Người thơ "Hẹn với hoa hồng"

Thứ Ba, 05/08/2014, 08:00
Vạn vật sẽ già đi theo năm tháng nhưng trí tuệ, tâm hồn và cả nữa tình yêu làm gì có tuổi. Người xưa nói "Gừng càng già càng cay", còn Trần Thị Nương viết "Có loài hoa tàn... mới bắt đầu thơm". Buồn đấy, cô đơn đấy nhưng vẫn đầy khát vọng.

Cầm trên tay tập thơ "Hẹn với hoa hồng" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2013), mở trang đầu tôi gặp ngay một bất ngờ:

Bao mất còn
sau lưỡi dao bổ qua
Bao con đường
Mở từ cuống trầu thơm

(Trầu biếc)

Vội mở trang cuối, trong "Lửa reo" lại gặp hai câu thơ hồn hậu trẻ trung:

Xanh ngút ngát cả miền đất lạ
Quên tuổi mình
Trái đất lại tươi non

Và như ai đó bói Kiều, mở trang giữa ngẫu nhiên tôi ngỡ ngàng trước một tư duy độc đáo, một triết lí lạnh lùng:

Vỏ cây... còn chút than hồng
Vỏ người... phù phiếm ngoài vòng thế gian

(Vỏ)

Là người làm toán, dạy toán, tôi đọc thơ như tư duy toán, cố tìm trong câu chữ người viết nghĩ gì. Quen tác giả "Hẹn với hoa hồng" chưa lâu, mặc dù chị đã có hơn chục tập thơ và nhiều tác phẩm khác. Đây là tập thơ mới nhất của chị mà tôi được đọc, nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ để người đọc như tôi bắt gặp một trầm tích thơ nhiều vỉa tầng hồn hậu, đa đoan. Tôi nhận ra một Trần Thị Nương mẫn cảm, rạch ròi, nhân hậu, khát khao:

Mầm cây non mọc từ hốc tối
Tình yêu thiêng liêng mọc giữa vực người

Hay như:

Không thương nhau
Sao vượt mây trời

Để rồi:

Em khoan đá gọi mạch trong
Anh men núi thẳm hứng long lanh giời

Thật mơ mộng và cũng đầy mạo hiểm. Tôi thích sự mạo hiểm, mạo hiểm trong đời, mạo hiểm trong thơ.

Góc khuất Trần Thị Nương như mắt bão bình yên đấy nhưng chứa đầy nội lực khát khao, như hừng hực dung nham núi lửa đốt tất cả những gì cản lối tình yêu:

Có một tình yêu mãnh liệt
Hút mặt trời vào đá cháy lặng im

Đây nữa:

Ta muốn nhóm thời gian thành ngọn lửa
Tình yêu cháy đến tận Kì Cùng...

Sông Kì Cùng hay tận cùng cuộc đời thì cũng đáng mặt tình yêu. Chỉ khi yêu và được yêu bằng một tình yêu đích thực những người yêu nhau mới cảm thấy hạnh phúc và mới trân trọng tình yêu. Có lẽ Trần Thị Nương ở trong số đó nên chị mới có được sự so sánh thật khác thường mà sâu sắc đến ngỡ ngàng:

Sừng sững đỉnh núi này núi nọ
Vẫn lùn từ trước đỉnh tình yêu

Những người đa cảm thường dễ bị tổn thương. Sự tan vỡ đôi khi chỉ từ một câu nói, một ánh nhìn. Không bị mất lí trí bởi những lời đường mật, chị tỉnh táo và thẳng thắn:

Đừng vờ trao ta ánh mắt
Đáy ngày nhạt thếch thương yêu

Và cũng bởi thế chăng khi bị chạm tới lòng tự trọng người ta cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn:

Thà lẻ loi gìn vàng giữ ngọc
Hơn chẵn buồn luễnh loãng trăm năm

Chắc hẳn trong vùng sâu thẳm con tim còn có những vết thương chưa lành nên tác giả xót xa:

Kìa ai bèo dạt mây trôi
Có nhau mà vẫn mồ côi tháng ngày

Cuộc sống hôm nay đã tốt lên nhiều nhưng đâu đó thật giả vẫn còn lẫn lộn. Người sống nội tâm thường nói ít làm nhiều:

Thôi, đừng nói lời chi nữa
Thế gian thừa thứ giả rồi
Chỉ cần trái tim đập thật
Những lời mộc mạc, người ơi!

Sự im lặng nhiều khi lại nói được rất nhiều điều và sẽ trở thành Vàng nếu đến từ tri âm, tri kỉ:

Lặng im mãi vẫn là Vàng
Lặng im - khoảng sáng nhân gian giữa người

Hay như:

Cô đơn biển... khát thác ghềnh
Cô đơn ta... khát người dành lặng im

Vậy mà khi viết về mẹ, về con, về những người thân yêu khác của mình và nơi chị đã sinh ra, Trần Thị Nương thật hồ hởi, đôn hậu. Trong mỗi lá trầu mẹ chăm, mẹ chọn chị đã nhận ra:

Ngây ngất chim ca ẩn hương trời đất
Giấu tận cùng mật mã say mê

Giữa chốn thị thành đô hội, nơi mà nhà cao tầng và vật chất phù hoa che khuất tầm nhìn, nhiều người cầm một lá rau tươi mát, gắp một miếng gà quê chắc đậm, hái một trái cây thơm ngọt, họ nghĩ đang nhâm nhi hương vị bạc tiền. Họ đâu biết (hoặc cố tình không biết) đó là hương vị của bùn đất, nắng mưa, của nước mắt mồ hôi những người như mẹ. Quen với bếp điện, bếp ga sao biết được hương vị cay nồng của khói rơm rạ. Trần Thị Nương biết:

Mùa trĩu quả giữa dư thừa bão đổ
Một sợi khói mềm đủ thắt chân quê

Vạn vật sẽ già đi theo năm tháng nhưng trí tuệ, tâm hồn và cả nữa tình yêu làm gì có tuổi. Người xưa nói "Gừng càng già càng cay", còn Trần Thị Nương viết "Có loài hoa tàn... mới bắt đầu thơm". Buồn đấy, cô đơn đấy nhưng vẫn đầy khát vọng.

"Hẹn với hoa hồng" là nỗi niềm của một người thơ nhiều chiêm nghiệm, va đập nhiều chiều giữa bao nhiêu ẩn ức. Một giọng thơ nhỏ nhẹ, tinh tế, giàu nữ tính. Một cách nhìn nhân tình, cuộc đời công bằng, sòng phẳng và đôn hậu. Một lối tư duy sâu sắc. Ai viết mà chẳng có bài hay nhiều, bài hay ít, thậm chí có bài chưa hay. Tôi không biết cách chê, chỉ đi tìm những gì cho là lạ, là hay để suy ngẫm và dành một chút cho mình

Tin rằng với nhiệt huyết của mình, Trần Thị Nương còn cho ta được đọc những tiếng lòng nhiều cung bậc hơn nữa qua "Đến với hoa hồng" hay"Gặp hoa hồng" chứ không chỉ "Hẹn với hoa hồng".

Tháng 3/2014

Nguyễn Vĩnh
.
.