Nhạc số lên ngôi

Thứ Hai, 16/01/2012, 09:00

Đứng từ mùa xuân Nhâm Thìn 2012 để nhìn về tương lai âm nhạc Việt Nam, dễ dàng nhận ra sự hình thành và phát triển của công nghệ music video với sự trợ giúp đắc lực của internet. Khán giả nhấp chuột để nghe và xem ca nhạc, còn ca sĩ từ không gian ảo bước vào đời sống một cách tự tin!

Nếu bình tâm điểm danh, không thể nào kể hết những tên tuổi xập xình trong tất cả chương trình ca nhạc lớn nhỏ trên tivi, trong phòng trà, ngoài sàn diễn. Còn nếu sòng phẳng thu hoạch, thật ngỡ ngàng, suốt năm 2011 không có được mấy ca khúc  ghi dấu ấn cho người yêu thanh nhạc thực sự. Nhận xét như vậy, liệu có khắt khe và cay nghiệt lắm không? Chắc chắn không, vì kết quả cuối cùng của hoạt động ca nhạc chỉ nhằm mang lại một bài hát rung động sâu xa cho khán giả.

Thử ngắm nhìn trực diện những gương mặt gây chú ý như Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh, Hồ Ngọc Hà, Minh Hằng, Thủy Tiên hoặc Đoan Trang thì mức độ "hot" của họ không hẳn vì yếu tố nghề nghiệp. Cụ thể hơn, nếu gạt đi hình ảnh ca sĩ rực rỡ khi tham gia nhảy múa trên sóng truyền hình hay tha thướt ở các sự kiện phấn son, hoặc không có chuyện xì xầm tình ái hoặc không có chuyện ầm ĩ áo mỏng váy ngắn, thì khái niệm "ngôi sao" trong âm nhạc cực kỳ mờ mịt.

Một sự thật hơi bẽ bàng: làm live show cầm chắc thua lỗ! Vậy mà các ca sĩ vẫn quyết tâm dấn thân vào sân chơi khốc liệt ấy. Lý do, chỉ có live show mới đủ sức giữ nhiệt cho danh tiếng của ca sĩ trong bối cảnh công chúng ngày càng ít bận tâm đến những giá trị hời hợt. Cho nên đừng thấy ca sĩ rạng ngời trong buổi họp báo hoặc xúng xính nhung lụa trong buổi diễn mà tưởng rằng họ sung sướng tột độ.

Không có nhãn hiệu nào chịu tài trợ, ca sĩ trót móc túi làm live show cứ phải tự thưởng cho bản thân một nụ cười duyên dáng và kín đáo, mà người thạo tin hoặc tinh tế sẽ nhận ra đó là kiểu hỉ hả nửa ngọt ngào nửa đau đớn. Với sự lạm phát kéo dài, live show đầu tư khoảng một tỷ đồng không thể nào hoành tráng được. Muốn đẹp mắt một chút, muốn khoa trương một chút, cứ phải bỏ ra hai tỷ. Trữ tình như Cẩm Ly cũng tốn hai tỷ, mà sôi động như Thanh Thảo cũng tốn hai tỷ. Dù trông cậy vào đạo diễn ca nhạc nào hay thuê mướn rạp hát nào, ca sĩ đã định live show thì đừng hòng cò kè, phải có hai tỷ việc này mới xong! Mặt khác, chớ mong bán vé lấy lại tiền nhé, công chúng có chút của cải vật chất bây giờ buổi sáng sấp ngửa với sàn chứng khoán, buổi chiều bận bịu với thị trường vàng, khán phòng lấp đầy phân nửa số ghế đã may mắn rồi. Hơn nữa, kỳ lạ thay và cũng hãi hùng thay, live show ca nhạc mà ca sĩ không còn đủ tự tin vào sức chinh phục của giọng hát, nên luôn tìm chiêu trò độc đáo để níu chân người xem. Thuê vũ công đứng chật sân khấu cũng chưa yên tâm đâu, cần có tiết mục đu dây như nghệ sĩ xiếc hoặc phun lửa như ảo thuật gia. Chưa hết, xu hướng thời thượng của live show là phải có dàn nhạc giao hưởng mấy chục người để thể hiện đẳng cấp chuyên nghiệp, dù chính ca sĩ đang rung giọng ngân nga ca từ ầu ơ cũng không biết cái tập hợp đông đảo và trang nghiêm kia nếu bỏ đi hoặc thêm vào mấy nhân khẩu có ảnh hưởng gì đến chất lượng nghệ thuật không!

Lam Trường song ca với Đan Trường.

Tạm chấp nhận trống kèn inh ỏi, cũng có vài live show đáng kể như "Vui" của Lê Cát Trọng Lý hoặc "Thiên thai" của Đức Tuấn. Tuy nhiên, lối trình diễn vừa đàn vừa hát của Lê Cát Trọng Lý chỉ phù hợp với không gian ấm cúng, còn mang ra sân khấu lớn thì cảm xúc hao hụt khá nhiều. Ca sĩ Đức Tuấn chọn dòng nhạc sang trọng như một hướng đi biệt lập và tốn kém, nhưng phong cách lịch lãm đã tạo dựng được vẫn còn khoảng cách với hồn vía của những ca khúc bất hủ. Hình ảnh Lê Cát Trọng Lý và Đức Tuấn nổi lên như biểu tượng đẹp, vì cả hai giữ được bản lĩnh cá nhân giữa cơn lốc nhoáng nhoàng ca sĩ chạy theo thị hiếu đám đông!

Không giống Lê Cát Trọng Lý và Đức Tuấn hơi kén khán giả, ca sĩ Mỹ Tâm khẳng định được vị trí của mình bằng một loạt live show kỷ niệm 10 năm ca hát, mang tên "Nhịp điệu của thời gian". Ở tuổi 30, Mỹ Tâm đằm thắm hơn và khéo léo hơn khi biết kết hợp cái thiên hạ thích và cái bản thân thích. Đồng hành cùng live show, Mỹ Tâm phát hành album "Cho một tình yêu" với những bản pop-ballad đơn giản như "Ngày vắng anh", "Nắng xuân ngời" hoặc "Một chuyện tình". Dù vẫn duy trì được một lượng fan nhất định, song Mỹ Tâm đã ở bên kia dốc của sự nghiệp. Muốn chiếm lĩnh thị trường âm nhạc như dạo "Hát với dòng sông" hay "Họa mi tóc nâu", Mỹ Tâm cần sự đột phá quyết liệt để tạo ra biên độ thẩm mỹ khác cho giọng hát của mình!

Đối diện qui luật, không nhiều tiền miễn live show, vậy những ca sĩ trẻ làm sao chinh phục khán giả? Không có gì khó, đã có internet. Nhạc số vừa là cánh cửa hẹp vừa là cánh cửa rộng cho mơ ước trở thành ca sĩ. Chỉ cần nhấp chuột ký gửi một ca khúc lên trang web âm nhạc, ca sĩ lập tức được dự phần một cuộc chơi đầy cơ hội và đầy thử thách. Người nghe trực tuyến không tốn bất kỳ chi phí gì mà lại có quyền bình phẩm một cách vô tư. Nếu bị phê phán, ca sĩ sẽ nản lòng. Còn nếu được tán thưởng, tốc độ lan tỏa sẽ nhanh như chớp.

Phong trào làm MV (music video) để tung lên mạng lôi kéo ca sĩ cỡ bự lẫn ca sĩ cỡ nhí, và cạnh tranh tương đối công bằng. Chi phí một MV dàn dựng công phu khoảng dăm chục triệu, như một công cụ hữu hiệu để đo mức độ ăn khách của ca sĩ. Các bảng xếp hạng MV đang dần thay thế các giải thưởng thâm niên. Nếu một MV có được mười ngàn lượt truy cập thì kết quả tiếp thị cho ca sĩ hơn hẳn việc phát hành một album đầu tư tốn kém. Đồng thời, một MV được ưa chuộng sẽ xóa sổ tính vùng miền của người hâm mộ. Trước đây, có ca sĩ được yêu mến ở miền Bắc nhưng bị hờ hững ở miền Nam, hoặc ca sĩ gây sốt vé tại Sài Gòn nhưng làm điên đầu ông bầu ca nhạc tại Hà Nội, hoặc có ca sĩ chỉ tạo được ấn tượng với khán giả đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, một MV được đón nhận thì ca sĩ có thể yên tâm dùng ca khúc ấy chạy show khắp cả nước, thậm chí bay show hải ngoại mà không phải băn khoăn gì. Chưa cần khảo sát các diễn đàn nhỏ lẻ, chỉ căn cứ vào sức ảnh hưởng của Youtube thì xu hướng MV sẽ thống trị đời sống ca nhạc trong thời gian tới. Và nỗi lo không thể không nghĩ đến, sự thành bại của một MV phụ thuộc rất nhiều vào ý tưởng, mà giới âm nhạc chúng ta luôn dồi dào tiểu xảo láu lỉnh nhưng lại luôn túng bấn ý tưởng thăng hoa!

Chính vì mỗi MV có tác động như một đĩa đơn, nên những ca sĩ trẻ liên tục tung ra MV để giành giật thị phần ca nhạc ngày càng manh mún. Không thể nói khác, một sự ganh đua hào hứng đang và sẽ diễn biến gay cấn giữa những ca sĩ bước đầu solo như Yến Trang, Bảo Thy, Đông Nhi, Yến Nhi với những ca sĩ được tôn vinh từ những cuộc thi ca hát như Phương Vy, Uyên Linh, Văn Mai Hương, Trà My... Cam go hơn, giữa hai dòng ca sĩ ấy lại có một dòng ca sĩ xuất thân từ người mẫu với nhiều ưu thế ngoại hình như Trang Nhung hay Hà Anh. Tất nhiên, cuộc ganh đua này chỉ nhằm tìm chỗ đứng chứ không thể kiếm đỉnh cao. Thực trạng rõ mười mươi kia dễ dàng được các ca sĩ lừng lẫy phát hiện được.

Ca sĩ Hồng Nhung bỏ công bỏ của làm album "Vòng tròn" khá công phu, nhưng nỗ lực đứng gần hơi thở đương đại khiến kỹ thuật âm thanh lấn át xúc cảm giọng hát. Ngược lại, Đan Trường quay sang hát ca khúc mang âm hưởng dân ca với album "Lỡ duyên rồi", còn Lam Trường quay sang hát nhạc xưa với album "Khi người yêu tôi khóc". Đáng tiếc, nghe Đan Trường hát "Bậu bình bát" hoặc "Anh Ba Khía", công chúng không còn nhận ra Đan Trường thuở hát "Đi về nơi xa" và "Email tình yêu". Cũng như, nghe Lam Trường hát "Đừng lừa dối nhau" hoặc "Trên đỉnh mùa đông", công chúng không còn nhận ra Lam Trường thuở hát "Tình thôi xót xa" và "Gót hồng". Nghệ thuật khắc nghiệt lắm, vàng son một thời có khi ngoảnh lại mà rưng rưng nước mắt, khiến những ai mủi lòng bỗng muốn ca ngậm ngùi "thôi là hết anh đi đường anh, tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi, còn mong gì hình bóng xa xôi, nhắc làm gì chuyện năm xưa, cho tim thêm ngẩn ngơ, vì sao trời đành bắt duyên em lỡ làng cùng người em thương, lỡ làng cùng người em yêu".

Tp HCM, cuối năm 2011

VNCA Xuân Nhâm Thìn
.
.