Nhầm lẫn nhỏ gây thắc mắc lớn

Thứ Ba, 17/01/2012, 08:00
Xung quanh một tình tiết nhầm lẫn trong tiểu sử của nhà thơ Quang Dũng.

Nhà thơ Quang Dũng (1921-1988), không rõ sinh vào ngày tháng nào. Vậy là năm 2011 là kỷ niệm 90 năm sinh của ông. Vì lý do không rõ ngày sinh nên Hội Nhà văn Hà Nội đã dụng ý chọn một ngày hiếm có trong năm: Ngày 11/11/2011 để mở Hội thảo kỷ niệm về ông, một người từng đi mòn những viên gạch hè đường Hà Nội, khi chết thì kết tụ hồn thiêng thành "Mây đầu ô" (tên tập thơ in riêng duy nhất) của những cửa ô Hà Nội.

Nhờ hoàn cảnh riêng, tôi gắn bó với hai người bạn thân nhất của ông: 5 năm là cán bộ biên tập văn học cùng nhà thơ Trần Lê Văn ở Sở Văn hóa Hà Tây, gần chục năm là trợ lý văn học cho Tổng biên tập Báo Độc Lập: nhà thơ Ngô Quân Miện. Ông Miện và ông Dũng ở cùng trên một đường phố Bà Triệu với nhà tôi. Sự gần gụi không gian đó cũng không có nghĩa gì nhiều bên sự gần gụi về quan niệm sống, về tâm hồn: suốt nửa sau cuộc đời của bộ ba danh sĩ đó với "cái bóng" của họ là tôi, kể cả những chuyến dã ngoại gọi là đi thực tế của họ, tôi thường có mặt. Có lẽ vì vậy và vì những kỷ niệm tôi viết ra về họ, Hội Nhà văn Hà Nội đã cử tôi viết đề dẫn cuộc Hội thảo kỷ niệm 90 năm sinh nhà thơ Quang Dũng.

Những bạn văn có dịp gần gụi Quang Dũng đều có một nhận định như tôi: Ông là người đôn hậu, dí dỏm, một nhân cách sáng trong, đi đến đâu chỉ làm vui cho mọi người. Hẳn có lúc ông buồn lo, nhưng ông giấu đâu không ai thấy…Thế mà khi ông qua đời, tôi biết ông vẫn chưa thanh thản vì một lời đồn thổi liên quan đến hành trạng đời ông trong một chuyến ông xuất ngoại: Hình như trong chuyến sang Vân Nam ấy, Quang Dũng đã gia nhập đảng Việt Nam cách mạng đồng minh hội (gọi tắt là Việt Cách) của Nguyễn Hải Thần, kèm theo là một vài suy diễn khác của một số người hiếu chuyện, nhân khi ông bị ảnh hưởng vụ Nhân văn - Giai phẩm.

Nhân có dịp trò chuyện với nhà văn Tô Hoài, tôi có nhắc đến nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) từng thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật từ năm 1925. Cụ Tô Hoài bổ sung: "Tôi biết ông này khi còn minh họa cho các báo Phong Hóa, Ngày Nay lấy bút danh Đông Sơn". Vui chuyện, cụ kể thêm: "Ấy, Quang Dũng hồi lãng du ở Quảng Châu, họp ở Liễu Châu với cánh Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam! Ông Dũng mê  Nguyễn Tường Tam lắm! Sau thấy họ Nguyễn chỉ uống rượu khỏe, về đến Hà Nội là bỏ hẳn nhóm này, về Sơn Tây học trường võ bị của ta".                  

Tôi chợt nhớ cụ Tô Hoài, nguyên là Bí thư Đảng ủy Hội Nhà văn Việt Nam hồi Nhân văn - Giai phẩm, khi lý lịch nhà văn ít nhiều "có vấn đề" hồi đó, được soi lên từng sợi tóc... Tình tiết trên, tôi đánh vi tính trong một phân đoạn (Hành trang Quang Dũng đã hết những tồn nghi!) của bản đề dẫn, tôi cẩn thận còn nhờ cụ ghi mấy chữ xác nhận sự việc nhà thơ Quang Dũng liên quan đến nhóm Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam (Việt Cách) chỉ có thế. Khi trình bày xong bản đề dẫn ở Hội trường Hội Nhà văn Hà Nội, tôi đã trao lại văn bản đó cho cô Bùi Phương Thảo, con út nhà thơ Quang Dũng, coi như đã làm xong một nghĩa vụ với người đã khuất.

Chị Bùi Phương Thảo - con gái nhà thơ Quang Dũng rất phiền lòng về một chi tiết chưa chính xác trong cuốn sách mới xuất bản về cha mình. Ảnh: Quốc Anh.

Vậy mà ngay sau đó, nhà văn Nguyễn Huy Thắng, một lãnh đạo của NXB Kim Đồng có nhã ý đem hàng trăm bản sách mini mới in "Nhà thơ xứ Đoài và Tây Tiến" (nằm trong tủ sách "Nhà văn của chúng em") tặng cho tất cả mọi người có mặt ở cuộc Hội thảo. Tôi mang về nhà mới giở ra xem, và ngạc nhiên khi thấy ở mục niên biểu Quang Dũng, có dòng:

"1942-1945: (Q.D.) Thực hiện một số chuyến ngao du: rủ một người bạn họa sĩ đi xuyên Việt bằng xe trâu, sang cả Campu- chia, sang Vân Nam Trung Quốc, đăng lính Quốc dân đảng một thời gian".

Vậy là đúng lúc tôi tưởng mình chính thức đưa ra điều đáng tin nhất, có sự bảo đảm của vị nguyên là Bí thư Đảng ủy Hội Nhà văn Việt Nam để xóa bỏ những tồn nghi về lai lịch Quang Dũng, thì cũng cùng lúc cả mấy trăm nhà văn và phóng viên các báo nhận được sự tồn nghi in đậm hơn vì là cuốn sách mới ra, và độc giả chủ yếu là các em thiếu niên như trang giấy trắng, sẵn sàng ghi sâu tri thức đầu đời. (Trước khi có cuộc Hội thảo đó, tôi đã đưa ý kiến của nhà văn Tô Hoài 2 lần trong hai bài báo khác nhau: "Nhà văn Tô Hòai bơi giữa dòng đời ở tuổi 90" - Báo Sức khỏe & Đời sống Xuân Kỷ Sửu 2009, và "Nhà văn Tô Hoài, trang viết lớn từ những chuyện nhỏ" - Báo Sài Gòn giải phóng số ra ngày 6-6-2010). Bản đề dẫn của tôi ngay hôm Hội thảo cũng đã đưa lên báo điện tử của Hội Nhà văn Hà Nội và trên trang web của một số nhà văn… Hai thông tin quan trọng (ta thường gọi là sinh mệnh chính trị) về nhà thơ Quang Dũng sai lệch nhau khá xa, cho nên không ít bạn viết khi đọc được mấy dòng trên bản sách mini của NXB Kim Đồng trái với ý kiến xác nhận của nhà văn Tô Hoài đã gọi điện hỏi tôi.

Tôi đã cùng với cô Bùi Phương Thảo thử tìm hiểu xuất xứ của thông tin do NXB Kim Đồng đưa ra. Tôi được cô cho biết: Sau cuộc Hội thảo, cô có hỏi anh Nguyễn Huy Thắng, được anh trả lời qua thư điện tử, đại ý: Anh không nghĩ chuyện này có gì hệ trọng cho lắm. Nhà sử học Trần Huy Liệu có tham gia Việt Nam Quốc dân đảng; nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng vậy. Nếu nhà thơ Quang Dũng cũng tham gia Việt Nam Quốc dân đảng thì cũng là chuyện một thời… Nếu ông không tham gia thì đến lần tái bản, ta bỏ đi cho đúng với sự thật…cũng không sao!".

Nhà văn Nguyễn Huy Thắng là người có công khai thác những tư liệu, hồi ký nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (cụ thân sinh) để lại, qua đó làm sống dậy cả hoàn cảnh sinh hoạt, cá tính các bạn văn thế hệ của cụ với lòng kính mến của người biên soạn. Tôi nghĩ anh cũng rất cảm mến một nhà thơ như ông Quang Dũng. Nhưng không rõ anh căn cứ vào nguồn tư liệu thành văn nào để khẳng định thông tin trên sách? Và nhất là anh quan niệm về Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) như thể họ vẫn là một chính đảng yêu nước của Nguyễn Thái Học đã làm cuộc khởi nghĩa Yên Bái (năm 1930), cho dù khi ấy đã là giai đoạn 1942-1945 (?).

Còn về phía tôi, qua nhiều năm quan hệ với các ông Quang Dũng, Trần Lê Văn, chưa bao giờ tôi thấy các ông đề cập đến Việt Nam Quốc dân đảng, vì ông Quang Dũng không quen biết một ai trong nhóm đó. Hai ông chỉ hơi buồn khi việc Quang Dũng gặp gỡ nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) do liên tài, lại bị suy diễn quá sự thật (gia nhập Việt Nam Cách mạng đồng minh hội, gọi tắt là Việt Cách)! Và chưa biết cách nào để thanh minh.

Nếu những người làm sách thận trọng hơn, quan tâm tìm hiểu đến hai đảng Việt Quốc, Việt Cách (cụ thể là giai đoạn 1942-1945) hẳn sẽ thấy được điều này (chỉ cần gõ cửa Google là ra):

"Từ năm 1942 đến 1945, quân đội Việt Nam Quốc dân đảng không có hoạt động nào khác, ngoài việc theo gót quân đội Trung Hoa nhập Việt, đánh chiếm Lao Cai và Sapa, ở Hà Nội thì Việt Nam Quốc dân đảng ra báo Chính Nghĩa và nhật báo Việt Nam. Một nhóm có vũ trang thì đóng trụ sở ở số 7 Ôn Như Hầu, lưu manh hóa, bắt bớ, giết người. Và cuối cùng câu kết với thực dân Pháp trong âm mưu đảo chính chính phủ Cách mạng do Việt Minh thành lập, bị Công an ta tấn công bắt gọn vào ngày 12/7/1946".

Vậy ông Quang Dũng đăng lính Quốc dân đảng ở đâu, trong 3,4 năm ấy? Nếu có chân trong Quốc dân đảng sao ông sau này lại được Cách mạng dễ dàng tín nhiệm, thậm chí còn được cử làm chính trị viên phó Đại đội vệ binh khu II của lực lượng vũ trang Hà Nội.

Tôi hình dung một em thiếu niên yêu văn học, độc giả của NXB Kim Đồng, vốn coi nhà thơ Quang Dũng như một thần tượng, đến lúc hiểu lịch sử Cách mạng Tháng Tám 1945 như trên, sẽ không hiểu nhà thơ có tài biến hóa thế nào để từ một tổ chức chính trị biến chất như vậy, ông trở thành người anh hùng Tây Tiến?

Tôi có gửi những dòng trên cho cô Bùi Phương Thảo, con út nhà thơ Quang Dũng, được cô trả lời (qua thư điện tử):

"…Cháu cũng băn khoăn…thế hệ trẻ chưa từng biết về nhà thơ Quang Dũng và sẽ bị ghi thành dấu ấn những tri thức có được từ sách như vậy thật không công bằng, vì bố cháu đã chịu đựng cả một cuộc đời với bao khốn khổ cùng chi tiết lý lịch sai lệch như vậy… Hiện cháu còn giữ mấy bản viết tay lý lịch của bố cháu, trong đó có nói đến thời gian sang Tàu, phần khai đó rất rõ ý, trùng với những nhận định của ông Tô Hoài".   

Tôi là một cộng tác viên lâu năm của NXB Kim Đồng, hoàn toàn không có ý làm thương tổn đến NXB, cũng như người biên soạn cuốn sách đó tôi tin không hề cố ý làm thương tổn đến nhân thân nhà thơ Quang Dũng.

Đây là một "tai nạn nghề nghiệp" nhỏ của việc biên soạn sách, chỉ có điều nó không hề nhỏ với gia đình, thân nhân nhà thơ Quang Dũng cũng như những độc giả yêu mến thơ Quang Dũng.

Cô Bùi Phương Thảo trong thư điện tử trên, đã viết: "Việc có sự đính chính công khai từ phía NXB cháu nghĩ là cần thiết vì đối tượng phổ biến sách là đối tượng học sinh tiểu học" (Bùi Phương Thảo hiện là Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội).                   

Tôi rất đồng ý với cô Bùi Phương Thảo như trên và cũng nhất trí với nhà văn Nguyễn Huy Thắng một câu trong thư anh gửi cho cô Bùi Phương Thảo: "Điều quan trọng, theo anh, là đúng với sự thực!"

Vân Long - VNCA Xuân Nhâm Thìn
.
.