"Đạo văn" - Một mất mười ngờ:

Nhà phê bình Nguyễn Hoà: "Mỗi người cần phải tự tạo lập một... dây thần kinh xấu hổ"

Thứ Năm, 04/01/2007, 15:30
"Chép của người ta đến vài trang sách mà không đưa vào ngoặc kép, không ghi rõ nguồn gốc… lại coi đó “kế thừa” thì làm sao mà “ngửi” cho đặng. Phải gọi đó là ăn cắp chứ. Phàm đã là ăn cắp thì đều xấu, ăn cắp trí tuệ thì còn xấu hơn nhiều..." 

Nghe nói trên máy tính của anh, vào lúc chế độ màn hình “chờ”, anh có cài hàng chữ trang trọng: “Công ty vệ sinh môi trường văn chương”, sao lại có hàng chữ ấy thưa anh?

Tôi hay thích bày trò để cười, thấy cái máy tính đã giúp tôi sản xuất ra hàng trăm bài phê bình có liên quan đến tình trạng “đạo văn”, đến các hiện tượng “bất bình thường” trong đời sống văn chương và học thuật nên tôi cài hàng chữ đó để mỗi khi tôi không hăng hái làm việc thì nó sẽ hiện ra để khuyến khích tôi… làm tiếp!

Để hiểu về “đạo văn”, có người đi tra từ điển, lại có người phân tích thế này thế kia. Vậy còn với anh, hỏi thẳng đáp thật nhé, anh quan niệm thế nào là “đạo văn”?

Lấy một thứ không phải của mình làm tài sản riêng, đó là “ăn cắp”. Vậy thôi!

Có nhiều nghi án “đạo văn” trong đời sống văn học. Nhưng sự thật thì ai viết văn cũng thường chịu ảnh hưởng của một ai đó, và người ta phân vân giữa việc “ảnh hưởng” lẫn nhau và việc “cầm nhầm” trong sáng tác. Là nhà phê bình, anh có thể giúp độc giả phân biệt thế nào là “ảnh hưởng” và thế nào là “đạo văn”?

Về vấn đề này, có thể có ý kiến khác nhau, nên ý kiến của tôi chỉ có ý nghĩa tham khảo. Tôi nghĩ hiện tượng kế thừa, chịu ảnh hưởng, vay mượn ý tưởng là bình thường trong đời sống văn chương và học thuật, không có trí tuệ nào lại sinh ra từ hư vô. Vấn đề là từ sự kế thừa, ảnh hưởng hay vay mượn đó người viết văn hay nhà khoa học sẽ đi tiếp, sẽ phát triển như thế nào, đặc biệt là cần phải sòng phẳng. Chép của người ta đến vài trang sách mà không đưa vào ngoặc kép, không ghi rõ nguồn gốc… lại coi đó “kế thừa” thì làm sao mà “ngửi” cho đặng. Phải gọi đó là ăn cắp chứ. Phàm đã là ăn cắp thì đều xấu, ăn cắp trí tuệ thì còn xấu hơn nhiều. 

Anh làm cách nào để phát hiện ra “đạo văn”?

Tôi không tự giao cho mình nhiệm vụ phát hiện các “ông bà đạo chích”, phát hiện của tôi chỉ là ngẫu nhiên thôi. Tôi ham đọc, đọc cũng nhiều, lại có trí nhớ kha khá, nên trong quá trình đọc thi thoảng lại “túm” được một vị. Tôi biết cũng có người đọc nhiều, đọc rộng, nhớ tốt và cũng phát hiện ra “đạo văn” nhưng vì lý do nào đó mà không lên tiếng. Còn tôi, vì rất dị ứng với sự khuất tất nên tôi nói huỵch toẹt ra để mọi người nhận diện.

Hơi tế nhị một chút, có trường hợp nào anh phát hiện ra đạo văn mà lại không lên tiếng không? Vì sao?

Có chứ. Đó là trường hợp có vị giao cho người dưới quyền viết một bài, anh này không viết cho tử tế mà lại đi “đạo văn”. Thủ trưởng không biết nên vẫn đọc dõng dạc trước cử tọa hay đăng báo đàng hoàng. Phát hiện ra, tôi cho qua, chủ yếu vì uy tín của thủ trưởng. Đánh giá cho thật đầy đủ thì cái anh dưới quyền kia đã phạm hai lỗi: vừa “đạo văn” và vừa “lừa dối” cấp trên, nói trắng phớ ra thì số phận anh ta sẽ gay go, nên tôi đành... “tha” vậy!

Với trường hợp bị anh phát hiện ra là “đạo văn” và phanh phui trên mặt báo, các nhân vật thường xử lý “vụ việc” của mình như thế nào?

Bằng chứng đưa ra rõ mười mươi như thế nên người ta thường im lặng, trong khi lẽ ra nếu tự trọng và có liêm sỉ, thì cần phải xin lỗi công khai. Tuy nhiên có người lại nhanh chóng tái bản tác phẩm, ở phần “đạo văn” thì ghi chú rất mù mờ, tỉ như: “Phần này chúng tôi dựa theo X”, “phần này chúng tôi sử dụng của Y”, chắc là họ tưởng chua thêm mấy chữ ấy là phi tang được chuyện “đạo văn”, song thử hỏi nếu không bị phát hiện là ăn cắp thì họ có chua thêm không? Chưa nói chép nguyên xi không sai một dấu phẩy mà gọi là “dựa theo” thì đúng là quá coi thường người đọc. Lại có người rất hồn nhiên, bị tôi phát hiện “đạo văn” là vội vàng đôn đáo đến chỗ này chỗ khác để thanh minh thanh nga rằng do sơ suất nên báo đã in thiếu tên một tác giả khác, trong khi tôi biết chắc chắn là tác giả kia kịch liệt phản đối vai trò “đồng tác giả” mà ông “đạo văn” đã gán cho.

Có thể nói, trong những năm qua, anh là người có nhiều thành tích trong việc lật tẩy trò “đạo văn” trong đời sống văn chương và học thuật. Có khi nào anh bị các “đương sự” gây phiền nhiễu, khó dễ sau khi viết những bài báo đó không?

Nhìn chung thì không có ai gây khó dễ, chỉ khi gặp nhau thì có người nhìn tôi như... kẻ thù! Có vị tình cờ thấy tôi thì nói: “Ông đánh tôi ác quá!”, tôi trả lời ngay: “Tôi bắt quả tang ông là “đạo chích” chứ đâu có đánh đấm!”. Té ra mình làm việc lương thiện, có trách nhiệm mà vẫn bị trách cứ!

Phát hiện hiện tượng “đạo văn” trong cái gọi là “môi trường văn chương” cũng đồng nghĩa với việc dễ bị người ta... ghét. Có giây phút nào anh đã tự bảo lòng: thôi, có lẽ ta đi làm việc khác, đỡ mất lòng thiên hạ?

Không chỉ với việc phát hiện “đạo văn”, mà làm phê bình một cách nghiêm khắc, dám chỉ rõ và luận chứng nghiêm túc về các vấn đề học thuật, các tác phẩm văn chương với hay - dở rõ ràng, rành mạch là cũng dễ bị ghét rồi. Đã theo nghề thì theo đến cùng, tôi luôn nghĩ vậy, tuy cũng có lúc chán nản. Tôi chán nản không phải vì bị ghét, mà chủ yếu vì thấy việc làm của tôi nhiều khi như là công cốc. Người “ăn cắp” vẫn nhởn nhơ như không, vẫn đứng trên bục giảng bài, vẫn thăng quan tiến chức, có khi còn lớn tiếng phê phán… “đạo văn”!

Cuối cùng, để chữa căn bệnh “đạo văn”, theo anh, cần phải có những biện pháp gì?

Căn bệnh này phát tích từ lương tri của từng người nên phải “chữa” từ lương tri của từng người. Tinh thần lương thiện trí thức phải được xây dựng trở thành phẩm chất bên trong của người cầm bút, nói cách khác là mỗi người cần phải tự tạo lập một “dây thần kinh xấu hổ” cho riêng mình. Còn về phương diện xã hội, có lẽ cũng phải có một sự chế tài nào đó thông qua việc thích ứng với lối sống dựa trên luật pháp. Kẻ “đạo văn” không bị nghiêm trị về mặt luật pháp thì chưa biết sợ đâu, chẳng có gì bảo đảm là người đã “đạo văn” lại không tiếp tục “đạo” nữa. Và do đó chắc là tôi còn nhiều việc để làm!

Vâng, xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi thú vị này!

Hội Quân (thực hiện)
.
.