Nghệ sĩ và ý thức công dân

Thứ Hai, 18/04/2016, 08:00
Người nghệ sĩ, trong bất cứ giai đoạn nào không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân bằng những tác phẩm mà bằng cả hành động, lời nói và nhân cách của mình. Gần đây, sự ra đi của nhạc sĩ - ca sĩ Trần Lập đã để lại những tiếc thương sâu sắc với người hâm mộ. Thông qua những ca khúc tràn đầy tinh thần lạc quan, tình yêu cuộc sống của mình, anh đã giữ vững niềm tin, chắp cánh cho những mơ ước của biết bao bạn trẻ.


Rất cần những công dân - nghệ sĩ

Khánh Thảo

Cùng với sự phát triển của xã hội, vai trò quan trọng của người nghệ sĩ ngày càng được khẳng định. Hay nói cách khác, giới nghệ sĩ giờ đây được đánh giá là một trong những nguồn lực văn hóa quan trọng để xây dựng và phát triển bức tranh toàn cảnh về văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

So với các lĩnh vực khác, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật mang đặc thù riêng. Nó có khả năng thu hút sự quan tâm, thậm chí ảnh hưởng, chi phối tới nhiều cá nhân ở những lĩnh vực khác. Vì vậy, có thể nói, hoạt động nghệ thuật mang tính xã hội rất cao và những người làm nghệ thuật cũng là những người hoạt động xã hội.

Ngày càng có nhiều nghệ sĩ tham gia những hoạt động vì cộng đồng.

Một tác phẩm nghệ thuật hay những phát ngôn, ứng xử của người làm nghệ thuật có thể mang lại hiệu ứng tích cực hay tiêu cực đến đối tượng tiếp nhận. Nó có khả năng góp phần nâng cao tình cảm, nhận thức, lòng tin và định hướng cho công chúng. Nhưng ngược lại, nó cũng có thể làm suy giảm lòng tin, làm sai lệch nhận thức và dẫn đến lệch lạc về hành động cho một nhóm người, thậm chí cho cả một cộng đồng.

Nghệ sĩ luôn là những người được xã hội ghi nhận về tài năng nhưng trên tất cả, họ được tôn vinh, được ngưỡng mộ vì những điều tốt đẹp mang đến cho cuộc đời. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, đã có nhiều nghệ sĩ không chỉ đóng góp những tác phẩm nghệ thuật mà họ còn bước vào cuộc chiến bằng trách nhiệm công dân vừa giản dị vừa cao cả.

Người nghệ sĩ, trong bất cứ giai đoạn nào không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân bằng những tác phẩm mà bằng cả hành động, lời nói và nhân cách của mình. Gần đây, sự ra đi của nhạc sĩ - ca sĩ Trần Lập đã để lại những tiếc thương sâu sắc với người hâm mộ. Thông qua những ca khúc tràn đầy tinh thần lạc quan, tình yêu cuộc sống của mình, anh đã giữ vững niềm tin, chắp cánh cho những mơ ước của biết bao bạn trẻ.

Ngay cả khi đối mặt với căn bệnh ung thư, Trần Lập đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình với những người không may rơi vào hoàn cảnh tương tự. Anh nén cơn đau cùng các nghệ sĩ thắp lên ngọn lửa tin yêu trong lòng mỗi người bệnh. Anh cũng kêu gọi xã hội hãy chung tay ngăn chặn đại dịch ung thư có thể xảy ra nếu chúng ta không thực sự quyết liệt đẩy lùi các nguy cơ như thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường...

Cùng là một lời nói, hành động nhưng nếu xuất phát từ nghệ sĩ hay những người nổi tiếng sẽ có ảnh hưởng sâu rộng hơn rất nhiều so với những người bình thường. Họ có thể làm thành một trào lưu, một cơn sốt hay một chiến dịch trong cộng đồng. Xã hội ghi nhận không ít nghệ sĩ trẻ nhưng đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng như NSƯT Chí Trung, ca sĩ Thái Thùy Linh, ca sĩ Mỹ Tâm...

Tuy nhiên, bên cạnh những nghệ sĩ làm tốt trách nhiệm công dân của mình với đời sống thì vẫn còn không ít nghệ sĩ trẻ chưa ý thức được điều này. Thậm chí, họ còn có những hành động, lời nói đi ngược lại những giá trị tốt đẹp mà xã hội đang xây dựng. Gần đây thôi, ca sĩ trẻ T.N chia sẻ hình ảnh khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam bị mất hết tiền, visa cùng phần nhại lại câu hát: "Bạn ơi đừng đến quê hương chúng tôi". Dù ngay sau đó, dòng chữ này được xóa đi nhưng anh đã nhận được không ít chỉ trích vì câu nói thiếu trách nhiệm, thiếu suy nghĩ của mình.

Dù vẫn biết, sự việc T.N chia sẻ là điều cần khắc phục ở nước ta nhưng chỉ cần một chút ý thức xây dựng thôi thì T.N sẽ không phát ngôn một cách hồn nhiên như vậy. Hay, trong khi chúng ta tuyên truyền việc chấp hành đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy thì trong nhiều video clip của những ca sĩ vẫn thường xuyên xuất hiện cảnh họ đi ngang nhiên đầu trần. Có ngôi sao ca nhạc, cát sê mỗi đêm diễn từ vài chục triệu tới cả trăm triệu đồng nhưng chậm trễ hoặc nêu đủ lý do khó khăn để không phải đóng thuế...

Người nghệ sĩ chân chính không chỉ phải có trách nhiệm đối với nghệ thuật mà còn phải có ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình. Đây là hai phạm trù có mối liên hệ mật thiết với nhau, nếu xem nhẹ hoặc bỏ qua thì danh tiếng của nghệ sĩ trở nên kém giá trị trong mắt công chúng.

Ca sĩ Thái Thùy Linh: Không làm thiện nguyện để chờ được tôn vinh

Thảo Duyên (thực hiện)

- Chào ca sĩ Thái Thùy Linh! Được biết tới là một ca sĩ nhiệt tình với công tác tình nguyện, hàng loạt chương trình có ý nghĩa xã hội rộng lớn được chị và các cộng sự gây dựng, duy trì như "Mang âm nhạc đến bệnh viện", "Mặc ấm", "Chợ thư viện"... Chị đã bắt đầu công việc từ thiện từ khi nào?

+ Tôi đến với công tác thiện nguyện từ rất lâu rồi. Dù tôi sinh ra trong một gia đình lao động, kinh tế không dư dả gì nhưng từ ông ngoại cho tới mẹ tôi đều thường xuyên làm việc thiện. Ngay từ ngày nhỏ, chị em chúng tôi đã được ông bà, cha mẹ khuyên nhủ, dạy dỗ phải biết giúp đỡ những người khó khăn. Tôi tâm huyết với công tác thiện nguyện không ngoài mong muốn cùng các nhà hảo tâm giúp những người kém may mắn bớt đi phần nào những vất vả trong cuộc sống.

- Là người nổi tiếng đi làm từ thiện, chị tự thấy có những thuận lợi và khó khăn gì?

+ Tôi phải đối mặt với áp lực lớn hơn, kỳ vọng nhiều hơn cùng nghi ngờ và cả thị phi... Nhưng tôi quen dần và xác định mình làm bằng cái tâm trong sáng thì mọi thị phi hay nghi ngờ sẽ sớm được hóa giải thôi.

- Giờ đây, người nổi tiếng đi làm từ thiện không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, một số dùng công việc này như một cách lăng xê bản thân mình... Là người làm thiện nguyện một cách thực tâm và bền bỉ, chị nghĩ về tình trạng này như thế nào?

+ Quan điểm của tôi là tôn trọng công việc của người khác. Tuy nhiên, nếu biết rõ chương trình họ làm núp bóng từ thiện để quảng cáo, lăng xê bản thân, tôi thường không bao giờ đề cập hoặc thổi phồng trên trang cá nhân hay trên kênh thông tin của nhóm. Có một điều tôi không rõ là một số cơ quan truyền thông vô tình hay vì lý do gì nhưng vẫn sử dụng những từ ngữ quá đao to búa lớn khi tung hô những hành động này.

Chúng tôi không dùng cách như vậy nên đây là một điều thiệt thòi cho chúng tôi, thậm chí, thiệt thòi cho cả những người hảo tâm. Có thể cùng với một món tiền ấy, ở những chương trình khác họ được đón tiếp, tung hô rất long trọng. Nhưng tôi vẫn tin họ hiểu sự thực tâm của chúng tôi.

- Không thể phủ nhận mỗi hành động, lời nói của người nổi tiếng có ảnh hưởng không nhỏ đến người hâm mộ, đặc biệt là thế hệ trẻ, vì thế mỗi nghệ sĩ cần ý thức hơn trong mỗi hành động của mình?

+ Thực sự đây là một khái niệm rất rộng đang gây tranh luận chưa có hồi kết. Tuy nhiên, tôi cho rằng có những điều gần như sẽ đúng trong mọi hoàn cảnh. Ví dụ, các nghệ sĩ bằng cách nào đó kêu gọi thanh niên Việt Nam bớt đi sự lười nhác lâu nay, bớt đi những thú tiêu khiển, hành động vô bổ, độc hại như đua xe, dùng ma túy, chém gió trên mạng... Hãy giành thời gian để làm những việc tử tế, như đọc sách, giúp đỡ những người khác, dù là nhỏ thôi...

- Thực tế cho thấy những chương trình do những người nổi tiếng kêu gọi thường thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận nhưng dường như những phong trào này còn quá ít, hay nói cách khác, các nghệ sĩ trẻ hiện nay chưa thực sự chú trọng tới sự đóng góp của mình với xã hội?

+ Tôi lại cho rằng hiện nay có rất nhiều chương trình thiện nguyện có sự tham gia của các nghệ sĩ. Nhưng phần lớn trong số họ là người tham gia hơn là người tổ chức. Tôi có mong muốn xa hơn một chút. Thay vì tham gia, đồng hành và đóng góp, các nghệ sĩ hãy bằng tên tuổi, uy tín của mình để đứng ra khởi xướng phong trào. Khi nhìn thấy trực tiếp thần tượng của mình làm những công việc hữu ích đó, ví dụ như nhặt rác chẳng hạn, họ sẽ làm theo và hiệu quả hơn bất kỳ lời kêu gọi nào.

Có nhiều chương trình mời tôi tham gia, tôi hỏi thẳng luôn là "Tôi giúp gì được cho chương trình?". Nếu họ chỉ cần tôi đứng chụp ảnh, tôi lập tức từ chối vì thời gian ấy tôi có thể làm nhiều việc ý nghĩa hơn. Tôi cũng mong những nghệ sĩ hãy tham gia và tổ chức những chương trình thực sự thiết thực.

- Được biết, trong quá trình làm công tác xã hội, bên cạnh những niềm vui, chị cũng gặp phải không ít phiền lòng, nhưng điều gì khiến chị vượt qua được  nỗi buồn đó để tiếp tục với những dự án vì cộng đồng của mình?

+ Đầu tiên, tôi nghĩ là sự tự tin và quyết đoán ở chính bản thân mình. Trước khi tổ chức chương trình gì, tôi thường suy nghĩ và tìm hiểu thông tin rất kỹ. Chính vì thế khi thực hiện, tôi đã có niềm tin chắc chắn. Tôi luôn hiểu là không ai có thể làm vừa lòng tất cả mọi người nên đôi khi có những thị phi thì cũng không quá ảnh hưởng đến tôi. Nếu mình không có chính kiến sẽ rất dễ rơi vào tình trạng đẽo cày giữa đường. Đôi khi, tính quyết liệt của tôi khiến tình nguyện viên, nhà hảo tâm không hài lòng. Nhưng tôi quan niệm, nếu không tìm được tiếng nói chung thì mỗi người có thể đi con đường riêng của mình.

- Từng được bình chọn là "Gương mặt thanh niên Thủ đô tiêu biểu", "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu"... những danh hiệu đó có ý nghĩa gì với chị?

+ Những giải thưởng đó là sự ghi nhận của xã hội cho những đóng góp của tôi và các cộng sự của mình nhưng đó thật sự không phải là mục đích để tôi đi con đường của mình. Tôi không làm những chương trình này để chờ được tôn vinh. Động lực của tôi chính là những đồng bào vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn, những em bé còn chưa được đến trường...

- Xin cảm ơn ca sĩ Thái Thùy Linh!

Nhạc sĩ Giáng Son: Sự nổi tiếng không phải lúc nào cũng đi kèm với văn hóa

Tuấn Phong (ghi)

Trước khi là một nghệ sĩ, mỗi người đều là một công dân sống trong một cộng đồng nhất định, chính vì vậy theo tôi, việc chấp hành mọi quy định của pháp luật, những chuẩn mực đạo đức cũng như không đi ngược lại những quy tắc ứng xử thông thường là điều phải làm. Không thể lấy danh nghĩa nghệ sĩ để "một mình một kiểu", nhất là khi những điều đó gây ảnh hưởng tiêu cực tới người khác hay cộng đồng. Phần lớn người hâm mộ của các  nghệ sĩ thường là các bạn trẻ - những người chưa có một sự hiểu biết và nhận thức nhất định. Chưa kể đặc điểm của tuổi trẻ là hay bắt chước và nổi loạn, vì vậy, nếu những nghệ sĩ có hành vi chưa đúng sẽ dễ khiến các bạn trẻ  có những hành vi lệch lạc theo.

Sở dĩ chúng ta vẫn thường xuyên chứng kiến những hành vi thiếu ý thức của một số nghệ sĩ trẻ bởi có một số người - sự nổi tiếng đến nhanh mà văn hóa chưa kịp đi liền. Có thể họ nổi tiếng vì một lý do nào đó chứ không phải tài năng. Với phông văn hóa đó, họ chưa kịp hiểu được hành động, lời nói của mình ảnh hưởng tới cộng đồng khác như thế nào. Những hành vi ấy có thể họ hồn nhiên nhưng cũng không ngoại trừ nguyên nhân gây chú ý.

Theo quan sát của cá nhân tôi, dường như ý thức công dân của các nghệ sĩ trong nước chưa thật tốt như các nghệ sĩ nước ngoài. Một phần vì sự chênh lệch về văn hóa, tri thức, phần vì sinh hoạt cộng đồng của chúng ta lâu nay vẫn kém. Gần đây, một số nghệ sĩ đã đứng lên làm từ thiện hay tổ chức được phong trào có ý nghĩa với cộng đồng. Tuy nhiên còn chưa nhiều và thường xuyên.

Để chúng ta có những công dân - nghệ sĩ đúng nghĩa thì quan trọng nhất, mỗi nghệ sĩ phải hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong từng sản phẩm nghệ thuật cũng như trong đời sống. Nâng cao hiểu biết, trình độ là điều quan trọng và cũng là một hành trình dài. Tuy nhiên, theo tôi, để nâng cao ý thức công dân cho nghệ sĩ thì báo chí cũng chiếm một vai trò không nhỏ. Các phương tiện truyền thông hãy bớt đi những thông tin lãng xẹt, bớt việc tung hô những nghệ sĩ không có gì đóng góp cho xã hội. Thay vì lăng xê những việc vô bổ, những người nhảm nhí, báo chí hãy tôn vinh lòng tốt, sự tử tế, những người có trách nhiệm với cộng đồng. Tôi có cảm giác dường như lâu nay, sự vô cảm lên ngôi, con người nhìn nhau, ứng xử với nhau đầy nghi hoặc trong khi thực sự, đời sống còn có nhiều người tốt.. Và hơn bao giờ hết, tôi luôn cho rằng văn hóa gia đình chính là nền tảng để xây dựng những người công dân - nghệ sĩ chân chính.

Nhạc sĩ, ca sĩ Tạ Quang Thắng: Trải nghiệm cuộc sống sẽ nuôi dưỡng tâm hồn

Nguyệt Hà ( thực hiện)

- Là một ca sĩ - nhạc sĩ còn rất trẻ nhưng những sáng tác của Tạ Quang Thắng lại chứa đựng nhiều suy nghĩ về Tổ quốc, về những vấn đề của xã hội, đời sống? Vì sao những đề tài ấy lại cuốn hút bạn?

+ Tôi không gò bó mình vào bất kỳ một mảng đề tài cụ thể nào. Với tôi, những điều thực sự khiến tôi rung cảm sẽ trở thành chất liệu, đề tài cho các tác phẩm âm nhạc của mình. Mảng đề tài về tình yêu dành cho quê hương, đất nước là mảng mà tôi cũng có tác phẩm được công chúng yêu mến. Tôi thích những điều tự nhiên xung quanh mình. Tôi sinh ra, lớn lên bằng những câu chuyện của bố mẹ tôi về thời chiến tranh, bao cấp, tình yêu cuộc sống, yêu đất nước... Tất cả những yêu tố đó đã tạo nên con người tôi. Và vì thế mà âm nhạc của tôi tự nhiên cứ thấp thoáng những câu chuyện đó.

Với tôi, âm nhạc đầu tiên phải hay, sau đó phải mang bản sắc riêng của nghệ sĩ, rồi phải có sáng tạo, cuối cùng thì phải hướng con người ta tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Bất kỳ tác phẩm nào của tôi cũng phải đạt được những yếu tố đó thì tôi mới sẵn sàng đưa ra giới thiệu với công chúng. Tôi mong rằng phần nào đó âm nhạc của chúng tôi sẽ khiến người nghe yêu đời hơn, yêu người hơn, yêu quê hương đất nước hơn.

- Ngoài tình yêu với nghệ thuật, Thắng còn là một nghệ sĩ năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động xã hội... Bạn tìm thấy điều gì trong những hoạt động ấy?

+ Với tôi thì âm nhạc là cuộc sống. Âm nhạc là phương tiện để tôi truyền tải cảm xúc của mình, kể những câu chuyện của mình về thế giới xung quanh. Chính vì thế mà tôi luôn muốn bản thân mình được trải nghiệm thật nhiều. Tôi đi rất nhiều nơi, làm rất nhiều việc cùng với các tổ chức vì cộng đồng. Mỗi nơi tôi đến, mỗi hoạt động tôi tham gia đều cho tôi rất nhiều trải nghiệm đáng quý về cuộc sống, đồng thời đó cũng chính là các chất liệu rất tuyệt vời cho các tác phẩm âm nhạc của mình.

Nghệ sĩ nào cũng cần nuôi dưỡng tâm hồn mình. Vậy nên nếu có thể làm gì đó tốt đẹp cho cuộc sống, cho những người xung quanh thì sao tôi lại không tham gia chứ? Và dù người khác có tin hay không thì tôi thực sự tìm thấy mình trong những trải nghiệm ấy.

-  Có quan điểm cho rằng không ít nghệ sĩ trẻ ngày nay đang rất bàng quan với những vấn đề của đời sống, họ chỉ chăm chăm vào việc làm thế nào để nhanh nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền... Bạn có thấy như vậy không?

+ Đến thời điểm này, tôi đã có hơn 10 năm hoạt động nghệ thuật, tôi đã gặp nhiều người, chứng kiến nhiều việc, học được nhiều thứ và điều tôi nhận ra là mỗi người trong cuộc đời này sẽ có con đường riêng, cách suy nghĩ riêng và lựa chọn hành động khác nhau khi làm nghề. Tất cả những yếu tố đó đều được hình thành ngay từ điểm xuất phát của mỗi người. Với cá nhân tôi, tôi đến với âm nhạc vì tình yêu. Nếu nói làm nghệ thuật mà không mong nổi tiếng thì là nói dối. Thế nhưng với tôi thì đó là điều đến sau và cũng chưa bao giờ là mục tiêu số một cả.

Suy nghĩ đầu tiên của tôi khi quyết định chọn âm nhạc là con đường mình theo đuổi đơn giản chỉ là tôi sẽ cố gắng để trở thành một nghệ sĩ giỏi, có chuyên môn tốt, có thể tạo ra những tác phẩm có giá trị cho công chúng và được giới chuyên môn công nhận. Chính vì thế mà tôi luôn không ngừng học hỏi để trau dồi chuyên môn cũng như trải nghiệm cuộc sống thật nhiều để cho mình thêm vốn sống, tích luỹ nhiều cảm xúc cho tâm hồn.

- Và theo Thắng, ý thức công dân, trách nhiệm của người nghệ sĩ cũng thể hiện ngay trong chính tác phẩm của họ, đúng vậy không?

+ Tôi nghĩ rằng tác phẩm nghệ thuật thể hiện tâm hồn của người nghệ sĩ một cách chân thật nhất, dù có muốn hay không. Những nghệ sĩ giỏi mà tôi biết đều là những người có tâm hồn rất đẹp và các tác phẩm của họ đều hướng con người ta tới những điều đẹp đẽ trong cuộc sống này. Tôi nghĩ mọi thứ đều bắt đầu từ bên trong con người chúng ta mà thôi.

- Bạn có đồng ý với quan niệm rằng bên cạnh những đóng góp nghệ thuật, các nghệ sĩ cần nâng cao ý thức công dân, tạo được những phong trào có ý nghĩa xã hội rộng lớn?

+ Tôi không nghĩ là chỉ riêng nghệ sĩ mà bất kỳ nghề nghiệp nào trong xã hội cũng vậy thôi. Ngoài việc làm tốt công việc của mình ra, nếu có thể làm gì đó có ý nghĩa, đóng góp cho xã hội, giúp đỡ mọi người thì ai cũng nên làm. Khi làm được việc tốt, có ý nghĩa thì tự bản thân mình sẽ thấy vui hơn, có ích hơn và lại càng có nhiều cảm hứng để làm việc.

- Với sự phát triển của mạng xã hội, nghệ sĩ càng có cơ hội đưa hình ảnh của mình tới gần công chúng. Bạn làm thế nào để luôn mang tới những cảm xúc tích cực cho người hâm mộ?

+ Tôi có 2 trang Facebook khác nhau. Một là Fanpage, trang này chuyên đăng tải các thông tin chính thống liên quan đến công việc và hình ảnh của tôi. Tôi còn có 1 trang cá nhân, chỉ dành để kể chuyện vui, trò chuyện với  anh em chơi nhạc và các bạn yêu nhạc của mình một cách vui vẻ. Tôi rất rõ ràng trong việc sử dụng thông tin giữa 2 trang mạng này của mình để có được sự phù hợp nhất. Bên cạnh đó, tôi vẫn sẽ tham gia các hoạt động xã hội. Tôi nghĩ mình còn trẻ nên trải nghiệm nhiều để có kinh nghiệm sống và tích luỹ cảm xúc làm nghệ thuật. Hơn nữa, nếu mình có thể làm gì giúp cho cộng động trở nên tốt đẹp hơn thì cũng đáng để dành thời gian cho những việc đó. - Xin cảm ơn bạn! 

PV
.
.