Ngôn tình gây sốt màn ảnh Việt

Chủ Nhật, 21/08/2016, 08:29
Mối tình lung linh như cổ tích, phong cảnh đẹp hút hồn, nhạc phim lãng mạn, dàn diễn viên xinh tươi... là những điểm cộng của phim ngôn tình. Thế nên giữa rừng phim hài, hành động, kinh dị... thì ngôn tình là cách để các nhà làm phim Việt làm bùng nổ phòng vé.


Không lạ gì trước làn sóng phim ngôn tình Hàn Quốc, Trung Quốc tràn ngập màn ảnh nhỏ Việt Nam bấy lâu nay. Từ “Trái tim mùa thu”, “Giày thủy tinh”, “Hương mùa hè”  đến  “Vườn sao băng”, “Hậu duệ mặt trời”, “Yêu không kiểm soát”... Riêng phim ngôn tình Trung Quốc hiện nay thì nội việc khai thác các tiểu thuyết ngôn tình ăn khách của Tân Di Ổ, Cố Mạn, Đồng Hoa... như “Bên nhau trọn đời”, “Hãy nhắm mắt khi anh đến”, “Sam Sam đến rồi”, “Bộ bộ kinh tâm”... cũng đủ mệt vì số lượng nhiều vô kể.

Chuyện phim ngôn tình thường là tình yêu thủy chung, cuồng si giữa một chàng trai hoàn hảo từ ngoại hình đến tính cách (dân nghiện ngôn tình gọi là “soái ca”) với cô nàng xinh như hoa hoặc cá tính, hoặc ngốc nghếch .... Chuyện phim có thể theo mô típ lọ lem – hoàng tử hay công chúa – hoàng tử ếch. Nhắc đến phim ngôn tình, giới trẻ thường điên đảo nhớ tới phim Hàn, Trung, Thái Lan là chủ yếu.

Không chịu lép vế, bây giờ các nhà làm phim buộc người xem phải chú ý đến phim ngôn tình “made in Việt Nam”. Gây sốt trên màn ảnh nhỏ hiện nay là “Zippo, mù tạt và em”, phát sóng tối thứ tư, thứ năm hàng tuần trên VTV3.

Cảnh trong phim “Zippo, mù tạt và em”.

Phim kể về chuyện tình tay ba của cô bé lọ lem bán dưa tên Lam với hai anh chàng công tử con nhà giàu. Nữ chính do Nhã Phương (giai đoạn Lam là sinh viên) và Lã Thanh Huyền (giai đoạn Lam trưởng thành) thủ vai khá dễ thương và ăn mặc thời trang. Hai anh chàng theo đuổi Lam đều chuẩn “soái ca” dù mỗi người một tính cách: người bất cần, ăn chơi phóng khoáng; kẻ lịch lãm, hiền lành, tài giỏi.

Cách nhập vai tự nhiên cùng tình huống tươi trẻ, dí dỏm của các nhân vật như màn tỏ tình lãng mạn bằng hoa hồng, bong bóng hay ăn vạ... đều khiến người xem thích thú.  Sự góp mặt của Nhã Phương trong phim “Tuổi thanh xuân” cách đó chưa lâu khiến công chúng ngây ngất vì mối tình tuyệt diệu của cô gái Việt với “soái ca” người Hàn Quốc.

Màn ảnh rộng chắc chắn không đứng ngoài xu hướng thời thượng này. Năm 2015 và 2016 được coi là năm ngôn tình đổ bộ ồ ạt vào phòng chiếu. Có thể kể đến các phim như: “12 chòm sao – Vẽ đường cho yêu chạy”, “Yêu”, “Taxi, em tên gì”, “Bao giờ có yêu nhau”... “12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy” là câu chuyện tình yêu tay ba của một chàng công tử nhà giàu, Sở Khanh bị “sét đánh” vì một cô bé cung Song Ngư đẹp mơ màng, đầu óc lãng đãng như người cõi trên.

“Yêu” khai thác chuyện tình đồng tính nữ đầy giằng xé, bi thương vì định kiến nghiệt ngã của xã hội.  Quý Bình và Minh Hằng thì mang đến một chuyện tình như nối tiếp ở tiền kiếp, đầy ám ảnh và sống chết vì nhau trong “Bao giờ có yêu nhau” của đạo diễn Dustin Nguyễn. Dòng phim hành động, kinh dị, hài hước cũng không bỏ qua yếu tố đầy lãng mạn này để thi vị hóa chuyện tình như “Gái già lắm chiêu”, “Bệnh viện ma”, “49 ngày”...

Sắp tới,  hàng loạt bộ phim đậm chất ngôn tình sẽ trình làng để thỏa lòng người hâm mộ như: “White Valentine – Ngày tình yêu”, “Tik Tak, anh yêu em”, “Cho em gần anh thêm chút nữa”, “Bốn năm, hai chàng, một tình yêu”... 

Đặc điểm chung của phim ngôn tình là ngoài chuyện tình lãng mạn thì khung hình luôn luôn đẹp đến từng centimet như phim Hàn. Đạo diễn Trọng Ninh khẳng định dù mô típ của “Zippo, mù tạt và em” không mới nhưng ông tin phim thu hút người xem bằng những cảnh quay hút hồn ở Huế, Hội An, Đà Nẵng... lẫn cách diễn xuất đầy tình cảm của diễn viên. Cảnh non nước Việt Nam hữu tình, cây xanh núi biếc làm tôn thêm chuyện tình yêu dệt nên thơ. Và âm nhạc, lời thoại đều ăm ắp xúc cảm, ngay từ cái tên phim đã đủ quyến rũ khán giả.

Khác với dòng phim ngôn tình Hàn, Trung, Thái, phim ngôn tình Việt thường ít ủy mị, ướt át theo kiểu đoạn kết chàng hoặc nàng bị ung thư, hạn chế xây dựng những mối tình quá trắc trở hay bị gia đình ngăn cách. Chẳng hạn “Cho em gần anh thêm chút nữa” dự kiến ra rạp cuối năm nay. Bộ phim lấy cảm hứng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Gào, kể về chuyện tình đầy cảm động và bi thương của đôi trai tài, gái sắc: Kai (Đình Hiếu đóng) và Rin (Jun Vũ). Tuy nhiên, đạo diễn Văn Công Viễn hứa hẹn rằng phim không hề ướt át, bi lụy để lấy nước mắt người xem mà truyền đi thông điệp sống mạnh mẽ, lạc quan yêu đời, nhất là từ nhân vật Rin – cô gái mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng.

Ngay cả chuyện tình yêu vô lý, chẳng hạn như một anh chàng đẹp trai yêu một cô nàng thô kệch, ngốc nghếch đến cuồng si cũng hiếm thấy trên màn ảnh Việt. Các nhà sản xuất nước ta chú trọng vào những chuyện tình mang hơi thở hiện đại và thực tế hơn dù không quên yếu tố lãng mạn. Bởi hạnh phúc hay đau khổ đều do người trong cuộc tự quyết định chứ ít phụ thuộc hoàn cảnh khách quan.

Phim không “sến như con hến” khiến người ta cảm thấy chuyện tình yêu kia quá viển vông so với thực tế. Mà cảm tưởng câu chuyện tình ấy có thật giữa đời thường như diễn viên Quý Bình chia sẻ trong buổi ra mắt phim “Bao giờ có yêu nhau”: “Các bạn xem xong sẽ thấy nhân vật trong phim yêu nhau tha thiết và sẵn sàng vì tình yêu đó mà hy sinh cho nhau. Sự lãng mạn tập trung ở góc máy quay, khung cảnh thơ mộng... Còn nội dung câu chuyện tình này vẫn mang đến cảm giác chân thật, nó chắc chắn tồn tại đâu đó trên cuộc đời này”.

Hai nhân vật chính của phim “Cho em gần anh thêm chút nữa”.

Phim ngôn tình đương nhiên nhắm tới giới trẻ. Điểm cộng chính là hình ảnh giới trẻ được phản ánh trong phim rất đa màu, đa sắc. Người lạnh lùng, người nhí nhảnh, người “trẻ trâu”, người sôi nổi, bốc đồng, người hay mơ mộng, người thực tế...  Nó gần gũi với khán giả. Và ở những người trẻ ấy, họ tràn đầy nhựa thanh xuân, yêu và sống hết mình. Ngôn ngữ trẻ trung, thời thượng của lớp trẻ đương đại được khai thác và đặt để đúng chỗ trong phim dễ tạo vẻ sảng khoái mà không gồng gượng hay sến súa. Nó thổi một làn gió tươi mới cho điện ảnh Việt.

Một nhà sản xuất cho rằng sở dĩ ngôn tình chiếm được sự ủng hộ của khán giả còn nhờ chuyện phim nhẹ nhàng. Chuyện tình ấy dù có nhiều trắc trở nhưng kết thúc luôn có hậu để lại dư âm ngọt ngào, sâu lắng. Trong đời sống bộn bề này, những khoảnh khắc mơ mộng, phút giây lãng mạn được người ta coi như của hiếm. Họ cảm thấy đời và người đẹp hơn khi xem những bộ phim ấy.

Nếu trước đây, sau giờ làm việc mệt mỏi, họ thường không còn sự lựa chọn nào khác ngoài hài, hành động, kinh dị... khi tới rạp chiếu.  Mà hài thì hài sạch thì ít hài nhảm thì nhiều. Rời rạp lại tức anh ách vì nhiều phim tào lao, chọc cười không ra chọc cười, hù ma không ra hù ma. Hành động, trinh thám... cũng hiếm có phim khiến khán giả trầm trồ. Riêng phim ngôn tình, chuyện kêu ca về nội dung phim dường như rất ít. Hầu hết các phim như “Yêu”, “12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy”, “Bao giờ có yêu nhau”... đều tạo được hiệu ứng tốt về chất lượng.

Tuy nhiên không phải cứ chạy theo ngôn tình là “ngon” ăn. Cái gì phụ thuộc quá nhiều vào thị hiếu của số đông công chúng cũng nhanh chóng dẫn đến sự dễ dãi. Dễ dãi thì sinh ra hời hợt. Phim ngôn tình thành công hay không ở chỗ chạm được vào cảm xúc người xem, đây là tiêu chí tưởng dễ mà khó.

Tình yêu là đề tài muôn thuở vì vậy rất dễ đi vào lối mòn, nếu không có sáng tạo hay cách thể hiện đặc biệt thì rất dễ gây nhàm chán. Phim ngôn tình cũng không khác lắm so với truyện ngôn tình: đa phần chỉ tập trung nhiều về chuyện yêu đương riêng tư của nhân vật mà ít đề cập đến các vấn đề văn hóa xã hội khác, chiều sâu triết lý hay tính nghệ thuật thường không cao. Nên nhiều người lo ngại, say mê phim ngôn tình Việt hay của nước ngoài đi chăng nữa thì người ta cũng bị ve vuốt ru ngủ trong câu chuyện lãng mạn, những “soái ca”, ái nữ hoàn hảo mà bỏ quên cuộc sống thực với nhiều điều đáng quan tâm khác ngoài tình yêu. Để rồi họ vỡ mộng khi thực tại phũ phàng so với thế giới mình mộng mơ.

Ngôn tình là xu thế tất yếu của thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Nhưng làm sao để câu chuyện tình lãng mạn, thi vị mà không xa rời thực tế là thử thách với các nhà làm phim Việt Nam. Ồ ạt cho ra đời phim ngôn tình mà không để  “giẫm chân nhau” chứ chưa nói là gây ấn tượng sâu sắc cũng chẳng phải là chuyện đơn giản.

Tường Phạm
.
.