Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc: "Đang có sự mất cân đối trong đào tạo âm nhạc"

Thứ Tư, 29/08/2007, 16:00
Đang có sự mất cân đối trong đào tạo âm nhạc. Số người theo đuổi âm nhạc đỉnh cao như giao hưởng thính phòng ngày càng hiếm hoi. Ca sĩ theo dòng nhạc “khó” như opera cũng phải “đốt đuốc đi tìm”. Đa phần các bạn trẻ muốn đi theo nhạc trẻ, vì nghĩ rằng mình sẽ nhanh chóng nổi tiếng...

- Thưa nhạc sĩ, là một người làm công tác giảng dạy và gắn bó nhiều hơn với nhạc giao hưởng thính phòng, anh nghĩ sao khi nhiều người cho rằng, một ngôi sao nhạc trẻ ngày hôm nay hoàn toàn có thể được tạo dựng bằng công nghệ lăng - xê?

+ Nói rằng chỉ cần có công nghệ là có thể tạo ra một ngôi sao ca nhạc thì cũng không hẳn đúng. Vì công nghệ là rất cần thiết, nhưng nếu không dựa trên tài năng của ca sĩ, nhạc sĩ thì cũng khó mà tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, nhìn vào đời sống âm nhạc hiện tại, ta cũng có thể thấy rằng, có một số trường hợp nhờ có công nghệ lăng xê mà trở nên nổi tiếng.

Tôi mới cùng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đi biểu diễn ở Pháp và có tiếp xúc với bà con Việt kiều. Họ nói rằng mỗi khi muốn tìm hiểu về đời sống âm nhạc ở quê nhà, họ mở các tờ báo trên mạng internet ra để đọc và rất chán khi chỗ nào cũng thấy phần lớn là nói về đời tư của các ca sĩ trẻ. Chúng ta bàn nhiều về việc họ yêu đương ra sao, ăn mặc ra sao, mà ít nói về chuyên môn, tài năng của họ. Điều này dễ tạo ra ấn tượng là cả xã hội chỉ tò mò quan tâm về đời tư của người khác. Đời sống âm nhạc của chúng ta đang  phát triển  theo xu hướng có phần lệch lạc, thiếu sự định hướng cần thiết của các nhà quản lý.

- Anh nhận xét thế nào về các chương trình ca nhạc trên truyền hình hiện nay?

+ Một tờ báo gần đây đã phải thốt lên rằng, chúng ta đang bão hòa các chương trình ca nhạc trên truyền hình. Chỗ nào cũng thấy các chương trình ca nhạc na ná giống nhau, thiếu sự sáng tạo và không gây được nhiều bất ngờ cho khán giả. Nhiều chương trình không có sự định hướng tốt nên đã biến thành công cụ cho các nhà tài trợ. Họ chi phối, làm méo mó các hoạt động âm nhạc vì mục đích thương mại. Điều này là không tốt cho sự phát triển lành mạnh của một nền âm nhạc chuyên nghiệp. Một bộ phận công chúng có phần “dị ứng” với các chương trình ca nhạc trên truyền hình, vì nó thiếu sự chọn lọc, đơn giản và dễ dãi, thậm chí là cẩu thả nữa.

- Âm nhạc là một lĩnh vực ngày càng trở nên hấp dẫn các bạn trẻ, khiến cho nhiều người nghĩ rằng, trở thành một ngôi sao ca nhạc bây giờ quá dễ dàng. Theo anh thì liệu có sự ảo tưởng nào ở đây không?

+ Không có gì đáng phê phán khi ngày càng có nhiều hơn các bạn trẻ mong muốn trở thành những ngôi sao trên bầu trời ca nhạc. Bằng chứng là mùa tuyển sinh hàng năm vào khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội thu hút hàng ngàn bạn trẻ tham gia, và nhà trường phải tổ chức sơ tuyển mấy lần để lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn. Đang có một sự mất cân đối trong đào tạo âm nhạc. Số người theo đuổi âm nhạc đỉnh cao như giao hưởng thính phòng ngày càng hiếm hoi. Ca sĩ theo dòng nhạc “khó” như hát opera cũng phải “đốt đuốc đi tìm” may ra mới thấy. Đa phần các bạn trẻ muốn đi theo nhạc trẻ, nhạc bình dân vì nghĩ rằng mình sẽ nhanh chóng được nổi tiếng, được nhiều người biết tới, mà lại không phải mất nhiều thời gian, công sức để học tập, rèn luyện. Không chỉ trong thanh nhạc mà cả trong lĩnh vực sáng tác cũng vậy, không mấy người đủ tình yêu, đủ kiên tâm để theo đuổi âm nhạc thính phòng. Nên mới có hiện tượng là ca khúc nhạc trẻ thì đầy ra đấy, nhưng tìm kiếm một tác phẩm giao hưởng được viết bởi nhạc sĩ trẻ thì chẳng “bói” ở đâu ra được. Tôi đã từng nói, công nghệ thực chất là tiền, là để tạo ra càng nhiều tiền càng tốt. Nhưng, để có được các giá trị âm nhạc đích thực lại cần tới tài năng và sự lao động miệt mài, vô tư của người làm nghệ thuật.

- Như ý kiến của anh vừa nói thì đời sống âm nhạc của ta đang phát triển mất cân đối. Vậy, theo anh, đâu là giải pháp?

+ Theo tôi, cần phải có những chiến lược về phát triển văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng từ phía các nhà quản lý. Bên cạnh một đời sống nhạc trẻ sôi động phải có những ưu tiên, khuyến khích những người trẻ tuổi tham gia vào lĩnh vực âm nhạc đỉnh cao như giao hưởng, thính phòng, opera...Nếu không, đến một lúc nào đó, nhìn vào nền âm nhạc Việt Nam, chúng ta sẽ thấy chỉ là các ca sĩ được tạo ra bằng công nghệ lăng xê và các nhạc sĩ viết ca khúc quần chúng. Cần phải có những đầu tư chiến lược, có trọng điểm cho âm nhạc, để có được một khu vườn âm nhạc trong tương lai, với rất nhiều cỏ xanh tươi tốt, nhưng cũng đồng thời có được những cây cổ thụ lớn...

- Xin cảm ơn nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc

Hội Quân – Thy Đoan
.
.