Nhạc sĩ Hồng Đăng: Con đường “Hoa sữa” vào phim

Thứ Ba, 02/12/2008, 14:15
Nhạc sĩ Hồng Đăng được biết đến là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như "Hoa sữa", "Biển hát chiều nay", "Lênh đênh", "Người mẹ và thành phố biển"… Điều đặc biệt là những ca khúc này đều là những "bản nhạc ăn theo" phim và đã có sức sống riêng của nó trong đời sống âm nhạc. Ông tâm sự với chúng tôi về những "bí quyết" làm nghề.

- Thưa nhạc sĩ Hồng Đăng, tôi vẫn nhớ, một trong những bài hát đã "nằm lòng" trong tâm thức những người Hà Nội, đó là bài "Hoa sữa". Mặc dù là ca khúc viết cho phim (Hà Nội mùa chim làm tổ - Đạo diễn Đức Hoàn) nhưng nó đã có vị trí riêng trong đời sống âm nhạc. Khi viết bài hát này, ông đã "hóa thân" bằng cách nào để nó thành công đến vậy?

+ Năm 1973, nữ đạo diễn Đức Hoàn (người đóng vai Mỵ trong "Vợ chồng A Phủ" một ngày đến gặp tôi và có đề nghị tôi viết nhạc cho bộ phim đầu tay của bà. Trong phim có một ca khúc nói về một tình yêu "đặc Hà Nội". Tôi nhận lời. Nhưng cho đến lúc bộ phim đã quay gần xong mà tôi vẫn chưa có tứ nhạc.

Bỗng dưng một hôm, tôi có một người bạn làm thơ đến chơi có gợi ý một chi tiết: Ở Hà Nội có loài hoa sữa rất hay nhưng cũng ít người để ý đến. Loài hoa đó hình như các nơi khác không có.

Và trong đêm ấy, tôi ngồi vừa hình dung loài hoa này, vừa chắp cánh cảm xúc và viết xong nhạc cho toàn bộ phim, trong đó có bài "Hoa sữa" nói về một đôi nam nữ yêu nhau, rồi xa nhau và không thể quên được mùi hoa kỷ niệm. Bài này Lê Dung hát.

Sau khi phim được khởi chiếu, bất ngờ "Hoa sữa" đã được phổ biến và có sức sống riêng, tách khỏi sự gắn kết của bộ phim với giọng hát của Nhã Phương, Thanh Hoa, sau này có Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Hồ Quỳnh Hương, Lô Thủy…

Nhiều ca sĩ đã đến xin làm bài hát riêng của mình. Có người còn nói, tôi đã có công "khai sinh" cho một loài hoa mà trước đó, ít ai biết. Có nhiều kỷ niệm rất buồn cười về bài hát này mà tôi vẫn luôn nhớ: Hội Văn nghệ Hà Nội, trong 5 năm liền xét giải bài hát hay về Hà Nội đều không đề cử cho "Hoa sữa" vì đơn giản, trong bài hát không có một danh từ cụ thể nào của Hà Nội.

Lại có những vùng yêu chất ngọt ngào của câu hát đã mang hoa sữa về trồng, nhưng vì trồng sát nhau quá, mùi hoa nồng nặc lại phải nhổ bớt đi. Chắc là lại nghĩ nhạc sĩ "chơi khăm"!

- Có người nói rằng, có những ca khúc làm cho bộ phim "cất cánh" nhưng lại có những ca khúc làm cho bộ phim yếu đi. Là một "ông thợ nhà nghề" trong nghệ thuật viết nhạc cho phim, theo ông yếu tố cơ bản để cho "hai nửa" này gắn kết được với nhau?

+ Như tôi đã nói, một bộ phim là tổng hòa của nhiều thứ: âm nhạc, hội họa, điện ảnh… chính vì thế, một tác giả viết nhạc cho phim không chỉ nắm chắc về kiến thức âm nhạc là đủ. Cho nên, ngày xưa, các đạo diễn sau khi đã nhờ tôi viết nhạc thì rất yên tâm, bởi vì thế nào tôi cũng sẽ có một bài hát tin cậy.

Mỗi khi nhận được "đơn đặt hàng" cũng đồng nghĩa với việc, tôi sẽ bắt đầu có những cuộc đi xa cùng đoàn phim để có một bài hát mang âm hưởng từ đời sống thực. Nhạc sĩ phải gắn bó với đoàn làm phim trong suốt quá trình thực hiện.

Có những phim đã làm hậu kỳ rồi thì tôi mới bắt đầu viết nhạc. Tất nhiên, để có sự "cất cánh" thì ngoài bài hát hay cần có một giọng hát phù hợp, dàn nhạc phối khí hiệu quả và thu âm phải chuẩn.

- Xin hỏi một câu hơi tò mò, thời của ông, kinh phí mà các đạo diễn trả để viết một ca khúc cho phim là bao nhiêu, thưa nhạc sĩ?

+ Tôi thì chả bao giờ nghĩ mình sống được nhờ nghề viết nhạc phim cả. Nếu không nói đến có nhiều chuyện "cười ra nước mắt" xung quanh công việc đi viết nhạc phim. Có một lần tôi được một đạo diễn trả nhuận bút cho ca khúc phim.

Sau khi nhận được số tiền nhuận bút ấy, tôi rủ mấy anh em đi liên hoan một bữa. Khi tính tiền thì số tiền nhuận bút không đủ để trả, thế là mọi người moi ví "bù lỗ". Bọn tôi cũng ham vui mà làm, yêu quý bè bạn mà làm thôi chứ chả coi đó là chỗ để kiếm tiền!

-  Có lẽ chính vì thế mà từ những năm 90 ông đã "giải nghệ"?

+ Tôi không "giải nghệ" đâu, lúc vui và có cảm xúc tôi vẫn viết. Cái chính là tôi không có nhiều thời gian cũng như sức khỏe đi theo đoàn phim để vui chơi như trước nữa.

- Vâng, xin cảm ơn nhạc sĩ!

Nhật Huy (thực hiện)
.
.