Nhà thơ và sự “thâm canh”

Thứ Ba, 20/10/2009, 09:30
Nếu như trong lĩnh vực nông nghiệp, mấy chữ "thâm canh tăng vụ" luôn mang hàm nghĩa đẹp, ca ngợi sự chịu thương chịu khó của người nông dân, thì trong lĩnh vực sáng tác, hai chữ "thâm canh" lại mang hàm ý không được hay ho cho lắm. Các tòa báo thường tỏ ra dị ứng với những tác giả gửi bài cho báo này rồi lại tiếp tục đưa in ở báo khác.

Mặc dù cũng có nhà thơ phát biểu đây đó rằng, tại sao các bài hát hay thì được hát đi hát lại nhiều lần, mà thơ hay thì lại không được tái bản. Sự thể thoạt nhìn là vậy, song kỳ thực ở đây có sự khác nhau. Thì thơ hay vẫn được in lại trong các tuyển tập đó thôi, còn khi nó được đăng lại trên báo, thường ra là do các biên tập viên của tòa báo họ thấy thích thì chọn in lại, chứ họ không mấy chấp nhận trường hợp tác giả lấy cớ bài thơ mình "hay" và cứ thế… "sao y bản chính" gửi khắp nơi.

Người đọc cũng vậy, họ cần tìm những bài thơ cũ mà họ yêu thích ở trong các tập tuyển, còn khi đọc báo thường ngày, họ không mấy thích thú khi thấy cứ trở đi trở lại những "gương mặt quen" ở đây…

Nếu ai đó chịu khó điều tra, thống kê xem ở nước Việt Nam này, ai là người chịu khó gửi bài đi các báo nhiều nhất, thì "kỷ lục" đó chắc chắn phải thuộc về một ông mà tôi đồ rằng, nếu giới thiệu ra thế giới, tên ông có lẽ được đưa vào sách "Kỷ lục Ghinet" cũng nên.

Nước ta có bao nhiêu tờ báo thì có gần bằng ấy số lần người ta thấy tên ông xuất hiện: Một phần nhỏ là ở trên đầu những bài thơ, còn đại đa phần là ở mục…"Hộp thư". Nhiều khi cả tỉnh, chỉ có trơ trọi một tên ông trên mục "Hộp thư", như con đò duy nhất cắm sào trụ lại. Tuy số bài ông được đăng so với tỉ lệ ông gửi đi hết  sức nhỏ  nhoi, song vì số lượng bài ông gửi quá "khổng lồ" nên tính ra, số bài ông được đăng cũng không phải ít. Ông nổi tiếng đến mức tôi tin không cần viết tên ông, chỉ nhắc tới cách gửi bài thôi, nhiều người cũng dễ dàng đoán ra.

Trước sự kiên trì và chịu khó của ông, nhiều cây bút thơ chuyên nghiệp cũng phải chịu thua mà than rằng:

- Thơ ở đâu mà sản xuất nhiều thế nhỉ?

- Gửi nhiều thế thì chỉ riêng tiền tem thôi, cũng đủ chết.

Một số anh em biên tập viên các báo "rõ" ông hơn, nghe vậy chỉ cười thầm. Vì họ biết tỏng cái lối gửi bài của ông rồi: Làm được một bài thì cho đánh máy rồi photo hàng trăm bản, gửi hàng trăm nơi. Không cần phải dán tem (vì chỉ cần đóng khung ngoài phong bì "Bài gửi đăng báo", là xong).

Cũng có một đôi người thì cho rằng ông hẳn phải là người yêu nghề, yêu thơ lắm lắm. Phần tôi, tôi không dám đánh giá sự yêu hay không yêu ấy, chỉ trách là ông yêu những "đứa con tinh thần" ấy thế nào mà đẩy chúng đi nhiều "cửa", "kết hôn" với nhiều tờ báo thế. Có bài của ông, tôi xem loáng thoáng trên các báo cũng thấy xuất hiện đến…chục lần.

Thật ra, một đôi tờ báo trong Nam đã nhắc nhở ông về cách gửi bài kiểu này, nhưng rồi, thời gian trôi qua, ý kiến đó hầu như cũng lại chìm vào quên lãng. Và thế là thơ ông lại đăng tơi tới, lại lặp đi lặp lại. Trách ông cũng chẳng được, có lẽ ta nên trách một số biên tập viên các báo lười đọc báo bạn quá, cho nên nhiều trường hợp đăng lại ngay sau đấy chỉ ít ngày mà vẫn không phát hiện ra

Tuấn Đạt
.
.