Nhà văn Ngôn Vĩnh: Nếu có một Ban sáng tác, sẽ thuận lợi hơn cho người viết

Thứ Hai, 20/11/2006, 10:00

“Nếu chúng ta có một Ban sáng tác dành cho các nhà văn trong lực lượng thì sẽ tạo điều kiện để có thể tập hợp các nhà văn, kể cả những người còn công tác hay đã nghỉ hưu để chuyên tâm cho công việc sáng tác”.

- Thưa nhà văn, trong 20 năm đổi mới đã qua, lực lượng công an đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh với nhiều thành tích, chiến công to lớn. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, các tác phẩm văn học viết về ngành vẫn chưa khắc họa được rõ nét chân dung người chiến sĩ công an với những chiến công và hy sinh thầm lặng của họ. Nhiều tác phẩm vẫn dừng lại ở mức độ minh họa, hời hợt. ý kiến của ông thế nào?

+ Tôi cho rằng trên bình diện chung mà đánh giá thì chúng ta đã có được nhiều tác phẩm phán ánh đậm nét, sâu sắc hình ảnh người chiến sĩ công an, có thể kể ra như “Giữa sa mạc lửa” (Nhị Hồ), “Đêm yên tĩnh” (Hữu Mai), “Người Bình Xuyên” (Nguyên Hùng) và một loạt vở kịch của nhà văn Hữu ước, tác phẩm của nhà văn Nguyễn Như Phong...Viết về đề tài “Vì an ninh Tổ Quốc và bình yên cuộc sống” là chạm đến một trận địa khó khăn, bởi phải chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan, nhất là về tư liệu.

- Nói một cách khách quan, ông nhận thấy những lý do nào khiến cho nhiều tác phẩm chưa phản ánh rõ nét đời sống tâm hồn, tình cảm của người công an?

+ Để có những tác phẩm hay về ngành công an, theo tôi cần có những điều kiện sau đây. Thứ nhất là tài năng. Những tác phẩm đỉnh cao luôn cần đến những tài năng văn học lớn.Chúng ta đã tập hợp được nhiều cây bút tài năng tham gia sáng tạo trên mảnh đất màu mỡ của đề tài này. Nhưng có một hạn chế là, một số nhà văn hiểu rất ít về ngành công an, đặc biệt những nhà văn ở ngoài lực lượng.

Mặt khác, việc tiếp cận tài liệu, hồ sơ, thực tế của từng vụ án vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Không được tiếp cận thực tế của từng câu chuyện, vụ án, từng số phận con người, nhà văn rất khó để thể hiện chân thực những góc khuất trong đời sống tinh thần, tình cảm, tâm lý của nhân vật. ..

Tại hội thảo văn học “Vì an ninh Tổ Quốc và bình yên cuộc sống” vừa qua, nhà văn Nguyễn Như Phong có đưa ra một đề nghị cần sớm thành lập Ban sáng tác cho nhà văn công an...  Việc thành lập một Ban sáng tác như vậy sẽ mang lại những lợi ích gì cho nhà văn cũng như văn học của lực lượng Công an, thưa ông?

+ Những năm 70 của thế kỷ trước, Bộ Công an đã từng thành lập Phòng sáng tác văn nghệ do nhà văn Lê Tri Kỷ làm Trưởng phòng. Chính nhờ có phòng sáng tác ngày ấy mà nhiều tác phẩm dài hơi, dầy dặn, gây ấn tượng tốt với bạn đọc ra đời.

Tôi nghĩ, nếu sắp tới đây, chúng ta có một Ban sáng tác dành cho các nhà văn trong lực lượng thì rất tốt. Việc này sẽ tạo điều kiện để có thể tập hợp các nhà văn, kể cả những người còn công tác hay đã nghỉ hưu để chuyên tâm cho công việc sáng tác. Mô hình Ban sáng tác của các nhà văn Quân đội rất đáng để chúng ta tham khảo. ..

- Xin cảm ơn nhà văn Ngôn Vĩnh

PV (thực hiện)
.
.