Văn học trẻ từ góc nhìn phê bình trẻ

Nghề viết đòi hỏi nhiều mà ít "hứa hẹn"

Thứ Hai, 26/09/2011, 08:00
Sau nhiều ngày chuẩn bị, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII đã được tổ chức tại Tuyên Quang, là cuộc hội ngộ của 113 gương mặt tiêu biểu đến từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Hội nghị ít nhiều đã mang đến cho những người cầm bút trẻ nguồn cảm hứng mới. Ở một khía cạnh khác vượt ra ngoài ý nghĩa một hội nghị, những người cầm bút trẻ thực sự muốn đi lâu dài với văn chương cần phải suy ngẫm nhiều hơn, nghiêm túc hơn về con đường họ lựa chọn và cái đích mà họ muốn đến.

Nhìn vào thống kê của Hội Nhà văn Việt Nam, số lượng tác phẩm của nhà văn trẻ (là đại biểu dự Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ 8) trong 5 năm qua có 41 cuốn thơ, 85 cuốn văn xuôi và 1 cuốn phê bình tiểu luận. Ngoại trừ phê bình ra thì số lượng sáng tác của nhà văn trẻ không hề nhỏ, với nhiều đề tài và khuynh hướng sáng tác khác nhau. Nhưng bạn đọc vẫn không tìm thấy nhiều tác phẩm tạo được dấu ấn trong đời sống. Thiếu vắng tác phẩm xứng tầm, câu trả lời không nằm ở đề tài hay cách viết, mà sâu hơn, là ở thái độ và tâm thế của người viết. Đã đến lúc cần phải cảnh báo về việc coi văn chương như một "sân chơi" của nhiều người viết trẻ. Vì một khi coi văn chương là sân chơi, tâm thế cầm bút của anh sẽ nghiêng nhiều về tính giải trí.

Hiển nhiên giải trí chẳng có gì là xấu. Nhưng cái dở của giải trí là sự "chóng già, chóng chết, chóng quên" của nó. Bởi nhu cầu giải trí của số đông là bất tận, là luôn luôn thay đổi. Hãy cứ nhìn những gameshow trên truyền hình, những bộ phim giải trí mà xem, người ta luôn phải thay fomat, chiêu trò để vừa lòng khán giả.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII.

Văn học giải trí nếu muốn tồn tại cũng không thể nằm ngoài quy luật ấy. Nhưng, cái cốt lõi của văn học lại không phải chỉ là giải trí đơn thuần như vậy. Văn học là loại hình "đáng sợ" hơn thế, bởi nó luôn yêu cầu một đời sống dài hơn, chịu nhiều thử thách hơn. Văn học cũng nghiệt ngã ở chỗ nó đòi hỏi người cầm bút rất lớn mà không hứa hẹn gì nhiều. Những người muốn một sự "hứa hẹn" của văn chương sẽ mang tâm thế của kẻ "ăn xổi". Họ sẽ tính toán viết cái gì và viết như thế nào để được "bù đắp" lại bằng sự nổi tiếng nhanh chóng. Không ít người cầm bút trẻ hôm nay đã viết trong tâm thế có phần nôn nóng.

Sẽ không quá khi nói rằng, còn ít người viết trẻ đi trên con đường của mình với khả năng "hiến máu" thực sự, nghĩa là dám sống chết với nghề, sẵn sàng mang trọng trách của người tìm kiếm những giá trị lâu bền để lại cho mai sau. Những vấn đề lớn về lịch sử, về vận mệnh dân tộc, về bản sắc văn hóa, về số phận con người chưa "đậm đặc" trong tư duy của người viết trẻ. Nhìn lại sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa đi qua, văn học nói chung và văn học trẻ nói riêng hình như chưa kiến tạo được những giá trị xứng đáng cho tương lai, như chúng ta hôm nay đang được thưởng thức những áng văn chương đẹp mà cha ông để lại. Sự tiếp nối truyền thống của văn học nằm ở chỗ nhà văn trẻ hôm nay không thể chỉ cho mình quyền khai thác những giá trị quý giá cha anh để lại mà quên đi trách nhiệm kiến tạo những giá trị của hôm nay làm tài sản cho các thế hệ mai sau…

Trong thời buổi in ấn dễ dàng hôm nay, ai cũng có thể trở thành nhà văn nếu chỉ tính trên đầu sách. Không chỉ in trên giấy, công nghệ hiện đại cho phép tác giả xuất bản tác phẩm của mình bằng nhiều hình thức khác, như xuất bản trên mạng, trên ebook...Trong lúc nhiều người phàn nàn về chất lượng văn học trẻ có chiều hướng…đi xuống, thì số lượng sách xuất bản hằng ngày của tác giả trẻ vẫn cứ tăng lên ầm ầm. Số lượng tác phẩm cũng tạo nên những ảo tưởng nhất định cho người viết trẻ. Không ít người nghĩ rằng mình có dăm ba cuốn sách xuất bản thì nghiễm nhiên trở thành nhà văn. Có những người trẻ có khoái cảm liệt kê số sách của mình như một căn bệnh thành tích. Không thể phủ nhận số lượng sách cũng là yếu tố phản ánh lao động của người cầm bút, nhưng văn chương vốn "quý hồ tinh" thì không ít người cầm bút trẻ lại lãng quên. Viết nhanh, đưa lên mạng Internet, xuất bản sống sượng những trang viết của mình xét cho cùng không phải là cách hay đối với người viết trẻ. Trước sự dễ dàng của in ấn, xuất bản, truyền thông, và cả sự dễ dãi để nổi tiếng, người viết trẻ cần biết bình tĩnh để không bị chạy theo những phù phiếm bên ngoài. Có một nghịch lý cần được chỉ ra ở đây, trong một xã hội mà việc sáng tạo và công bố tác phẩm dễ dàng thì việc trở thành nhà văn có nhiều bạn đọc lại là một thách thức với người cầm bút, đặc biệt là người cầm bút trẻ.

Ai đó đã nói rằng, nhà văn cũng giống như nhà buôn, muốn đi lâu dài phải trường vốn. Vốn của nhà văn chính là tài năng, sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm với nghề. Một khi đã dấn thân trên con đường văn học thì họ phải tự nguyện chấp nhận thử thách của thời gian. Những người coi văn chương như son phấn cuộc đời, như một cuộc dạo chơi, chắc chắn sẽ bị văn chương bỏ lại phía sau. Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa, để trụ lại thành "bảng vàng bia đá trong lòng bạn đọc", với người cầm bút chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng

Hội Quân
.
.