Nhà văn nữ - Gia đình và sự nghiệp:

Nhà văn Phong Điệp: "Phụ nữ làm văn chương luôn cần sự cảm thông"

Thứ Năm, 13/03/2008, 15:30
"Tôi nghĩ, người phụ nữ dù làm bất kỳ ở lĩnh vực nào cũng luôn cần sự cảm thông từ phía gia đình, mà cụ thể là chồng và con. Phụ nữ làm văn chương càng cần sự cảm thông nhiều hơn, bởi lẽ họ là người nhạy cảm và rất dễ tổn thương" - Nhà văn Phong Điệp tâm sự.

- Công việc viết văn có những đặc thù rất riêng. Nhưng trong đời sống thường nhật, nữ nhà văn phải thực hiện những thiên chức trong gia đình là làm vợ, làm mẹ, như tất cả những phụ nữ bình thường khác. Xin hỏi, chị thường cất giấu con-người- nhà-văn của mình ở đâu, trong đời sống gia đình thường nhật?

+ Tôi không hề cất giấu nó đi đâu cả. Con người văn chương luôn thường trực trong tôi - ngay cả lúc tôi khoác áo mưa chở con đến bác sĩ, hoặc những đêm thức trắng trông con, hay những ngày nắng đẹp cả nhà đèo nhau trên chiếc xe máy cũ, rong ruổi phố xá.

Tôi hoàn toàn có thể vừa ngồi viết văn, vừa nấu cơm đợi chồng đi làm về. Tôi chia sẻ với chồng về những nhân vật mình đang viết. Văn chương chưa bao giờ khiến tôi phải sống khác với con người thật của mình. Và tại sao tôi phải cất giấu điều gì đó trong chính ngôi nhà của mình?

- Từng nghe ai đó nói rằng: "Gia đình không thể nào dung chứa hết một nhà văn", chị nghĩ sao?

+ Tôi thì nghĩ bình dị thế này: Nhà văn cũng là con người, và bởi vậy họ cũng cần có một gia đình.

- Không một gia đình nào không có những câu chuyện khúc mắc, vui - buồn phải xử lý. Yếu tố nhà văn có giúp ích được gì cho chị trong việc xử lý những khúc mắc ấy?

+ Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều này. Đơn giản là bởi tôi không có ý định tách bạch con người mình ra thành những con người khác nhau tồn tại trong một con người. Có chăng - sau những chuyện khúc mắc - vui - buồn phải xử lý, tôi sẽ có thêm thực tế để viết văn. Và như vậy là cuộc sống giúp ích cho nhà văn đấy chứ.

- Trong một số tác phẩm của chị, người đàn bà trong gia đình thường phải chấp nhận rất nhiều thiệt thòi, để mong có được hạnh phúc, được bình yên. Phải chăng đó cũng là hình ảnh Phong Điệp trong cuộc sống gia đình của chính mình?

+ Có thể tôi ảnh hưởng đức nhẫn nhịn hy sinh từ mẹ tôi. Một điều nhịn là chín điều lành. Nhưng sự nhẫn nhịn không hề đồng nghĩa với sự cam chịu, nhẫn nhục. Tôi - lúc nóng giận cũng rất đáng sợ (cười). Hãy thử hình dung thế này: Nếu đàn ông là mặt trời, phụ nữ hãy là mặt trăng. Nếu cùng có hai mặt trời thì sẽ là thảm họa.

- Theo chị, một người phụ nữ viết văn cần sự hỗ trợ như thế nào từ phía người chồng và các con, để có thể vừa làm tốt sự nghiệp, vừa hoàn thiện vai trò của mình trong gia đình?

+ Tôi nghĩ, người phụ nữ dù làm bất kỳ ở lĩnh vực nào cũng luôn cần sự cảm thông từ phía gia đình, mà cụ thể là chồng và con. Phụ nữ làm văn chương càng cần sự cảm thông nhiều hơn, bởi lẽ họ là người nhạy cảm và rất dễ tổn thương.

- Tác phẩm văn học nào viết về gia đình đã gây cho chị ấn tượng mạnh nhất? Nó đã mang lại cho chị những nhận thức quan trọng nào về việc gìn giữ ngọn lửa ấm áp trong gia đình nhỏ của mình?

+ Thú thực, việc gọi tên một tác phẩm cụ thể khiến tôi bối rối, bởi lẽ có rất nhiều những tác phẩm mà tôi sẽ phải liệt kê ra. Từ nhỏ tới giờ, gia đình luôn có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi. Tôi không thể hình dung nếu cuộc sống này, mình chỉ sống cô độc một mình. Đó hẳn sẽ là một nỗi bất hạnh. Bởi vậy mỗi ngày mỗi giờ, tôi luôn tìm cách giữ ấm "ngọn lửa" ấy trong cuộc sống của mình.

- Xin xảm ơn chị Phong Điệp!

Thy Đoan (thực hiện)
.
.