc Châu, mùa lúa chín thì lên Hà Giang, mùa nước nổi thì vào miền Tây... Nghệ thuật nhiếp ảnh là nghệ thuật phản ánh cuộc sống bằng ngôn ngữ hình ảnh. Cuộc sống vô cùng phong phú mà những đề tài nhiếp ảnh còn đơn điệu quá.
Nhiếp ảnh chưa đi sâu vào cuộc sống, chưa phản ánh được những vấn đề bức xúc của con người. Những tác phẩm đoạt giải lớn trên thế giới, những tác phẩm được nhiều người biết đến đều là bức ảnh hết sức chân thực, đi sâu vào cuộc sống con người. Những bức ảnh - khoảnh khắc ấy mới tồn tại mãi với thời gian. Nhiếp ảnh nghệ thuật không đơn thuần là sân chơi, không phải chỉ chụp đẹp đẹp rồi để đấy mà chính là tư liệu của đất nước.
Vấn nạn ảnh giả cũng là một điều tôi trăn trở. Loại ảnh giả thứ nhất là việc sắp đặt để chụp. Theo tôi, đó không phải là bức ảnh có giá trị. Nhiếp ảnh phải là những khoản h khắc mà các nhà nhiếp ảnh là người phát hiện và ghi lại những khoảnh khắc chân thực của cuộc sống ấy. Người giỏi là người bắt được khoảnh khắc ấy. Ảnh giả thứ 2 là ảnh photoshop, tức là ảnh lắp ghép.
Hiện nay, trong các cuộc thi ảnh, loại ảnh này khá nhiều. Ảnh này chỉ có thể chơi chứ không thể gọi là ảnh nghệ thuật được. Một tác phẩm ảnh nghệ thuật đích thực theo tôi phải bao gồm 3 yếu tố, đó là chất trí tuệ, cảm xúc và kỹ năng. Hiện nay, ảnh của chúng ta yếu cả 3 yếu tố này. Ngôn ngữ nhiếp ảnh thể hiện qua các yếu tố như ánh sáng, bố cục, màu sắc cơ bản một số tay máy còn chưa nắm được.
Một vấn nạn gần đây của nhiếp ảnh đó là BGK các cuộc thi. Hầu hết các cuộc thi ảnh của Hà Nội gần đây đều gặp phải ồn ào về vấn đề này. Có cuộc thi mà từ ảnh đoạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc đến giải Khuyến khích đều có vấn đề. Có lẽ vấn đề về lý luận phê bình, về phân tích bức ảnh thế nào còn yếu. Điều này thuộc về định hướng của Ban lý luận phê bình của các hội chuyên ngành. Tôi đã tham gia nhiều hội đồng giám khảo các cuộc thi.
Quan niệm về giám khảo ở nhiều cuộc thi không rõ ràng. Có những người chụp đẹp nhưng không đánh giá được tác phẩm mà vẫn ngồi ghế giám khảo. Tôi cho rằng, chỉ có sự đồng lòng, nhất trí, định hướng đúng đắn và nỗ lực thay đổi của Ban chấp hành các hội nhiếp ảnh mới khắc phục được những vấn đề này.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Thành: Giải thưởng phải khơi dậy những sáng tạo hợp xu hướng
Một vấn đề đặt ra hiện nay là hội nhập nhiếp ảnh như thế nào mà vẫn phục vụ được nhân dân? Nhiếp ảnh Thủ đô là cái nôi của nhiếp ảnh cả nước. Lâu nay, khá nhiều giải thưởng của các cuộc thi ảnh thuộc về các nhiếp ảnh Thủ đô. Chúng ta thắc mắc nhiều về kỹ thuật photoshop và BGK nhưng cũng nên đặt câu hỏi về chính chúng ta. Một cuộc triển lãm chỉ có những ảnh như thế (tức là na ná giống nhau, thiếu sáng tạo) thì làm sao để có được những bức ảnh đoạt giải có chất lượng.
Và ngược lại, BTC, BGK là những người làm công tác định hướng, phê bình, thông qua các giải thưởng lại không khơi dậy được những sáng tạo mà cứ dàn trải, hạ tay khi chấm giải? Chúng ta cứ trách photoshop, nhưng rõ ràng, nếu biết dùng đúng mức thì rất tốt, còn lạm dụng thì photoshop sẽ trở thành "kẻ nói dối thời đại".
Trong lịch sử có những bức ảnh có yếu tố "sắp đặt" mang hồn thời đại và xuất phát từ hiện thực nên vẫn thuyết phục, không phải là giả dối. Như vậy trong nhiếp ảnh, phục vụ cuộc sống và hội nhập phải hài hòa với nhau.
Sở dĩ các cuộc thi có những bức xúc là vì BTC không công bố lý lịch nghệ thuật của các thành viên BGK. Hay giải thưởng chịu sự chi phối của các nhà tài trợ. Những người ngồi ghế BGK hãy nghĩ tới sự phát triển của nhiếp ảnh. BGK không chỉ là những người biết bấm máy, mà còn phải là người am hiểu xã hội, phát hiện ra những nét mới trong vô vàn bức ảnh. Họ phải vừa là nghệ sĩ để tìm được sự sáng tạo của mỗi tác giả vừa là những người lý luận phê bình tốt nhất để khuyến khích trào lưu đưa nhiếp ảnh phù hợp với xu hướng quốc tế.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đặng Đình An, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Hà Nội: Đừng chạy theo mô típ dễ thể hiện
Trong 8 năm qua, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức 32 cuộc thi và triển lãm lớn nhỏ, bao gồm các cuộc thi ảnh cho các CLB, các cuộc thi ảnh khu vực và các cuộc thi ảnh kết hợp với các cơ quan, đoàn thể của Hà Nội như Công an TP Hà Nội, Bộ Tài nguyên - Môi trường...
Có những cuộc thi ảnh mang tính toàn quốc như Cuộc thi ảnh nghệ thuật lần thứ 47 với chủ đề "Phố phường Hà Nội". Từ các cuộc thi này, phong trào nhiếp ảnh ở Thủ đô được đẩy lên cao. Các cuộc thi mang tới động lực sáng tác, say mê nhiếp ảnh ở các nghệ sĩ. Các cuộc triển lãm bớt dần sự lòe loẹt nhưng nghèo nàn ý tưởng. Các tác phẩm ảnh ngày càng phong phú trong góc nhìn, bình dị hơn trong cách thể hiện, gắn liền với cuộc sống và mang tính nghệ thuật cao.
Tôi cho rằng, điều quan trọng trong các cuộc thi là ảnh dự thi, triển lãm cần phải bám sát chủ đề và tiêu chí cuộc thi. Đáng tiếc là không phải nhà nhiếp ảnh nào cũng thấm nhuần được điều này. Tức là nhà nhiếp ảnh phải chọn cho mình một phong cách thể hiện riêng, không nên sa vào những nội dung mà nhiều người giẫm chân lên nhau. Tình trạng này có bởi các nhà nhiếp ảnh đi chụp theo nhóm, hoặc ăn theo những mô típ dễ thể hiện.
Ví dụ có cuộc thi chúng tôi nhận được gần 100 bức ảnh về Hồ Gươm. Ảnh đẹp thể hiện nhiều góc độ Hồ Gươm. Nhưng một cuộc triển lãm tối đa là chọn từ 5 đến 10 ảnh Hồ Gươm là quá nhiều. Nên có những bức ảnh khá đạt cũng đành phải chịu cảnh bị loại vì có nhiều ảnh xuất sắc hơn. Hay như cuộc triển lãm tháng 10 năm ngoái có tên "Phố phường Hà Nội", Ban tổ chức nhận được hơn 2.000 ảnh, trong đó phải đến hàng trăm ảnh phơi sáng và chụp ban đêm (tốc độ nhanh).
Rất khó cho BGK lựa chọn vì nhiều ảnh còn sử dụng kỹ thuật phơi sáng khá nghiệp dư. Trong thời gian qua, trào lưu phơi sáng và chụp ảnh ban đêm rất phổ biến. Tôi vẫn thường khuyên các tác giả là đừng gửi ảnh vào cuộc thi mà mình phải đấu với rất nhiều người giống mình. Nhiếp ảnh khích lệ sự khám phá mới.
Nhiều người băn khoăn về ranh giới giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật, rồi tính báo chí trong một bức ảnh nghệ thuật. Tôi cho rằng ảnh chứa đựng tính báo chí và ảnh nghệ thuật luôn tồn tại trong các cuộc triển lãm. Theo tôi, một bức ảnh có 60% tính nghệ thuật và 40% tính tính báo chí là bức ảnh thành công. Ví dụ như bức ảnh đoạt giải Nhất của Trương Thế Cầu ở cuộc thi và triển lãm "Cuộc sống ngoại thành Hà Nội". Nó thể hiện được chủ đề cuộc thi một cách xuất sắc. Ngay cả với một bức ảnh nghệ thuật, nếu không có tính báo chí thì bức ảnh khó đoạt được giải cao.
Hầu như kết quả của các cuộc thi ảnh và triển lãm bao giờ cũng nhận được những ý kiến khác nhau. Bởi không phải chỉ 5 hay 7 thành viên trong BGK nữa mà 400 nhà nhiếp ảnh đều trở thành 400 thành viên BGK. Thế nào là ảnh đẹp và đâu là ảnh chưa đẹp sẽ vẫn là những cuộc tranh luận dài, vì mỗi người có góc nhìn khác nhau. Dù quan niệm một bức ảnh đẹp có thể khác nhau nhưng điều cốt lõi là ảnh nghệ thuật cũng giống như một bài thơ, tức là phải có tứ. Nghĩa là bức ảnh phải nêu bật được nội dung mà mình muốn thể hiện một cách tâp trung nhất. Vì thế, BGK phải là người đủ tầm và công tâm để đưa ra được những quyết định chính xác nhất.