Nữ "thủ lĩnh" báo chí:

Nhà báo Mai Thục-Nguyên TBT báo Phụ nữ Thủ đô: “Chảy đi sông ơi…”

Thứ Năm, 13/11/2008, 08:30
"Chảy đi sông ơi, băn khoăn làm gì..." là câu thơ của Nguyễn Huy Thiệp mà nhà báo Mai Thục thường xuyên đọc đi đọc lại trong suốt buổi trò chuyện. Dường như đối với bà bây giờ, đó cũng chính là "kim chỉ nam" trong cuộc sống. Gặp bà, để ôn lại chút kỷ niệm trong suốt quãng đời làm báo đã qua, với vai trò là "thủ lĩnh" của tờ báo dành cho chị em phụ nữ thủ đô thanh lịch.

Bà bảo: "Tôi đã xếp tất cả vào quá khứ rồi, hôm nay có dịp thì lần giở lại, ngắm nhìn đôi chút, rồi lại cất đi để làm việc khác. Những người về hưu hay sống bằng qúa khứ. Nhưng tôi thì muốn mình sống với hiện tại".

10 năm làm TBT Báo Phụ nữ thủ đô, nhà báo Mai Thục chỉ nói ngắn gọn về vai trò của người TBT thế này: "Theo tôi, TBT là một nghề - nghề tập hợp những người cầm bút, cũng là đồng nghiệp của mình và là người dẫn đường cho công chúng, độc giả.

Muốn để anh em, công chúng quý trọng mình thì người TBT phải có Tầm. Tờ báo cũng chính là gương mặt của người Tổng biên tập, phải giữ cho gương mặt của mình luôn trong sáng. Được như vậy có lúc mình cũng phải ráo riết, quyết liệt...". Nhà báo Mai Thục cho rằng bà rất hạnh phúc khi được làm việc ở một tờ báo dành cho chị em phụ nữ, cũng là dành cho chính mình.

Trong suốt thời gian giữ cương vị TBT, bà Mai Thục luôn tâm niệm phải chinh phục độc giả bằng những món ăn tinh thần bổ ích, thông qua từng chuyên mục, để vừa thu hút nhưng cũng vừa nâng cao tri thức cho độc giả, không chạy theo những thông tin lá cải, giật gân, câu khách tầm thường.

Ngoài công việc quản lý, thiết kế cho tờ báo, nhà báo Mai Thục còn thường xuyên tham gia viết bài cho các số báo về các vấn đề thời sự nóng hổi. Khi được hỏi, phẩm chất quyết liệt, mạnh mẽ của người làm quản lý liệu có mâu thuẫn với đức tính dịu dàng vốn có của người phụ nữ hay không, nhà báo Mai Thục khẳng định không hề mâu thuẫn.

Sự dịu dàng, nhạy cảm của phụ nữ giúp bà xử lý công việc vẫn nguyên tắc đấy mà vẫn mềm dẻo, thấu tình đạt lý. Làm báo cho độc giả là phái đẹp, bà rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới.

Theo bà, để có vị thế ngày một cao hơn trong xã hội, trước tiên mỗi người phụ nữ phải biết tự bảo vệ bằng cách nâng cao bản lĩnh,  tri thức, hiểu biết của chính mình. Cùng với đó là các phong trào hoạt động của Hội Phụ nữ, là tiếng nói của các cơ quan báo chí, truyền thông, giúp truyền tải thông tin và cung cấp kiến thức cần thiết cho chị em, đặc biệt ở những vùng xa xôi, hẻo lánh.

Nhà báo Mai Thục cũng nhận thấy rằng, ngày hôm nay tỷ lệ phụ nữ bị bạo hành ở nông thôn đang rất cao và trách nhiệm của các tờ báo phụ nữ là phải dẫn đường, bảo vệ họ.

Đưa một vụ việc lên báo chí bao giờ cũng phải tính đến hiệu quả xã hội. Bài báo đó phải làm tốt vai trò cảnh báo, cứu người, giáo dục con người chứ không chỉ đơn thuần là để câu khách, bán báo. Làm được như vậy thì vị trí của nhà báo, của tờ báo sẽ được nâng cao lên.

Với tư cách là một người đi trước luôn đau đáu với nghề, nhà báo Mai Thục tâm sự: "Đọc báo, theo dõi các nhà báo trẻ hôm nay, có nhiều khi tôi thấy thoảng chút buồn. Rất nhiều nhà báo trẻ coi công việc viết báo đơn thuần chỉ là một nghề để kiếm tiền. Điều này không có gì sai. Nhưng theo tôi, nghề làm báo còn có ý nghĩa cao hơn nhiều. Đó là một nghề có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội.

Nhà báo là người dùng tài năng, tâm huyết, lao động của mình để đẩy lùi cái xấu và nhân lên cái tốt. Đó là trách nhiệm xã hội, một vinh quang mà người làm báo phải ý thức rõ ràng. Tôi tiếc là một số nhà báo trẻ chưa thấy hết tầm quan trọng trong công việc của mình.

Họ viết ẩu, viết nhanh, vì mục đích thương mại, câu khách nhiều hơn là đề cao tính nhân văn, tính hiệu quả xã hội. Mỗi một câu chuyện, một vấn đề nhà báo "đụng" bút tới, phải chở nặng tâm huyết, vui buồn và cả những xót xa. Như thế có nghĩa là anh ta phải tâm huyết với nghề.

Còn nếu như chỉ viết ra những thứ nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt để kiếm nhuận bút, tôi cho rằng nhà báo đó sẽ không thể nào tiến xa trong nghề. Và anh ta cũng chưa phải là nhà báo với ý nghĩa chân chính nhất".

Trong suốt cuộc đời làm báo, nhà báo Mai Thục đã đặt chân tới mọi miền của đất nước. Bà luôn muốn đến gần với những con người đang gặp hoạn nạn, đang cần sự giúp đỡ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Nhiều phóng sự, bài viết của Mai Thục đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc.

Những chuyến đi ấy còn là những tư liệu quý giá để bà viết văn. Mai Thục, ngoài vai trò nhà báo, người "nhạc trưởng" của báo Phụ nữ Thủ đô một thời, còn được biết đến như một nhà văn.

Tiểu thuyết "Vương miện lưu đày" của bà từng giành giải thưởng năm 2004 của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Là người yêu Hà Nội, Mai Thục cũng dành nhiều thời gian để viết về đất và người thủ đô yêu dấu.

Cuốn sách "Tinh hoa văn hóa Hà Nội" của bà được tái bản nhiều lần và được bạn đọc yêu mến. Nghỉ hưu đối với nhà báo Mai Thục không có nghĩa là dừng lại. Khi có vấn đề gì bức xúc trong đời sống, ngòi bút của bà vẫn đủ sắc sảo để đấu tranh với cái xấu, nhân lên cái đẹp.

Ngoài viết, bà tham gia giảng dạy môn văn hóa Việt Nam cho sinh viên một số trường đại học. Lúc nào cũng vui sống và sống hết mình cho hiện tại, nhà báo Mai Thục, như tôi cảm nhận là một người giữ được tâm thế thanh thản nhất. Đúng như câu thơ mà bà hay đọc: "Chảy đi sông ơi...."

Vũ Quỳnh Trang
.
.