Người nổi tiếng và những rủi ro trên thị trường quảng cáo

Thứ Sáu, 27/04/2018, 08:23
Ở đời, miếng thịt nướng miễn phí chỉ có trong cái bẫy chuột! Nhà đầu tư phải biết điều ấy, và người nổi tiếng khi mang hình ảnh của mình đến một giao dịch ồn ào cũng phải biết điều ấy. Khi xảy ra chuyện không hay, ai cũng giọng trầm giọng bổng phân bua mình bị hại, thì công chúng phải hiểu làm sao?


Vụ sập sàn đầu tư tiền ảo Ifay khiến hàng ngàn nhà đầu tư đứng trước nguy cơ mất sạch số tiền 15 nghìn tỷ đồng, thực sự khiến dư luận rúng động. Hành vi lừa đảo của công ty Modern Tech như thế nào, chắc chắn cơ quan điều tra sẽ sớm có kết luận. Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn trong sự cố tài chính tồi tệ này là sự mất cảnh giác của một số ngôi sao đang ăn khách, khiến họ bị lợi dụng hình ảnh để phục vụ cho những chiêu trò không minh bạch. Đây là bài học không chỉ riêng giới nghệ sĩ mà còn trực tiếp cảnh tỉnh những người nhẹ dạ cả tin khác!

Trong những nhà đầu tư bức xúc treo băng rôn tố cáo dấu hiệu lừa đảo công ty Modern Tech tại thành phố Hồ Chí Minh, không ít nạn nhân đã đưa ra tấm ảnh ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chụp chung với một trong những nhà sáng lập đơn vị kinh doanh tiền ảo này ở một hội nghị chiêu dụ khách hàng. Thực hư như thế nào?

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng giải thích đơn giản: "Trước đây, tôi có ra mắt một app ứng dụng chia sẻ cập nhật thông tin về các hoạt động biểu diễn của bản thân, xoay quanh các hoạt động nghệ thuật, show diễn, hình ảnh dành cho khán giả yêu mến với Công ty Showbiz Store. Trong ngày tôi xuất hiện (7-10-2017) là để tham dự buổi ra mắt ứng dụng này. Chỉ như vậy thôi, không liên quan điều gì khác... Tôi chỉ có nhiệm vụ được mời đến họp báo và mời một số bạn bè thân hữu đến chia vui cùng mình. Đây là dịp để tôi giới thiệu cho đồng nghiệp cái app đó để họ xài.

Tôi chưa từng tham gia bất kỳ một sự kiện nào do Ifan tổ chức để kêu gọi thu hút mọi người tham gia đầu tư tiền ảo... Về hình ảnh bị lợi dụng, hẳn mọi người còn nhớ tôi đã cảnh báo trên trang cá nhân từ cách đây nhiều tháng (21-10-2017) chứ không phải chờ đến thời điểm này".

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vướng lùm xùm trong vụ công ty Modern Tech.

Còn ca sĩ Lam Trường cũng trình bày hồn nhiên: "Hôm đó tôi đến theo lời mời của anh Đàm Vĩnh Hưng với tư cách bạn bè chúc mừng đồng nghiệp, nhân dịp anh Đàm Vĩnh Hưng ra mắt app mới mà thôi. Tôi khẳng định mình không hề có bất cứ liên hệ nào với công ty tổ chức sự kiện hay đơn vị đang được nhắc đến".

Theo tường trình đầy khôn khéo của những người liên quan đến sự vận hành ma mãnh của Modern Tech thì họ kêu gọi hợp tác phát triển, hoàn thiện app để bán nội dung số của các nghệ sĩ nổi tiếng cho cộng đồng và thông qua đó để tiêu thụ tiền ảo Ifan. Thế nhưng, trên thực tế Modern Tech đã hình thành hệ thống kinh doanh đa cấp để huy động vốn, cứ lấy tiền người nọ trả lãi khủng cho người kia và cuối cùng thì đổ vỡ đường dây mua bán tiền ảo lên đến 15 nghìn tỷ đồng.

Đành rằng, những nhà đầu tư đã vì lòng tham mà bỏ tiền vào Ifan một cách mù quáng, nhưng sự dích dắc đến ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và ca sĩ Lam Trường cũng như một số người nổi tiếng khác lại khiến công chúng muộn phiền. Đành rằng những người nổi tiếng bị lợi dụng, nhưng sự ngây thơ của họ không lẽ không thể khắc phục?

Những lời tâng bốc thơm tho và những màn đón đưa long trọng, khiến họ mất cảnh giác chăng? Nếu những tiện ích app ứng dụng không mang lại cho họ bất kỳ lợi ích gì thì liệu họ có tham gia nhiệt tình không? Rất nhiều câu hỏi vừa ngậm ngùi vừa xót xa.

Ở đời, miếng thịt nướng miễn phí chỉ có trong cái bẫy chuột! Nhà đầu tư phải biết điều ấy, và người nổi tiếng khi mang hình ảnh của mình đến một giao dịch ồn ào cũng phải biết điều ấy. Khi xảy ra chuyện không hay, ai cũng giọng trầm giọng bổng phân bua mình bị hại, thì công chúng phải hiểu làm sao?

Trường hợp Modern Tech vừa đưa chiêu trò app ứng dụng của nghệ sĩ vừa xây dựng hệ thống kinh doanh tiền ảo kiểu đa cấp, người nổi tiếng đáng thương hay đáng trách? Không thể nói khác hơn, họ vừa đáng thương vừa đáng trách. Bởi lẽ, trước đây đã có không ít bài học về người nổi tiếng làm đại sứ cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Trong thị trường quảng cáo, những người nổi tiếng có sức kích cầu tiêu dùng cho đám đông, được gọi tắt là KOL (Key Opinion Leader of influencers). Tác động của KOL đối với một sản phẩm hoặc một dự án rất lớn. Do đó, sử dụng KOL là một giải pháp marketing hiệu quả nhất và tốn kém nhất. Một ngôi sao xuất hiện ở một hội nghị khách hàng hoặc chụp một tấm ảnh quảng bá đều có thù lao từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng.

Từ khi có Facebook, thì ngành quảng cáo trực tuyến đưa ra thù lao ngất ngưởng cho một dòng trạng thái của người nổi tiếng có nhắc đến sản phẩm X hoặc sản phẩm Y. Vì vậy, dù chống chế cách nào, thì chính người nổi tiếng cũng thừa biết hình ảnh và tên tuổi của họ là một thương hiệu có giá trị kinh doanh.

Những câu vu vơ tưởng tình cờ vô thưởng vô phạt như "Mình mới mua cái này nhé, cả nhà!" hoặc "Tôi dùng món này thấy tốt, nên chia sẻ cho mọi người" cũng là một thông điệp quảng cáo, được ẩn giấu phía sau một hợp đồng tài chính ghi rõ ràng số tiền sẽ chuyển vào tài khoản người nổi tiếng.

Cách đây không lâu, cơ quan chức năng đã phanh phui đường dây buôn lậu mỹ phẩm không rõ nguồn gốc của công ty TS, khiến công chúng một phen sửng sốt vì nhiều hoa hậu, diễn viên, người mẫu từng rất tích cực quảng bá. Người tiêu dùng có quyền được cung cấp toàn bộ những thông tin liên quan đến sản phẩm, đó là quy định của pháp luật. Thế nhưng, người tiêu dùng lại dễ dàng tin cậy một dòng sản phẩm nào đó có người nổi tiếng làm đại sứ thương hiệu.

Diễn viên Thanh Vân cũng bị rắc rối với quảng cáo ở Công ty mỹ phẩm TS.

Khi đường dây mỹ phẩm khuất tất của công ty TS bị điều tra, nhiều hoa khôi và á hậu có hình ảnh liên quan lập tức chọn thái độ im lặng như một người vô can. Cũng may, trước sức ép của giới mộ điệu, có hai người đẹp đã lên tiếng ngọt lạt ăn năn.

Diễn viên Bảo Thanh thổ lộ: "Trước thời điểm bắt tay vào ký hợp đồng làm Đại sứ thương hiệu Senslim của công ty TS  (tháng 7-2017) thì tôi có yêu cầu công ty này cho xem giấy tờ chứng minh tính pháp lý của sản phẩm, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy phép quảng cáo và các loại giấy tờ được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành. Các loại giấy tờ được xem đều có chữ ký và con dấu của cơ quan chức năng nên đương nhiên mình không có chút nghi ngờ nào cả. Mãi đến mới đây, khi đọc thông tin trên báo chí thì mình mới biết và cũng cảm thấy rất hoang mang".

Còn diễn viên Thanh Vân bộc bạch: "Không một nghệ sĩ nào lại muốn đánh đổi uy tín, danh dự của mình vì một vài hợp đồng quảng cáo. Vì bản thân làm nghệ thuật, là đã có thể kiếm tiền chân chính, lương thiện. Chúng tôi không thèm khát tiền đến như thế. Chúng tôi có khả năng lao động. Không một ai biết là giả mạo, lừa đảo mà lại đi đâm đầu vào. Trừ khi bị thần kinh. Nên xin mọi người đừng vội nói là tiếp tay cho kẻ lừa đảo. Tôi đã ngưng phân phối những sản phẩm từ đơn vị này và thậm chí, tôi đồng ý nhận lại hàng nếu khách trả lại để bàn giao cho công ty TS... Vì việc này chúng tôi cũng phải chịu những lời mắng nhiếc, dè bỉu!".

Từ vụ công ty TS kinh doanh mỹ phẩm lậu đến vụ công ty Modern Tech kinh doanh tiền ảo đa cấp, đã gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội, mà hình ảnh của người nổi tiếng có vướng mắc hư thực tỏ mờ chính là một tiếng thở dài giữa đời sống văn hóa. Những người nổi tiếng được xếp vào đẳng cấp KOL chưa được trang bị kiến thức cho thị trường quảng cáo ư?

Trước mắt, tạm tin như vậy và cố gắng tin như vậy, để không phải ái ngại về sự "diễn" kém tư cách của người nổi tiếng trước được mất của người xung quanh. Những tên tuổi như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Lam Trường hoặc diễn viên Thanh Vân đều không phải những kẻ lơ ngơ mới bước chân vào showbiz thị phi. Nếu họ cứ vô tư hết lần này đến lần khác thì công chúng làm sao nghe tiếng hát du dương của họ và làm sao xem vai diễn lấp lánh của họ?

Thương hiệu cá nhân có được trong làng giải trí không phải may mắn ngẫu nhiên, ai cũng phải trau dồi không ngừng. Do vậy, người nổi tiếng khi đem thương hiệu cá nhân của mình vào một cuộc trao đổi danh vọng thì cần phải có sự đắn đo nghiêm túc và thận trọng!

Tâm Huyền
.
.