Người Việt từ ăn Tết đến... chơi Tết
Hãy chơi, và chơi phải lối!
Phan Đăng
Nói người Việt ngày xưa không biết chơi Tết kể cũng oan cho người Việt. Người Việt ngày xưa có cả tháng giêng gọi là "tháng ăn chơi" cơ mà.
Tháng giêng ấy, không khí tân xuân ấy, người Việt chơi hết hội nọ đến hội kia, chơi tới cùng, tới bến rồi đợi những tháng sau đi làm, mà chủ yếu là "đi cày" bù lại. Nhưng đấy là phải sau 5 ngày Tết, 5 ngày ăn cho no nê thoả thích, 5 ngày mà ngay cả những nhà "nghèo rớt mùng tơi" cũng phải cố đi vay đi mượn để có một cái "ăn tết" cho đúng nghĩa, rồi ra giêng cố mà làm lụng, còng lưng trả nợ.
Ở một xã hội cổ truyền mà người nông dân đói ăn quanh năm suốt tháng thì việc trông cả vào Tết để... được ăn, từ đó sinh ra khái niệm "ăn Tết" với tất cả những xúc cảm mong chờ hào hứng cũng là điều dễ hiểu. Đến dù thời Pháp thuộc hay thời bao cấp - những thời đại mà cái ăn vẫn là ám ảnh lớn của nhiều giai tầng trong xã hội thì tâm lý "đợi đến Tết để được ăn" cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng thời hiện đại này, nơi mà đời sống vật chất của đại bộ phận người dân được cải thiện lên trông thấy thì sao? Thời hiện đại này, người Việt về cơ bản vẫn giữ nguyên thói quen ăn Tết, với bằng chứng là nhà nhà, người người vẫn phải có mâm cao, cỗ đầy trong ngày Tết.
Người Việt ngày càng thích chơi Tết hơn là ăn Tết. |
Mâm cỗ ấy trước hết là để mời tổ tiên ông bà về ăn, rồi sau đó là những người sống quây quần tụ hội để ăn. Nhưng vì bây giờ "ngày nào cũng vui như Tết", "bữa nào cũng là bữa Tết" nên cỗ Tết có phần giản đơn, gọn nhẹ hơn, và có lẽ sau khi ăn xong thì số lượng thức ăn thừa trên mâm cũng ngất ngây bộn bề hơn hẳn cái thời đói khổ ngày xưa. Và đương nhiên với truyền thống của người Việt Nam ta thì trong số 5 ngày tết thì có 3 ngày tết chính, đều đặn không ăn cũng phải soạn mâm cỗ cúng đủ mỗi ngày 3 bận, 3 ngày tết là 9 lần soạn cỗ cúng, (cúng tất niên, cúng giao thừa, cúng năm mới, cúng hạ nêu...).
Quan niệm của các cụ là đã mời tổ tiên về 3 ngày tết thì phải cúng đủ ngày ba bận. Thế nên với những người phụ nữ như bà, như mẹ, như chị, như vợ chúng ta thì trách nhiệm lo mâm cơm ngày Tết vẫn là trách nhiệm nặng nề. Có người vì nặng nề quá mà đâm ra sợ ba ngày tết.
Nhưng chẳng nhẽ, ngày Tết mãi chỉ có thể sống với duy nhất trạng thái mãn nguyện này - mãn nguyện đi ra từ cái ăn? Chẳng nhẽ không thể tạo ra những trạng thái mãn nguyện khác mang tính phù hợp, hiện đại hơn, như mãn nguyện vui chơi, mãn nguyện thụ hưởng những giá trị tinh thần?
Bây giờ ngay cả mồng 1, mồng 2 Tết quán xá đã mở, và bây giờ ngày Tết đi ăn ở ngoài cũng không sợ thiên hạ xỏ xiên: "Chẳng nhẽ nhà nó không có cái để cho vào mồm?" như ngày nảo ngày nào nữa. Nhìn trên diện rộng, khi xã hội càng phát triển, đời sống kinh tế càng khấm khá thì nhu cầu ăn không còn là nhu cầu độc tôn, duy nhất.
Bên cạnh nhu cầu ăn còn là nhu cầu chơi, và vì thế sự xuất hiện của những trung tâm giải trí cùng những hình thức vui chơi giải trí ngày càng nhiều hơn. Vậy thì tại sao trong 5 ngày Tết, bên cạnh việc giữ thói quen "ăn Tết" một cách tương đối lại không thể nghĩ đến việc chơi Tết, thụ hưởng những giá trị tinh thần trong ngày Tết?
Có thể chơi xa hoặc chơi gần, có thể chơi trong nhà hoặc chơi ngoài trời, có thể chơi qua tivi hay qua cái màn hình máy tính, có thể đi chơi bằng xe đạp hay máy bay - tuỳ bạn, miễn sao là chơi một cách có văn hoá và thẩm mĩ. Đi xin chữ đầu xuân, đấy cũng là một cách chơi xuân, vì mỗi con chữ là một chiêm nghiệm, một khắc khoải, một ước mơ. Nhưng xin chữ từ những "ông Đồ" mà một tay cầm bút lông, một tay nhí nhoáy cái Iphone, và ánh mắt cứ đảo điên chuyển hướng từ giấy đỏ đến cái màn hình thì đúng là chơi không phải lối!
SOS: Đừng đùa với "khoái khẩu" Theo lời kể của nhiều bác sĩ thì có nhiều người, trong đó đặc biệt là những người mắc bệnh tiểu đường và bệnh gút đã gặp đại họa sau vài ngày Tết. Số là mặc dù đã được nhắc nhở đến nơi đến chốn nhưng những người này vẫn có thói quen ăn uống thừa mứa chứa chan, dẫn đến việc phải nhập viện... càng nhanh càng tốt. Với những người này, việc không thể cự lại những "khoái khẩu" giàu đạm, giàu dinh dưỡng ngày Tết, cộng với việc uống bia rượu quá mức quy định đã dẫn đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm. Có lẽ với những "bệnh nhân" và những người xung quanh những "bệnh nhân" này thì chú trọng vào việc chơi Tết, thay vì ăn Tết chính là một biện pháp cứu rỗi lớn lao? Nên chơi Tết để quên đi "khoái khẩu", và tuyệt đối không vì "khoái khẩu" mà phải nhập viện chỉ sau 3 ngày Tết? T.T |
Thú lãng du mới của người Việt thế kỉ XXI - Tại sao không?
PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái
Ngày xưa, ăn Tết và chơi Hội là hai phong tục Việt cổ truyền, gắn chặt trên 2 trục thời gian và không gian. Đầu thế kỉ XXI, vào những năm mới của thập niên thứ 2, ăn Tết và chơi Tết như chơi Hội, đã thành một phong tục hiện đại. Phong tục tân kì này đã mặc nhiên mang vẻ đẹp hương xa trong thú lãng du mới của người Việt hiện đại, đã và đang biến chuyển từ một dân tộc, làm nông nghiệp thuần túy, ưa sống quây quần ở làng quê truyền thống, bao bọc ngàn đời trong lũy tre xanh, nay đã thành cư dân của nông thôn mới, với mục tiêu của xã hội Việt hiện đại: công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.
Bởi vậy, người Việt hiện đại, nhất là giới trẻ, đang chuyển hóa việc ăn Tết cổ truyền thành thú lãng du mới: chơi Tết. Vậy thì, chơi Tết, tại sao không? Thực ra, ăn Tết lại bắt nguồn từ một chuyển động dương tính: đi chợ sắm Tết trong mùa Tết, bắt đầu từ ngày ông Táo lên Trời, 23 tháng chạp, dù bản thân Tết Việt là phong tục cổ truyền, bao gồm: Lễ cúng Tổ tiên và Ăn cỗ Tết (ăn mâm cơm đã cúng, với món ăn cổ truyền: thịt gà, thịt lợn, giò, chả, bánh chưng, dưa hành…).
Chợ Tết được họp trong mùa Tết, ở khắp mọi miền đất nước: từ núi rừng phía Bắc, cho tới vùng châu thổ sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long… Chợ Tết kéo dài suốt mùa Tết cho đến ngày giáp Tết, người dân mua sắm tưng bừng hồ hởi, tạo thành nét đẹp nhất về tính cộng đồng của người Việt vào thời khắc năm hết Tết đến.
Song, vui và cảm động nhất vẫn là sự sum họp gia đình. Người Việt dù đi khắp 4 phương trời, lòng vẫn nhớ về quê hương xứ sở, ngày Tết vẫn thích về nhà, về nơi cố hương, quây quần ăn Tết với người ruột thịt. Cho nên ăn Tết là vô cùng hệ trọng với người Việt vào Tết Nguyên đán. Và Tết đã đương nhiên là dịp duy nhất trong năm sum họp gia tiên, gia đình và gia thần.
Cho đến đầu thế kỉ XXI, người Việt hiện đại vẫn mang theo trong hành trang của mình phong tục Tết cổ truyền, nhưng đã xuất hiện sắc thái tân kì. Nổi bật nhất, và có thể còn áp đảo việc ăn Tết, có lẽ là sự đi chơi Tết, đi đây đi đó cho thỏa chí tang bồng hổ hải.
Ngày xưa, thi sĩ Thế Lữ của Thơ Mới mê giang hồ Tết, chỉ thích cô độc một mình trên đường thiên lý: “Rũ áo phong sương trên gác trọ/Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang”. Rồi họa sĩ tinh tướng họa Hoàng Lập Ngôn đưa luôn cả gia đình đi du ngoạn Tết và cả năm trời, trên chiếc xe, đặt tên Nhà lăn Mê ly. Và nhà văn ưa xê dịch Nguyễn Tuân, chẳng màng đến Tết sum họp gia đình, ông thích vali một mình xê dịch, đến bất cứ chốn nào ông muốn, trên mặt vali của ông chi chít dán tem, dán vé những nơi du hành.
Người Việt đầu thế kỉ XXI đã không còn là những văn nghệ sĩ ưa phiêu du Tết nữa. Họ thành số đông ưa phiêu du, tuy vẫn mang theo Tết cổ truyền trong cái sống hiện đại, nhưng đã thích ứng xử văn hóa mới với Tết: không ai ngạc nhiên khi hàng chục ngàn người ngoại quốc gốc Việt từ khắp phương trời Á-Âu đã đổ về Việt Nam ăn Tết nguyên đán. Ngược hướng với dòng người xa xứ về quê, lại có dòng người Việt bản xứ tỏa ra du lịch Tết khắp các nước châu Á láng giềng và các nước Âu-Mỹ. Ngay trong lãnh thổ Việt, người du lịch chơi Tết, đi từ vùng này sang vùng kia, thành phố này sang thành phố khác đã là chuyện rất đỗi bình thường…
Tết năm nay, nhóm nhà báo nhà văn chúng tôi lại rủ nhau lên Mộc Châu như nhiều năm về trước, lên những bản làng cao nguyên xa ngái, tươi thắm vườn cây đào rừng hoa 5 cánh mỏng manh. Sắm được hoa đào rừng chi chít nụ, màu đào phai Hà Nội, nở lấm tấm và tưng bừng cho đến Rằm tháng Giêng, quả là một hạnh phúc phiêu du. Năm nay, chúng tôi đang bàn đi du lịch Tết lên Đà Lạt, có người bàn, nên chơi Tết ở Indonesia, có cùng lúc cả núi, cả biển, cả trung du.
Tôi thì mơ sang lại kinh thành St-Peterbourg nước Nga ăn Tết Ta với mấy đồng hương Hà Nội đã định cư ở đảo Vaxili, để miết lại trong hồn mình những kỉ niệm Tết Việt từ cuối thế kỉ trước, khi còn là nghiên cứu sinh ở đó. Nhớ mùa Tết ở nước Nga, tuyết bay biền biệt trắng trời, rơi màu trắng vĩnh hằng chất thành gò đống ven đường đi học. Hay là theo con gái con rể, cháu ngoại sang Tiệp Khắc cũ?.. Bọn trẻ muốn đi tảo mộ bố ở Praha và muốn ăn Tết với thằng bé cùng cha khác mẹ của con gái tôi…
Tại sao không đi thăm mộ người thân ở nước ngoài nhỉ, chuyện đó có thể mà. Bọn trẻ nhà tôi bảo, mẹ à, gia đình bạn con đã sang tận vùng Cali để ăn giỗ đấy, họ bảo, trước đây họ hàng nhà tôi từ Cali về ăn giỗ ở Việt Nam, còn bây giờ, sang Cali ăn giỗ thì có sao. Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn? Bọn trẻ nhà tôi bàn đi ăn Tết ở Tiệp cứ như không. Vậy thì, tại sao không?...
5 kiểu chơi Tết kỳ lạ nhất thế giới Ecuador: Xách vali quanh nhà giàu 10 năm trở lại đây, tỷ lệ tội phạm tại Ecuador không ngừng lạm phát. Trung bình mỗi ngày lại có khoảng 17 người thiệt mạng vì xung đột vũ trang giữa các băng nhóm tội phạm, biến Ecuador thành “đất nước nguy hiểm nhất Nam Mỹ” theo khảo sát của Thời báo Rio. Vì thế, suốt 8 ngày kể từ thời khắc chuyển giao năm mới, người dân Ecuador lại ra đường, đốt ảnh của người đã khuất với ý nghĩa “bỏ lại quá khứ u ám, hướng về tương lai tươi sáng”. Nhưng kể từ năm 2012, trước bối cảnh nền kinh tế Nam Mỹ tụt dốc không phanh do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến dầu mỏ toàn cầu, người Ecuador bắt đầu có xu hướng tín ngưỡng vật chất. Ngày thứ 3 trong tuần đầu tiên của năm mới, đấng nam nhi của các gia đình sẽ xách vali rỗng vòng quanh nhà hộ gia đình giàu có nhất khu vực sống, cầu nguyện tiền tài ùa đến trong năm mới. Xứ Wales: Bơi lội dưới - 10 độ C Thuộc khối Thịnh vương chung nhưng tập tục mừng năm mới của xứ Wales không hề chịu ảnh hưởng văn hóa Ăng-Lê. Người dân nơi đây không uống sâm panh, không ăn trứng cá muối, cũng chẳng quan tâm ai là vị khách đầu tiên trong năm mới. Thứ duy nhất khiến họ bận tâm là: Tham gia giải bơi lội Saundersfoot, nơi nhiệt độ luôn dưới mức -10 độ C! Bắt nguồn từ niềm tin “Nước cứu rỗi sinh linh”, hơn 2.000 người xứ Wales (được sàng lọc kỹ càng qua các bài kiểm tra thể trạng), được chia làm 3 đợt trong tháng đầu tiên của năm mới, đắm mình xuống dòng nước lạnh với một điều kiện: Trước khi bơi, mỗi người phải uống hết 3 lít nước lạnh. Người chiến thắng là người… ở dưới nước lâu nhất. Quá khứ từng chứng kiến 5 người thiệt mạng (mới nhất là một du học sinh Mông Cổ hồi năm 2013) nhưng không vì thế mà tập tục này bị bãi bỏ. Mexico: Trò chuyện với linh hồn Chuyện khó tin nhưng có thật. Ở Mexico tồn tại một loại hình dịch vụ gọi là “Nói chuyện với người chết”, hoạt động duy nhất trong dịp chào năm mới. Với bối cảnh xã hội bị chi phối toàn bộ bởi các băng đảng buôn ma túy và vũ khí, người Mexico tin rằng trò chuyện với linh hồn đã khuất sẽ giúp họ “về với thế giới bên kia trong chốc lát”, quên đi thực tại u tối và đáng sợ. Chính phủ cấp giấy phép hành nghề hợp pháp cho đại diện ở mỗi bang để tiếp đón người dân. Ví dụ như thị trấn Taos, bang New Mexico, cứ 15 phút cầu nguyện bên người chết, bạn phải trả 15 USD. Nếu muốn “trị liệu tâm thần phân liệt” (tạo ra ảo giác) dưới phác đồ của pháp sư, phí đăng ký là 50 USD. Tờ The Economist cho hay, những người hành nghề này ở Mexico kiếm được trên dưới 1 triệu USD chỉ trong 30 ngày làm việc. Romania: Diễu hành cùng hình nộm Hàng trăm năm qua, những đoàn diễu hành với hình nộm mặt gấu đã là nét văn hóa đặc trưng trong phong tục mừng năm mới của người Romania. Dù vậy, xu hướng trong 5 năm trở lại đây của người Romania là chơi trò “đuổi hình bắt chữ” với động vật bởi họ tin rằng, cách tốt nhất để chứng minh lòng sùng bái động vật là coi chúng như một thực thể sống bậc cao như loài người. Cụ thể thế này: Từng người sẽ thì thầm với một loài động vật bất kỳ, nhìn khẩu hình của chúng và đoán xem âm thanh đó mang ý nghĩa gì. Người phán xử (thường là các chuyên gia động vật học) sẽ quyết định xem câu trả lời ấy là đúng hay sai. Nếu đúng, niềm vui sẽ tràn ngập quanh năm nhưng nếu sai, ai đó đen đủi phải mời “thầy cúng” về nhà giải hạn. Belarus: Giao lưu với gà “Decipher” (giải mã) là trò chơi rất nổi tiếng ở quốc gia Đông Âu này. Ngay sau hồi chuông giao thừa, tất cả các phụ nữ còn độc thân phải tham gia trò Decipher. Từng nhóm 10 người ngồi thành vòng tròn, ở giữa là một con gà trống và túi bỏng ngô. Con gà gắp hạt ngô chạy về hướng người nào thì người đó bắt buộc phải kết hôn trong năm đấy, bằng không nộp phạt 1.500 euro cho kho bạc nhà nước. Tập tục này xuất hiện nhằm mục đích hạn chế hiện trạng Single Mom (mẹ đơn thân), cân bằng xã hội. Chỉ trong năm 2015, người ta tính ra cứ 28 phụ nữ ở Belarus mới có 1 người đã lấy chồng. Trần Thành |
Nhà văn Di Li: "Ngày Tết đối với tôi là sự thảnh thơi..."
Thiên Kim (thực hiện)
- Thưa nhà văn Di Li, mỗi dịp Tết, người dân Việt Nam mình vẫn quan niệm Tết là quây quần, quần tụ, về quê, về với gia đình, nhưng ngày nay, rất nhiều người trẻ lại cho rằng, Tết là dịp nghỉ để ăn chơi, xả hơi và đi chơi… Đã có nhiều cái “Tết Chơi” được các bạn trẻ, các gia đình trẻ chọn lựa để hưởng thụ. Chị có quan niệm thế nào về sự thay đổi này?
+ Những người phải sống xa quê hương mà làm việc ở các thành phố lớn thì vẫn khó mà thay đổi được tập quán này. Ngày Tết họ vẫn phải về quê hương bản quán, chưa kể còn phải về thăm quê chồng, quê vợ, quãng thời gian di chuyển gia đình nội ngoại đã mất luôn cả mấy ngày Tết. Còn những người được làm việc ở chính nơi mà mình sinh ra, nơi có tổ tiên, ông bà thì sẽ tiện lợi hơn, vì họ sẽ chỉ phải mất hai ngày đầu tiên dành cho gia đình, còn lại thì họ nghỉ ngơi, vui chơi với bạn bè.
Năm ngày Tết thực ra trông vậy mà cũng ngắn, nên nhiều người trẻ sợ Tết qua nhanh nên phải vội vã hưởng thụ cho kỳ hết mấy ngày Tết. Hơn nữa bây giờ trong thành phố cũng nhiều tụ điểm giải trí. Các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim và bar, cà phê mở từ mùng 2 Tết nên những người trẻ có nhiều nơi để lui tới. Trong khi hai thập kỷ trước đây, có muốn đi chơi cũng chẳng biết đi đâu ngoài ra công viên, nên mới lấy việc đến thăm nhà nhau làm vui.
- Chị sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chị có quan niệm khá thoáng về sự ràng buộc và coi trọng những cuộc du ngoạn, chị đã có những cái tết du ngoạn nào đặc biệt chưa?
+ Những năm gần đây tôi thường đi du lịch vào những ngày Tết, coi như một sự nghỉ ngơi, chứ ở nhà thì tự động mua việc vào người vì có những việc thà khuất mắt, chứ không là chẳng thể đừng. Mọi năm tôi thường ở nhà đến mùng 2, nghĩa là vẫn làm tròn nghĩa vụ với gia đình lớn, rồi sau đó đi nghỉ dưỡng ở loanh quanh mấy nước Đông Nam Á. Có năm thì đi Sapa hoặc Hội An, đặc biệt là hai vùng này rất vui vào dịp Tết vì có nhiều khách du lịch. Sapa thì đúng vào mùa có nhiều hoa nên đào nở đẹp lộng lẫy khắp nơi. Tôi vẫn được đón không khí Tết ở những vùng du lịch đó, thậm chí còn vui hơn ở nhà vì các khách sạn và mọi loại hình dịch vụ mở thông tầm đều rất biết cách tạo không khí Tết. Có năm tôi ăn Tết ở Đài Loan, còn được dự một lễ hội tương tự Carnival.
- Tết năm nay, chị có dự định chơi Tết như thế nào?
+ Năm nay thì tôi ở nhà đón khách. Tôi vừa chuyển nhà mới nên cũng phấn khởi trong việc trang trí nhà cửa. Vả lại cũng lâu rồi tôi không ở nhà mời khách vào ngày Tết. Năm nay tôi sẽ cố gắng hồi tưởng lại không khí Tết của vài chục năm trước, cái thời mà người Hà Nội vẫn còn khan hiếm đủ mọi thứ, nên chỉ lọ hoa lay ơn, violet, thược dược là đã đủ lộng lẫy, chỉ một hộp mứt thập cẩm dừa, bí đao, cà chua là đã đủ trịnh trọng, thêm chiếc khăn trải bàn là ra dáng ngày Tết.
Cũng lâu lắm rồi tôi chẳng đào quất gì hết vì có ở nhà mấy đâu. Năm nay tôi sẽ lên chợ hoa trước Tết để thưởng ngoạn cái không khí náo nức ấy. Hồi sinh viên, cả năm tôi túi bụi việc học hành và đi làm thêm nên sáng sớm rời nhà, tối mịt mới quay về, không có thời gian nào mà xem phim, đọc sách, nghe nhạc, nhưng cứ đến Tết thì tôi lại hay làm những việc đó. Sau này cũng vậy, có mấy khi được giải trí đâu giữa bộn bề công việc. Vậy là bây giờ vào ngày Tết nhàn tản, trong căn hộ nhiều cửa sổ tràn ngập ánh sáng và tiếng nhạc, tôi có thể nhớ về quãng thời gian vừa xa vừa gần ấy. Ngày Tết đối với tôi là sự thảnh thơi trong âm nhạc và một bộ phim hay, thêm vài người khách khen những món mình nấu ngon, ấy chính là không khí Tết.
- Xin cảm ơn chị!