Nghịch lý từ một số cuộc thi âm nhạc
Trong khi chúng ta vẫn luôn kỳ vọng rằng, các cuộc thi sẽ là nơi phát hiện những tài năng âm nhạc và ở một góc nào đó sẽ trở thành bệ đỡ cho những tài năng này đến được với khán giả thì dường như chúng ta vẫn làm được quá ít...
1. Cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch lần thứ IV vừa tổ chức tại Hà Nội là cuộc thi được tổ chức 5 năm một lần. Số lượng thí sinh năm nay được Ban Tổ chức công bố là 54, nhiều nhất từ trước đến nay. Nhưng quả thật, với tính chất một cuộc thi hát có quy mô toàn quốc thì đây là con số khá khiêm tốn. Nếu chỉ nhìn vào con số thí sinh tham dự, thì những cuộc thi hát khác như "Việt Nam Idol" hay "Sao mai", "Sao mai điểm hẹn", "Tiếng hát truyền hình thành phố Hồ Chí Minh "… cũng có con số lớn gấp nhiều lần. Nguyên nhân sự chênh lệch ấy một phần được lý giải là do yêu cầu khắt khe của thể loại Thính phòng - Nhạc kịch, tuy nhiên cũng phải nói tới sự thờ ơ của công chúng đối với loại hình này.
Nhìn lại 4 lần tổ chức, cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch dù được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn nhưng lại ít được khán giả biết đến chứ nói gì tới việc đưa tên tuổi thí sinh đến với đông đảo công chúng. Nhiều thí sinh đạt giải cao tại những cuộc thi này cũng ít được khán giả biết đến, hoặc có biết đến lại bởi những lý do khác.
Một trong những ví dụ tiêu biểu là ca sĩ Đăng Dương. Anh từng đạt giải Nhất cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch lần thứ Nhất (năm 1996) nhưng tên tuổi của Đăng Dương chủ yếu được biết đến nhờ thành công của tam ca: Đăng Dương - Việt Hoàn - Trọng Tấn trên sân khấu ca nhạc. Giải Nhất đáng nể kia của anh hầu như chỉ giới hạn người trong nghề biết đến.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với người đồng nghiệp của anh. Ca sĩ nổi tiếng với dòng nhạc truyền thống Trọng Tấn lại được biết đến với giải Nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình năm 1999, còn giải Nhì cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch lần thứ II năm 2000 thì bị lãng quên. Người về giải Nhất trong cuộc thi ấy là ca sĩ Quốc Hưng lại càng "bi đát" hơn. Giải thưởng quý giá ấy của anh dường như chỉ "một mình mình biết, một mình mình hay".
Một thực tế đáng buồn là kết quả cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch càng tổ chức về sau thì tên tuổi những người đạt giải lại ít có cơ hội đọng lại trong lòng công chúng. Liệu đến nay, mấy ai trong số khán giả nhớ rằng Tố Uyên hay Hà Phạm Thăng Long đã giành giải Nhất và Nhì trong cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch lần thứ III (năm 2004)?
Ngay năm vừa rồi thì 2 cái tên Nguyễn Tuấn Anh (Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) và Đỗ Thị Phương Mai (Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) với giải nhất thuyết phục cũng chỉ được xướng lên tại nơi tổ chức cuộc thi chứ chắc nhiều khán giả không biết tới điều này. Ngay cả thí sinh từng kinh qua một số cuộc thi hát như Thành Lê thì mọi người chủ yếu biết tới cô với tư cách giải Nhất dòng nhạc dân gian Sao Mai 2007 hơn là Thí sinh hát bài hát Việt
Điều đáng nói là những người đạt giải tại các cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch như Quốc Hưng, Hồng Vy, Phúc Tiệp, Thăng Long, Tố Uyên... đều là những tài năng thực sự, thế nhưng họ có quá ít cơ hội để "vua biết mặt, chúa biết tên".--PageBreak--
2. Trong khi đó, mới diễn ra trong vài năm trở lại đây nhưng mỗi khi "Sao Mai điểm hẹn" hay "Việt Nam Idol" tổ chức thì có hàng nghìn thí sinh đăng ký thử giọng. Không ít người đùa rằng, có thí sinh chỉ cần vượt qua "vòng gửi xe" cũng đã được biết đến, được xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, chưa nói gì tới những người bước lên bục vinh quang. Vậy thì đâu là nguyên nhân của sự khác biệt quá lớn ấy?
Vấn đề nằm ở chỗ, những chiến dịch quảng bá dài hơi và rầm rộ đã đưa những cuộc thi hát này trở thành thương hiệu quen thuộc với công chúng. Khi đã trở thành thương hiệu thì cũng có nghĩa, nó đã trở thành bệ phóng đắc lực đưa tên tuổi ca sĩ đến với số đông khán giả.
Rất nhiều ca sĩ sau này đi theo con đường chuyên nghiệp nhưng tên tuổi họ vẫn được gắn liền với các cuộc thi mà họ từng tham gia như "Sao mai" Ngọc Anh, Tùng Dương Sao mai điểm hẹn, Trà My “Idol”, Phương Vy “Idol”... Điều đó cho thấy, kết quả những cuộc thi này có ảnh hưởng lớn như thế nào đến sự nghiệp của họ. Và thực sự họ là những người may mắn khi có được bệ đỡ ban đầu ấy.
Rõ ràng, với các cuộc thi quan trọng và chính thống như hát Thính phòng - Nhạc kịch, chúng ta chưa có được sự đầu tư quảng bá xứng tầm với nó. Cuộc thi này được tổ chức 4-5 năm một lần. Đó là khoảng thời gian không ngắn để chúng ta có thể chuẩn bị kỹ càng và xây dựng một chiến dịch quảng bá hiệu quả.
Nhưng lâu nay, cuộc thi nào cũng được tổ chức và chuẩn bị gấp gáp. Mọi thông tin về cuộc thi thường chỉ được công bố trong buổi họp báo trước khi bắt đầu thi vài ngày. Điều này khiến cho việc tuyên truyền, quảng bá cho cuộc thi gặp nhiều khó khăn. Chưa nói, địa điểm thi là hội trường Học viện Âm nhạc Quốc gia cũng phần nào khiến số lượng khán giả bị bó hẹp.
Tình trạng này không chỉ diễn ra với riêng cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch mà với những cuộc thi như "Concours Mùa thu 2007" và Thi "Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc" toàn quốc năm 2008 cũng vậy. Hầu hết khán giả chỉ là bạn bè cùng trường hoặc người thân của các thí sinh. Tất nhiên, sẽ là khập khiễng nếu ta so sánh sức hấp dẫn đại chúng giữa những cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch với thi hát nhạc nhẹ, song chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho sự thờ ơ của công chúng.
Âm nhạc cũng là một sản phẩm hàng hóa. Trong điều kiện hàng hóa đầy rẫy hiện nay, nếu không biết cách tiếp thị, thì dù là sản phẩm tốt cũng dễ bị khuất lẫn. Điều này không chỉ tạo nên sự bất công đối với những tài năng âm nhạc đích thực, thiệt thòi cho số đông khán giả mà còn tạo tiền đề xấu để những giá trị ảo lợi dụng xâm lấn.
Để hạn chế tình trạng này, các đơn vị tổ chức, các cơ quan quản lý văn hóa cần có được những chính sách phù hợp để những cuộc thi nghiêm túc, chất lượng này đến được với đông đảo công chúng. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc sàng lọc và truyền tải những giá trị đích thực đến với khán giả