Nghệ sĩ - doanh nhân:

Nhạc sĩ Phú Quang: “Tôi giống cái tủ thuốc của ông thày Tầu”

Thứ Tư, 11/10/2006, 09:00

"Nói chung tôi rất sợ nghèo. Vì nghèo thì ai cũng hiểu, sẽ có lúc phải hèn. Quan niệm cứ nghệ sĩ thì phải sống nghèo không còn đúng trong thời đại này nữa. Chỉ có khi đủ miếng cơm manh áo, không còn phải lo lắng về tiền bạc nữa, người ta mới có thể dành thời gian cho nghệ thuật, và làm nghệ thuật một cách tử tế được".

Thưa nhạc sĩ Phú Quang, khi quyết định tham gia vào lĩnh vực kinh doanh, có phải vì ông muốn thoát khỏi cảnh nghèo, như người ta thường nói, nghệ sĩ thường không sống được bằng nghệ thuật?

Thực ra cũng không hẳn như vậy. Kinh doanh là một công việc tôi có niềm đam mê. Tôi được hưởng gien di truyền từ mẹ tôi, vốn là một nhà buôn nổi tiếng chuyên buôn tàu bán bè ngày xưa. Hồi vào Sài Gòn tôi quyết định mở nhà hàng, mục đích đơn giản là tổ chức một nơi để có thể “tụ bạ” bạn bè văn nghệ sĩ, và những người mà tôi thích làm bạn. Sau rồi công việc kinh doanh cuốn tôi đi, và tôi nhận thấy mình có duyên với nó.

Một nghệ sĩ làm kinh doanh, theo ông họ có thế mạnh gì hơn những người khác?

Người nghệ sĩ thường có tầm nhìn “thiên tri, thấu thị”. Đó là thế mạnh của họ khi làm kinh doanh. Trí tưởng tượng cũng rất quan trọng với người làm kinh doanh, nhờ nó mà anh ta có thể tưởng tưởng ra những điều chưa có. Ngày nay làm kinh doanh rất cần những ý tưởng độc  đáo. Tôi quan sát, không chỉ là nghệ sĩ, mà tất cả những người có làm kinh doanh thành đạt đều có tố chất của một người nghệ sĩ. Một doanh nhân đích thực đòi hỏi phải có trí thông minh và tầm nhìn đi trước thời đại. Tuy nhiên, tính lãng mạn của nghệ sĩ thỉnh thoảng cũng ảnh hưởng đến người làm kinh doanh ở chỗ, lãi ít mà mình cứ tưởng là đang lãi nhiều (cười).

Vâng, nhưng vấn đề là người nghệ sĩ làm kinh doanh phải biết phân thân như thế nào? Vì anh viết nhạc thì đầu óc có thể lơ mơ, nhưng khi anh tính toán tiền bạc thì anh lại phải hết sức thực tế...

Điều này tôi đã từng nói, tôi giống như cái tủ thuốc của ông thầy Tàu. Mở ngăn quế ra thì chỉ có quế thôi. Mở ngăn thục ra cũng chỉ có thục thôi. Nghĩa là, khi nghĩ về kinh doanh thì thôi âm nhạc, còn khi nghĩ về âm nhạc thì thôi kinh doanh.

Ông có thể chia sẻ với khán giả câu chuyện về lần thất bại lớn nhất trong đời làm kinh doanh của mình?

Có vài lần tôi lơ là công việc làm ăn cũng là bởi lý do mê mải với các dự án âm nhạc của mình. Nhưng nói chung, tôi chưa bao giờ thất bại nặng nề trong công việc kinh doanh cả.

Câu trả lời của ông khiến cho mọi người nghĩ rằng, làm kinh doanh không hề khó...

Đúng, làm kinh doanh không hề khó. Nhưng nếu người ta nghĩ về nó dễ thì có lẽ chẳng ai đứng ngoài cuộc, chẳng ai nghèo. Cái gì trên đời cũng phải trả giá, không bao giờ nó rơi “vô tư” ở đâu đó vào mình cả. Tôi chắc chắn không phải là người xuất chúng trong lĩnh vực kinh doanh, thậm chí còn chẳng thấy mình tài cán gì cả. Nhưng tôi có một bộ máy điều hành tốt, và tôi bán ý tưởng để họ thực hiện. Tôi thấy cái được của mình là ở chỗ, mình là người biết dùng người tài cho công việc của mình. Tất nhiên, nhiều lúc tôi vẫn nghĩ, mình thành công chút đỉnh là may mắn, Trời cho thì được thôi.

Khi ông đóng cửa nhà hàng kinh doanh ăn uống ở Sài Gòn, người ta những tưởng ông đã “rửa tay gác kiếm”. Nhưng rồi một thời gian lại thấy ông lập Công ty Hỗ trợ và phát triển nghệ thuật, rồi mới đây lại khai trương nhà hàng ở Hà Nội. Thưa nhạc sĩ, đừng nói rằng vì ông vẫn nghèo, vẫn cần tiền đấy nhé, độc giả sẽ không tin đâu...

Tôi thì có thể nói lúc nào cũng... đủ ăn thôi. Tất nhiên là sống bằng kinh doanh thì phải khá hơn sống bằng âm nhạc chứ. Các cụ dạy rồi, “lập thân tối hạ thị văn chương”. Với âm nhạc và một số ngành nghệ thuật khác cũng vậy thôi. Hồi tôi đóng cửa nhà hàng ở Sài Gòn, tôi tự nhủ, từ đây mình sẽ dành thời gian cho sáng tác. Sau một thời gian ngắn tôi lại nhận ra rằng, nếu bình tĩnh sáng tác thì phải có tiền. Mà nhiều tiền thì thích hơn là ít tiền. Khi dư dả tiền bạc hơn, mình sẽ có quyền kiêu hãnh nói không với những công việc, những hợp đồng, những dự án liên quan đến âm nhạc mà mình không thích làm, không muốn làm. Mình có thể tự do với niềm đam mê âm nhạc của mình mà không bị chi phối bởi những công việc, mà mình biết là rất vớ vẩn, có khi làm mất đi tư cách của một nhạc sĩ.  Nói chung tôi rất sợ nghèo. Vì nghèo thì ai cũng hiểu, sẽ có lúc phải hèn. Quan niệm cứ nghệ sĩ thì phải sống nghèo không còn đúng trong thời đại này nữa. Chỉ có khi đủ miếng cơm manh áo, không còn phải lo lắng về tiền bạc nữa, người ta mới có thể dành thời gian cho nghệ thuật, và làm nghệ thuật một cách tử tế được.

Công việc kinh doanh không thể không lấy đi của ông nhiều thời gian. Vậy ông sáng tác khi nào?

Công việc kinh doanh không lấy của tôi nhiều thời gian như các bạn đã nghĩ. Tôi chỉ là người đưa ra các ý tưởng và sẽ có những người khác thực hiện các ý tưởng đó. Tôi không trực tiếp làm các công việc cụ thể. Nếu có mất thời gian là mất thời gian cho suy nghĩ, đưa ra các ý tưởng, giải pháp thôi. Còn việc sáng tác âm nhạc, nó chẳng hề bị kinh doanh ảnh hưởng. Các bạn cũng đừng nghĩ là sáng tác thì phải chiếm rất nhiều thời gian. Nó chỉ là những “chớp lóe” của cảm xúc thôi. Có khi anh dành cả ngày, cả tuần, cả tháng cho nó, anh cũng đâu viết được gì? Tôi vẫn lao động nghệ thuật, và hàng năm vẫn tổ chức các đêm nhạc, vẫn cho ra đời những album mới, không có gì thay đổi cả.

Nếu có thể nói ngắn gọn về những thành công trong sự nghiệp của mình, ông sẽ nói gì?

Lao động, lao động và lao động. Cộng thêm vào đó là rất cần cù, bạn sẽ luôn thành công.

Xin cảm ơn nhạc sĩ

Bình Nguyên Trang - Hội Quân
.
.