Nhân đạo và tội ác

Thứ Sáu, 12/08/2016, 08:04
Trong tháng bảy vừa qua, có hai việc làm của hai người mẹ Việt Nam đã chạm đến trái tim và lấy đi nước mắt của không biết bao nhiêu người. Một người mẹ nhường lại sự sống của mình cho con và một người mẹ hiến những bộ phận cơ thể con mình để đem lại sự sống cho những người khác. 

Người mẹ thứ nhất là Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm, cán bộ phòng Tham mưu, Công an tỉnh Hà Tĩnh, người đã từ chối xạ trị, điều trị bệnh ung thư để cho con ra đời khỏe mạnh và chị đã ra đi về cõi vĩnh hằng vào đúng ngày 27 - 7.

Đúng trong ngày 27 - 7 ấy, có một người mẹ ở huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội cũng đã có một hành động nhân văn khi đồng ý hiến tạng con mình để các bác sỹ cứu sống bốn bệnh nhân.

Người mẹ ở Quốc Oai tâm sự: "Biết tin con mình không thể cứu, tôi đau đớn vô cùng. Khi được bác sĩ vận động, tôi đã mất hơn nửa ngày suy nghĩ để đi đến quyết định hiến con cho y học với niềm tin sẽ tiếp tục nối dài sự sống cho nhiều người nữa".

Một ca mổ ghép tạng ở bệnh viện Quân y viện 103 (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Vẫn biết rằng biết tin con mình không thể cứu nhưng hỏi có mấy ai có được quyết định nhân văn đáng kính trọng như người mẹ Quốc Oai? Những hành động cao cả và nhân văn của những người đồng ý hiến tặng những bộ phận trong chính cơ thể mình hay cơ thể của người thân mình để cứu sống những người khác rất đáng được trân trọng và tri ân.

Trong những năm qua, thế giới đã phải chứng kiến nhiều vụ án mổ đánh cắp nội tạng người vô cùng dã man, tàn bạo, mất hết tính người. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, hiện ngoài Trung Quốc, một số quốc gia khác như Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Mozambique, Israel, Ai cập, Moldova… được cho là những quốc gia có ngành "công nghiệp" du lịch ghép tạng phát triển hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, nguồn thận từ các nước còn được bán cho những người giàu có ở các quốc gia vùng Vịnh, Anh và Mỹ. Hỏi rằng trong hàng vạn ca ghép tạng trên toàn thế giới và những quả thận được bán cho những người giàu có ở các quốc gia vùng Vịnh, Anh, Mỹ… thì có bao nhiêu trường hợp tự nguyện hiến tạng?

Sẽ khó có một câu trả lời chính xác, nhưng tôi tin rằng tỷ lệ tự nguyện sẽ ít hơn rất nhiều so với những ca ghép nội tạng trong những năm vừa qua. Và thế giới cũng đã từng phải chứng kiến nhiều vụ án đau lòng khi những thi thể người bị hại không còn nguyên vẹn vì bị đánh cắp nội tạng.

Như trường hợp của bé gái Gurkiren Kaur Loyal, 8 tuổi, quốc tịch Anh, được bố mẹ đưa đến điều trị tại phòng khám tư ở Ấn Độ, khi bé gặp phải một số vấn đề về sức khỏe trong chuyến du lịch tới Punjab, phía tây Ấn Độ. Sau khi được bác sỹ tiêm cho một mũi thuốc, cô bé đã tử vong. Khi thi thể của bé được đưa về nước, gia đình nạn nhân phát hiện một vài bộ phận nội tạng của cô bé đã bị mất.

Và vụ việc cô gái Alina người Nga bị các bác sỹ lấy đi 6 bộ phận trong cơ thể sau khi cô qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Cho dù pháp luật Nga cho phép các bác sĩ lấy nội tạng từ bệnh nhân đã chết mà không cần thông báo cho gia đình, nhưng người mẹ của cô quyết kiện đến cùng vì cho rằng luật pháp như thế là quá tàn nhẫn và bất công.

Công nghệ ghép tạng là một thành tự vô cùng vĩ đại và nhân văn của y học thế giới. Nó đã đem lại sự sống, niềm hạnh phúc cho biết bao người. Nhưng nó thực sự nhân văn khi những bộ phận cơ thể người được hiến dâng một cách tự nguyện. Đó là một sự tận hiến của những tấm lòng cao cả, còn ngược lại thì nó lại là một tội ác tột cùng không có bút mực nào tả hết. Đó là việc mổ đánh cắp nội tạng người.

Đây là vấn đề thách thức rất lớn đối với an ninh của tất cả các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Nguyễn Thế Hùng
.
.