Nhà văn trẻ Võ Diệu Thanh: "Lần đầu thấy trăng" lần đầu tiểu thuyết

Thứ Ba, 19/11/2013, 08:00
Võ Diệu Thanh sinh ra và lớn lên ở vùng đất còn nhiều vất vả và lạc hậu. Chị thương những đứa trẻ cứ hồn nhiên lớn như cỏ dại, khuỳnh khoàng và hoang dã. Điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức về tầm quan trọng của sự học ở bố mẹ chúng không có bao nhiêu nên việc trẻ em nghỉ học ở nhà lang thang dãi nắng, bán vé số dường như không phải chuyện hy hữu. Chắc hẳn, trang văn của chị đã bắt đầu từ những cảm nhận xót xa và thương cảm như thế với những cảnh đời, những tréo ngoe trớ trêu của số phận quanh mình...

Nhà văn Võ Diệu Thanh từng ghi dấu ấn đáng kể trong lòng độc giả ở thể loại truyện ngắn với tập truyện "Cô con gái ngỗ ngược" đoạt giải Nhì cuộc Vận động sáng tác văn học tuổi 20; truyện ngắn "Người đàn bà đa tình" đoạt giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn của trang mạng xã hội Yume; tập truyện ngắn "Gạt nước mắt đi" đoạt giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Mới đây, chị đã "lần đầu" ra khỏi "vùng an toàn" truyện ngắn để đến với cuốn tiểu thuyết đầu tay "Lần đầu thấy trăng" (NXB Phụ nữ ấn hành tháng 10/2013).

Quê nhà là cảm hứng đầu tiên

Còn nhớ dịp tết năm ngoái ghé thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang thăm tổ ấm của Võ Diệu Thanh, tôi cứ ấn tượng mãi với vẻ đìu hiu có phần lam lũ của các xóm nhà lúp xúp chung quanh. Và nữa, tôi lại bắt gặp mấy căn nhà vệ sinh được làm theo kiểu "cầu tõm" miền Bắc vẫn còn được giăng ra xung quanh chiếc ao giữa xóm. Người dân trong vùng những năm trước sống bằng nghề gánh trấu thuê cho các lò nung gạch, gốm, về sau, khi các chủ lò dùng khí gas thay thế, họ cũng thành thất nghiệp.

Vậy là làng trên xóm dưới, người lớn trẻ con chỉ quẩn quanh trong nhà, ngoài vườn, kẻ có chút tiền lại bài bạc, quán xá. Có những người lên thành phố làm thuê, kiếm được chút tiền thì đến cuối năm lại rủ nhau đi thuyền sang đất Campuchia "đốt" trong các casino mọc la liệt ven biên giới. Võ Diệu Thanh sinh ra và lớn lên ở vùng đất còn nhiều vất vả và lạc hậu ấy. Chị thương những đứa trẻ cứ hồn nhiên lớn như cỏ dại, khuỳnh khoàng và hoang dã. Điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức về tầm quan trọng của sự học ở bố mẹ chúng không có bao nhiêu nên việc trẻ em nghỉ học ở nhà lang thang dãi nắng, bán vé số dường như không phải chuyện hy hữu. Chắc hẳn, trang văn của chị đã bắt đầu từ những cảm nhận xót xa và thương cảm như thế với những cảnh đời, những tréo ngoe trớ trêu của số phận quanh mình.

Điều kiện sinh hoạt của Thanh gần như không khác nhiều với bà con lối xóm. Nếu ai mới tới căn nhà của chị, chắc sẽ hơi "choáng" vì mức độ tiện nghi rất tối thiểu của nó. Đơn giản, thoải mái và thảnh thơi như thể mọi thứ đồ dùng chỉ cốt sao vừa đủ mà không quá gây phiền lụy. Hàng ngày, ngoài công việc của một giáo viên dạy vẽ ở trường tiểu học chợ Vàm C, chị lại ghé thăm, trò chuyện với những người "bạn lớn", theo đúng nghĩa đen về tuổi tác và trình độ.

Thanh tự nhận mình đọc không quá nhiều, nhưng đọc và học được điều gì là chị cố gắng dùng được tối đa điều đó. Quan điểm ủng hộ và thực hành triệt để tinh thần thực học không chỉ thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, mà còn được biểu đạt rất rõ trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của chị, cuốn "Lần đầu thấy trăng" mới đây đã được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành và tổ chức giới thiệu.

"Lần đầu thấy trăng" - lần đầu tiểu thuyết

Tiểu thuyết "Lần đầu thấy trăng" đi vào mảng đề tài hiện thực có thể nói luôn nóng và đầy bức xúc trong nhiều năm trở lại đây: giáo dục. Tác giả đi từ những gì thân thuộc nhất với mình: Môi trường giáo dục tiểu học với hàng trăm vấn đề nhức nhối không kém bất cứ cấp độ giáo dục nào khác cao hơn. Sự thực, trong thời đoạn của giáo dục mà nhìn đâu cũng thấy tiêu cực như hiện nay, người viết không khó khăn trong việc tìm hiểu thực tế và tích lũy tư liệu. Cái thuận lợi này lại làm nảy sinh khó khăn khác.

Viết gì đây? Chọn nói gì và nói thế nào để mổ xẻ thói tật mà không sa vào mô phỏng dung tục, trần trụi hay báo chí hóa. Viết thế nào để những trăn trở bức xúc đó phải trở thành chất xúc tác làm đổi thay phần nào đó, và từng chút một, những lầm lẫn trong việc trồng người. Là giáo viên dạy vẽ ở trường tiểu học, tác giả Võ Diệu Thanh chọn bối cảnh truyện liên quan phần lớn tới cấp học này. Từ đó, chị đã làm cho độc giả giật mình chua xót về sự nguy hại của lối giáo dục sai lầm ngay từ trứng nước.

Nhà văn Võ Diệu Thanh (bên trái) và Phó Giám đốc NXB Phụ nữ Khúc Hoa Phượng trong buổi ra mắt tiểu thuyết "Lần đầu thấy trăng" tại Hà Nội.

Những trang viết về đêm trăng mà hai nhân vật Dẫu và Nhiều gặp nhau là những trang viết thấm đẫm cảm xúc và nước mắt của nhân vật. Có những người cả đời lam lũ, khốn khổ, cứ cắm cắm cúi cúi với miếng cơm manh áo, chưa chắc dễ có một lần ngẩng mặt nhìn trăng. Lại có không ít người nhìn đó mà không chắc thấy, không chắc cảm nhận được một chút xao xuyến khác lạ nào trước cảnh vật, bởi trong lòng họ, mọi thứ đã được lập trình theo khuôn mẫu, theo nhịp đi gấp gáp của mưu sinh.

Một cô gái điếm hơn hai mươi năm sống trên đời, sau nhiều năm bán trôn nuôi miệng, chợt một đêm ngộ ra sự cùng cực của kiếp người phơi bày lồ lộ dưới trăng. Biết được mình khổ cũng đã là một bước để thoát khổ. Cũng như, biết được mình dốt cũng đã là một bước để thoát khỏi dốt nát. Để học trò có được sự biết ấy, những cải cách giáo dục của chúng ta có đang làm tốt không?

Với tiểu thuyết "Lần đầu thấy trăng", Võ Diệu Thanh đã không bị sa vào cái bẫy của những truyện ngắn kéo dài. Chị vẫn phát huy những thế mạnh của mình ở chi tiết, ở khả năng phân tích tâm lý nhân vật, và ở giọng văn đầy chất miền Tây. Đọc văn chị, thấy hiện lên rõ rệt không khí và con người ở các vùng quê Tây Nam Bộ. Không khí ấy hiện lên qua ngôn ngữ nhân vật, qua lối ứng xử của nhân vật trong từng tình huống truyện, qua không gian, bối cảnh truyện được người viết điểm qua những nét phác.

Có một số phương ngữ có thể đọc lên, người ở vùng khác chưa chắc đã hiểu đích xác ý nghĩa của nó, nhưng đặt trong bối cảnh chung của câu văn, phương ngữ cũng không phải rào cản quá lớn. Nhưng dù thế, tôi vẫn mong có một sự tiết chế hơn nữa ở phương ngữ. Để nó vừa đủ độ, vừa rất "miền Tây", rất "Võ Diệu Thanh" và cũng "rất gần gũi", thu hẹp nhiều nhất sự gián cách trong cảm nhận và tiếp cận tác phẩm của độc giả.

Để tránh sự đơn điệu có thể gây nhàm chán trong cách kể, Võ Diệu Thanh chủ ý đan cài những đoạn độc thoại, những lời kể "rẽ ngang" của nhân vật Hậu, đó là những đoạn người kể xưng "mình", dù phần lớn tiểu thuyết là lời kể từ nhân vật xưng "tôi" - tức Dẫu.

Tôi cho rằng không ít người đọc khi gặp các "cảnh xen" này sẽ phải ngưng lại một lúc, định hình qua nội dung đó để xác định lại "tôi" hay "mình" ở đây là Dẫu hay Hậu. Bởi thực tế này, cách chuyển ngôi trần thuật bất ngờ đôi khi gây rối. Sự "rối" đó có lẽ đòi hỏi thủ pháp "chuyển cảnh" của người viết cần tinh tế và nhuyễn hơn, ít nhất tạo được mối liên hệ sao cho người đọc không có cảm giác đột ngột, bất ngờ. Dĩ nhiên nhiều người hiểu, cách chuyển đổi ngôi kể chuyện giúp người viết có thêm công cụ để soi chiếu, giãi bày nhiều hơn đời sống tâm lý của nhân vật.

Cuốn tiểu thuyết đã biểu đạt rõ hai cảm hứng đối lập nhưng không hề mâu thuẫn của người viết khi ngắm nhìn môi trường giáo dục nước nhà bằng con mắt của người trong cuộc. Võ Diệu Thanh phê phán lối học hành nặng theo khuôn mẫu, hình thức của những người thầy ích kỷ, hám lợi, nhưng chị cũng rất trân trọng và cổ vũ say sưa những người thầy đã không để lương tâm nhà giáo bị nhiễm độc của căn bệnh thành tích và những giá trị ảo.

Giá trị của thực học, giá trị của những bài học làm người, để hàng trăm đứa trẻ không bị dị tật, khuyết tật về tinh thần, đạo đức cần phải được gieo cấy từ thuở vỡ lòng. Giáo dục không phải một thứ khuôn đúc sẵn với những chương trình được xây dựng cứng nhắc, theo công thức và những cái "chuẩn" rất hoàn hảo. Hằng trăm con người khác nhau phải là hàng trăm cách tiếp cận và dạy dỗ. Khi người nông dân trồng cây, họ rất hiểu với từng loại cây, cần phải chăm bón cách gì và vào thời điểm nào. Còn khi trồng người, liệu các nhà giáo dục có nghĩ được như những người nông dân trồng cây đó? Đọc tiểu thuyết "Lần đầu thấy trăng", người ta buộc phải suy nghĩ nghiêm túc về những khác biệt tất yếu như vậy trong sự nghiệp trồng người.

Vẫn sẽ viết về quê mình

Đã có lần tôi hỏi Diệu Thanh liệu chị có ý định rời An Giang lên Sài Gòn lập nghiệp sau khi đã tạo dựng được một chỗ đứng trong văn giới. Chị đáp ngay là không. Cái lý của chị cũng thật bất ngờ, chị sợ, nếu rời bỏ vùng đất thân thuộc của mình, chị sẽ không thể viết được gì. Mà thực sự chị yêu quê mình thật.

Đã cùng Thanh đi suốt từ Phú Tân qua Tân Châu, Châu Đốc, qua Long Bình, đi tới đâu, tôi cũng được chị tỉ mỉ giới thiệu về vùng đất, về con người, về những nơi chị đã lăn lộn để sống, để viết. Đến Tân Châu, chị mời tôi gặp một người bạn là nguyên mẫu của truyện ngắn "Em đã yêu Karim". Qua Châu Đốc, chị và tôi đã cùng thưởng thức món bún cá nước lèo mà hương vị của nó đã ám ảnh tôi từ lúc đọc truyện "Bùa ngải quê nhà". Thậm chí, ngay cả với một cây gạo cổ thụ ở Tân Châu, chị cũng có thể kể cho tôi nghe biết bao nhiêu chuyện gắn liền với nó...

Chị đang lặn vào quê mình, đang thở chung nhịp thở với những người chung quanh và mài giũa thật kỹ lưỡng những giác quan và xúc cảm về cuộc sống để đưa vào trang viết. Và tôi tin chị sẽ còn tiếp tục viết được nhiều và còn viết hay được nữa, bởi sự đào luyện của ngòi bút Võ Diệu Thanh, theo thời gian, không chỉ là năng lực và tình yêu với văn chương, nó còn là những cảm thức sâu sắc của một người biết nâng niu tha thiết với những điều tốt đẹp của cuộc sống quanh mình

Đỗ Dương
.
.