Người Hà Nội trước đại lễ 1.000 năm Thăng Long:

Nhà văn Nguyệt Tú: Di sản văn hóa của người Hà Nội là lòng nhân ái

Chủ Nhật, 10/05/2009, 08:45
Hồi tôi còn nhỏ, cha tôi, danh họa Nguyễn Phan Chánh đưa cả gia đình chúng tôi về sống ở Hà Nội. Tôi mặc cái áo bông xấu đi học, bị bạn chê, thế là bỏ áo khoác, phong phanh áo cánh về nhà nên bị ốm. Thế là cha mẹ người bạn tôi biết tôi bị cảm thương hàn, đêm hôm đã tìm đến tận nhà mang thuốc chữa bệnh cho tôi. Trong suốt tuổi thơ của tôi, ấn tượng sâu đậm về con người Hà Nội là cái tình họ đối đãi với nhau.

Các bậc ông bà, cha mẹ thuở xưa thường dạy con cháu "thương người như thể thương thân". Tôi cho rằng tình người thương nhau đấy chính là cốt lõi văn hóa Việt Nam và văn hóa Hà Nội. Lòng nhân ái, đó cũng chính là di sản văn hóa tinh thần mà cha ông bao đời để lại. Và Hà Nội là nơi nét văn hóa này bộc lộ rõ nhất, vì nó tập trung nhất, bao quát  nhất.

Tuy nhiên, ngày hôm nay, tôi thấy cái tình người Hà Nội đối với nhau đã nhạt phai đi nhiều. Nhìn vào lớp trẻ thấy có phần lo ngại. Bệnh thờ ơ với nỗi đau của người khác, bệnh lười học tập dẫn đến lười lao động, ham hưởng thụ, không coi trọng các giá trị truyền thống, các di sản văn hóa vật chất của cha ông để lại đang biểu hiện rõ ràng trong đời sống hôm nay.

Chúng ta đang bị suy thoái về văn hóa và cái gốc theo tôi là giáo dục. Có lần tôi làm việc với một bà giáo sư người Nhật, bà ấy nói đại ý rằng một đứa trẻ ngay từ khi đi mẫu giáo, nó được giáo dục như thế nào thì suốt đời nó tính cách nó sẽ là như vậy. Có nghĩa là giáo dục con người ngay từ tấm bé rất quan trọng.

Nhưng hình như chúng ta đang bỏ rơi giáo dục, đặc biệt là giáo dục lòng yêu lao động, tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Những công dân của thủ đô hôm nay, trước thời điểm đại lễ 1.000 năm Thăng Long đang đến gần, cần phải ý thức cho được vai trò để xứng đáng với truyền thống của cha ông bao đời để lại

Lan Hương
.
.