Ngôn ngữ hình xăm
Đơn giản, cả ngàn con người với hình xăm chằng chịt đã tụ tập về địa điểm ấy, vào ra tấp nập và khiến nhiều người yếu tim tưởng rằng một băng đảng kiểu yakuza nào đó của Việt nam đang “đại hội võ lâm”.
Thực chất, đó lại là một sự kiện văn hoá đúng nghĩa, lần đầu tiên được tổ chức quy mô và công khai, hợp pháp. Tên sự kiện là Saigon Tattoo Expo 2018 (Triển lãm xăm nghệ thuật Sài Gòn) với hơn 80 gian hàng của các nghệ sỹ xăm mình (tatto artist) đến từ Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Czech và dĩ nhiên là cả Việt Nam. Trong 2 ngày diễn ra sự kiện, có cả các phần thi với nhiều chủ đề khác nhau và nó tạo ra sự hào hứng thực sự đối với những người có thú xăm mình.
Phải thừa nhận, cấp phép cho sự kiện này (đơn vị tổ chức là Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh) là một quyết định cởi mở của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh. Trong điều kiện cấp phép, phía Sở cũng ghi rất rõ các yêu cầu về thuần phong mỹ tục, về an toàn, y tế… và Ban tổ chức đã chấp hành rất nghiêm chỉnh. Bởi vậy, sự kiện diễn ra trọn vẹn, vui và để lại nhiều ấn tượng rất khác về xăm mình.
Nói đến xăm mình, có lẽ chúng ta hay bị ám ảnh với những hình xăm kiểu cũ, bằng lưỡi lam hoặc kim, với thứ mực lên màu xanh nhờ nhờ. Đó là ám ảnh tiêu cực thực sự bởi thời cách đây chừng 20 năm, hình xăm vốn dĩ là chỉ dấu riêng của giới giang hồ, vào tù ra tội, hoặc của cựu binh. Và điều đó cũng không ngoại lệ ở Việt Nam. Trên thế giới cũng vậy thôi, hình xăm từng một thời là dấu ấn của hội kín, của băng đảng và nói chung là của… chẳng hay ho gì.
Nhưng thời đại bây giờ đã khác. Hình xăm đã trở nên phổ biến và thậm chí, nó được coi là nghệ thuật, thứ nghệ thuật thân thể, thứ nghệ thuật vĩnh viễn. Song, ác cảm với người xăm mình không phải đã hết. Có những người rất dị ứng với ai xăm mình, và họ cho rằng chủ thể xăm mình “không có quá khứ sạch sẽ gì”. Nói gì thì nói, ngay cả chúng ta, những người bình thường nhất, không có định kiến gì đi nữa, ngồi đối diện một ai đó chân tay chằng chịt hoa văn, chúng ta vẫn có chút e dè.
Song, với người chơi xăm mình, điều đó lại là bình thường. Hình xăm đã trở thành thứ để họ ghi lại một ký ức, khắc lên một dấu ấn định danh riêng biệt hoặc là một trang trí thân thể mà họ yêu thích. Có người thích những hình xăm nho nhỏ, đơn giản, giàu ý nghĩa tinh thần với mình. Nhưng có những người đã xăm vào là nghiện cảm giác phủ kín thân thể mình và dần dần, cơ thể họ chằng chịt hình xăm. Đẹp hay không, là do họ tự cảm nhận. Còn với người ngoài, đẹp hay không còn do định kiến hay không và do chính chủ thể xăm mình “quy hoạch đất đai trên cơ thể” có hợp lý hay không.
Tôi ấn tượng nhất với hình xăm một vị lãnh tụ trên lưng một chàng trai 20 tuổi ở buổi triển lãm ấy. Cậu tự tin mang hình xăm ấy lên phần thi “Phong cách Việt Nam”, phần thi mở màn của Triển lãm Xăm nghệ thuật Sài Gòn 2018. Và cậu dõng dạc trình bày tình cảm, lòng hâm mộ của mình với vị lãnh tụ mà cậu tôn thờ. Đó là một chân dung thực sự sống động, với ánh mắt rất có hồn và nó được thể hiện cũng bởi một nghệ sỹ xăm mình hàng đầu Việt Nam hôm nay.
Trở lại với nghệ thuật xăm, thực tế bạn sẽ hết ác cảm với nó (và có khả năng thích thú) nếu bạn nghiên cứu nó thật kỹ. Với cách xăm bằng máy như hiện nay, kim dùng một lần rồi bỏ đi, xăm mình đảm bảo an toàn về dịch tễ.
Thêm vào đó, bằng sự trợ giúp của kỹ nghệ, đường nét hình xăm cũng tinh tế hơn rất nhiều, chứ không còn méo mó vẹo vọ, nguệch ngoạc cẩu thả như kiểu xăm thủ công của thời cách đây vài chục năm. Nhưng máy móc thực tế chỉ trợ giúp phần nào mà thôi. Để nâng tầm thành nghệ thuật, vẫn cần đôi tay, cảm nhận của chính người nghệ sỹ xăm mình. Từ nghệ sỹ xăm cho tới thợ xăm là một khoảng cách rất xa, thậm chí có thể là bất khả chinh phục đối với nhiều người.
Nếu bạn tìm kiếm cái tên Apo Whang-Od trên facebook, bạn sẽ nhận được một kết quả rất lý thú. Đó là một cụ bà gần 100 tuổi, sống ở vùng núi Kalinga, Phillippines. Ở cái tuổi 97 của mình, Apo vẫn chơi facebook, tự selfie, giao lưu với thiên hạ về xăm mình. Và bà là người hiếm hoi duy nhất còn sở hữu nghệ thuật xăm thủ công tinh tế có tên Mambabatok, tức là xăm bằng gai cây bưởi.
Thủ công, tay chân đã nhăn nheo tuổi tác, ấy vậy mà nét xăm của Apo vẫn tinh tế kinh khủng và có nhiều người đang muốn thọ giáo bà để tiếp nối kỹ thuật cổ xưa này. Còn người muốn được bà xăm mình cho thì vô số kể. Nhưng để làm được điều đó, phải lội bộ leo núi lên tìm bà may ra mới có cơ duyên.
Một kỹ thuật xăm thủ công khác cũng không kém tinh tế chính là kỹ thuật xăm sakyak (hay còn gọi là Sak Yant) của Thái Lan và tebori của Nhật Bản. Đây là lối xăm bằng tre vót nhọn và nó cũng kỳ công không kém lối mambabatok của bà Apo. Lối xăm này đòi hỏi nghệ sỹ xăm mình phải rất xuất sắc mới có thể tạo nên những đường nét xăm tinh tế, sống động còn hơn xăm máy.
Ngạc nhiên là qua trò chuyện với các sư phụ dạy xăm bằng tre này của Thái Lan và Nhật Bản, nhiều nghệ sỹ xăm Việt Nam được biết thứ mà họ đang học thực tế lại được chính những người Việt thời xưa truyền bá cho người Thái. Không biết chuyện kể ấy độ chân xác bao nhiêu nhưng nó khiến ta phải đặt câu hỏi: “Liệu rằng có nhiều thứ chân truyền mà người Việt đã đánh mất theo thời gian?”.
Những tác phẩm hình xăm độc đáo được yêu thích trong triển lãm xăm nghệ thuật Sài Gòn năm 2018. |
Đó là sơ sơ về kỹ thuật xăm. Còn về hình xăm và hệ quả của nó với người xăm lại là câu chuyện khác. Bởi thực tế, có không ít người chỉ đơn thuần “thích thì xăm, thấy hình đó hay hay thì xăm”. Và những người thích kiểu trào lưu này thường sẽ có lúc cảm thấy ân hận khi mình đã xăm hoặc đã xăm ở đó, hình đó mà không phải là hình khác. Giải quyết hậu quả thì đã có xoá xăm bằng laser. Đau hay không thì tôi chịu nhưng tốn kém và mất thời gian thì chắc chắn là hệ quả tồi.
Còn với những người xăm tích cực, tức là những người xăm có mục đích, ý nghĩa thì sao? Hệ quả với họ là sự an lòng, sự thỏa mãn, sự hồi tưởng… Như cậu bé 18 tuổi tham dự hạng mục “phong cách Việt Nam” chẳng hạn.
Với cậu, hình xăm là kỷ niệm lớn trong đời. Cậu xăm chân dung cha mình, trong hình ảnh người lính từng đi chiến trường Campuchia năm nào, với chiếc mũ cối, bộ quân phục QĐND Việt Nam. Ngày xăm hình ấy là ngày giỗ đầu người cha cậu hết mực thương nhớ. Và với một hình xăm như thế, chủ nhân của nó không bao giờ cảm thấy mặc cảm, xấu hổ nếu để lộ hình xăm trước mặt ngay cả những người có ác cảm về xăm mình đi chăng nữa.
Song song đó, có những người yêu mỹ thuật, và coi hình xăm như một tác phẩm mỹ thuật vĩnh viễn trên da thịt mình. Đơn cử như MC Thùy Minh, cô đã xăm những bức tranh đẹp, tối giản mà chính con trai của cô (khoảng 6-7 tuổi) đã vẽ. Chưa bao giờ tôi thấy hình xăm nào đẹp như thế và tôi tin rằng, cậu bé con ấy nếu đi theo ngành mỹ thuật, chắc chắn sẽ thành công.
Tôi có hỏi Danis Nguyen, nghệ sỹ xăm bậc thầy Việt Nam hiện nay, người tổ chức Saigon tattoo Expo 2018 và cũng là người nhiều lần được mời làm giám khảo ở các Hội chợ xăm quốc tế, rằng “Có bao giờ bạn ân hận vì đã xăm cho một ai chưa?”.
Danis trả lời “Có” và kể câu chuyện của mình. Đó là một chàng trai trẻ, muốn xăm một hình nhỏ xíu trên bắp tay. Nhưng rồi một ngày, chàng trai ấy thi tuyển phi công. Cậu đỗ tất cả, chỉ trừ mỗi chuyện hình xăm. Và gia đình đã buộc cậu phải đi huỷ hình xăm bằng laser. Danis nói: “Đó là bài học mà sau này tôi nhắc lại mãi cho học trò. Mình phải chịu trách nhiệm với việc đó. Mình xăm cho người ta, với hi vọng người ta được đẹp (trong quan điểm của họ) nhưng nếu kết cục nó là vết sẹo thì mình quá day dứt anh ạ”.
Vâng, hình xăm là một dấu vết lịch sử cá nhân. Nhưng nếu tẩy xoá nó đi, nó cũng để lại một chứng tích lịch sử cá nhân. Bởi thế, không thể nghĩ đã ghi lại một phần lịch sử, có thể ngày nào đó xoá sạch nó đi một cách dễ dàng.