Nguy cơ về một xã hội mất quy tắc đạo đức

Thứ Hai, 19/10/2015, 08:00
Thỉnh thoảng, chúng ta lại gặp một bản tin nào đó truyền tải một câu chuyện về những người lái xe tải, hoặc xe container, gây tai nạn và bỏ lại người bị nạn lâm nguy giữa đường để hòng thoát trách nhiệm. Kinh khủng hơn, còn có cả những câu chuyện người gây tai nạn biết mình không thể bỏ trốn đã trở lại cán nạn nhân cho đến chết.

Mọi người đều biết, đó là lựa chọn của người gây hậu quả, lựa chọn giữa việc thà bồi thường một cục, thậm chí chịu trách nhiệm hình sự, còn hơn là phải nuôi một người thương tật suốt đời. Nhưng dù có bất kỳ biện minh gì đi nữa, đó cũng vẫn là một lựa chọn dã man và trái pháp luật.

Thực tế cuộc sống không nhiều những trường hợp phải đứng trước lựa chọn kiểu đó song lại vô vàn trường hợp đứng trước những lựa chọn giữa làm đúng với đạo đức con người hoặc thực hiện một hành vi tuy không trái pháp luật nhưng lại thiếu tính công chính. Và không ít người đã chọn lựa cách làm thứ hai, cách làm mà theo họ "pháp luật không cấm là được rồi". Tư tưởng lách luật ấy đã ăn sâu vào ý thức của nhiều cá nhân trong xã hội, ăn sâu đến mức có những người còn coi lách luật là một nghệ thuật đáng khâm phục. Họ có nhìn thấy hậu quả của hành vi hay không?

Những kiểu làm xiếc trên đường phố thế này thường gây ra tai nạn cho người đi đường.

Đó là một câu hỏi khó có phương án trả lời chính xác. Nhưng cho dù họ có khả năng nhận thức được hậu quả đi nữa, họ cũng bị mờ mắt bởi cái gọi là "không trái pháp luật", tức là cái đúng tạm thời, cái đúng ích kỷ, cái đúng chỉ xét trên một giác độ vô cùng hẹp qua một đôi mắt nhìn cũng vô cùng hạn chế.

Ví dụ như một người đứng tên đăng ký kinh doanh mở một nhà hàng chẳng hạn. Vì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm trọng, người ấy bị rút giấy phép kinh doanh tạm thời. Thay vì nhận thức lại cách làm ăn của mình trong thời gian tạm thời bị rút giấy phép ấy, họ tiếp tục kinh doanh, với một giấy phép khác, được đăng ký dưới tên một người khác (có thể là người thân hoặc thuê nhân thân của một ai đó ngoài xã hội) và tiếp tục cách kinh doanh xưa cũ. Điều đó giúp họ lách luật tạm thời nhưng xét về mặt đạo đức, hành vi kinh doanh ấy lại hoàn toàn sai trái. Và nếu tiếp tục bị xử lý, họ sẵn sàng tiếp tục chiêu thức cũ, như một vòng xoay vô tận đầy thách thức đối với hệ thống pháp luật cũng như nền tảng đạo đức, luân lý.

Đáng buồn là những điển hình tương đồng như ví dụ trên lại xuất hiện quá thường trong đời sống hôm nay, như một phong vũ biểu của đạo đức xã hội, một phong vũ biểu đang chỉ dấu mức độ rất thấp, thấp đến đáng lo ngại.

Ở rất nhiều nước phát triển, ngoài sự tồn tại nghiễm nhiên của hệ thống pháp luật mà dân cư tỏ rõ sự tôn trọng với nó, luôn tồn tại một thứ tiêu chuẩn khác được gọi là quy tắc đạo đức. Có rất nhiều người thừa hiểu nếu mình thực hiện một hành vi nào đó, pháp luật sẽ không thể "đụng" đến họ, bởi nó không hề phi pháp. Song, họ vẫn băn khoăn rất nhiều ở thời điểm quyết định chỉ vì một câu hỏi đơn giản "hành vi ấy có vi phạm quy tắc đạo đức hay không?".

Chẳng hạn, ở thời đại kỹ thuật số với sức mạnh của mạng xã hội này, việc ta nhận tiền của một cá nhân hay tổ chức nào đó để viết trên trang cá nhân của mình những điều có lợi cho cá nhân, tổ chức đó là một hoạt động kiếm tiền không hề phạm pháp (tất nhiên, ở trường hợp những điều viết ra không đi ngược lại các quy định của Hiến pháp).

Song, nếu ta nhận biết được việc ta làm là phục vụ một mục đích riêng của cá nhân, tổ chức kia nhằm hướng tới những lợi ích riêng tư có thể có tác động tiêu cực lên một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng, chắc chắn việc ta làm là vi phạm quy tắc đạo đức. Và rồi, ta cứ làm ngơ với cái gọi là quy tắc đạo đức đó để thực thi việc mình muốn làm, với lý do đầy an ủi kiểu như "tôi không làm thì cũng có người khác làm thôi".

Dường như người Việt đang thờ ơ với cái gọi là quy tắc đạo đức ấy, nhiều khi còn thách thức nó, với lý do rất đơn giản: "Cuộc sống ấy mà". Nhưng thực tế, điều khiến người Việt hôm nay dễ thờ ơ với quy tắc đạo đức cũng nằm ở chỗ: chúng ta đang có một tiêu chuẩn thực sự cho quy tắc đạo đức xã hội hay không?

Xã hội thuần nông Việt Nam nhiều thế hệ qua bị ảnh hưởng chủ yếu bởi Nho giáo và Phật giáo và đã từng sống trong khuôn thước phong kiến một cách khá khắt khe. Hương ước hay nôm na là "lệ làng" đã từng là một dạng tiêu chuẩn quy tắc đạo đức chung của một cộng đồng tồn tại song song cùng hệ thống pháp luật để khép con người ta vào khuôn thước.

Ngày nay, sự rộng mở của thông tin đã giúp người Việt đón nhận nhiều luồng tư tưởng, quan điểm mới. Từ đó, góc nhìn về xã hội cũng đa dạng hơn, và bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn nhiều hơn về tiêu chuẩn đạo đức. Sự đa dạng về niềm tin, lối sống, môi trường văn hóa… sẽ dẫn đến các khác biệt trong quy tắc hành xử. Và khi quy tắc hành xử trở nên đa dạng, không được thống nhất dưới một mẫu số chung nhất, xã hội trở nên hỗn loạn thực sự khi đã mất đi một tiêu chuẩn chung nhất. Để rồi từ đó, mỗi người sẽ vin vào cái lý của mình, niềm tin của mình mà lựa chọn hành động. Và cách an toàn nhất để họ lý giải cho tính hợp lý của hành động của mình chỉ còn một tiêu chuẩn duy nhất mà thôi: không trái pháp luật.

Trên con đường phát triển, xây dựng một xã hội biết tuân thủ pháp luật là ưu tiên hàng đầu nhưng nếu không cùng tạo ra một bộ tiêu chuẩn quy tắc đạo đức xã hội, chắc chắn nỗ lực phát triển ấy cũng sẽ dẫn đến thảm họa. Đơn giản, văn hóa và đạo đức vẫn là cái gốc của một xã hội muốn văn minh và cuộc sống này vẫn luôn có những góc khuất mà pháp luật không thể nào vươn nổi cánh tay cứng nhắc của mình hòng chạm tới nó.

Hà Quang Minh
.
.