Nhà thơ Quang Dũng: Bỏ quên thơ

Thứ Ba, 27/05/2008, 11:15
Hồi ở Liên khu III, trên đường kháng chiến, nhiều lần anh đi qua vùng Quế Quyển ở Hà Nam. Ở đây có quán miến lươn rất ngon. Chủ quán lại thích nghe thơ. Quang Dũng vào, ông chủ yêu cầu nhà thơ cho một bài đề cái quán của mình. Quang Dũng bèn vung bút - anh dùng bút vẽ để viết thơ trên một tờ giấy rộng. Thế rồi nhà thơ ra đi và quên bài thơ của mình.

Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, tôi học trường huyện. Trong buổi lễ ghi tên tòng quân, có vị hòa thượng đến dự, ngồi cạnh thầy hiệu trưởng - Giáo sư Cao Xuân Huy. Buổi lễ được tổ chức trang nghiêm trước cổng tam quan đền Sò (ngôi đền làm trường học).

Một bạn học sinh lớn tuổi đứng dậy đọc bài "Tây Tiến" của Quang Dũng với giọng hùng hồn. Cả trường lắng nghe, im phăng phắc. Bạn đó đọc đến câu Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc, thì dừng lại một lát và đột nhiên chỉ tay vào vị hòa thượng: "Bộ đội ta bị sốt rét, đầu rụng hết tóc, trọc cả đầu như đầu vị sư đang ngồi đây". Thầy Cao Xuân Huy chớp mắt, ngồi im lặng. Một lát sau, thầy Hoàng Tuệ đến trước mặt vị hòa thượng và xin lỗi.

Sau này ra Hà Nội, gặp Quang Dũng, kể lại chi tiết đó cho anh nghe, anh sờ tay lên đầu: "Hồi đó mình cũng là nhà sư. Có khi vị hòa thượng ấy là chính mình".

Hồi đó, bài thơ này đang bị phê phán là "lãng mạn tiểu tư sản". Nhưng lũ học sinh chúng tôi đều chép vào sổ tay. Và chính bài thơ ấy đã góp phần khêu gợi tình cảm yêu nước của tuổi trẻ hăm hở xông ra trận mạc.

Từ  yêu quý bài thơ đến yêu quý nhà thơ, tôi thích gặp Quang Dũng và nghe Quang Dũng trò chuyện. Anh là một người tài hoa: làm thơ hay, vẽ đẹp, kéo nhị giỏi... Thích gì làm nấy. Lúc nào cần trổ món gì anh cũng sẵn sàng.

Nhưng tôi có cảm giác anh không chú tâm "lập nghiệp" bằng văn chương, hay hội họa, âm nhạc. Khi hứng lên thì sáng tác. Sáng tác xong rồi bỏ quên, bắt tay làm việc khác. Và bài thơ nằm lại trong sổ tay bạn bè hay trong trí nhớ người thân.

Ngay bài thơ nổi tiếng nhất của anh là bài "Tây Tiến" cũng được viết trong một trường hợp ngẫu hứng như vậy. Đang đóng quân ở Phù Lưu Chanh, anh bị sốt rét nặng, da vàng, mắt vàng. Vớ được cuốn sổ báo cơm của đại đội, lật bìa sau, anh viết nguệch ngoạc. Đồng chí quản lý biết được, phê bình anh một cách nghiêm khắc. Anh nhận lỗi.

Và công việc sáng tạo cảm-hứng-sốt-rét cũng qua đi. Anh không để ý đến bài thơ nữa. Dĩ nhiên anh không gửi đi đâu. Nhưng ít lâu sau bài thơ được phổ biến.

Ở Thanh Hóa, tại quán cà phê của chị Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy, bài thơ được viết chữ to trên một tờ giấy rộng dán vách nứa. Trong một tờ báo tường của đại đội, bài thơ được trình bày ở vị trí trang trọng. Rồi ở xóm Cầu Thiều, ngay tại chiếc chuồng trâu được sửa sang lại làm phòng họp, có treo bài "Tây Tiến" viết bằng kiểu chữ bay bướm như chữ Nho...

Và, cứ thế, sống mãnh liệt với thời gian, bài thơ được lưu truyền đến ngày nay như một trong những bài thơ hay nhất của thi ca kháng chiến chống Pháp.

Hồi ở Liên khu III, trên đường kháng chiến, nhiều lần anh đi qua vùng Quế Quyển ở Hà Nam. Ở đây có quán miến lươn rất ngon. Chủ quán lại thích nghe thơ. Quang Dũng vào, ông chủ yêu cầu nhà thơ cho một bài đề cái quán của mình. Quang Dũng bèn vung bút - anh dùng bút vẽ để viết thơ trên một tờ giấy rộng. Thế rồi nhà thơ ra đi và quên bài thơ của mình. Sau chừng một tháng, anh trở lại Quế Quyển, nghe đứa trẻ chăn trâu "hát" thơ mình. Và khi vào quán, anh thấy bài thơ được đóng khung tre treo trang trọng trên vách:

Đói lòng, "làm" bát cháo lươn
Răm, hành cũng gợi quê hương ít nhiều.
Miến lươn là thứ dễ tiêu
Xem trong sách thuốc có điều bổ âm.
...

Quang Dũng nhớ thương một cô gái vườn ổi từ tuổi thiếu thời. Lúc lớn lên, xa nhà, anh vẫn nhớ người bạn nhỏ ấy. Mỗi lần về thăm, cô gái ấy thường mời anh ăn cơm với cá kho lá gừng - món anh thích hồi bé. Đến khi cô gái đã trở thành bà lão tóc bạc, Quang Dũng lại về thăm và rủ Trần Lê Văn cùng đi cho đỡ "ngượng". Lần ấy, anh viết được một bài thơ khá thú vị. Anh không chép lại, mà bài thơ được chép trong sổ tay Trần Lê Văn.

Ít lâu sau, anh đến xin lại bài thơ đó để xé đi vì "nó trẻ con" quá. Trần Lê Văn không đưa. Và nhờ thế, bài thơ được giữ lại. Đến năm 1988, làm "Tuyển tập Quang Dũng", Trần Lê Văn đưa bài thơ vào với đầu đề "Không đề":

Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Những cây ổi thơm ngày ấy
Và vầng hoa ngâu mưa thu
Tóc anh đã thành mây trắng
Mắt em dáng thời gian qua.

 Ngày nay ngày nay
Chuyện đẹp qua đi
Thời gian gấp ruổi

Còn lại chúng ta
Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Giữ trọn tình người cho đẹp.
...

Năm mười bảy tuổi, đi chơi với một người anh con ông bác, qua cánh đồng Trung Thôn, thấy cô gái vừa cắt cỏ vừa hát sa mạc, Quang Dũng bèn làm thơ "tỏ tình" gồm mười hai câu ba khổ. Làm cho vui thôi, chứ không gửi cho "đối tượng" và cũng không gửi cho tòa soạn báo nào.

Hơn ba chục năm sau, về thăm quê, qua cánh đồng Trung Thôn, người anh đọc bài thơ cũ, Quang Dũng bâng khuâng nhìn xung quanh, chẳng thấy người cũ đâu cả. Chỉ còn lại bài thơ văng vẳng trong hồn anh:

Tôi nhớ năm xưa dạo cánh đồng
Thấy cô cắt cỏ ở thôn Trung
Lom khom bờ ruộng, lia liềm hái
Sa mạc nàng đưa thật não nùng.

 Thấy tôi, nàng vội đứng lên trông
Đôi mắt xinh xinh thật ngượng ngùng,
Tà áo đang buông, cô vội khép
Lộ làn yếm thắm, giải lưng hồng.

Tôi bỗng xa đi đã mấy đông
Trở về cố ly, dạo thăm đồng
Bên bờ ruộng ấy, người không thấy
Chỉ thấy bên bờ cỏ mọc bông...

Võ Văn Trực
.
.