Nhận diện văn hóa trẻ

Thứ Năm, 01/10/2020, 14:23
"Hôm nay là thứ mấy? Chắc chắn là thứ hai". Đó là một câu hát đình đám và trở nên phổ cập hồi 2016-2017. Tại sao nó lại phổ cập đến thế? Rất dễ trả lời: "Thứ hai" đồng âm với "thứ high" và trong tiếng Anh, "high" là từ chỉ trạng thái phê pha cần cỏ của thanh niên hiện nay.


Ở số phát sóng mới nhất của Rap Việt, có một thí sinh đã dùng chữ "đồ ngon" trong ca khúc của mình. "Đồ ngon" là gì? Đó là một dạng tiếng lóng khác của giới trẻ để nói về cần sa chất lượng cao. Và cũng trong chương trình này, một cô gái đã rap đại ý "không có áo mưa nên mình về nhà nghỉ". Câu hát nghe đơn giản này có hàm ý khác, mà chính MC dẫn chương trình tỏ ra thích thú khen ngợi. Vâng, "áo mưa" là tiếng lóng ám chỉ bao cao su và "về nhà nghỉ" thì chúng ta thừa hiểu để làm gì rồi.

Ở đây, chúng ta sẽ không chỉ trích, hay phê phán những nghệ sỹ trẻ đã sử dụng sản phẩm của mình để truyền tải những thông điệp mang tính ăn chơi. Chúng ta cần nhìn vào một khía cạnh khác, khía cạnh mang tính thị trường, để từ đó nhận diện văn hoá đại chúng của người trẻ hôm nay.

Thực ra, giải trí chỉ là một sản phẩm có những khách hàng mục tiêu của nó. Bởi thế mới không nói đến chuyện phê phán các nghệ sỹ trẻ ở trên đây. Hãy chỉ nên đơn thuần xem họ là những nguồn cung trong một thị trường giải trí cũng bị chi phối bởi luật cung cầu. Và nhu cầu của người thụ hưởng các sản phẩm giải trí kiểu này cũng phác họa được văn hoá của giới trẻ, đặc biệt ở đô thị.

Trong các diễn đàn của giới trẻ thành thị trên mạng xã hội có một số lượng không nhỏ là các diễn đàn xoay quanh các chủ đề "ăn chơi, hưởng thụ". Sự phổ biến của những loại hình hưởng thụ còn mang tính cấm kỵ cũng không hề nhỏ. Nó đi từ diễn đàn ra đời sống để chúng ta có thể nhận thấy sự tồn tại có thật của thứ văn hoá thụ hưởng này.

Nếu rảo quanh các địa chỉ "hot" với giới trẻ ở các đô thị lớn, kiểu các quán xá thời thượng, các khu phố đi bộ… thứ dễ ập vào chúng ta nhất chính là mùi cần sa. Chúng được sử dụng một cách nghiễm nhiên và sự nghiễm nhiên này nhiều khi khiến một bộ phận trẻ cảm thấy mình "quê mùa, lạc hậu" khi không dám thử một phen.

Chính vì cái văn hoá trẻ kiểu này phổ biến đến thế nên nó thúc đẩy việc tồn tại các sản phẩm giải trí xoáy thẳng vào đám đông khách hàng mục tiêu. Cơ bản, giới nghệ sỹ hiện nay chú trọng rất nhiều vào lượt xem, lượt nghe. Với lượt nghe, xem triệu, triệu như thế, họ mới có thể có doanh thu để tiếp tục đầu tư và tạo vị thế tên tuổi của mình trên thị trường giải trí. 

Xu hướng giải trí bị chi phối bởi cung-cầu thị trường, bị định hướng bởi thứ gọi là "top trending" (thịnh hành), những sản phẩm đang được nhắc tới ở đây mới đánh bật mọi sản phẩm giải trí tao nhã khác vốn dĩ đã có chỗ đứng nhiều thập niên qua. Sự biến chuyển văn hoá trẻ này mới là điều đáng lo ngại. 

Chỉ trích, phê phán giới nghệ sỹ chỉ là phần ngọn. Phần gốc phải là thị trường giải trí, nơi mà xu hướng hưởng thụ lệch lạc ngày càng lên ngôi. Và như con gà - quả trứng, càng lên ngôi, càng có sản phẩm phục vụ mình, chúng càng tưởng mình được cổ xúy. Đó mới thực sự là bài toán khó gỡ, là mối nguy trong xã hội hôm nay.

Tất nhiên, vẫn phải quay lại với các kênh phát hành. Khi chúng ta (cũng như nhiều quốc gia khác) chưa thể kiểm soát được các kênh mạng xã hội, thì các kênh truyền hình cũng phải gánh trách nhiệm khi tùy tiện bán sóng cho những cuộc chơi vô bổ này.

Văn Đoàn
.
.