Nhà thơ Trương Hán Siêu còn là một thiên tài quân sự?

Thứ Tư, 27/03/2013, 08:00

Trong một đoạn phim giới thiệu về Trương Hán Siêu: Biết tài Trương Hán Siêu, nên Trần Hưng Đạo đến tận nơi (Ninh Bình) để  hỏi Trương Hán Siêu về mưu kế đánh giặc Nguyên. Trương Hán Siêu đã bày cho Trần Hưng Đạo kế làm "vườn không nhà trống", lấy cương thắng nhu, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh... vân vân…Trần Hưng Đạo nghe theo và cho phổ biến đến tận các làng xã (tôi nhấn mạnh - TNM), do đó đã góp công to lớn vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên...

Khoảng 19h ngày 8/3/2013, VTC có phát chương trình truyền hình về núi Dục Thúy (Ninh Bình) và nhà văn hóa, nhà thơ lớn Trương Hán Siêu. Chương trình được dàn dựng công phu, quay phim và hậu kì chu đáo, rất đáng được trân trọng. Song có một điều băn khoăn (may sao tôi lại được xem lần hai khi chương trình này phát lại vào hôm sau, lúc khoảng 18h  ngày 9/3/2013. Cả hai lần tôi đều xem một cách tình cờ, nhưng rất chăm chú, ở quê nhà, thành ra điều tôi nêu ở đây xin khẳng định là chính xác):

Trong phim có đoạn giới thiệu về Trương Hán Siêu: Biết tài Trương Hán Siêu, nên Trần Hưng Đạo đến tận nơi (Ninh Bình) để  hỏi Trương Hán Siêu về mưu kế đánh giặc Nguyên. Trương Hán Siêu đã bày cho Trần Hưng Đạo kế làm "vườn không nhà trống", lấy cương thắng nhu, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh... vân vân…Trần Hưng Đạo nghe theo và cho phổ biến đến tận các làng xã (tôi nhấn mạnh - TNM), do đó đã góp công to lớn vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên.

Tôi coi đây là một phát hiện lớn, vì trước đó, tôi chưa từng nghe, chưa từng đọc ở đâu về những điều đó. Như vậy (nếu đúng), thì mưu kế thắng giặc để làm nên thiên tài quân sự của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mà ta từng tôn vinh từ xưa đến nay là của Trương Hán Siêu và Hưng Đạo Vương chỉ là người thực hiện. Thực tình là tôi nghi ngờ điều này. Bởi nhiều năm nay, ta có xu hướng bịa thêm cho các danh nhân, điều mà suốt đời họ không hề có,  và cũng không hề muốn. Nếu các vị "hiển thánh", linh thiêng mà biết được, chắc chắn sẽ rất phiền lòng, ví như Trần Quốc Tảng chết ở Cửa Ông - người ta đã xây lăng mộ cho ông -  và Trần Quốc Nghiễn chết ở Hồng Gai - người ta đã khắc vào bia đá... Cả hai đều là con của Trần Quốc Tuấn.

Chúng ta đều biết Trương Hán Siêu xuất thân là môn khách của Trần Hưng Đạo, được Trần Hưng Đạo tiến cử, có tham gia kháng chiến chống quân Nguyên. Năm 1300, Hưng Đạo Vương mất; năm 1308, Trương Hán Siêu mới được vua Anh Tông bổ làm Hàn lâm học sĩ. Đời vua Minh Tông, ông giữ chức Hành khiển; năm 1351 làm Tham tri chính sự. Ông  mất năm 1354, sau Hưng Đạo Vương những 54 năm, sau chiến thắng Bạch Đằng những 66 năm. Không biết ông sinh năm nào, nhưng nếu ông thọ đến 80 tuổi thì ông sinh năm 1274 (ấy là ta phỏng đoán - tuổi đó ngày xưa vô cùng hiếm, 70 tuổi đã hiếm rồi, "Nhân sinh thất thập cổ lai hi" - thơ Đỗ Phủ), thì năm đánh Nguyên lần thứ hai (1285), ông mới khoảng 11 tuổi; kháng chiến chống Nguyên lần 3 (cuối năm 1287), ông mới khoảng 13 tuổi và kết thúc chiến tranh (1288), ông mới có khoảng 14 tuổi... Chưa thấy ai nói Trần Quốc Tuấn dùng kế của Trương Hán Siêu (mà năm đó, Trương Hán Siêu khoảng từ 11 đến 14  tuổi - ta cứ thêm cho ông 5 tuổi nữa, thọ đến 85 tuổi đi, thì năm đó ông cũng chỉ từ 16 đến 19 tuổi là cùng) mà giúp vua đại định được thiên hạ. Có lẽ là tôi chưa biết chăng?

Tôi đề nghị các nhà làm phim này chỉ giáo cho và các vị nghiên cứu có chuyên môn khoa học tin cậy, xem xét lại điều rất mới này, để nếu đúng như thế, tôn vinh ông là một "thần đồng - thiên tài quân sự", hiếm có không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới - cùng với "Bạch Đằng giang phú", tôi chắc là ông viết áng văn bất hủ này khi tuổi đã cao, bởi lúc đó chiến công thời đánh giặc, chỉ còn là vang vọng của quá khứ, rất oanh liệt, nhưng cũng... rất xa xăm

Trần Nhuận Minh
.
.