Người Mỹ đang dõi theo những lời hứa của ông Donald Trump
- Tổng thống Donald Trump trong – ngoài phải đối phó
- Tổng thống Donald Trump không muốn tiếp điện thoại Tổng thống Ukraina 2
- Bộ An ninh Nội địa Mỹ "khoe" xe mới cho tân Tổng thống Donald Trump
- Nội bộ đảng Cộng hòa chia rẽ vì ứng viên Tổng thống Donald Trump
- Ông Donald Trump sẽ làm gì trong 100 ngày đầu nhậm chức?
Nổi tiếng với những phát ngôn gây sốc, miệt thị phụ nữ và phân biệt chủng tộc nhưng vẫn hạ nokout đối thủ để trở thành chủ nhân Nhà Trắng, Trump khiến nhiều người quan tâm và để ý sát sao về tài năng lãnh đạo và kinh nghiệm chính trị của mình. Thời điểm này, người dân Mỹ và thậm chí là cả thế giới đều có một câu hỏi chung: Donald Trump sẽ làm gì sau khi chính thức nhậm chức vào ngày 20-1-2017 tới đây?
Những ngày đầu tiên sau khi đắc cử, Trump đã làm gì?
Vào ngày 10-11 vừa qua, Tổng thống Obama đã có một cuộc trò chuyện kéo dài hơn 90 phút tại phòng Bầu Dục với người kế nhiệm Donald Trump. Ông Obama chia sẻ ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực được suôn sẻ để Trump có thể trở thành một tổng thống thành công. Ông cũng nói thêm đây là một cuộc nói chuyện tuyệt vời và hai người đã bàn bạc về rất nhiều vấn đề, cả tích cực và tiêu cực.
Trump cũng bày tỏ thiện chí của mình khi ngỏ ý muốn làm việc với đội ngũ của ông Obama để cùng giải quyết những khó khăn của nước Mỹ. Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng tiếp chuyện bà Melania, vợ của ông Trump, và cùng tham quan một vòng Nhà Trắng. Cũng trong ngày hôm đó, Phó Tổng thống Joe Biden đã có cuộc gặp gỡ với người kế nhiệm mình là Mike Pence vào buổi chiều.
Vẫn còn hơn hai tháng cho đến khi chính thức tiếp quản Nhà Trắng nhưng những việc mà Tổng thống đắc cử Trump cần làm thì không ít chút nào. Nhiệm vụ quan trọng nhất trong số đó chính là lựa chọn thành phần nội các. Việc đề cử ứng viên cho nội các sẽ phải hoàn thành trước lễ nhậm chức và cần có sự thông qua của Thượng viện.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một cơ hội tốt dành cho Trump để xây dựng và củng cố lực lượng hậu thuẫn của mình do Đảng Cộng hòa đã giành được quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Donald Trump sẽ có các cuộc trao đổi thêm với các lãnh đạo Quốc hội để lên kế hoạch cho việc quản lý đất nước. Đây có thể coi là mấu chốt quan trọng thể hiện sự ăn ý giữa Tổng thống và Quốc hội trong nhiệm kỳ 4 năm tới cũng như sự khả thi của những đề xuất chính sách mà ông Trump đã đưa ra.
Ngoài ra, tại Mỹ, Tổng thống đồng thời cũng là Tổng Tư lệnh, do đó, ông Trump sẽ phải dần làm quen với vai trò Tổng Tư lệnh quân đội. Trong những ngày tới, cùng với các cố vấn cấp cao của mình, tân Tổng thống sẽ bắt đầu được tiếp cận các thông tin tình báo cơ mật và sẽ phải thường xuyên tham gia các cuộc họp về những vấn đề ngoại giao và thời sự quốc tế quan trọng.
Kế hoạch 100 ngày sau khi nhậm chức của Tổng thống Trump sẽ thực hiện được bao nhiêu phần trăm?
Trump đã tuyên bố trong một buổi diễn thuyết tại Gettysburg, Pennsylvania tháng trước: "Vào ngày 8-11, người dân Mỹ sẽ được bỏ phiếu cho kế hoạch 100 ngày này để khôi phục lại sự thịnh vượng cho đất nước của chúng ta, để đảm bảo cho cộng đồng của chúng ta và đảm bảo sự trung thực cho chính phủ của chúng ta. Đây là lời cam kết của tôi dành cho các bạn.
Và nếu chúng ta đi theo kế hoạch này, chúng ta sẽ lại một lần nữa có được một chính phủ của dân, do dân và vì dân. Và điều quan trọng nhất là, chúng ta sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại. Hãy tin tưởng tôi". Những lời hứa hẹn mà Trump đưa ra chính là niềm mơ ước của mọi người dân Mỹ, nhưng liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thực hiện được bao nhiêu lời hứa khi ông chính thức nhậm chức vào ngày 20-1-2017? Dựa trên các tuyên bố của ông khi tranh cử, một số vấn đề sau đã được tân Tổng thống nhấn mạnh và lặp lại nhiều lần.
1. Vấn đề nhập cư
Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ "loại bỏ hơn 2 triệu người nhập cư trái phép có tiền sử phạm tội" và sẽ có biện pháp trừng phạt các nước từ chối nhận những công dân này trở lại. Ông cũng cho biết sẽ đình chỉ việc cho phép dân nhập cư đến từ những vùng "dễ có khủng bố" như Syria. Có thể thấy được vị tân Tổng thống này đã vạch ra những chính sách khá khắc nghiệt và có phần không mấy khả thi đối với nạn nhập cư - một trong những vấn đề nóng toàn cầu.
Phát ngôn này nhận được sự phản đối mãnh liệt từ bộ phận người nhập cư sinh sống tại Mỹ và cả những người nhập cư trên thế giới, nhưng ông Trump cũng đã làm rõ quan điểm của mình trong một bài phát biểu gần đây. "Tôi không chống lại nhập cư" - Ông khẳng định - "Thứ tôi không ưng là khái niệm về nhập cư trái phép".
Trump cho rằng, việc hàng năm đều có một số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp vào đất nước này đang trở thành một vấn đề nguy hiểm và đây chính là biểu hiện cho việc nước Mỹ không thể bảo vệ được biên giới của mình. Vì vậy ông tuyên bố "việc nhập cư phi pháp phải chấm dứt".
2. Xây tường dọc biên giới Mỹ - Mexico
Và một trong những giải pháp của Trump đối với vấn đề này chính là xây một bức tường lớn dài khoảng 1.600km trên biên giới phía Nam của nước Mỹ. Ông khẳng định bức tường không nhất thiết phải trải dọc toàn bộ đường biên giới do địa hình tự nhiên quá hiểm trở, nhưng việc xây dựng bức tường này là cấp thiết và hoàn toàn có thể thực hiện được.
Điều đặc biệt là vị Tổng thống đắc cử tuyên bố sẽ bắt Mexico trả tiền cho bức tường biên giới này "bằng cách này hay cách khác". Ông còn nói thêm sẽ đặt "một cánh cửa to, đẹp trên bức tường để mọi người có thể ra vào một cách hợp pháp".
3. Bãi bỏ chính sách y tế ObamaCare
Chính sách y tế "Obama care" là hệ thống bảo hiểm bắt buộc của Mỹ hướng đến đối tượng thu nhập thấp và tất cả các công ty đều phải mua cho nhân viên của mình. Đây là một trong những chính sách đối nội then chốt của Tổng thống Obama, đồng thời cũng là một trong những chương trình cải cách "mạnh tay" nhất tại Mỹ trong nhiều thập kỷ qua giúp khoảng 17 triệu người Mỹ được bảo hiểm kể từ khi ObamaCare triển khai năm 2013.
Trong chiến dịch tranh cử của mình đã nhiều lần Donald Trump nhấn mạnh rằng việc đầu tiên ông làm sau khi trở thành Tổng thống là "lập tức bãi bỏ và thay thế" ObamaCare. Nhưng trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau khi đắc cử, ông cho biết mình có thể không bãi bỏ hoàn toàn ObamaCare và có thể sẽ tìm cách cải cách chính sách này. Ông cũng xem xét việc giữ lại điều khoản cho phép trẻ nhỏ được hưởng bảo hiểm theo chính sách của cha mẹ và nói thêm rằng mình đã bị thuyết phục sau cuộc gặp với ông Obama hôm 10.11. Trump khẳng định việc thay đổi hay bãi bỏ chính sách ObamaCare là để không còn kẽ hở nào trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân Mỹ.
4. Chính sách ngoại giao
Liên minh Châu Âu cho biết việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ khiến mọi cuộc đàm phán giữa nước này và EU sẽ rơi vào tình trạng "ngủ đông". Theo Reuters, trên thực tế việc tạm ngừng các cuộc đàm phán liên quan đến Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) là việc đã được lường trước tại thời điểm ông Obama kết thúc nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, tình trạng này có thể còn khó lường hơn bởi lẽ vị Tổng thống đắc cử này có khá nhiều tư tưởng phản đối các thỏa thuận thương mại quốc tế. Ông Trump thông báo Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của 12 quốc gia và thực hiện đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Theo như ý kiến cá nhân của mình, Trump cho rằng đây là hai thỏa thuận đã cướp đi một lượng lớn công ăn việc làm của người Mỹ. Đây là một trong những lời hứa gây tranh cãi nhất trong chiến dịch tranh cử của vị tân Tổng thống này.
Ông cũng kêu gọi thắt chặt quan hệ đồng minh với Nga và thể hiện lòng ngưỡng mộ của mình đối với Tổng thống V. Putin. Trump khẳng định Hoa Kỳ nên làm việc với ông Putin và ủng hộ đồng minh người Syria của Nga là Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến của đất nước này.
Ngoài ra, Trump cũng cáo buộc Trung Quốc đang lấy đi việc làm và ngành sản xuất của người Mỹ, mặc dù đất nước này đã có quan hệ hữu hảo với Mỹ từ nhiều năm nay. Trump cho biết mình ủng hộ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc và đe dọa mức thuế cao sẽ tàn phá thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Về mặt quân sự, ông Trump lên án chiến tranh ở Iraq và những hành động quân sự khác của Mỹ ở Trung Đông. Vị Tổng thống đắc cử này cũng từng phát biểu trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ cắt giảm hoặc thậm chí là chấm dứt các cam kết của Mỹ với các đồng minh an ninh. Trong đó bao gồm NATO và các hiệp ước an ninh song phương với Nhật và Hàn Quốc. Ông cũng khuyên các nước nên trang bị vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình mà không cần đến sự trợ giúp của Washington.
5. Cắt giảm thuế và tạo việc làm
Vị tỷ phú bất động sản này tuyên bố sẽ tạo ra 25 triệu việc làm trong vòng 10 năm tới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất. Ông khẳng định việc giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 15% cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cắt giảm thâm hụt thương mại và xóa bỏ một số rào cản pháp lý sẽ là tiền đề cho việc giảm thiểu số lượng người thất nghiệp ở nước này.